Thạch Đạt Lang
13-8-2017
Một người bạn – đúng hơn là một người anh, cựu sĩ quan tình báo VNCH trước năm 1975 – sau khi đọc bài viết của tôi: “Văn phòng Tổng Biện lý Đức điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh – Vai trò của Hồ Ngọc Thắng trong vụ bắt cóc”, đăng trên báo Tiếng Dân ngày 11.08.2017, đã gửi cho tôi một email, nội dung phân tích vai trò của Hồ Ngọc Thắng.
Được sự cho phép của anh, tôi xin phổ biến nội dung email đó để độc giả có cái nhìn và nhận định đúng hơn về nhân vật Hồ Ngọc Thắng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Mở đầu anh viết: “Đồng ý với bài viết của chú gần như hoàn toàn, chỉ có một điểm duy nhất tôi thấy không, đó là chú đề cao Hồ Ngọc Thắng quá đáng, thành một Kẻ Nằm Vùng. Không! Hồ Ngọc Thắng không xứng đáng để chú gọi là Kẻ Nằm Vùng, hắn chỉ là một tên chỉ điểm, dây máu ăn phần”.
Là một sĩ quan tình báo nhiều năm kinh nghiệm trong quân đội VNCH, được đào tạo tại Virginia Mỹ, Okinawa, Nhật… anh phân tích tiếp:
“Rất khó lòng phát hiện những tên gián điệp nằm vùng. Họ hoạt động tuyệt đối kín đáo, không bao giờ lộ mặt, ngay cả người thân thiết nhất như vợ con, cha mẹ… nhiều khi cũng không hề biết được những hành vi, công tác, mạng lưới nhân viên, liên lạc của họ… Khi hành sự thâu lượm tin tức, hoạt động phá hoại… không bao giờ họ để lại dấu vết, bằng chứng để có thể bắt giữ, kết tội họ. Chỉ bằng những phân tích, tổng hợp, suy luận trong một thời gian dài cộng với may mắn mới có khả năng phát giác ra họ.
Không một tên nằm vùng nào hoạt động ở hải ngoại lại ngu dốt đến độ tự làm nổi mình lên như Hồ Ngọc Thắng, vào facebook bình luận vụ Trịnh Xuân Thanh, khuyên bảo chế độ CSVN tạm thời án binh bất động, chờ mọi việc lắng xuống, đồng thời chỉ trích chính phủ CHLB Đức. Kẻ Nằm Vùng phải là một con người trầm lặng nhất, không ai biết, không ai để ý, đi không ai rõ, đến không ai hay.
Nếu là người có suy nghĩ bình thường, sống ở Đức một thời gian, giao tiếp, hội nhập vào một xã hội dân chủ, tự do như xã hội Đức, chắc chắn Thắng nhận ra sự bất cập của chế độ Hà Nội với hệ thống cai trị độc tài, độc đảng, cũng như sự hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Huênh hoang, khoác lác như Thắng chỉ biểu lộ tâm thức bệnh hoạn của một con người có chút thành công về tài chánh sau khi tha phương cầu thực ở xứ người, nhìn lại đám bạn bè đồng trang lứa, Thắng cảm thấy cần sự nổi bật, được biểu dương, khen tặng, công nhận như một tấm gương thành công như Phạm Nhật Vượng, Trịnh Xuân Thanh…
Tuy nhiên, khác với Trịnh Xuân Thanh là con Trịnh Xuân Giới, thuộc loại cộng sản nòi, đỏ từ trong trứng hay như Phạm Nhật Vượng về nước bằng các xe tải đô la Mỹ, đủ sức đốt cháy các lãnh đạo đảng CSVN, Thắng không có thế lực đỡ đầu, chống lưng như Thanh, túi không nặng như Vượng. Thân cô, thế cô, Thắng phải tìm cách đi lên bằng các bài viết bài ca tụng chế độ hay cộng tác chỉ điểm cho Hà Nội khi có cơ hội.
Với công việc của một nhân viên di trú và tị nạn liên bang, không bị giới hạn khi truy cập dữ kiện, tình trạng hồ sơ của người đứng đơn, cộng với tâm thức của một tên chỉ điểm, chắc chắn Thắng đã cung cấp cho tòa đại sứ CS Hà Nội ở Berlin về tình trạng cứu xét đơn xin tị nạn, địa chỉ cư trú của Trịnh Xuân Thanh. Việc tình báo của CS Hà Nội ra tay chỉ một ngày trước khi Thanh được phỏng vấn để kết thúc hồ sơ tị nạn, đúng như chú nhận định, là một giả thuyết xác xuất rất cao về sự rò rỉ thông tin của Thanh từ Thắng.
Chưa thể biết có tìm được bằng chứng về những liên hệ giữa Hồ Ngọc Thắng và vụ bắt cóc Thanh hay không, nhưng nếu việc truy cập dữ kiện trong máy chủ (server) của Sở Di Trú và Tị Nạn Liên Bang còn lưu lại ngày giờ truy cập và password của từng nhân viên, thì cảnh sát hình sự Đức có thể tìm ra.
Thắng cũng không phải là kẻ Cuồng Cộng, Cuồng Hồ. Bởi nếu là kẻ Cuồng Cộng, Cuồng Hồ, Thắng đã ở lại Việt Nam để theo đuổi lý tưởng của mình cho dù khổ cực, gian truân đến cỡ nào. Thắng không chịu nổi được nghèo đói, gian khổ, khó khăn, không thể sống được trong một môi trường giáo dục nhồi sọ mà Thắng thấy rõ toàn lừa dối, gian trá, lưu manh, tàn độc,… gần như được đưa lên làm quốc sách cai trị”.
Thắng chỉ là một chiến binh CS loại tép riu, chạy qua Đức theo diện tị nạn kinh tế vì không thể sống nổi nơi quê nhà. Sống ở Đức một thời gian, nhờ tài luồn lách, ma đạo, lưu manh, Thắng chui được vào Sở Di Dân và Tị Nạn Liên Bang BAMF làm việc. Trong bài viết của mình Tôi Gửi Gắm Niềm Tin Vào Sự Lãnh Đạo Của Đảng, Thắng bộc lộ một sự lừa bịp ngu dốt qua câu: ‘Như một món quà cho lần gặp lại sau hơn một tháng tôi về thăm quê hương, một đồng nghiệp người Đức hồ hởi kể với tôi về một bài báo mà trang mạng của Đài Phát thanh Đức (Deutschlandfunk) đã đăng ngày 29-4-2015’.
Chú từng sống ở Đức hơn 36 năm chắc đã rõ, làm gì có đài nào gọi là Đài Phát Thanh Đức Deutschlandfunk bởi chữ Deutschlandfunk tự nó đã sai về cấu trúc ngôn từ. Một người có đủ khả năng tiếng Đức vào đại học phải viết là Deutsche Runfunk, nếu có một đài phát thanh như vậy. Tất cả các đài phát thanh, truyền hình Đức đều ghi rõ tiểu bang, thành phố hay vùng phát sóng như ARD (Das Erste), ZDF (Das Zweite Deusche Fernsehen), SWR (Südwestrundfunk), BR (Baryerischer Rundfunk ) SR (Saarländischer Rundfunk) WDR (Westdeutscher Rundfunk )…
Thắng không dám viết đúng tên bất cứ một đài phát thanh hay truyền hình nào của Đức trong bài viết tuyên truyền bịp bợm của mình, bởi dễ dàng bị phát giác, sẽ bị ra tòa về tội loan tin thất thiệt làm thiệt hại biểu tượng của truyền thông Đức.
Thắng tạo cho mình cái vỏ luật gia để dễ lòe, bịp chẳng những người Việt trong các cộng đồng phía đông và ngay cả cán bộ, đảng viên, lãnh đạo của chế độ CS , Thắng học luật nhưng có tốt nghiệp hay không, tốt nghiệp năm nào…? Có hành nghề liên quan đến luât pháp không, Thắng không hề tiết lộ. Cũng có thể Thắng có ghi danh học luật tại Friedrich-Schiller-Universität ở Jena vài lục cá nguyệt (semester) rồi ghi vào facebook là đã học luật tại đại học Jena, Thüringgen.
Nếu đã từng học luật ở đại học Jena, Thắng phải biết trong một vụ án hình sự là không thể kết án một bị cáo khi tòa án nghi ngờ về sự phạm tội của người đó (In dubio pro reo = Im Zweifel für den Angeklagten). Đây là điều căn bản nhất mà một một sinh viên luật nào cũng biết, nhưng tại sao Thắng vẫn ngang nhiên kết luận Thanh là kẻ tham nhũng trên facebook?
Hồ Ngọc Thắng giống như Nguyễn Phương Hùng, Nguyễn Hữu Liêm… nhưng nguy hiểm hơn nhiều vì không những chỉ làm công tác tuyền truyền cho chế độ CS mà còn chui vào được trong cơ quan công quyền của Đức và (có thể) đã hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, rõ ràng từng chi tiết ngày, giờ, địa điểm hành động. Thói quen sinh hoạt hàng ngày, cách ăn mặc, trang phục của Thanh trong một thời gian dài đã được tình báo theo dõi, báo cáo đầy đủ. (Có thể) với sự trợ giúp của chim mồi là người phụ nữ đi cùng Thanh và dụng cụ định vị GPS xác định Thanh đang ở đâu, việc bắt cóc Thanh xảy ra êm thắm, nhưng không ai ngờ chiếc cellphone của Thanh bị rớt lại trên thảm cỏ.
Cuối cùng, lưu ý chú rằng, trong các cộng đồng người Việt ra đi từ miền Bắc (Đông Berlin, Leipzig, Thüringen…) có nhiều người tự nguyện trở thành chỉ điểm viên như Hồ Ngọc Thắng, làm việc (không công) cho tòa đại sứ CSVN ở Berlin chỉ để đổi lấy một chút ơn huệ nhỏ nhoi như được dễ dàng trong việc xin visa, làm hôn thú, thông hành…”