Để bảo vệ không gian truyền thông tự do

0
102
   
FB Trần Minh Khôi

13-8-2017

Quy chụp, dán nhãn, cáo buộc, sỉ vả là những thứ rác rưởi làm ô nhiễm một không gian truyền thông: chúng lá cải hóa thông tin. Chính vì những rác rưởi này mà dù đã gần hai mươi năm với rất nhiều cố gắng của rất nhiều người ở nhiều thế hệ, từ báo chí của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến bulletin boards đến websites đến Paltalk đến Yahoo 360 và nay là mạng xã hội, không gian truyền thông tự do, mà chúng ta vẫn quen gọi là “lề trái”, vẫn chưa đi qua khỏi thời ban sưởi.

Có thể nói, nếu lấy ra hết những quy chụp, dán nhãn, cáo buộc, và sỉ vả lẫn nhau, không gian truyền thông tự do của chúng ta không còn lại gì bao nhiêu.

Những hiện tượng rác rưởi này kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ tầng lớp xã hội này sang tầng lớp xã hội khác. Không phân biệt già hay trẻ, trí thức hay bình dân, quy chụp và sỉ vả nhau chứng tỏ có một sức cám dỗ rất lớn đối với chúng ta: Chúng ta sỉ vả nhau một cách quá dễ dàng.

Bằng chứng gần đây nhất của sự cám dỗ dễ dãi đó là giữa hai người mà tôi biết: một người cáo buộc và sỉ vả người kia là “dư luận viên”. Người cáo buộc không đưa ra được một bằng chứng nào để buộc tội người kia là “dư luận viên”. Anh chỉ cáo buộc bằng những suy diễn của mình và gọi nó là logic.

“Dư luận viên” là một thuật ngữ có tính miệt thị để chỉ những người làm việc một cách có hệ thống cho một nhóm người hay tổ chức nào đó nhằm vào việc thao túng dư luận theo hướng có hại cho những đòi hỏi tự do. Để buộc tội một ai đó là “dư luận viên”, người buộc tội phải chứng minh cho được ba yếu tố chính tạo nên một dư luận viên: 1) làm việc một cách có hệ thống; 2) thao túng dư luận, nghĩa là cố tình đưa thông tin nhiễu; và 3) có hại cho những đòi hỏi tự do.

Nếu không chứng minh được những điểm này thì người cáo buộc đã phạm phải một lỗi nghiêm trọng của truyền thông: tấn công cá nhân.

Lối tấn công cá nhân này không mới. Nó cùng một cách tấn công cá nhân theo lối chụp mũ “cộng sản” thường thấy trên báo chí của cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ mấy thập niên trước (và ngay cả lúc này) mà thôi. Một người không cần bằng chứng nào cả, và chỉ qua vài suy diễn, có khi rất ấu trĩ, là có thể chụp mũ cho người khác là “cộng sản”, “thân cộng”, hay “cộng sản nằm vùng”. Sự ô nhiễm của lối chụp mũ “cộng sản” này đã tàn phá không gian truyền thông hải ngoại như thế nào thì chúng ta không cần phải bàn đến nữa. Sự ô nhiễm của lối chụp mũ “dư luận viên” này tàn phá không gian truyền thông trực tuyến đang xảy ra.

Vấn đề cốt lõi ở đây là gì?

Tạm thời loại ra cái lý do của một cấu trúc tâm lý hậu thuộc địa đầy mặc cảm, sợ hãi, và dễ dàng bị cám dỗ bởi sự đam mê cảm tính của hành vi tấn công cá nhân mà chúng ta khó có thể kiểm soát được từ trong vô thức. Chúng ta chỉ nói về vấn đề nằm trong sự kiểm soát của chúng ta: thông tin và xử lý thông tin.

Ở đây có sự tương đồng giữa việc nghi ngờ động cơ của một thông tin và nghi ngờ động cơ của một lập luận. Câu hỏi “tại sao anh đưa thông tin này?” giống câu hỏi “tại sao anh lập luận như thế?” Cả hai đều không liên quan đến vấn đề đặt ra bởi thông tin hay lập luận. Một khi chúng ta chất vấn động cơ của một lập luận là chúng ta bước vào ma trận của ngụy biện. Cùng một lý do, chúng ta không chất vấn động cơ của một thông tin. Đây là dấu chỉ của sự trưởng thành về kỹ năng truyền thông.

Trước một thông tin mà người A đưa ra thì người B chỉ có thể chất vấn tính chính xác của nó. Nếu anh ta chất vấn những gì khác bên ngoài thông tin thì anh ta đã bước sang một địa hạt khác. Nếu những chất vấn đó đưa đến cáo buộc và sỉ vả người đưa tin, mà không có bằng chứng nào khác, thì anh ta đã xả rác vào không gian truyền thông.

Một xã hội tự do đòi hỏi mọi thành viên của nó biết hành xử tự do, nghĩa là hành xử với sự tự tin và trách nhiệm. Tương tự, một không gian truyền thông tự do đòi hòi những người tham dự vào nó cũng hành xử tự tin và trách nhiệm.

Và trách nhiệm đầu tiên là không xả rác.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here