Một màn ly kỳ giữa Berlin và Hà Nội: Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

0
591

Ngay giữa trên đường phố, một người đàn ông bị lôi vào trong một chiếc ô tô. Một tuần sau đó, ông ta xuất hiện ở Việt Nam. Trên truyền hình, ông nói rằng ông đã tự nguyện ra đầu thú.

Trịnh Xuân Thanh biến mất mười ngày liền, rồi vào tối thứ năm ông xuất hiện trên Kênh thứ nhất của truyền hình nhà nước, giữa hai bản tin mà trong đó có những người đàn ông mặc com lê xám ngồi trước tượng Hồ Chí Minh. Ông mặc một cái áo thun polo màu đỏ, mặt ông trắng bệch, tóc rối, ông trông có vẻ tiều tụy.

Ông đã tự nguyện trở về Việt Nam, ông nói. Vì ông đã nhận ra rằng ông nên ra đầu thú. Đối với chính phủ, ông là một kẻ phạm tội, người khi là sếp của một công ty nhà nước đã biển thủ rất nhiều tiền.

Đó có phải là bước ngoặt trong một màn ly kỳ chính trị giữa Berlin và Hà Nội hay không? Bộ Ngoại giao [Đức], vào ngày thứ Tư đã nói rằng Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc, ngay giữa thủ đô của nước Đức.

Vào thứ Hai, ngày 24 tháng 7 năm 2017, vào sáng sớm, Trịnh Xuân Thanh cần phải có mặt ở văn phòng Berlin của Sở Liên bang về Nhập cư và Người Tỵ nạn (Bamf). Trước đây gần một năm, ông đã rời Việt Nam. Trong tháng 6, ông nộp đơn xin tỵ nạn chính trị. Cho cuộc hẹn ở tại văn phòng Bamf, ông đã thuê riêng một người phiên dịch, người đã cùng với luật sư chuyên về vụ tỵ nạn của ông chờ ông ở đó. Người này đã chuẩn bị sẵn một hồ sơ chi tiết. Họ muốn chắc chắc rằng người phỏng vấn sẽ tin: Người đàn ông này cần hưởng quyền tỵ nạn.

Điện thoại tắt

Thế nhưng Thanh không xuất hiện. Điện thoại của ông đã tắt. Các luật sư của ông phản ứng ngay lập tức: Victor Pfaff, luật sư tỵ nạn, nhờ người phỏng vấn của Bamf yêu cầu Phòng An ninh vào cuộc, sau này ông thuật lại. Nữ luật sư Petra Schlagenhauf của ông ở Berlin gọi điện cho Sở Cảnh sát Hình sự Tiểu bang Berlin. Ở đó, người ta bảo bà sang bên An ninh Quốc gia. Vào lúc 10 giờ 50, bà viết một thư điện tử: “Vì vậy mà có lo ngại rằng thân chủ của tôi đã bị phía Việt Nam bắt cóc.” Khoảng ba giờ sau đó, một nhân viên An ninh Quốc gia gọi điện thoại lại, nói rằng các đầu mối còn quá ít để mà có thể hành động. Có thể là ông Thanh cũng có liên quan gì đó tới tội phạm có tổ chức, viên cảnh sát nói qua điện thoại.

Ông ấy khuyên các luật sư nên đưa đơn báo người mất tích. Petra Schlagenhauf nhớ lại cuộc trao đổi: “Tôi không thể thuyết phục được An ninh Quốc gia tin rằng đây là một vụ nghiêm trọng.” Nghe không giống như có hành động nhanh chóng – cảnh sát chỉ qua bên Công tố Berlin, cơ quan mà cho tới hạn chót xuất bản báo vẫn không thể liên lạc được.

Điều mà Petra Schlagenhauf còn chưa biết: Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc. Nhiều nhân chứng đã nhìn thấy việc này xảy ra và đã báo cho cảnh sát từ lâu. Theo lời tường thuật lại thì vụ việc xảy ra cứ như trong phim. Chủ nhật, hơn mười giờ sáng trong Tiergarten, một công viên rộng lớn trong trung tâm Berlin. Một chiếc ô tô ngừng lại, Thanh và một người phụ nữ đi cùng với ông bị cưỡng bức lôi vào trong chiếc ô tô mà sau đó chạy đi mất.

Chiếc điện thoại của ông rơi lại hiện trường. Mặc dù vậy, vẫn còn cần thêm một ngày nữa, cho tới khi cảnh sát báo cho bà luật sư: Hầu như không còn nghi ngờ gì nữa, rằng mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một người đồng xứ, ngay giữa Berlin.

Mật vụ từ lâu đã giàn dựng lên huyền thoại của một tên tội phạm hối lỗi tự nguyện trở về. Trong số những người xung quanh Thanh ở Việt Nam xuất hiện những người cất lời khuyên rằng người ta nên yêu cầu ông ấy đầu thú.

Chế độ đã mất ưu thế thông tin

Ba người Việt ngồi trong một văn phòng phía trên một siêu thị bán hàng châu Á ở Berlin-Lichtenberg đã thành công lớn. Tờ báo nhỏ thoibao.de là truyền thông đầu tiên tường thuật về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Qua đó, họ đã đi trước chính phủ mà muốn trình Thanh ra như là một người ăn năn. Con số truy cập vào trang mạng này đã tăng lên gấp mười kể từ ngày thứ hai, phần lớn truy cập đều đến từ Việt Nam. Chế độ cộng sản đã mất ưu thế thông tin trong trường hợp này.

Chính phủ Liên bang [Đức] phản ứng quyết liệt. Bộ Ngoại giao trục xuất nhân viên của mật vụ Việt Nam tại sứ quán ở Berlin, người công khai là bí thứ thứ nhất. Người ta nói về việc “vi phạm trắng trợn Luật pháp Đức và Luật pháp Quốc tế”.

Việt Nam cố gắng bắt Thanh bằng con đường chính thức. Chính phủ xoay qua Interpol, xin gặp nói chuyện với Chính phủ Liên bang [Đức] tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20. Cho tới hôm nay, họ vẫn không đưa ra một đơn yêu cầu dẫn độ chính thức.

Những điều kiện giam giữ nguy hiểm tới tính mạng

Bây giờ thì Thanh ngồi trong trại tạm giam của an ninh ở Hà Nội. Gia đình của ông không tiếp xúc được với ông, ở Việt Nam cho tới nay vẫn chưa có luật sư nào đại diện cho ông. Ai nhận một nhiệm vụ như vậy thì phải tính đến việc chính mình cũng bị đàn áp. Nhà hoạt động nhân quyền Vu Quoc Dung mô tả các điều kiện giam giữ: “Những trường hợp chết trong tù công an không phải là hiếm. Có cả giam biệt lập và bức cung bằng tra tấn.” Và hình phạt tử hình.

Nữ luật sư của Thanh Petra Schlagenhauf đã bảo vệ một người khủng bố của ETA, nhưng chưa từng bao giờ bảo vệ một người bị chính nhà nước của mình bắt đi ngay trên đường phố. Bà đại diện cho Trịnh Xuân Thanh từ năm ngoái. Rằng ông lo sợ chính nước ông, điều này thì ông đã nói với bà nhiều lần. Schlagenhauf đã chuẩn bị cho một vụ tố tụng dẫn độ: “Chúng tôi biết là họ tìm ông ấy, nghe ngóng tin về ông ấy.” Nhưng mà bắt cóc ư?

Kể từ lúc đó, cả một mạng lưới những người đồng hành, luật sư và những người hỗ trợ đã hoạt động tích cực. Nhiều người đã tự bước ra khỏi nơi ẩn nấp. Họ muốn biết Thanh ra sao, chiếc ô tô với bảng số của Séc đã đi theo lộ trình nào để mang ông ấy ra khỏi châu Âu. Và có thật là ông ngồi trong một chiếc máy bay thuê bay thẳng từ Nga về Hà Nội không? Đến một lúc nào đó thì nhiều chỉ dấu xuất hiện: Trịnh Xuân Thanh đã bị mang trở về Việt Nam. Rồi vào ngày thứ Hai, chính phủ Việt Nam cũng thông báo điều đó.

Trong lời tường thuật của chế độ ở Việt Nam thì Thanh là một tên tội phạm. Một người, khi là tổng giám đốc của một công ty dầu từ 2006 đến 2013 được cho là đã biển thủ một số tiền hàng trăm triệu. Vẫn còn trong tháng 6, một bộ trưởng đã nói rằng người ta muốn tìm thấy Thanh, bất cứ ở đâu. Tham nhũng có mặt trên khắp thế giới, và ai làm việc chống lại nó thì được nổi tiếng.

Nhưng cũng có một hình ảnh khác từ truyền thông. Kể từ khi Thanh chạy trốn khỏi Hà Nội trước đây mười một tháng thì ông đã gặp một blogger Việt tên Huy nhiều lần, một trong những kẻ thù nhà nước được tìm kiếm nhiều nhất của Việt Nam. Trong khoảng chừng 20 bài viết, Thanh đã mô tả những cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản, đảng duy nhất được phép hoạt động, mà cho tới 2016 ông ấy thuộc vào trong giới lãnh đạo nó. Thời đó, phe cánh của những người bảo thủ chống lại những chính trị gia kinh tế như Thanh – và đã thắng thế. Thanh mất ghế trong Quốc Hội. Chính ông nhìn thấy lý do cho lệnh bắt giam ở trong đó, lệnh bắt giam mà chính phủ đã đưa ra trong tháng 9 năm ngoái, chứ không phải trong những mưu đồ của ông khi là một doanh nhân ngành dầu hỏa.

Con người quyền lực, nạn nhân hay là cả hai?

Thanh là một người quyền lực và tham nhũng, người đã biển thủ số tiền hàng trăm triệu, hay ông là một nạn nhân của một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng? Hay cả hai đều đúng?

Là đại biểu Quốc Hội, Thanh có một hộ chiếu ngoại giao, cái cho phép ông nhập cảnh vào Đức và ngụ tại đó. Trước đây, Thanh đã từng sống ở Berlin, thường hay có mặt ở Đức vì công việc kinh doanh. Cũng như vợ mình, ông đã nộp đơn xin một giấy phép cư trú. Bà ấy nhận được, nhưng ông thì không. Lý do: Có một “ghi nhận tìm kiếm” từ Hà Nội đối với ông. Luật sư Pfaff của ông biết được như vậy. Vợ của Thanh vẫn còn ở Berlin.

Nữ luật sư của ông ít muốn kể về cuộc sống của Thanh, sợ là điều này có thề gây nguy hại cho những người xung quanh Thanh. Ông có những căn hộ mà ông cho thuê. Ông chỉ một lần phạm một sai lầm. Cho một bài viết trên một blog Việt, ông để cho chụp ảnh. Điều mà ông không biết: Có thể nhận ra là nó được chụp ở đâu – trong một công viên ở Berlin. Ông muốn chuyển sang thế tấn công và phê phán. Bây giờ thì ông phải lo sợ cho tính mạng của mình.

Berlin, thứ sáu 15 giờ 15. Thời hạn mà Bộ Ngoại Giao đưa ra cho nhên viên mật vụ đó đã hết. Sau đó, ông ấy là người không được hoan nghênh, tức là mất địa vị nhân viên ngoại giao và quyền miễn trừ ngoại giao. Người Việt ở Berlin biết tên họ và số điện thoại của người đàn ông này. Một lần gọi: “Hiện không kết nối được với người muốn gọi.”

Marina Mai

Phan Ba dịch

https://www.taz.de/Ein-Thriller-zwischen-Berlin-und-Hanoi/!5432520/

Theo bài báo dưới đây, nhân chứng nhìn thấy cảnh Trịnh Xuân Thanh bị lôi vào chiếc ô tô dưới tiếng la hét dữ dội nên đã ghi lại biển số xe và báo với cảnh sát. Đây là một chiếc xe mang biển số Séc, xe cho thuê nên toàn bộ lộ trình đều biết được qua định vị GPS. Ba mật vụ Việt đã chờ cô gái người Việt đó ở sân bay Tegel (Berlin), chở cô ta đến Tiergarten bắt TXT rồi từ đó chạy sang Praha, thủ đô của Séc và về nước trên một chiếc máy bay chở người bệnh.

Hành trình Berlin-Praha chừng 350 km, chỉ cần chưa đầy 4 giờ đồng hồ là đến nơi.

Phan Ba

https://www.bz-berlin.de/tiergarten/seine-geliebte-fuehrte-den-geheimdienst-zum-ex-funktionaer

Advertisements