Mẹ Nấm: Chọn lựa không im lặng

0
773
Bà Ngoại Tuyết-Lan, em trai Gấu và Mẹ Nấm mừng sinh nhật Nấm. ảnh: Nguyễn Phước Nguyên

By Đinh Yên Thảo – November 9, 2018

Là một blogger từng hoạt động và lên tiếng về các vấn đề xã hội cùng chủ quyền quốc gia từ năm 2009, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ vào tháng 10 năm 2016 và tuyên án 10 năm tù giam. Sau hai năm trong ngục tù, trước sự vận động của các tổ chức, cá nhân gốc Việt và quốc tế, chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp để Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và gia đình đến được Hoa Kỳ vào giữa tháng 10 vừa qua. Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã dành riêng cho Trẻ cuộc trò chuyện về cảm xúc, suy nghĩ của mình trong những năm tháng tù tội và sau vài tuần trên đất nước Tự Do. Xin chân thành cảm ơn nhà thơ Nguyễn Phước Nguyên tại Houston, TX đã cung cấp các ảnh gia đình của Mẹ Nấm NNNQ riêng cho chuyên mục.
Cuộc phỏng vấn do Đinh Yên Thảo thực hiện.

Đinh Yên Thảo: Mến chào Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Nhân cơ hội trò chuyện cùng Như Quỳnh hôm nay, chúng tôi xin chúc mừng và chào đón chị đã đến với xứ sở tự do này. Tâm trạng, cảm xúc và đời sống của Như Quỳnh cùng gia đình sau vài tuần đến Hoa Kỳ này ra sao?

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Xin chào anh Đinh Yên Thảo và quý độc giả của Báo Trẻ. Quỳnh cám ơn sự quan tâm và tình cảm yêu mến của đồng hương Houston, Dallas nói riêng và đồng hương người Việt khắp nơi trên thế giới nói chung đã dành cho Quỳnh và gia đình. Sau hơn hai tuần bị tống xuất khỏi Việt Nam, đến giờ thật sự Quỳnh chưa tin được là mình đang ở Hoa Kỳ, một đất nước tự do. Hiện tại Quỳnh đang cố gắng sắp xếp lại cuộc sống gia đình, dành thời gian cho hai cháu nhiều hơn và đang nỗ lực hòa nhập với cuộc sống mới.

ĐYT: Bộ phim Mẹ Vắng Nhà của đạo diễn Clay Phạm thực hiện về gia đình Như Quỳnh trong thời gian đang bị cầm tù và được tổ chức VOICE phát hành, đã gây nhiều xúc động với những khán giả xem qua. Có lẽ đến Mỹ thì Như Quỳnh mới được xem những thước phim này phải không? Như Quỳnh suy nghĩ gì khi xem bộ phim về chính gia đình mình?

NNNQ: “Mẹ vắng nhà” với Quỳnh là những ghi chép về đời sống thường ngày có giá trị mà Quỳnh đã bỏ lỡ trong hơn hai năm bị cầm tù. Quỳnh không bao giờ tưởng tượng được mình đã để lại cho mẹ một gánh nặng to lớn như vậy khi dấn thân vào con đường tranh đấu cho quyền làm người, cho tự do, dân chủ và chủ quyền của đất nước. Hình ảnh và những câu hỏi của bà Ngoại Quỳnh đã khiến Quỳnh phải bật khóc khi một mình ngồi xem lại bộ phim trên đất Mỹ. Sự ra đi của bà Ngoại luôn để lại trong lòng Quỳnh một nỗi ân hận rất lớn từ ngày bị bắt bởi Quỳnh biết bà bị sốc nặng khi chứng kiến cảnh đứa cháu mình thương yêu bị còng tay, bị dẫn đi trước mắt mình. Rất nhiều đêm nằm trong phòng giam, Quỳnh đã rơi nước mắt khi nghĩ về gia đình mình. Một lần nữa qua đây Quỳnh xin cám ơn đạo diễn Clay Phạm đã ghi lại những hình ảnh mà suốt cuộc đời mình Quỳnh sẽ không bao giờ quên được.

ĐYT: Đúng là những thước phim giá trị mà Clay Phạm có nói là món quà dành cho Như Quỳnh. Cũng trong phim, blogger Trịnh Kim Tiến- một nhà hoạt động dân chủ có kể rằng, nhà cầm quyền và cả chính Kim Tiến đều thấu hiểu cái yếu đuối của một người mẹ, khi sự an toàn tinh thần và thể chất của con cái mình bị đem ra để lung lạc tinh thần những người tranh đấu. Với Như Quỳnh thì sao, khi quyết định dấn thân vào con đường tranh đấu và đối diện thử thách?

NNNQ: Trịnh Kim Tiến đã phát biểu hoàn toàn chính xác. Khi một người mẹ mong muốn một tương lai tốt đẹp cho những đứa con của mình họ sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau. Người thì chuẩn bị cho con ngôi nhà, chiếc xe, một tương lai êm đềm bằng phẳng bằng cách im lặng và làm ngơ trước thực trạng xã hội. Với những bất công mà Quỳnh chứng kiến hàng ngày tại Việt Nam, Quỳnh nghĩ mình chỉ có một lựa chọn là làm sao để thế hệ mai sau phải được tự do thực sự như hàng triệu công dân ở các nước văn minh khác trên trái đất này, vì thế Quỳnh chọn cách lên tiếng. Lựa chọn không im lặng là một quyết định đẩy cả gia đình và họ hàng vào những phiền toái sách nhiễu ngoài sức tưởng tượng. Quỳnh đã từng lựa chọn im lặng sau năm 2009, khi lần đầu tiên Quỳnh bị bắt giam 10 ngày do lên tiếng về vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Tuy nhiên Quỳnh nhận ra sự im lặng không làm mình hạnh phúc được, dù có khó khăn nhưng sự thật là con người chỉ có thể tìm thấy niềm vui khi họ có quyền tự do ngôn luận. Việt Nam trong quá khứ lẫn hiện tại đang đối diện với nhiều hiểm họa từ Bắc Kinh chính vì vậy việc lựa chọn tiếp tục lên tiếng của Quỳnh một lần nữa đã khiến gia đình phải xa cách, nhưng Quỳnh không hối hận.

ĐYT: Xin bày tỏ lòng cảm phục Như Quỳnh, Trịnh Kim Tiến và những người đang lựa chọn sự không im lặng đầy thách đố này. Nhắc về con nhỏ thì chúng tôi đã từng đọc các lá thư và xem các clip phim khá xúc động của Nguyễn Bảo Nguyên – tức Nấm, cô con gái 12 tuổi mà Như Quỳnh đã lấy tên làm bút hiệu viết blog, khẩn cầu sự tự do cho mẹ. Nấm quả là một cô bé đầy cá tính và trưởng thành, Như Quỳnh kể thêm gì về Nấm?

Nguyễn Bảo Nguyên (Nấm) lên 12. ảnh: Nguyễn Phước Nguyên

NNNQ: Nấm là một cô bé can đảm. Quỳnh không nghĩ con mình lại có thể trưởng thành như vậy sau hai năm xa cách. Quỳnh vẫn nhớ thời điểm Quỳnh bị bắt là lúc Nấm tròn 10 tuổi. Tuần đầu tiên trong trại giam Quỳnh đã nuốt nước mắt rất nhiều lần khi nghĩ đến con. Quỳnh có cảm giác mình có lỗi với con rất nhiều khi nhớ lại đôi mắt Nấm nhìn những người công an đã bắt giữ mẹ mình hôm đó. Nấm đã phải trải qua một giai đoạn điều trị tâm lý tại Sài Gòn sau khi Quỳnh bị bắt. Những việc này gia đình Quỳnh chưa bao giờ công bố bởi không muốn Nấm trở thành người nhận được sự thương hại từ bên ngoài. Lần đầu tiên gia đình được gặp mặt Quỳnh là 8 tháng sau khi Quỳnh bị bắt, lúc đó Nấm chỉ ngồi yên quan sát mẹ và Bà Ngoại. Trở về nhà, Nấm đã vẽ lại gương mặt Quỳnh lúc đó với chú thích là bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt. Nhận thức của Nấm có lẽ thay đổi nhiều sau biến cố này. Đến giờ sau hơn hai tuần có thời gian bên con, Quỳnh nhận ra cả hai con mình là người chịu ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất. Quỳnh hy vọng trong một môi trường mới, Nấm có thể tìm lại được nụ cười trẻ thơ của mình dễ dàng hơn.

ĐYT: Rất cảm động khi nghe chia sẻ này về Nấm. Sau những mất mát quá lớn trong vài năm qua, chắc chắn Nấm và Gấu sẽ có một đời sống tốt đẹp hơn ở đất nước này. Quay lại cùng những ngày tháng ngục tù, chúng ta hiểu rằng nỗi sợ hãi và cô đơn là trạng thái tự nhiên của con người, Như Quỳnh đối diện và vượt lên chúng bằng cách nào trong thời gian này?

NNNQ: Những lúc cô đơn Quỳnh thường cầu nguyện. Nỗi sợ hãi lớn nhất của Quỳnh trong suốt những ngày tháng tù đày là khi Quỳnh nghĩ đến các con với mức án 10 năm tù của mình. Lúc đó trong đầu Quỳnh chỉ còn một câu hỏi: “Mười năm nữa, khi Nấm đã bước qua tuổi thiếu nữ và Gấu bước qua tuổi thiếu niên, các con mình sẽ ra sao?” Những lúc như vậy Quỳnh cố dẹp bỏ hình ảnh các con và gia đình ra khỏi tù, Quỳnh đọc kinh, cầu nguyện và phó dâng mọi sự vào tay Thiên Chúa.

ĐYT: Thái độ và cách đối xử của những nhân viên an ninh với chị ra sao? Họ cố thuyết phục chị điều gì khi trong tù và trước khi áp giải chị ra phi trường?

NNNQ: Đa phần công an Việt Nam luôn muốn tỏ ra họ là người tốt mặc dù họ cư xử với Quỳnh khá khắc nghiệt. Thời gian đầu bị tạm giam Quỳnh không thể nhắn gia đình gửi quần áo ấm, chăn màn dù thời tiết lạnh. Họ luôn cố thuyết phục Quỳnh tin rằng mọi người đã bỏ rơi Quỳnh và không còn ai tranh đấu cho nhân quyền nữa. Họ luôn muốn Quỳnh tin rằng đảng cộng sản đã luôn đúng khi lựa chọn phương thức ngoại giao với Trung Cộng. Và họ muốn Quỳnh biết ơn họ vì họ đã cố gắng “đàm phán” để Hoa Kỳ chấp nhận cho mẹ cùng hai con Quỳnh đi định cư.

ĐYT: Đại diện Đại Sứ Quán Hoa Kỳ đã vào thăm và cho Như Quỳnh biết tin về khả năng sẽ đi Mỹ hồi tháng Bảy năm nay phải không? Chị cân nhắc điều này ra sao? Bên cạnh đại diện của Mỹ, có cá nhân hay tổ chức quốc gia nào đã được phép vào thăm Như Quỳnh không?

NNNQ: Ngày 29 tháng 7 năm nay, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có chuyến thăm Quỳnh tại Trại giam số 5, thuộc Yên Định – Thanh Hóa. Họ thông báo rằng chính phủ Việt Nam đồng ý để Hoa Kỳ bảo lãnh Quỳnh đi định cư. Trước khi cuộc gặp này diễn ra, bên phía công an trại giam đã có cuộc trao đổi khá dài với Quỳnh, họ thuyết phục Quỳnh nên đồng ý. Họ có gợi ý Quỳnh viết một lá đơn xin tòa án tha tội nhưng Quỳnh đã từ chối. Họ hỏi Quỳnh có vui không khi được Mỹ bảo lãnh và Quỳnh đã trả lời “tôi không vui”. Đây là một lựa chọn khó khăn, và trong thời khắc ngắn ngủi buộc phải đưa ra quyết định, Quỳnh đã chọn tương lai của các con mình.

Trong thời gian bị cầm tù, không một quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào được phép vào thăm Quỳnh, ngay đến cả họ hàng, bạn bè tại Việt Nam cũng vậy dù có nhiều người đến tận trại giam cùng mẹ Quỳnh.

ĐYT: Theo như thông báo đăng trên trang mạng của tổ chức Bảo Vệ Ký Giả CPJ, Như Quỳnh sẽ được vinh danh và trao giải thưởng báo chí tự do trong tháng 11 này phải không? Vài chương trình hoạt động ngắn hạn với giới truyền thông, chính phủ và các tổ chức quốc tế trong thời gian trước mắt của chị như thế nào, chị dự định sẽ chuyển đạt những điều gì?

NNNQ: Quỳnh sẽ tham dự lễ trao giải của CPJ vào trung tuần tháng 11 sắp tới tại New York. Trước đó Quỳnh cũng có lịch hẹn điều trần tại Washington DC. Quỳnh sẽ tiếp tục lên tiếng cho tự do của chị Trần Thị Nga – một tù nhân chính trị – một người mẹ có hai con nhỏ khác hiện đang bị cầm tù. Tự do này không chỉ cho Quỳnh, cho chị Nga mà còn cho tất cả những người Việt Nam khác đang bị đàn áp.

ĐYT: Chắc chắn là vậy, cho đến khi chúng ta không còn những tù nhân lương tâm nữa. Xin hỏi là đã từng viết blog, Như Quỳnh có ý định viết blog lại không và nếu cầm bút trở lại thì Như Quỳnh sẽ ưu tiên về những vấn đề gì?

NNNQ: Hiện tại vì lý do sức khỏe, mắt Quỳnh không được tốt lắm nên Quỳnh sẽ tập trung dành thời gian cho hai cháu, cho mẹ, ổn định cuộc sống trước mắt. Trang Facebook cá nhân của Quỳnh hiện đang bị “vô hiệu hóa” chưa rõ lý do. Quỳnh nghĩ, khao khát tự do đã ăn vào máu, đã ngấm sâu vào con người mình rồi thì khó mà im lặng được. Ưu tiên hàng đầu của Quỳnh vẫn là Việt Nam, vẫn tranh đấu cho một Việt Nam không phụ thuộc Trung Cộng và tự do, hạnh phúc cho tất cả đồng bào của Quỳnh tại quê nhà.

ĐYT: Nhiều người ngưỡng mộ về sự can đảm và hy sinh của Như Quỳnh và cũng hiểu rằng chị cùng gia đình cần có thời gian để hội nhập và ổn định đời sống mới như tất cả những người tị nạn khác. Như Quỳnh có tâm tình gì muốn chia sẻ đến mọi người đã từng ủng hộ mình trước khi kết thúc cuộc trò chuyện? Nếu có độc giả nào đó muốn gởi thư thăm hỏi Như Quỳnh và gia đình thì sẽ gởi về đâu?

NNNQ: Quỳnh nghĩ trước hết mọi người cần nhìn Quỳnh như một người bình thường thôi. Quỳnh cũng có lúc mệt mỏi và sợ hãi như bao nhiêu người khác, nhất là khi phải đối diện với thay đổi quá lớn trong cuộc sống. Quỳnh mong mọi người bỏ qua những thiếu sót vô tình mà Quỳnh mắc phải do chưa thể hội nhập với đời sống hiện tại. Và qua đây Quỳnh xin cám ơn tấm chân tình mà quý đồng hương đã dành cho Quỳnh và gia đình trong suốt thời gian qua. Mọi người có thể liên lạc với Quỳnh qua PO Box 2014, Sugar Land, TX, 77487.

Chân thành cám ơn anh Đinh Yên Thảo và Báo Trẻ đã dành cho Quỳnh cuộc phỏng vấn này. Cám ơn tình cảm và sự quan tâm của tất cả mọi người. Quý mến chúc mọi người sức khỏe và bình an.

ĐYT: Cảm ơn Như Quỳnh đã dành thời gian cho cuộc chia sẻ này. Thay mặt độc giả, xin chân thành cảm ơn sự dấn thân và ngọn lửa tranh đấu mà Như Quỳnh đã chuyển tiếp đến nhiều người. Mến chúc Như Quỳnh, cô Tuyết Lan cùng hai cháu Nấm, Gấu sớm ổn định và hội nhập vào đời sống mới với mọi chuyện tốt lành nhất.

Đ.Y.T