Liên Hiệp Quốc vào cuộc vụ anh rể ‘bạo hành’ em vợ ở Việt Nam

0
18
Nữ sinh tố cáo anh rể "bạo hành".
VOA

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) mới cho biết đang “hợp tác chặt chẽ” với chính phủ Việt Nam về vụ anh rể bị cáo buộc “bạo hành” em vợ, vốn làm mạng xã hội “dậy sóng” nhiều ngày qua.

Trên Facebook, một nữ sinh trung học cuối tháng trước đã đăng ảnh bị thương ở miệng, tố cáo anh rể, một người dẫn chương trình truyền hình quốc gia, “hành hung” trong “thời gian dài”.

Câu chuyện mà học sinh 15 tuổi này cho là “vấn đề đang rất nổi cộm trong xã hội hiện nay” đã thu hút được nhiều bình luận của các cư dân mạng và khiến cơ quan chức năng vào cuộc.

Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa thấy kết luận cuối cùng trong bối cảnh xuất hiện các thông tin trái chiều, cáo buộc lẫn nhau của nữ sinh và người chồng của chị.

Hình ảnh tố cáo của nạn nhân trên Facebook.

UNICEF Việt Nam sau đó cho hay “đã biết được các thông tin về trường hợp bạo hành trẻ em được đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội” và “tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đối tác chính phủ Việt Nam”.

UNICEF Việt Nam tin tưởng rằng các cơ quan chính phủ [Việt Nam] sẽ hoàn thành trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, theo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

“Ở thời điểm này, chúng tôi đã được thông báo các cơ quan hữu quan đang xem xét vụ việc này một cách nghiêm túc và tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo đánh giá chính xác vụ việc và hỗ trợ cho trẻ”, cơ quan hỗ trợ trẻ em của Liên Hiệp Quốc nói.

Trên trang Facebook, tổ chức này cũng cho biết rằng “gần 68,4% trẻ em Việt Nam độ tuổi 1-14 được báo cáo là đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà”.

Cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc cho hay sẽ “duy trì trao đổi với các đối tác chính phủ, hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết” và bày tỏ tin tưởng rằng Hà Nội “sẽ hoàn thành trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, theo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”.

UNICEF bày tỏ tin tưởng rằng Việt Nam “sẽ hoàn thành trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, theo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”.

Tuyên bố của UNICEF đã nhận được nhiều phản hồi của người sử dụng mạng xã hội.

Facebooker tên Rose Nguyễn viết: “Tôi hi vọng UNICEF Việt Nam không những can thiệp và lên tiếng về các trường hợp bạo hành trẻ em mà còn các trường hợp thương tổn thể xác và tinh thần các em trong những vụ hiếp dâm trẻ em mà báo chí đưa tin gần đây. Hi vọng chính phủ VN sẽ có Luật pháp răn đe và hình phạt cao hơn…”

Hôm 5/6, tại phiên chất vấn ở Quốc hội Việt Nam, một quan chức đứng đầu ngành phụ trách các vấn đề xã hội cho biết rằng “mỗi năm có khoảng 2000 trẻ em bị xâm phạm”.

Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nói rằng con số trên “thực tế có thể cao hơn”.

Bức hình nhân chứng Vajay (quốc tịch Ấn Độ) tố ông Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô bé gái ở chung cư.

Về việc xử lý các vi phạm, ông Dung nói rằng “chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, từ tuyên truyền vận động tới, hình thành đường dây nóng 111, xử lý một só vụ việc nóng”, theo trang web của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Quan chức này cho biết rằng ông “trực tiếp” nêu quan điểm trong nhiều vụ việc, như kết quả xử cho hưởng án treo đối với ông Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu vì tội “dâm ô với trẻ em”. Sau áp lực của dư luận mạng xã hội, tin cho hay, hôm 1/6, bản án này đã bị hủy và cụ ông 78 tuổi bị tuyên án 3 năm tù.

Tại Quốc hội hôm 5/6, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhận định rằng “xâm hại trẻ em là vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội”, theo VnExpress.

Ông cho hay, 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan tố tụng “đã khởi tố 701 vụ, trong đó có 486 vụ đã xét xử với 490 bị can” và để giải quyết vấn đề này “cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm đã “đề nghị có quy trình điều tra đặc biệt với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”.