Lệnh trừng phạt Mỹ và Anh áp lên quân đội Myanmar liệu có hiệu quả?

0
2
  • Tim McDonald
  • BBC News

Anh Quốc và Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt lên hai tập đoàn quân sự của Myanmar trong một động thái gây áp lực đáng chú ý lên giới lãnh đạo nước này.

Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC) và Myanmar Economic Holdings Ltd (MEHL) nắm kiểm soát một phần quan trọng của nền kinh tế Myanmar, với lợi ích xuyên nhiều ngành công nghiệp chính của đất nước.

Bộ Ngân khố Mỹ hiện đã thêm hai tập đoàn vào danh sách đen, đóng băng bất kỳ tài sản nào công ty sở hữu ở Mỹ và cấm các cá nhân lẫn doanh nghiệp Mỹ giao dịch với họ.

Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên MEHL.

Đảo chính Myanmar: Mỹ công bố trừng phạt các lãnh đạo quân sự

Đảo chính Myanmar: Giới trẻ âm thầm tẩy chay quân đội

Ngoại trưởng Antony Blinken nói: “Những hành động này sẽ nhắm cụ thể đến những người dẫn đầu cuộc đảo chính, lợi ích về mặt kinh tế của quân đội và các nguồn tài trợ cấp cho cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Miến Điện”. “Họ không nhắm vào người dân Miến Điện.”

Các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ từ lâu đã thúc ép các biện pháp trừng phạt nhắm vào hai tập đoàn, cho rằng họ tài trợ cho quân đội đàn áp những người biểu tình.

Nhưng cho đến nay, Mỹ là cường quốc duy nhất áp lệnh trừng phạt lên hai doanh nghiệp này, trong khi các đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar ở châu Á đã từ chối lệnh trừng phạt.

Giới chỉ trích lo lắng rằng áp lực tăng lên sẽ không nhằm nhò để buộc sự thay đổi nào.

Richard Horsey, một chuyên gia Myanmar thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết: “Sức ảnh hưởng thật sự không nằm ở đó.”

Những căn hộ có tài trợ cho việc vi phạm nhân quyền không?

Một ví dụ chỉ ra sự phức tạp của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt và thực thi chúng là Golden City, một công trình phát triển phức hợp ở Yangon với tầm nhìn không bị cản trở đến chùa Schwedagon nổi tiếng nhất của thành phố.

Nhóm hoạt động Công lý cho Myanmar nói rằng sự phát triển này là một món lời béo bở cho quân đội Myanmar đổ hàng triệu vào bộ phận quân sự “nơi mua vũ khí chiến tranh được sử dụng lên người dân Myanmar để thực hiện tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.”

Screengrab from ETC website

Công ty đã niêm yết tại Singapore Emerging Towns and Cities (ETC) – sở hữu 49% cổ phần trong việc mở rộng thông qua một số công ty địa phương – đã ngừng giao dịch vào tháng 2 sau khi Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar) công bố các cáo buộc và sàn giao dịch chứng khoán đã yêu cầu công ty giải thích về phần mình trong dự án.

Công ty thừa nhận đối tác của họ ở Myanmar có mối quan hệ với quân đội. Công ty thực hiện thanh toán tiền thuê cho Golden City vào một tài khoản do Văn phòng Tổng giám đốc quản lý, nơi báo cáo cho Bộ Quốc phòng.

Nhưng ETC phủ nhận những khoản tiền đó có thể được sử dụng cho việc vi phạm nhân quyền, đồng thời nói rằng theo luật Myanmar, Cục trưởng cục quân nhu phải chuyển tất cả tiền vào tài khoản ngân sách của chính phủ. Và công ty nói với sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) rằng đó là nơi trách nhiệm của họ kết thúc.

“Công ty có quyền cho rằng việc áp dụng các quỹ do các bộ của chính phủ Myanmar quản lý là tuân theo các quy định hiện hành của luật pháp Myanmar và do đó, không đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc sử dụng thực tế các khoản tiền cho thuê mà họ có nghĩa vụ phải thực hiện”, ETC nói trong phần trả lời cho các câu hỏi từ SGX.

Công ty đã tạm ngừng giao dịch trước đó trong tháng 3 trên sàn giao dịch Singapore trong khi tìm một đánh giá “độc lập” để làm rõ các giao dịch của mình tại Myanmar cho các nhà đầu tư.

ETC đã từ chối yêu cầu phỏng vấn và đại sứ quán Myanmar tại Singapore đã không phản hồi các yêu cầu bình luận.

Tranh cãi về sự phát triển trên phản ánh phản ứng rời rạc của quốc tế đối với cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2. Các nhà hoạt động có thể khiến ETC đau đầu, nhưng công ty không thể vi phạm các lệnh trừng phạt vì Singapore chưa áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Liệu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả?

Cả những người chỉ trích lẫn người đề xuất cách tiếp cận cứng rắn hơn đều đồng ý rằng cho đến nay, các lệnh trừng phạt – vốn chỉ nhắm vào những kẻ đứng đầu của Myanmar – là tương đối yếu.

“Quân đội Myanmar sẽ gục xuống đất, khóc và nói ‘trời ơi, tôi bị mất visa vào Mỹ, cuộc đời tôi chấm hết’. Họ có thể sẽ bật cười”, Kishore Mahbubani, một cựu quan chức ngoại giao Singapore và là Nghiên cứu viên loại xuất sắc tại Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói.

Getty Images

Nói rộng hơn, các biện pháp trừng phạt như một công cụ về mặt chính sách có một hồ sơ chắp vá. Các nhà nghiên cứu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) đã đánh giá hơn 200 trường hợp và nhận thấy rằng chỉ một phần ba là thành công triệt để hoặc một phần. Những người khác sử dụng cùng dữ liệu đưa ra tỷ lệ tác động chỉ 5%, cho rằng các nhà nghiên cứu PIIE đã quá hào phóng trong định nghĩa của họ về thành công.

Việc theo dõi hồ sơ ở Myanmar – vốn không nằm trong nghiên cứu PIIE – đang được tranh luận nóng hổi. Một số người nói rằng nó đóng vai trò quan trọng trong việc buộc chế độ quân sự phải trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và mở cửa trở lại đất nước cách đây một thập kỷ, trong khi những người khác cho rằng chúng không quan trọng hoặc chỉ tạo ra sự khác biệt sau khi chính quyền cầm quyền quyết định thay đổi đường lối.

Đảo chính Myanmar: Bé gái 7 tuổi bị lực lượng an ninh bắn chết

Biểu tình Myanmar: Đàn áp đẫm máu sau vụ công ty TQ bị đốt phá

Gary Hufbauer, người đứng đầu nghiên cứu của PIIE, cho biết các biện pháp trừng phạt có xu hướng có cơ hội thành công cao hơn đối với các nước nghèo như Myanmar. Nhưng chúng có xu hướng thành công nhất khi các mục tiêu vừa phải, các quốc gia mục tiêu không chuyên quyền, và họ thiếu các “hiệp sĩ đen” bên ngoài, những người có thể ném cho nền kinh tế của họ một chiếc phao cứu sinh.

Các biện pháp trừng phạt gây tổn hại nhiều hơn gây lợi?

Các lệnh trừng phạt trước đây đối với Myanmar đã có tác động nhân đạo. Ví dụ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính rằng lệnh cấm nhập khẩu hàng dệt may của Miến Điện năm 2003 của Mỹ đã gây thiệt hại cho 50-60.000 việc làm (mặc dù các đơn đặt hàng từ EU đã giảm bớt tác động).

Ông Horsey lo ngại rằng người dân bình thường chứ không phải chính phủ một lần nữa có thể phải trả giá, đặc biệt nếu các lệnh trừng phạt hóa thành một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm làm nhà nước vỡ nợ. Nhưng các nhóm nhân quyền nói rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại nhằm mục tiêu cụ thể hơn so với những biện pháp mà Myanmar phải đối mặt trước đây, và chỉ ra rằng các nhà hoạt động dân chủ ở Myanmar đang tẩy chay các công ty có liên hệ với quân đội.

Phil Robertson của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Chúng tôi không làm bất cứ điều gì mà người dân Myanmar không tự làm.”

Dính mắc quân đội

Nếu các lệnh trừng phạt nhằm làm tổn thương quân đội mà không đóng cửa nền kinh tế, thì câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có thể hoạt động ở Myanmar trong khi cẩn trọng tránh thỏa thuận với hai tập đoàn hay không.

Htwe Htwe Thein, Phó Giáo sư Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Curtin ở Perth, cho biết hai doanh nghiệp này không phải là tất cả, và nhiều công ty hàng tiêu dùng có thể tiếp tục hoạt động. Nhưng điều này cũng không đúng đối với lĩnh vực tài nguyên của Myanmar.

“Quyền sở hữu của quân đội tràn lan ở đó, khắp mọi nơi trong lĩnh vực khai thác”, bà nói.

Getty Images

Nhưng nếu các lệnh trừng phạt buộc các công ty dầu khí phương Tây rút lui, ông Horsey hy vọng rằng các doanh nghiệp từ Trung Quốc hoặc Thái Lan sẽ thay thế họ.

Ông Horsey nói: “Nếu các công ty như Woodside và Total buộc phải thoái vốn, họ sẽ phải bán bớt tài sản của mình với giá khá rẻ, và quá rõ là ai sẽ mua chúng”.

ASEAN so với phương Tây

Theo số liệu của chính phủ Myanmar, Trung Quốc và Thái Lan chiếm hơn một nửa khối lượng thương mại của cả nước, trong khi Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, tạo ra 11 tỷ đôla trong 5 năm qua.

Trong khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, khối này đã thẳng thừng bác đi các biện pháp trừng phạt.

Ông Mahbubani lập luận rằng ngoại giao kín đáo sau hậu trường có thể đạt được nhiều điều hơn.

“Đó là cách Đông Nam Á để tránh việc đối đầu. Và thẳng thắn mà nói, quý vị phải thừa nhận rằng điều đó đã giữ cho Đông Nam Á hòa bình trong 30, 40 năm nay, tìm ra các giải pháp ngoại giao, đối thoại với nhau và thay đổi suy nghĩ của mọi người”, ông nói.

Getty Images

Phil Robertson quy việc miễn cưỡng của Asean là tư lợi.

“Nếu để cho ASEAN xử, sẽ không có gì xảy ra cả”, ông nói.

“Và ý tưởng rằng bằng cách nào đó chúng sẽ trở thành một phần của giải pháp thì thật là nực cười”.

Ông Mahbubani nhìn nhận việc này rất khác. Ông cho rằng cách tiếp cận chỉ trích, thô bạo của phương Tây trong cuộc khủng hoảng Rohingya, lớn tiếng lên án bà Aung San Suu Kyi vì sự khiên cưỡng trong hành động của bà, có thể đã thuyết phục quân đội rằng họ có thể chống lại bà vì bà không còn đồng minh nữa. Và ông ấy nghĩ rằng không có khả năng các lệnh trừng phạt sẽ thay đổi ý định của quân đội bây giờ.

“Họ là những người rất cứng đầu. Bạn càng gây áp lực cho họ, thì họ sẽ càng lấn lướt”, ông nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-56490704