Hạn chế vai trò giám sát?

    0
    158
    Công an hình sự đánh nhà báo.
    baomoi.com
    Bộ Công an đưa ra Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị nhằm hạn chế đối tượng sử dụng… đang gặp phản ứng quyết liệt từ người dân, luật sư đến các nhà quản lý, đặc biệt là báo giới!
    Han che vai tro giam sat? - Anh 1
    Người dân ghi hình CSGT thực thi nhiệm vụ (Ảnh minh họa: Báo Giao thông)

    Nhận xét chung của giới phản biện: Dự thảo này đã hạn chế vai trò giám sát của nhân dân, theo đó ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch xã hội trong khi Đảng và Chính phủ ta đang động viên toàn dân phát huy vai trò giám sát để hoạt động chống tham nhũng đạt kết quả cao, bởi tham nhũng cũng là một nguy cơ làm suy yếu đất nước.

    Mục tiêu của xã hội ta đang hướng tới nền dân chủ. Minh bạch là một trong các yếu tố cấu thành nền dân chủ. Nếu mọi hoạt động xã hội đều đảm bảo tính minh bạch thì các cơ quan an ninh chẳng có lý do gì phải ngại cả. Cha ông ta có câu: “Cây ngay bóng tròn”. Chỉ khi chúng ta quản không được thì mới cấm. Tất nhiên, chúng ta đồng tình chia sẻ với Bộ Công an ở chỗ: Minh bạch cũng phải có giới hạn! Có điều, giới hạn đến mức nào thì luật và các văn bản dưới luật đã quy định rõ mà lâu nay ta vẫn nôm na gọi “điều quốc cấm”.

    Nhiều nhà báo gạo cội và quản lý báo chí cho rằng, để phanh phui các vụ việc tiêu cực, nếu nhà báo tác nghiệp công khai thì sẽ gặp khó trong việc thu nhận tư liệu. Do vậy, phải sử dụng các phương tiện và nghiệp vụ ẩn thì mới có hiệu quả, bởi ở những “tổ tò vò” ma túy, các “động” lắc, cơ sở sản xuất hàng giả… đều được bảo vệ “tường cao, hào sâu”. Do vậy, phóng viên tác nghiệp khi đột nhập vào đó dưới các vai hóa trang đều phải có thiết bị đặc chủng hỗ trợ. Nếu tước đi các thiết bị đó, đồng nghĩa với việc không có bằng chứng để tố cáo.

    Một điểm quan trọng trong dự thảo được các luật sư chỉ ra: Nội dung của dự thảo vượt quá phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng và thiếu sự đồng nhất. Dự thảo xác định rõ “phạm vi điều chỉnh” và “đối tượng áp dụng” là “hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”, tức là chỉ điều chỉnh hoạt động của các chủ thể kinh doanh mà không điều chỉnh việc sử dụng các thiết bị phần mềm này. Ấy vậy nhưng, nội dung của dự thảo lại quy định, hạn chế hoặc cấm cá nhân công dân sử dụng các thiết bị này trong sinh hoạt đời sống!

    Ở khía cạnh khác, một số luật sư cho rằng: Việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong các máy điện thoại để phục vụ nhu cầu của bản thân, trong đó có những mục đích được pháp luật cho phép như: Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần đẩy lùi cái xấu, đó là quyền của công dân được quy định trong hiến pháp, đồng thời đó cũng là quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Vấn đề cốt yếu ở đây là, cá nhân sử dụng phương tiện với mục đích gì. Nếu để bôi nhọ cá nhân, tập thể, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì tất nhiên sẽ có những chế tài phù hợp xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Nếu người dân sử dụng thiết bị đó vào những mục đích lành mạnh, hợp pháp mà cấm họ sử dụng thiết bị đó thì quy định trên là vi hiến!

    Dự thảo đang ở giai đoạn lấy ý kiến để chỉnh sửa, bổ sung nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Hiện tại và trước đây, với chiếc điện thoại thông minh, nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn đã trở thành những giám sát viên tích cực, góp phần ngăn chặn, hạn chế, phơi bày nhiều vụ việc tiêu cực trong đời sống. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Do vậy, cấm ghi âm, ghi hình phổ quát đối tượng… là hạn chế sự minh bạch của xã hội.

    Thế Lữ