Đưa tin về tự tử: Những điều cần tránh, những việc nên làm

    0
    8

    LUẬT KHOA

    Truyền thông đúng cách về tự tử có thể giúp giữ được nhiều mạng sống khác.

    Luật Khoa tạp chí06 Apr 2022

    Lời tòa soạn:

    Những vụ tự tử của trẻ vị thành niên không phải là chuyện mới xảy ra. Tuy vậy, trong những vụ việc thương tâm gần đây, việc đưa tin dồn dập và tường thuật chi tiết một cách thiếu cân nhắc trên báo chí và mạng xã hội có nguy cơ dẫn đến hiệu ứng lây lan hành vi tự tử. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nguy cơ này là có thật, và truyền thông đóng một vai trò quan trọng.

    Các nguyên tắc/ hướng dẫn khi truyền thông về tự tử đã được xác lập và phổ biến trên thế giới, nhưng chúng vẫn còn xa lạ ở Việt Nam. Chúng ta vẫn đang thấy những bài báo tường thuật chi tiết cách thức tự tử, nêu rõ danh tính người tự tử, thậm chí đăng cả ảnh và clip minh họa.

    Chỉ trích các bài báo như vậy là cần thiết, chỉ ra cách đưa tin thế nào cho đúng còn có ích hơn. Trong bài viết này, Luật Khoa xin giới thiệu tài liệu hướng dẫn truyền thông về tự tử của Reporting on Suicide. Các khuyến nghị được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của một mạng lưới hơn 20 tổ chức và nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tâm lý học, tâm thần học, truyền thông và ngăn ngừa tự tử. Xem chi tiết tại đây.

    Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tự tử

    • Hơn 100 nghiên cứu trên toàn cầu đã cho thấy hành vi tự tử có thể lây lan, và việc truyền thông một cách có trách nhiệm có thể giảm thiểu rủi ro xảy ra các vụ việc tương tự.
    • Nghiên cứu cho thấy thời lượng, tần suất, và độ nổi bật của việc đưa tin là những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc làm gia tăng nguy cơ lây lan tự tử.
    • Truyền thông một cách cẩn trọng về các vụ tự tử có thể thay đổi quan niệm, bác bỏ các giai thoại vô căn cứ và phổ cập thông tin về sự phức tạp của vấn đề.
    • Các bài báo/ sản phẩm truyền thông có thể hướng người muốn tự tử đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ nếu như có các nguồn tham khảo hữu ích cùng với thông điệp của sự hy vọng và phục hồi.

    Khuyến nghị: Những điều cần tránh – Những việc nên làm

    Làm theo các lời khuyên bên dưới có thể tránh được các tác hại khi đưa tin về tự tử:

    Recommendations.png

    Nguồn: Reporting on Suicide. Thiết kế: Luật Khoa.

    Những cách truyền thông có trách nhiệm

    • Đưa tin về tự tử như một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Nên đăng kèm theo bản tin những câu chuyện mang lại hy vọng, sự an ủi và chữa lành – việc này có thể giúp làm giảm rủi ro lây lan.
    • Cung cấp thông tin tham khảo. Đưa thông tin về các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự tử cũng như đường dây nóng hỗ trợ và các phương thức điều trị. Ở Việt Nam, người dân có thể gọi 111 – Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em hoặc số 096 306 1414 – Đường dây nóng Ngày Mai.
    • Nhấn mạnh về sự hỗ trợ và niềm hy vọng. Tạo ảnh hưởng tích cực từ các câu chuyện về những người từng có ý định tự tử và đã hồi phục; họ đã được giúp đỡ và thực hành các kỹ năng ứng phó ra sao.
    • Tham vấn chuyên gia. Phỏng vấn các chuyên gia về sức khỏe tâm trí hoặc ngăn ngừa tự tử để chứng thực các thông tin về nguy cơ tự tử cũng như các bệnh về tâm lý – tâm thần (mental illness).

    Thông tin hữu ích có thể đăng cùng các bài báo

    Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự tử

    • Nói đến việc muốn chết
    • Tìm cách tự vẫn
    • Nói đến cảm giác vô vọng hoặc không có mục đích sống
    • Nói đến cảm giác bị mắc kẹt hoặc sự đau đớn không thể chịu đựng nổi
    • Nói rằng mình là gánh nặng của người khác
    • Sử dụng thức uống có cồn hoặc chất gây nghiện nhiều hơn
    • Hành xử một cách lo lắng, bồn chồn, bất cẩn
    • Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
    • Thu mình hoặc cảm thấy bị cô lập
    • Biểu hiện tức giận hoặc nói đến việc trả thù
    • Tâm trạng thay đổi chóng vánh và thất thường

    Những việc nên làm

    • Không để người có những dấu hiệu này một mình
    • Loại bỏ các loại vũ khí, các thức uống có cồn, chất gây nghiện, vật dụng sắc nhọn hoặc bất kỳ vật gì có thể được sử dụng để tự sát
    • Gọi đến đường dây nóng hỗ trợ. Ở Việt Nam, có thể gọi 111 – Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em hoặc số 096 306 1414 – Đường dây nóng Ngày Mai.
    • Đưa người có dấu hiệu nguy cơ đến một căn phòng an toàn, hoặc nếu cần thiết, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý.

    Tài liệu tham khảo

    editor@luatkhoa.org