Đạo văn trong “công trình nghiên cứu” của tiến sĩ Huỳnh Công Bá.(Phần 2)

0
6

Lê Công Định

Như tôi đã nói khi đưa ra bằng chứng về sự đạo văn của tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá trong bộ sách “ĐỊNH CHẾ PHÁP LUẬT DÂN SỰ THỜI KỲ PHÁP THUỘC VÀ VIỆT NAM CỘNG HÒA” ở những stt trước, hầu như toàn bộ nội dung bộ sách đều là sản phẩm sao chép, chỉ vài đoạn ngắn mà tiến sĩ Bá tự viết thì lại phơi bày sự khiếm khuyết về kiến thức luật học căn bản.

Ba hình dưới đây là một trong các ví dụ mà tôi sẽ phân tích để chứng minh điều đó. 

Hình đầu tiên là ảnh chụp trang 22 của quyển thứ hai về Nghĩa vụ trong bộ sách. Tại phần chú thích số 1 ở cuối trang, tiến sĩ Bá viết như sau (xem phần tô đậm bên cạnh):

“Trong Dân luật Pháp quốc, người ta đã sử dụng danh từ có liên quan là “Khế ước” để thay cho danh từ “Nghĩa vụ”.”

Câu chú thích này nhằm diễn giải ý nghĩa của Điều 1101 của Bộ Dân luật Pháp quốc mà phần trên của trang 22 bàn đến (xem phần tô đậm bên cạnh).

Câu chú thích tuy ngắn nhưng qua đó tiến sĩ Bá đã bộc lộ 3 điều quan trọng:

1) Tiến sĩ Bá thiếu vốn tiếng Pháp chuyên ngành cả ở những thuật ngữ căn bản nhất.

Thật vậy, thuật ngữ “Khế ước” mà luật pháp và sách nghiên cứu chuyên ngành của các giáo sư luật thời VNCH dùng, có nghĩa tương đương trong tiếng Pháp là “Contrat”. Đó cũng chính là thuật ngữ “Hợp đồng” mà luật hiện hành của Việt Nam đang sử dụng.

Trong khi đó, thuật ngữ “Nghĩa vụ” mà luật pháp và sách nghiên cứu chuyên ngành của các giáo sư luật thời VNCH dùng, thì lại có nghĩa tương đương trong tiếng Pháp là “Obligation”.

“Contrat” và “Obligation” là hai từ và hai khái niệm mang nghĩa hoàn toàn khác nhau trong Dân luật Pháp xưa nay, và không thể dùng thay cho nhau được, như sẽ phân tích dưới đây. 

Không hiểu vì sao tiến sĩ Bá lại cho rằng danh từ “Khế ước” có thể dùng thay cho danh từ “Nghĩa vụ” trong Dân luật Pháp? Rõ ràng tiếng Pháp của ông có vấn đề.

2) Tiến sĩ Bá thiếu kiến thức luật học ở mức căn bản.

Thật vậy, sinh viên luật năm thứ hai của các Đại học Luật khoa thời VNCH khi học môn Luật Nghĩa vụ và Khế ước, đều biết rõ Khế ước là một trong các loại hành vi pháp lý (acte juridique) làm phát sinh ra Nghĩa vụ. Nói cách khác, Khế ước chỉ là một trong các nguồn (sources) xuất sinh Nghĩa vụ.

Như vậy, một bên là nguồn gốc, một bên là hệ quả, sao có thể nói rằng danh từ/khái niệm Khế ước có thể dùng thay cho danh từ/khái niệm Nghĩa vụ được?

Các sinh viên luật hiện thời tại Việt Nam cũng thừa hiểu Hợp đồng (tức Khế ước) và Nghĩa vụ là hai danh từ và khái niệm hoàn toàn khác nhau, bởi đó là những kiến thức căn bản ban đầu của mọi chương trình luật học ở khắp nơi trên thế giới.

3) Vì đạo văn nên tiến sĩ Bá quên rằng mình đã từng chép câu sau đây ở trang 20 ngay trước đó (xem phần tô đậm bên cạnh):

“Khi thực hiện những hành vi này, có nghĩa là chúng ta đã ký kết về các khế ước, mà hiệu lực của chúng là làm phát sinh ra những nghĩa vụ.”

Câu này chính xác vì nó diễn đạt rõ mối tương quan giữa Khế ước và Nghĩa vụ, theo đó Khế ước có hiệu lực làm phát sinh ra Nghĩa vụ. 

Nói cách khác, Khế ước không thể là danh từ dùng thay cho Nghĩa vụ trong cả Dân luật Pháp, Dân luật VNCH và Bộ luật Dân sự CHXHCNVN ngày nay. 

Đoạn văn chính xác đó tiếc thay lại không phải do tiến sĩ Bá tự viết, mà lại bị chôm nguyên văn từ sách của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Bách tại hình chụp thứ 3 dưới đây (xem phần tô đậm bên cạnh).

Nói tóm lại, những ai có kiến thức luật học tối thiểu và vốn tiếng Pháp chuyên ngành Luật Nghĩa vụ (Droit des Obligations) đều có thể dễ dàng nhận ra những điều tôi vừa trình bày ở trên.

Do sao chép nguyên văn mà thiếu kiến thức căn bản, người ta dễ lâm vào cảnh viết sai khi cố muốn viết gì đó khác với bản gốc một chút để đánh lừa độc giả không có đủ tài liệu và cơ hội kiểm chứng.

Điều này dễ mắc phải và không đáng ngạc nhiên, vì ông Bá mới học dang dở năm thứ hai trường luật ở Huế rồi dừng lại và sau đó chuyển hướng sang ngành sử học cho đến khi qua đời.

Các tiến sĩ luật khoa VNCH hầu như đã dành hàng mấy mươi năm cuộc đời để nghiên cứu và hành nghề luật, mà còn chưa viết nổi hàng trăm trang sách, huống chi ông Bá mới chưa hết năm hai trường luật! Vậy mà ông đã “viết” gần 4000 trang sách luật (?), tin nổi không?

Cuối cùng, nếu sao chép mà có kiến thức, thì không ai dại gì chép nguyên văn như vậy để bị phát hiện đạo văn. Chỉ vì thiếu kiến thức, nên để bảo đảm không sai, chỉ còn cách chép nguyên văn mà thôi. 

Tuy vậy, đôi khi người đạo văn cũng phải viết vài câu do mình tự nghĩ ra, song không may lại trật lất và, do đó, phơi bày cho độc giả có chuyên môn thấy được nhiều thứ về “kỹ thuật viết lách” và “dụng tâm” của mình.

https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/pfbid0pjrkdPGJx2rwcfCdC6MdFzmwGgRMxQw55TUAzymGkJKyMxAKfSH8oMpaXT2NBSBxl