Vụ án Đặng Đăng Phước: Chính quyền cần đối xử nhân văn hơn với các tiếng nói bất đồng!

0
9
Thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước trong một tấm hình chụp vào tháng 11/2021  FB Đặng Phước

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.06.06

Thêm một phiên tòa và một bị cáo nữa bị xét xử theo điều luật được cho là mâu thuẫn với những cam kết với quốc tế về tôn trọng và bảo vệ nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đã ký kết như thành viên chính thức trước các công ước, hiệp ước quốc tế, của Liên Hiệp Quốc, trong lúc cũng có đề nghị chính quyền nên sử dụng biện pháp khác thay vì khép các bị cáo như ông Đặng Đăng Phước vào các điều luật như điều 117 tại vụ án được xét xử ngày hôm nay, 06/6/2023, theo ý kiến từ trong giới quan sát.

Trước hết, từ Hà Nội, luật sư nhân quyền Ngô Anh Tuấn, người từng tham gia nhiều phiên tòa trên cương vị luật sư bào chữa nói với RFA cho rằng, phiên tòa này sẽ không có nhiều khác biệt so với những vụ ông bào chữa.

Tuy nhiên ông Tuấn đánh giá, “có một điều tôi thấy mới và hy vọng được áp dụng đối với ông Đặng Đăng Phước là khoảng 5-7 vụ án gần gần đây, tôi thấy mức án cho Điều 117 có phần thấp hơn so với những vụ án tương tự trước đó. Hy vọng rằng ông Đặng Đăng Phước cũng sẽ được may mắn như thế. Còn lại những điều khác, tôi nghĩ là tôi cũng không có nhiều kỳ vọng.

Còn với câu hỏi liệu ông Phước có vô tội không? Từ góc độ chuyên môn của người làm công việc của luật sư bào chữa, mặc dù tôi không tham gia vụ án này, nhưng trên quan điểm riêng, nếu với tình tiết mà có nét chung, nét lớn giống với các vụ án khác, tôi nghĩ là các hành vi của ông Phước nằm trong quyền tự do được hiến định, tức là quyền đã ghi trong hiến pháp, nên những hành vi của ông Phước là chấp nhận được. Và nếu trong phạm vi quyền đó, mà nếu người ta có vượt quá đi, như tôi vẫn hay nói trên tòa, có thể là người ta (tòa) nên áp dụng một biện pháp xử lý khác, giống như xử lý vi phạm hành chính, hay phạt hành chính với họ (bị cáo), để họ (bị cáo) thôi, không đăng (thông tin) những tình huống tương tự như thế.

Tôi nghĩ hướng xử lý đó sẽ là nhân văn, khách quan hơn và tạo điều kiện cho người dân mà có những điều gì từ tự do ngôn luận mà chưa hợp ý nhà cầm quyền, thì có thể là thay đổi cho phù hợp hơn, hoặc hạn chế bớt đi, thì điều đó sẽ tốt hơn cho xã hội trong tương lai, và điều đó là tốt.”

Bùi Tuấn Lâm

Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng cho hay, trong phiên tòa xử “thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm vừa qua chính bị cáo cũng cho rằng, trong trường hợp tương tự các cơ quan chức năng có thể áp dụng hình thức xử lý khác đối với ông, chẳng hạn như là vi phạm hành chính, chứ không cần đưa ra tòa để xử lý hình sự.

Đối với thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước, ông Tuấn nhận định “nếu như các tình tiết lớn cũng tương tự như vụ ông Bùi Tuấn Lâm hay những người khác, tôi nghĩ rằng nhà nước Việt Nam cần dần dần tiến tới mở lòng hơn với những tiếng nói trái chiều và tìm những hình thức xử lý nhẹ nhàng hơn, nhân văn hơn, tiếp cận những giá trị của thế giới.”

Những điều luật vừa vi hiến vừa mang tính đàn áp

Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh, Giảng sư kiêm nhiệm về luật học tại Đại học Ottawa, Canada nêu quan điểm riêng của ông nhân vụ án đang được xét xử với vị giảng viên âm nhạc ở trường Cao đẳng Sư phạm thuộc tỉnh Đắk Lắk:

“Theo tôi, về Điều 117, và trước đó, Điều 88 của Bộ Luật hình sự hiện hành của nhà nước CHXHCN Việt Nam, cả hai điều này không những vi phạm hiến pháp mà đã và đang được sử dụng như là một phương tiện để đàn áp phe đối lập nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị của đảng cầm quyền nhân danh luật pháp quốc gia. 

Theo quy định của các Điều 25, 28, 30 của Hiến pháp, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước, và mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 117 BLHS hiện hành quy định về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” đã vi phạm nghiêm trọng tinh thần cũng như nội dung của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, tôi không ảo tưởng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ biết lắng nghe để tự điều chỉnh cho phù hợp với lòng dân và luật pháp quốc tế, nhưng phải có áp lực quần chúng nhân dân trong nước và quốc tế rất mạnh mẽ thì họ mới thay đổi.”

Dẫn trường hợp của các nhà bất đồng chính kiến như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang hay vụ việc đang diễn ra liên quan đến ông Đặng Đăng Phước, luật sư Khanh cho rằng đây đều là những tiếng nói ôn hòa để đấu tranh cho một Việt Nam tự do và dân chủ.

“Họ không có ý đồ chống lại hoặc lật đổ chính quyền Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Mục đích của họ là muốn cho Việt Nam tiến gần với thế giới, tiến gần với những giá trị văn minh của cộng đồng thế giới. Tôi lấy làm tiếc là Chính phủ Việt Nam luôn dùng những pháp luật kiểu rừng rú này để bịt miệng những tiếng nói bất đồng với quan điểm của nhà cầm quyền,” ông Khanh từ Canada nói với RFA Tiếng Việt.

Về góc độ luật nhân quyền quốc tế, Luật sư Vũ Đức Khanh nói tiếp:

“Về góc độ luật nhân quyền quốc tế, tôi cho rằng Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng những cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đã vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc và các Công ước về Quyền Chính trị và Dân sự 1966. Dĩ nhiên, Việt Nam đã, đang và sẽ có những giải trình trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và có thể Việt Nam sẽ tiếp tục viện dẫn nhiều lý do để biện hộ nhưng tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam đã mất uy tín với cộng đồng quốc tế về điểm này. Ngày nào, Việt Nam chưa có những tiến bộ rõ rệt, ngày đó theo tôi Việt Nam chưa thể nói rằng đã hội nhập quốc tế thành công. Mà nghĩ cho cùng, nếu quốc tế có làm áp lực để Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam thì cuối cùng những điều đó cũng là điều tốt cho người dân và đất nước Việt Nam chứ đâu có lợi lộc gì nhiều cho họ.

Tôi thấy rằng với tình hình hiện nay, không có bất cứ chỉ dấu nào để có hy vọng là nhà cầm quyền Việt Nam sẽ có những nhượng bộ nào đó. Họ tiếp tục trơ tráo để chịu đựng chờ ngày sử dụng những tù nhân lương tâm và chính trị này cho những mặc cả khác với Mỹ và phương Tây. Những vị này sẽ là những món hàng để đổi chác cho những quyền lợi cục bộ của đảng cầm quyền. Tôi tin rằng cả thế giới đều biết đều này cho nên họ sẽ cố gắng tìm cách để giúp đỡ những tiếng nói ôn hòa nào trong điều kiện cho phép. Bản chất của chế độ này là dùng người dân Việt Nam làm con tin hoặc những thứ hàng hóa để họ mặc cả đổi chác với cộng đồng quốc tế. Đó là một sự thật xấu hổ cho lãnh đạo Việt Nam nhưng thực sự ĐCSVN có quan tâm đến nguyện vọng cũng như lợi ích của quốc gia không?

Nếu như Hà Nội muốn nâng cấp bang giao với Mỹ trong tháng 7 này hoặc trong năm nay, họ có thể “giơ cao đánh khẽ” hoặc có vài cử chỉ thiện chí để đạt mục đích chính trị ngoại giao của họ nhưng hiện giờ thì không thấy chỉ dấu đó từ Hà Nội.” 

‘Tư duy của những người không chính danh và không được lòng dân’

Qua diễn biến vụ án với nhà giáo Đặng Đăng Phước và nhiều trường hợp khác, Luật sư Vũ Đức Khanh bình luận thêm trên quan điểm riêng:

“Qua cách hành xử của nhà cầm quyền đối với những nhà hoạt động xã hội, môi trường và nhân quyền ở Việt Nam, tôi nghĩ cộng đồng thế giới họ ý thức rất rõ đâu là hạn chế của người dân Việt Nam và ngay cả họ trong việc phấn đấu cải thiện thực trạng nhân quyền ở Việt Nam. Tôi không muốn nói rằng nhà nước Việt Nam chỉ là một nhà nước côn đồ, vô tắc vô pháp dưới con mắt của quốc tế. Nhưng thực tế là như thế. Tuy nhiên, quốc tế chỉ có thể áp lực, can thiệp khi người dân trong nước lên tiếng mạnh mẽ. Nếu không, quốc tế cũng chẳng làm được gì nhiều ngoài những thông cáo báo chí ngoại giao chiếu lệ. 

Tư duy của nhà cầm quyền Việt Nam là tư duy của những người không chính danh và không được lòng dân. Nếu họ thực sự tốt và có lòng dân như họ vẫn rêu rao thì họ đã tạo sân chơi chính trị tự do hơn và dân chủ hơn. Tại sao, họ lại sợ một vài tiếng nói như bác sĩ Phạm Hồng Sơn khi chỉ dịch một cuốn sách về dân chủ Mỹ hoặc như thầy Đặng Đăng Phước luận về thuyết “Tam quyền phân lập”. Cái thuyết này đâu có gì mới mẻ đâu mà họ phải sợ. Nếu họ sợ là tại vì bản chất của họ là độc tài, phi dân chủ. Họ không chấp nhận một nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân.

Nếu ĐCSVN muốn tương lai đất nước này tốt đẹp trong đó có cả họ và gia đình họ thì cách tốt nhất là họ nên khởi động tiến trình tự do, dân chủ hóa Việt Nam. Đây là một giải pháp chính trị ôn hòa, trật tự và đảm bảo rằng Việt Nam sẽ không rơi vào tình trạng mất ổn định. Thật ra, ở Đông Bắc Á cũng đã có những tiền lệ tốt như Nam Hàn và Đài Loan ở cuối thập niên 1980. Họ đã chuyển đổi tốt từ độc tài sang dân chủ, tại sao Việt Nam không làm được. 

Vì thế, tôi mạo muội giới thiệu ba đề xuất “đổi mới hệ thống chính trị” Việt Nam để hướng tới bầu cử tự do như sau. Dĩ nhiên, những đề xuất này vẫn cần có một tương quan lực lượng nhất định giữa ĐCSVN và các đảng chính trị khác. Và, cũng đừng quên rằng hiện nay, ĐCSVN vẫn là đảng cầm quyền tuyệt đối ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, để tránh sự sụp đổ của chế độ và tình trạng bất ổn gây ra đổ vỡ của toàn xã hội, tôi khuyến khích ĐCSVN nên chủ động đối thoại với những nhà đấu tranh đối lập với chính quyền để tìm lối ra cho dân tộc. Giải pháp chính trị đó sẽ là: 1 – Hợp pháp hóa thể chế đa nguyên đa đảng thông qua Luật Tổ chức Chính đảng. 2 – Thiết lập hệ thống nghị viện với Quốc hội lưỡng viện gồm Thượng viện và Hạ viện. Tổ chức bầu cử tự do để giành 35% số ghế trong Thượng viện, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ 65% số ghế còn lại và một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do vào Hạ viện. Đảng hoặc liên minh các đảng chiếm tổng cộng 50% + 1 số ghế trong Hạ viện sẽ thành lập Nội các Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. 

Và 3 – Bầu cử trực tiếp Tổng thống, người sẽ là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh quân đội. Tổng thống sẽ phê chuẩn Thủ tướng và Nội các và ký ban hành Hiến pháp, các đạo luật của Quốc hội. Với 3 đề xuất này, ĐCSVN vẫn còn hy vọng cầm giữ chính quyền ít nhất từ 5 đến 10 để từng bước dân chủ hóa thể chế mà không gây ra xáo trộn lớn trong xã hội.” 

‘Sẽ có lợi cho Việt Nam nếu thả tự do cho những người như ông Phước’

Theo dõi vụ án với ông Đặng Đăng Phước từ Pháp, hôm 05/6, ông André Menras, nhà hoạt động và nhà quan sát nhân quyền của Việt Nam được nhiều người biết đến và có tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Nếu chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam có một chút công lý và trí tuệ, vì họ rất ấu trĩ, thì thậm chí phải xin lỗi ông Phước, bởi vì ông ấy là một công dân xứng đáng của Việt Nam. Nếu như thả tất cả người Việt Nam đều như ông Phước và những người bị tù tương tự trước đó, Việt Nam sẽ là một nước rất giàu mạnh và sẽ có những quan hệ với quốc tế rất có lợi cho Việt Nam, và cũng có lợi chung cho cả thế giới.

Trường hợp của nhà giáo Đặng Đăng Phước thì tôi không ngạc nhiên. Ngày này qua ngày khác, tôi theo dõi sự tăng tốc các vụ bắt giữ và bỏ tù ở đất nước thứ hai của mình. Đó là những người bạn của tôi như Phạm Chí Dũng và Trần Bang, nhiều nhà hoạt động môi trường bị buộc tội trốn thuế v.v…

Tất cả các thành phần xã hội đều bị ảnh hưởng và các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sáng tạo mà yêu cầu và đưa ra một cái gì đó mới đều là mục tiêu đặc biệt nhắm tới của nhà cầm quyền.

Ông Đặng Đăng Phước là một trong số những công dân này đơn giản với chức năng là một nhà giáo trung thực. Vì bất kỳ nhà giáo chân chính nào cũng phải, trước hết, đặt câu hỏi, đòi hỏi câu trả lời rõ ràng, về trật tự đã được thiết lập, đánh thức tinh thần phản biện… Tất cả những điều này mâu thuẫn với nguyên tắc đảng cộng sản muốn kiểm soát mọi thứ và bị bệnh do tâm lý của “kẻ thù có mặt khắp nơi”.

Chứng rối loạn tâm thần này khiến họ trở thành kẻ thù của sự tiến bộ, của cái mới, của sự phát triển lành mạnh của đất nước. Và họ rút vũ khí qua Tòa án của họ theo luật của họ: các điều 117, 331, 258 v.v… vừa lơ mơ, mơ hồ, vừa bất công. Chúng được đưa ra và áp dụng tùy tiện như trò chơi với những bản án 5 năm, 10 năm, 15 năm tù ở, khiến cướp đi một phần lớn của cuộc đời người ta, những điều khoản thật vô nhân đạo.

Các vụ bắt giữ liên tiếp trong mọi lĩnh vực xã hội và mọi ngành nghề nhằm vào những người dám bày tỏ sự khác biệt, bất đồng và mối quan tâm của họ. Những ai muốn thay đổi thành yếu tố nguy hiểm. Việc bắt giữ và bỏ tù là câu trả lời duy nhất mà Đảng Cộng sản này đưa ra cho mối quan tâm lớn trước những diễn biến đáng lo ngại trong xã hội. Tại sao? Vì Đảng không có lý lẽ cụ thể cho dân mà họ có thể kiểm chứng để được thuyết phục và trấn an. Ngược lại, diễn ngôn giáo điều của Đảng ngày càng trái ngược với thực tế mà hàng triệu người đang trải qua.  Vậy, nhà cầm quyền chỉ còn lại bạo lực và sợ hãi để ‘thuyết phục’. Một vòng luẩn quẩn bởi vì họ càng sử dụng những vũ khí này, càng tự cắt đứt sự ủng hộ của dân chúng. Càng yếu đi. Họ hoàn toàn phản tác dụng: muốn tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ nhưng lại càng bộc lộ sự yếu đuối của mình. Không có Trung Quốc sau lưng, không còn Đảng. Ngoài nỗi sợ hãi, nỗi đau và nỗi buồn mà cái đảng này mang lại cho dân, chúng ta phải thấy việc thừa nhận sự thất bại lớn trước những lời hứa về sự phát triển hài hòa mà Đảng đã thổi phồng. Những song sắt nhà tù là biểu tượng rõ ràng của sự thất bại ấy!”

Và nhà quan sát nhân quyền Việt Nam từ Pháp bày tỏ quan điểm cho rằng: trong tình trạng hôm nay, dưới một chế độ tại Việt Nam mà ông cho là đang tỏ ra khả năng và ý chí đàn áp dân vô tội ‘không kém bọn thực dân’ hồi xưa (chẳng hạn ở Đồng Tâm), thì các công dân ‘có nhiều lý do sợ hãi’ khi phải bảo vệ bản thân và gia đình, ông nói tiếp:

“Đồng thời liệu con người có thể đành chịu mãi cái ác, sự bất công, bị sỉ nhục như chuyện thường hay không? Tôi mạo muội nghĩ con người thật sự không phải chỉ là căn hộ, xe hơi, cơm áo. Tôi hiểu, đó có thể là cần thiết khi mình thiếu tất cả, có thể là ước mơ của người nghèo nhưng không phải là bản chất con người. Lịch sử đã chứng minh điều đó mọi lúc, mọi nơi: con người bị mất quyền tự do chỉ là nửa con người và họ tìm ra mọi cách để giành lại nó. Các ‘đồng chí cộng sản Việt Nam’ hiện nay nên biết chính Karl Marx từng nói: “nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh”. 

Nói về sự ủng hộ của Quốc tế, trong đó có Pháp (tức là chính phủ Pháp, khác với nhân dân Pháp), rất tiếc để nói, kinh doanh đi trước nhân quyền. Kinh doanh im lặng, mù lòa và điếc, kể cả khi ông Blinken đến thăm Việt Nam. Còn về Hiệp Định Thương Mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) ta phải thấy trong thực tế EU đã ‘quên đi’ các quyền của người lao động Việt Nam. Vậy, không nên ảo tưởng về các chính phủ Phương Tây, họ sẽ đi theo lợi ích riêng và trước mắt của chính họ mà thôi. Hình như hành trình giành lại dân chủ và các quyền con người ở Việt Nam trước hết sẽ là việc của nhân dân Việt Nam,” nhà quan sát nhân quyền Việt Nam từ Pháp nêu quan điểm riêng.”

Như tin chúng tôi đã đưa, cựu giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước được Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đưa ra xét xử vào ngày 06/6/2023, ông bị cáo buộc đã “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015. Ông bị bắt khi đang là giảng viên âm nhạc của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk vào ngày 08/9/2022. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ông bị cho là có nhiều bài viết “mang nội dung xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; và gây chiến tranh tâm lý theo Khoản 1 của Điều 117” và có thể đối mặt với án tù từ năm năm đến 12 năm nếu bị kết tội.

Hôm 05/6/2023, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam bãi bỏ các cáo buộc với ông Đặng Đăng Phước và trao trả tự do cho ông tại phiên tòa.

Gọi ông Đặng Đăng Phước, là “nhà vận động chống tham nhũng”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW, nêu quan điểm:

“Chính quyền Việt Nam sử dụng những điều luật lạm dụng và quá rộng rãi của mình để truy tố những người kêu gọi cải cách. Các nhà chức trách nên ngay lập tức hủy bỏ các cáo buộc đối với Đặng Đăng Phước và các nhà hoạt động khác, những người đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ tận gốc những sai phạm và tham nhũng mà chính phủ tuyên bố sẽ phản đối.”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dang-dang-phuoc-case-highlights-the-urgent-need-for-government-s-improved-treatment-of-dissenting-voices-06062023021108.html