Dân Mỹ bị ảnh hưởng thế nào khi gói giải cứu thất nghiệp liên bang $600 tỷ kết thúc

0
68
https://www.the-interpreter.org/post/ảnh-hưởng-đến-nền-kinh-tế-và-hàng-triệu-gia-đình-khi-ngừng-600-trợ-cấp-thất-nghiệp

The Interpreter

Scott Horsley, ngày 20 tháng 7 năm 2020

Translated from podcast NPR article The End Of $600 Unemployment Benefits Will Hit Millions Of Households And The Economy

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đề nghị nếu các khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang được gia hạn, nó sẽ ở một hình thức khác với khoản tiền 600 Mỹ kim mỗi tuần như hiện nay. Hình: Erin Scott/Pool/Getty Images

Đối với Lorena Schneehagen, khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang 600 Mỹ kim mỗi tuần trong đại dịch coronavirus đã giúp gia đình cô chi trả các khoản chi tiêu thường nhật.

Cô là một giáo viên mầm non thất nghiệp ở thành phố Ann Arbor, tiểu bang Michigan, có con trai sắp vào đại học.

“Tôi cần khoản tiền đó để đóng học phí cho con mình,” cô Schneehagen nói. “Và để mua thức ăn cũng như các khoản chi phí thường nhật khác.”

Hàng chục triệu người dân Hoa Kỳ thất nghiệp vì đại dịch đứng trước nguy cơ thu nhập bị cắt giảm lần hai. Khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang 600 Mỹ kim mỗi tuần mà Quốc hội phê chuẩn bốn tháng trước chuẩn bị kết thúc vào cuối tuần này ở hầu hết các tiểu bang — nguy cơ đẩy các hộ gia đình vào hoàn cảnh khốn khó cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ khi hàng tỷ Mỹ kim trong chi tiêu dừng lại đột ngột.

Khi Quốc hội trở lại phiên họp trong tuần này, các nhà lập pháp sẽ tranh luận về việc có nên gia hạn các khoản trợ cấp, vốn là huyết mạch cho hơn 30 triệu người trên khắp Hoa Kỳ.

“Khoản tiền 600 Mỹ kim từ chính phủ rõ ràng đã giúp tôi rất nhiều,” nhân viên pha chế Courtney Woodruff nói, cô đã mất việc tại một quán bia ở bang Denver. “Tôi thật sự không chi tiêu nhiều. Tất cả số tiền tôi có hiện dùng để chi trả tiền thuê nhà và thức ăn.”

Mặc dù trợ cấp thất nghiệp thông thường chỉ bao gồm một phần tiền lương bị mất của công nhân, nhưng 600 Mỹ kim bổ sung mỗi tuần từ chính phủ liên bang được thiết kế để thay thế hoàn toàn tiền lương của công nhân tầm trung.

“Thành thật mà nói, điều đó đã giúp tôi bớt căng thẳng hơn rất nhiều khi không bị buộc phải ra ngoài nơi tiềm tàng mối họa virus,” anh Stephen Pingle nói, người vừa bị cho nghỉ việc lắp đặt cáp Internet và máy quay phim an ninh ở thành phố Nashville, bang Tennessee.

Pingle đã ngừng chi tiêu cho những gì anh gọi là “phù phiếm” và cố gắng tiết kiệm hết mức có thể. Anh biết những khoản trợ cấp bổ sung có thể hết sớm.

“Tôi cố gắng không lo lắng về nó quá nhiều,” anh nói. “Nhưng rất khó để phớt lờ đi vì tôi biết sẽ có khả năng một đòn đánh tài chính khổng lồ sắp đến.”

Nếu “cú đánh” đến, nó sẽ ảnh hưởng không chỉ những người thất nghiệp mà còn những người buôn bán tạp hóa, chủ bất động sản và xa hơn là cả nền kinh tế. Cắt giảm phúc lợi cho rất nhiều người cùng một lúc sẽ làm giảm sức mạnh chi tiêu tập thể của họ gần 19 tỷ Mỹ kim mỗi tuần.

“Bạn có thể nhìn vào những con số này ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng chúng tôi đang nói về một khoản tiền rất lớn có ý nghĩa không nhỏ đối với người lao động và đối với nền kinh tế vĩ mô,” Ryan Nunn, người đảm nhiệm một nghiên cứu ứng dụng tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis cho biết.

Trong một buổi phỏng vấn tuần trước, ông Nunn ví những bổ sung trong trợ cấp thất nghiệp như cây nạng quan trọng giúp chống đỡ nền kinh tế. Nếu không có những gói hỗ trợ đó, Hoa Kỳ có thể theo mặc định phải trải qua các khoản vay mua xe hơi và hóa đơn thẻ tín dụng nhiều hơn cũng như nhiều người không có khả năng trả tiền thuê nhà. Đó là lý do khiến những nghị sĩ Quốc hội đảng Dân chủ lập luận rằng chính phủ nên duy trì khoản trợ cấp 600 Mỹ kim mỗi tuần.

“Chúng ta sẽ không bao giờ khôi phục lại nền kinh tế trừ khi chúng ta nhận ra rằng dòng tiền phải đi vào túi của người dân Mỹ,” Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đảng Dân chủ đến từ bang California (D-Calif), nói với phóng viên.

Một số nhà tuyển dụng đã phàn nàn rằng những trợ cấp thất nghiệp hào phóng đó làm họ khó thu hút được người lao động. Ông Nunn nói rằng thông thường đó sẽ là mối lo ngại, tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai con số và chính virus đã áp đặt những giới hạn lên các hoạt động kinh tế, sẽ có rất ít nguy cơ thiếu hụt lao động.

Dù vậy, đó vẫn là mối quan ngại mà chính quyền Trump xem xét rất kỹ lưỡng.

“Tôi đã nghe những câu chuyện về việc các công ty đang cố gắng đưa nhân viên trở lại làm việc và nhân viên không đến vì những lợi ích từ trợ cấp này,” Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói với CNBC. Ông đề nghị nếu các khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang được gia hạn, nó sẽ ở một hình thức khác với khoản tiền 600 Mỹ kim mỗi tuần như hiện nay.

“Chúng tôi sẽ khắc phục điều đó, và chúng tôi sẽ tìm ra một giải pháp hiệu quả đối với các công ty cũng như đối với những người lao động đang thất nghiệp,” ông Mnuchin nói.

Cô Schneehagen, giáo viên mầm non ở bang Michigan, không mong đợi sẽ sớm được gọi quay lại với công việc cũ của mình. Mặc dù trưởng đã mở cửa lại nhưng lượng tuyển sinh giảm. Các giáo viên hiện đang làm việc phải cắt giảm giờ lao động và nhà trường phải cắt giảm chi phí ngay cả với lượng điện sử dụng máy điều hòa trong bối cảnh mùa hè nắng nóng bất thường như hiện nay.

Cô Schneehagen đã bắt đầu thử những công việc mới như việc trông trẻ.

“Tôi thực sự nghĩ rằng sẽ sớm có một cuộc khủng hoảng công việc,” cô nói. “Không có nhiều việc làm trên thị trường. Và sẽ có rất nhiều người tìm việc trong vài tuần sắp đến.”

Translation by Duy Minh

Copy edits by Tuan Nguyen