Chính nghĩa có thắng gian tà?

0
42
Bạch Hoàn
Phân bón giả dán nhãn sản xuất tại Mỹ.

Sự việc đến hồi gay cấn. Theo tôi được biết, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương và ông Trần Hùng, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đã quyết định khởi kiện Công ty Thuận Phong về hành vi vu cáo và xúc phạm công dân.

Vào năm 2015, Ban chỉ đạo 389 nhận được tin báo Công ty Thuận Phong thuê đất Quốc phòng ở Đồng Nai sản xuất phân bón giả quy mô lớn. Lập tức, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia (lúc này trưởng ban là phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) đã vào cuộc xác minh và chỉ đạo kiểm tra đột xuất, bắt quả tang tại hiện trường Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhãn mác, xuất xứ và sau này kiểm nghiệm cho kết quả giả cả chất lượng, theo kết luận của các bộ ngành chuyên môn.

Ông Trần Hùng là người dẫn đầu đoàn kiểm tra. Khi đó, đại diện Công ty Thuận Phong đã ký vào biên bản kiểm tra hiện trường, thừa nhận toàn bộ hành vi sản xuất phân bón “made in USA” tại Đồng Nai.

Thế nhưng, ngày 20-6-2017, Công ty Thuận Phong bất ngờ gửi đơn kêu oan và vu cáo ông Nguyễn Sỹ Cương không làm đúng trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, khi ông này chất vấn tại Quốc hội về việc xử lý doanh nghiệp sản xuất phân bón giả là Công ty Thuận Phong. Bối cảnh xuất hiện lá đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ấy là khi các bộ ban ngành đều đồng thuận kết luận Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả và đề nghị khởi tố vụ án hình sự, đặc biệt sau khi Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, có những chỉ đạo mạnh mẽ, đề nghị phải rút lại quyết định không khởi tố vụ án hình sự trước đó.

Hiểu nôm na, ý của Thuận Phong là phải bảo vệ công ty họ – một công ty sản xuất hàng kém chất lượng – mới là đúng chức trách của một người đại biểu Quốc hội. Trớ trêu thay, ông Cương lại nhất mực tin và hành động theo tôn chỉ bảo vệ cho quyền lợi của mấy chục triệu nông dân mới là một người đại biểu nhân dân.

Về điều này, ông Cương khác với ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Chuyện cười ra nước mắt. Hai vị đại biểu ngồi chung một diễn đàn Quốc hội, một đại biểu đại diện cho quyền lợi của dân, lên tiếng chất vấn thì bị doanh nghiệp gửi đơn vu khống. Còn đại biểu bảo vệ doanh nghiệp, không lên tiếng tại Quốc hội, lại là địa chỉ nhận đơn của doanh nghiệp.

Nhân vật thứ hai sẽ kiện Công ty Thuận Phong về hành vi vu cáo và làm nhục công dân là ông Trần Hùng.

Trong đơn gửi Thủ tướng hồi tháng 6-2017, Công ty Thuận Phong đưa ra hai lý do để khẳng định ông Hùng cố tình hại công ty mình bằng việc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

Lý do thứ nhất, hành động kiểm tra Công ty Thuận Phong của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, do ông Trần Hùng làm trưởng đoàn, là xuất phát từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp đối thủ. Về lý do này, tôi xin lưu ý là toàn bộ đơn gửi Thủ tướng, Thuận Phong không có bất kỳ bằng chứng hay luận cứ nào chứng minh cho cáo buộc của mình. Hơn nữa, việc la làng lên như vậy là hành vi cố tình lờ đi các sai phạm của mình, một chiêu lập lờ đánh lận con đen mà bọn tội phạm thường dùng.

Lý do thứ hai, Công ty Thuận Phong kêu rằng, ông Trần Hùng đã cố tình gợi ý Công ty Thuận Phong đưa hối lộ. Tuy nhiên, sự việc bất thành nên ông Hùng mới chuyển hướng quy kết Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả.

Việc đưa ra hai lý do này để vu khống ông Trần Hùng, bản thân nó đã tự mâu thuẫn với nhau. Bởi nếu việc kiểm tra nhằm phục vụ hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo đặt hàng doanh nghiệp đối thủ nào đó mà Thuận Phong tưởng tượng ra, thì đương nhiên không thể có chuyện ông Hùng gợi ý Công ty Thuận Phong đưa hối lộ sau khi kiểm tra. Sự mâu thuẫn trong lá đơn của Công ty Thuận Phong, giống như hành vi tự tát vào mặt mình.

Đó là phân tích của cá nhân tôi. Còn trong thực tế, không những không có chuyện ông Trần Hùng gợi ý đưa hối lộ, mà tôi được biết, chính đại diện Công ty Thuận Phong đã ra tận Hà Nội, tìm đến ông Hùng, gợi ý đưa ông Hùng 1 tỉ đồng nhưng bị khước từ ngay lập tức. Thậm chí, tại văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tôi được biết người của Công ty Thuận Phong còn quỳ xuống xin tha. Tuy nhiên, ông Trần Hùng nói rằng mình không đủ thẩm quyền và vụ việc này rất nghiêm trọng, cần phải khởi tố.

Dây chuyền sản xuất thô sơ.

Nay, khoảng một tháng sau, đột nhiên Công ty Thuận Phong lại gửi lá đơn thứ hai cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó Thủ tướng Trương Hoà Bình để xin lỗi, nhận khuyết điểm, hứa sẽ không khiếu kiện gì về vụ việc.

Tôi đang tự hỏi, một công ty sản xuất hàng kém chất lượng lại gửi đơn xin lỗi những người đứng đầu Chính phủ. Trong khi đó, nông dân là đối tượng bị thiệt hại từ hành vi gian dối chất lượng, hành vi ăn cướp mồ hôi nước mắt của người nông dân, thì tuyệt nhiên Công ty Thuận Phong không có bất kỳ một lời nhận tội nào. Họ nhận lỗi với Chính phủ, thì ai nhận tội với nông dân?

Nếu Chính phủ thực sự sát cánh vì dân, không còn cách nào khác là phải khởi tố vụ án hình sự về hành vi sản xuất, kinh doanh phân nón giả, hành vi vu khống, bịa đặt. Và quan trọng hơn, nếu có kẻ bảo kê cho doanh nghiệp này thì cũng cần phải lôi ra ánh sáng, lột chiếc mặt nạ của họ xuống, để chính nghĩa chiến thắng gian tà.