CHIẾN DỊCH QUẦN ĐẢO MARIANAS, KHI NHẬT BIẾT MÌNH KHÔNG CÒN CƠ HỘI THẮNG

0
223
Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Saipan vào tháng 6 năm 1944

[1] CHIẾN DỊCH QUẦN ĐẢO MARIANAS, KHI NHẬT BIẾT MÌNH KHÔNG CÒN CƠ HỘI THẮNG

Thất bại nặng nề tại Guadalcanal đã khiến cho giới lãnh đạo Nhật phải đánh giá lại chiến lược của mình. Quân Nhật nhận ra rằng cuộc chiến sẽ kéo dài hơn nhiều so với dự kiến và kẻ thù của họ mạnh hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Nhật hoàng Hirohito đã bày tỏ sự lo lắng của mình:

“Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu theo cách này, kết quả sẽ như Guadalcanal thôi. Nó sẽ chỉ làm nâng cao tinh thần chiến đấu của kẻ thù, và khiến các nước trung lập bắt đầu dòm ngó, Trung Quốc sẽ dần trở nên mạnh hơn, và tác động lên Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á là rất lớn. Các khanh có thể nào đánh bại quân Mỹ trong một trận đánh quyết định ở một mặt trận nào đó được không?”

Vào tháng 9 năm 1943, Nhật hoàng đã triệu tập các quan chức và tướng quân đến họp để đưa ra một chiến lược mới cho cuộc chiến. Kết quả là chính phủ Nhật quyết định đưa ra một kế hoạch gọi là “Chính sách chiến dịch mới” nhằm rút ngắn vành đai phòng thủ tại Thái Bình Dương. Hy vọng rằng kế hoạch này sẽ rút ngắn đường liên lạc và vận chuyển hậu cần, giúp Nhật dễ dàng phòng thủ hơn. Vành đai phòng thủ này trải dài từ phía Nam Quần đảo Kuril, xuống Marianas, Truk, Palau, New Britian, Đông Ấn và Miến Điện. Các lực lượng đồn trú tại đây sẽ được hỗ trợ bởi một số đơn vị không quân và lục quân ở Mãn Châu của Lục quân Đế quốc Nhật Bản. Các lực lượng đồn trú nằm bên ngoài vành đai, bao gồm cả những đội quân đóng ở các quần đảo Gilbert và Marshall, sẽ không nhận được thêm viện binh, nhưng phải chiến đấu đến cùng để câu thời gian cho lực lượng nằm trong vành đai xây dựng phòng tuyến.

Quần đảo Marianas là một vị trí chiến lược quan trọng đối với Đế quốc Nhật vì, không như các đảo khác, đây là lãnh thổ thuộc Nhật Bản. Nơi đây có một lượng lớn dân số Nhật sinh sống. Quan trọng hơn nữa, quần đảo này chỉ cách chính quốc Nhật 2257 km (1402,43 dặm), vô cùng thích hợp làm sân bay cho Boeing B-29 Superfortress, vốn có tầm bay 3,250 dặm. Vì vậy, nếu Marianas rơi vào tay quân Mỹ, chính quốc Nhật sẽ phải “hưởng” bom B-29 bay từ Tianan, Saipan, và Guam.

Thêm nữa, Guam và Tinian là chỗ neo đậu lý tưởng cho một lượng lớn tàu chiến. Ngoài ra, quần đảo này nằm giữa tuyến đường hàng hải liên kết chính quốc Nhật với khu vực Đông Nam Á giàu tài nguyên, có nghĩa là nếu nơi này rơi vào tay Mỹ, tàu ngầm của Mỹ sẽ có căn cứ lớn để đánh phá các tàu buôn Nhật, vô cùng quan trọng đối với khả năng duy trì chiến tranh của Nhật.

Vì vậy, mối đe doạ từ máy bay ném bom và tàu ngầm của Mỹ khiến cho việc phòng thủ Marianas cực kỳ cần thiết đối với chính phủ Nhật Bản như những gì Hirohito đã nói với Tojo:

“Nếu chúng ta để mất Saipan, các cuộc không kích liên tục vào Tokyo sẽ diễn ra. Không quan trọng cái giá đắt ra sao, chúng ta cũng phải giữ hòn đảo này.”

THẤT BẠI Ở MARIANAS VÀ HẬU QUẢ

Quân Nhật biết rằng Mỹ sẽ rất muốn chiếm quần đảo Marianas để sử dụng làm căn cứ B-29 và tàu ngầm. Ngoài việc muốn giữ quần đảo này bằng mọi giá, họ còn muốn lợi dụng cơ hội này để mở một trận đánh quyết định mà quân Nhật đã chờ lâu, nhằm tiêu diệt phần lớn lực lược của Mỹ.

Hải quân Nhật chuẩn bị tất cả những thứ cần cho chiến thắng quyết định này. Sau trận đánh tàu sân bay ở đảo Santa Cruz, lực lượng tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản phải quay trở về chính quốc để sửa chữa và tái tổ chức. Các tàu sân bay mới và tốt hơn được huy động. Các phi công hải quân được triệu tập tham gia trận đánh. Lực lượng tấn công chính của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được tái tổ chức và hợp thành “Đệ nhất Cơ động Hạm đội” (Dai Ichi Kido-Kantai) bao gồm:

1/ Đệ tam Hạm đội: gồm 9 tàu sân bay.

2/ Đệ nhị Hạm đội: gồm một số tàu chiến hạng nặng.

Khi tin tức về quân Mỹ tiến đánh Saipan tới tai sở chỉ huy, Đệ nhất Cơ động Hạm đội được huy động và đưa đến để chuẩn bị cho trận đánh quyết định. Quân Nhật ở tất cả các cấp bậc đều vô cùng tự tin, bởi Đệ nhất Cơ động Hạm đội lần này còn mạnh hơn nhiều so với “Đệ nhất Hàng không Hạm đội” hay “Lực lượng Cơ động” (Kido Butai) nổi tiếng đầu Chiến tranh Thái Bình Dương. Lực lượng này bao gồm:

1/ 5 tàu sân bay hạm đội: Đại Phụng (Taihō), Tường Hạc (Shōkaku), Thuỵ Hạc (Zuikaku), Chuẩn Ưng (Junyō), Phi Ưng (Hiyō).

2/ 4 tàu sân bay hạng nhẹ: Long Phụng (Ryūhō), Thiên Tuế (Chitose), Thiên Đại Điền (Chiyoda), Thuỵ Phụng (Zuihō).

3/ 5 thiết giáp hạm: Đại Hoà (Yamato), Vũ Tàng (Musashi), Kim Cương (Kongō), Trân Danh (Haruna), Trường Môn (Nagato).

4/ 19 tàu tuần dương và tàu khu trục, cùng 24 tàu ngầm.

Tổng số máy bay tham gia trận chiến này là 500 chiếc trên 9 tàu sân bay + từ 400 đến 500 chiếc từ các sân bay trên đảo ở Marianas và Palau.

Với lực lượng hạm đội và không quân hùng mạnh như vậy, quân Nhật cho rằng họ đã chuẩn bị tất cả để chiến thắng trận chiến. Họ hy vọng mình sẽ có được một trận đánh quyết định làm đảo ngược tình thế.

Quân Nhật đã có những gì họ muốn. Trận hải chiến Biển Philippines là một trong những trận chiến lớn nhất trong lịch sử với chiến thắng quyết định thuộc về…quân Mỹ. Không phải là một trận thắng quyết định mà lại là trận thua quyết định. Đệ nhất Cơ động Hạm đội thiệt hại nặng nề và không còn khả năng để chiến đấu. Đây là bởi vì các phi công Nhật tại thời điểm này thua xa so với các phi công Mỹ, do các phi công chuyên nghiệp được dày công huấn luyện đầu Thế chiến của Nhật đã nằm lại trên chiến trường. Sự khác biệt về kỹ năng giữa phi công mới của Nhật và phi công Mỹ dẫn đến một trận không chiến nổi tiếng nhất ở Thái Bình Dương: “Cuộc bắn gà ở quần đảo Marianas” (Marianas Turkey Shoot), trong đó các phi công Mỹ tiêu diệt hoàn toàn lực lượng không quân Nhật trong tích tắc. Tệ hơn nữa là việc 3 tàu sân bay chiến hạm và nhiều tàu chiến khác của Nhật cũng bị Mỹ đánh chìm.

Kết quả, lực lượng tàu sân bay của Nhật cũng bị tiêu diệt sau đó. Không còn phi công tinh nhuệ nữa, tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã mất khả năng chiến đấu. Trận Biển Philippine sẽ là trận đấu tàu sân bay cuối cùng trong cuộc chiến. Từ đó trở đi, lực lượng tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ giành thế áp đảo, giúp Mỹ có lợi thế ở không quân ở mọi nơi trên chiến trường. Đối với thuỷ chiến thời bấy giờ, một trong những yếu tố quyết định là phi công hải quân đã hoàn toàn thuộc về Hoa Kỳ. Mất đi hải quân của mình, thất bại của Lục quân Nhật ở Marianas và các quần đảo lân cận là không thể tránh khỏi.

Với việc Marianas bị chiếm đóng và biến thành căn cứ không quân và hải quân Mỹ, nỗi sợ lớn nhất của Nhật giờ đã thành hiện thực. Ngay từ tháng 10 năm 1944, máy bay B-29 của Mỹ đã bắt đầu ném bom chiến lược liên tục vào các thành phố lớn của Nhật. Ban đầu, Không quân Lục quân Hoa Kỳ (tới tận năm 1947 thì Không quân Hoa Kỳ mới trở thành binh chủng riêng, trước đó vẫn dưới sự chỉ huy của Lục quân) đạt được rất ít kết quả do: Điều kiện thời tiết xấu, một số sai sót kỹ thuật, ném bom tầm cao rất khó trúng mục tiêu. Nhưng khi Tướng Curtis LeMay được chỉ định làm chỉ huy lực lượng không quân Mỹ ở Marianas, mọi chuyện bắt đầu thay đổi, sự hiệu quả của chiến lược ném bom tăng vọt và Nhật Bản hưởng trọn sức mạnh của Không quân Lục quân Hoa Kỳ, chỉ trong một cuộc oanh tạc Tokyo vào ngày 9-10 tháng 3 năm 1945, đã có hơn 100,000 người thiệt mạng.

Ngoài bị không kích liên tục Nhật Bản ra, Hải quân Mỹ cũng đánh chìm vô số các tàu vận chuyển hàng hoá về chính quốc Nhật, riêng năm 1944, hải quân Mỹ đã đánh chìm gần 4 triệu tấn hàng hoá, bao gồm cả lương thực, vận chuyển đến chính quốc Nhật xuống Long Cung.

Thân vương Higashikuni Naruhiko, Tổng tư lệnh lực lượng phòng thủ chính quốc Nhật đã nói sau thất bại ở Saipan:

“Cuộc chiến đã thất bại kể từ khi quần đảo Marianas bị mất khỏi tay của Nhật và khi chúng ta nghe tiếng B-29 của địch bay trên bầu trời. […] Chúng ta không có gì ở Nhật Bản để chống lại thứ vũ khí đó. Theo quan điểm của Phòng vệ Tổng tư lệnh Bộ, chúng tôi cảm thấy cuộc chiến sẽ thất bại như đã nói. Nếu B-29 tiếp tục bay trên bầu trời Nhật Bản, chúng tôi không có cách nào giải quyết cả.”

Đối với những người dân thường Nhật Bản mỗi ngày đều nghe những tin tức tuyên truyền bóp méo sự thực của chính phủ, rằng quân Nhật đang thắng thế và Mỹ sắp phải ngồi vào bàn đàm phán (như “Ý chí chiến đấu của 100 nghìn samurai cầm súng.” hay “Sự thành lập của một vành đai phòng thủ không thể bị phá vỡ.”), thì việc để mất Saipan, các không kích liên tục của B-29 vào Tokyo và nhiều thành phố lớn khác, như một cú tát thẳng vào mặt vậy.

Hơn thế nữa, họ bắt đầu cảm thấy chính phủ đang thay đổi sau khi thông báo rằng việc mất Saipan là “cái bẫy để lừa địch đến gần chính quốc hơn nhằm chuẩn bị cho một trận đánh quyết định.” Việc phong toả thông tin bắt đầu trở nên được siết chặt hơn. Người dân có thể bị bắt vào tù ngay khi nói rằng Nhật đang thua cuộc.

Với việc vận chuyển lương thực bị tàu ngầm Mỹ đánh phá, kho lương của Nhật cũng bắt đầu cạn kiệt. Trước trận Trân Châu Cảng, trung bình 1 người Nhật nạp 2000 calo mỗi ngày. Năm 1944, lượng calo này giảm xuống còn 1900 và năm 1945, nó giảm xuống còn 1680. Khái niệm “cuối tuần” đã là chuyện dĩ vãng, khi mà người dân bị chính phủ ép làm việc cả ngày thứ 7 và chủ nhật. Mặc dù đang sắp chết đói và quá mệt mỏi với lượng công việc, bộ máy tuyên truyền của Nhật lại nói rằng seishin (tinh thần chiến đấu) có thể chữa được bách bệnh cho người dân (không đùa đâu). Sự khắc nghiệt này bắt đầu làm cho người dân bất mãn, tình hình còn tệ hơn nữa do bất công xã hội. Trong khi con của những gia đình nghèo khổ thì phải đi lính, còn con của những gia đình giàu có hoặc có quan hệ với các quan chức chính phủ thì được miễn. Nông dân trở nên giàu có nhờ bán lương thực vào thị trường chợ đen. Những điều kiện sống khắc nghiệt này khiến cho nhiều người dân không thể chịu nổi và bắt đầu biểu tình, nổi loạn (và là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng trong việc chính phủ Nhật đầu hàng sau khi bị hứng bom nguyên tử).

Những sự kiện như vậy khiến cho những người dân tin tưởng vào chính phủ Nhật nhất. Khi người dân bắt đầu mệt mỏi và không còn lương thực, thì không ai nghĩ đến sự vĩ đại hay lớn mạnh của Đế quốc Nhật Bản nữa, những gì duy nhất họ nghĩ tới là làm cách nào để kiếm sống qua ngày.

Tham khảo thêm:

1/ Cuốn “The Conquering Tide: War in the Pacific Islands, 1942-1944,” của lan W. Toll.

2/ Cuốn “Downfall: The End of the Imperial Japanese Empire,” của Richard B. Frank.

***

[Kỹ sư Hoàng Phúc Minh]