GIÁ TRỊ LÀ GÌ? ĐÁNH THỨC CON NGƯỜI PHI THƯỜNG TRONG BẠN

0
301
Hoàng hôn trên bãi biển Newport Beach, California Ảnh : Hoàng Hải

Nguyễn Lan Anh

“Hãy quan tâm đến tính cách của bạn hơn là danh tiếng, bởi vì tính cách thể hiện chính con người thực của bạn, trong khi danh tiếng đơn thuần là những gì người khác nghĩ về bạn.” – John Wooden
Xem một điều gì đó là có giá trị cũng có nghĩa là nhận ra tầm quan trọng của nó. Bất kỳ điều gì bạn yêu chuộng có thể được xem là có “giá trị”. Cần phân biệt hai loại: giá trị cuối cùng và giá trị phương tiện. Nếu tôi hỏi bạn: “Điều gì có giá trị với bạn nhất?”, bạn có thể trả lời: “Tình yêu, gia đình, tiền bạc…”. Trong đó, tình yêu là giá trị cuối cùng mà bạn theo đuổi; nói cách khác, đó là trạng thái cảm xúc bạn mong muốn. Còn gia đình và tiền bạc đơn thuần là những giá trị phương tiện hỗ trợ bạn đạt được những giá trị sâu xa hơn – trạng thái cảm xúc mà bạn thật sự muốn có.

Song, thách thức ở đây chính là hầu hết mọi người không nhận thức rõ sự khác nhau giữa giá trị cuối cùng và giá trị phương tiện, và do đó họ phải nếm trải nhiều nỗi đau. Thông thường mọi người quá bận rộn theo đuổi những giá trị phương tiện nhưng lại không đạt được mong muốn đích thực – giá trị cuối cùng. Họ liên tục đề ra mục tiêu mà không biết mình thật sự coi trọng điều gì trong cuộc sống; và rồi với thành quả trong tay, họ lại tự hỏi: “Đây là tất cả ư?”. Chỉ những giá trị cuối cùng mới làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta.

NHỮNG GIÁ TRỊ THÚC ĐẨY

Chúng ta luôn muốn hướng đến những trạng thái cảm xúc hân hoan, và đề cao một số cảm xúc hơn so với những cảm xúc khác. Chẳng hạn, bạn xem trọng những trạng thái cảm xúc nào nhất? Cảm xúc/cảm giác nào làm bạn cảm thấy thích thú hơn cả? Tình yêu hay thành công? Tự do hay sự thân mật? Phiêu lưu hay an toàn?

Tôi gọi những trạng thái hân hoan mà chúng ta đều coi trọng là những giá trị thúc đẩy bởi đó là những trạng thái cảm xúc khiến chúng ta nỗ lực hết mình để có. Những cảm giác quan trọng nhất nào bạn muốn liên tục trải nghiệm trong cuộc sống? Khi tôi đưa ra câu hỏi này ở những buổi hội thảo, khán giả của tôi lúc nào cũng trả lời bằng những từ ngữ sau:

– Tình yêu
– Thành công (cảm giác khi đạt được thành công)
– Tự do
– Thân mật
– An toàn
– Phiêu lưu (Cảm giác khi được thỏa sức phiêu lưu)
– Sức mạnh (Cảm giác khi tràn trề sức mạnh)
– Đam mê
– Thoải mái
– Sức khỏe (Cảm giác khi khỏe mạnh)

Chắc chắn bạn cũng coi trọng những cảm xúc/cảm giác trên, nhưng rõ ràng là có những trạng thái cảm xúc bạn sẽ nỗ lực nhiều để đạt được.

Ảnh Hoàng Hải

Thực tế là mỗi chúng ta đều có một thang giá trị riêng. Nó kiểm soát quyết định ta đưa ra trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Nhiều người coi trọng sự thoải mái hơn là niềm đam mê, đề cao sự tự do hơn là sự an toàn, hoặc quý chuộng sự thân mật hơn là thành công.

Bây giờ, hãy dành một chút thời gian để khám phá từ danh sách trên những cảm xúc nào bạn coi trọng hơn cả. Viết lại danh sách vào các dòng kẻ bên cạnh theo thứ tự quan trọng của riêng bạn, với 1 là trạng thái cảm xúc bạn thấy quan trọng nhất và 10 là ít quan trọng nhất.

“Hãy quan tâm đến tính cách của bạn hơn là danh tiếng, bởi vì tính cách thể hiện chính con người thực của bạn, trong khi danh tiếng đơn thuần là những gì người khác nghĩ về bạn.”
_ JOHN WOODEN

Bất kể những giá trị của bạn là gì, chúng đều ảnh hưởng đến hướng đi cuộc đời. Từ trải nghiệm cá nhân, chúng ta đều biết một số cảm xúc làm ta thích thú, thỏa mãn hơn so với những cảm xúc khác. Chẳng hạn, nhiều người ra sức gầy dựng tầm ảnh hưởng, kiểm soát vì theo họ, cảm giác “thâu tóm” ấy mới khiến họ thỏa mãn, thích thú. Nó trở thành trọng tâm chú ý chi phối mọi hành động của họ – xác định họ sẽ xây dựng mối quan hệ với những ai, điều gì họ sẽ làm trong mối quan hệ đó, và cách họ sống như thế nào. Tất nhiên là nó cũng sẽ khiến họ cảm thấy không thoải mái trong những môi trường không thuộc phạm vi kiểm soát.

Trong khi đó, những người khác lại liên kết nỗi đau với ý tưởng kiểm soát. Điều họ muốn đạt được không gì ngoài cảm giác tự do và thỏa sức phiêu lưu. Do đó, họ sẽ đưa ra những quyết định hoàn toàn khác.

Hiểu về thang giá trị, ta sẽ thấy tại sao đôi khi ta khó dứt khoát đưa ra quyết định, hay tại sao vẫn tồn tại những mâu thuẫn, lấn cấn trong cuộc sống cá nhân. Ví dụ, nếu giá trị số một của một người là sự tự do và thứ hai là sự thân mật, hai giá trị không tương hợp nhau lại được xếp hạng ưu tiên gần nhau khiến cho người này thường gặp nhiều khó khăn.
Biết rõ những giá trị của mình ta hiểu rõ tại sao ta hành động như vậy và làm thế nào để sống một cách nhất quán hơn, nhưng biết rõ giá trị của người khác cũng quan trọng không kém. Bạn sẽ có cái nhìn cụ thể về “la bàn cuộc đời” họ, và thấu hiểu vì sao họ đưa ra những quyết định như thế.

Trích sách Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn | Anthony Robbins