Nguồn: Demetri Sevastopulo, “The inside story of the secret backchannel between the US and China,” Financial Times, 25/08/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Hai quan chức hàng đầu Jake Sullivan và Vương Nghị đã lặng lẽ gặp nhau để ổn định quan hệ Mỹ-Trung tại các hội nghị thượng đỉnh ‘âm thầm và kín đáo’ trên khắp thế giới.
Ba tháng sau khi khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Mỹ, khiến quan hệ với Bắc Kinh rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1979, Jake Sullivan đã bắt đầu nhiệm vụ bí mật của riêng mình.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã bay tới Vienna vào ngày 10/05/2023 để tham dự một cuộc họp vô cùng quan trọng – một cuộc họp được tổ chức theo cách bí mật, phù hợp với danh tiếng lịch sử của thủ đô nước Áo.
Sullivan đã đến Vienna để gặp Vương Nghị, nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc, người đã trở thành quan chức đối ngoại hàng đầu của nước này vào tháng 1 cùng năm. Sau khi bắt tay và chụp ảnh nhóm, hai bên đã bắt đầu một loạt các cuộc đàm phán kéo dài hơn tám giờ trong vòng hai ngày tại Khách sạn Imperial.
Đây là cuộc gặp đầu tiên trong số những cuộc gặp bí mật của cả hai trên khắp thế giới, ở những nơi như Malta và Thái Lan, mà hiện được gọi là “kênh chiến lược.” Sullivan sẽ đến Bắc Kinh vào thứ Ba ngày 27/08 để tham gia một vòng đàm phán khác với Vương trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ.
Kênh chiến lược này đã đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý quan hệ giữa hai siêu cường đối thủ trong giai đoạn căng thẳng. Vào thời điểm người Mỹ bị ám ảnh bởi ý tưởng cạnh tranh với Trung Quốc, còn Bắc Kinh thường xuyên đột ngột chuyển đổi giữa sự tự tin tuyệt đối và sự hoang tưởng về vị thế của mình trên thế giới, kênh này đã trở thành một bộ giảm xóc mà các quan chức nói rằng đã giúp cắt giảm nguy cơ tính toán sai lầm của cả hai quốc gia.
Rorry Daniels, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết dù kênh đối thoại này không giải quyết được các vấn đề cơ bản giữa hai siêu cường đối thủ, nhưng nó đã giúp mỗi bên hiểu rõ hơn về bên kia.
Bà nhận xét “Nó rất thành công nếu xét về giữ ổn định ngắn hạn, truyền đạt các lằn ranh đỏ, và giúp hình dung các hành động có thể bị xem là gây tổn hại cho phía bên kia.”
Dựa trên các cuộc phỏng vấn với các quan chức Mỹ và Trung Quốc, tờ Financial Times đã dựng lại sự ra đời của kênh ngoại giao này – cũng như cách thức hoạt động của nó.
Rủi ro đã lên đến cực cao ở Vienna. Vụ khinh khí cầu chỉ là một trong nhiều sự kiện khiến quan hệ song phương đi xuống. Trung Quốc tức giận vì Mỹ kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn, trong khi Washington tức giận vì Bắc Kinh dường như đang hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Tất cả các vấn đề này đã xuất hiện giữa bối cảnh là chủ đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung: Đài Loan. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo mà họ xem là lãnh thổ có chủ quyền, dẫn đến các quan ngại ở Mỹ. Trong khi đó, những nỗ lực của Mỹ nhằm trang bị vũ khí và huấn luyện cho quân đội của hòn đảo đã khiến Bắc Kinh tức tối.
Căng thẳng bùng phát vào tháng 8/2022 khi Nancy Pelosi trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên đến thăm Đài Loan sau 25 năm. Trung Quốc đã đáp trả bằng các cuộc tập trận quân sự lớn và lần đầu tiên bắn tên lửa đạn đạo xuyên qua hòn đảo này.
Sullivan đã lưu ý đến những sự kiện gần đây trong lúc ông chuẩn bị cho cuộc họp, bao gồm bữa tối tại Khách sạn Sacher, nơi từng tiếp đón các khách mời là Tổng thống John F. Kennedy, Nữ hoàng Elizabeth II, và Graham Greene, tác giả của tiểu thuyết gián điệp The Third Man.
Một quan chức Mỹ chia sẻ với tờ Financial Times rằng: “Về cơ bản, những gì xảy ra trong đầu Jake là chúng ta phải xem xét mọi thứ đã diễn ra trước đó, rồi nói rằng, ‘Được rồi, làm thế nào chúng ta có thể thực sự vạch ra một con đường đưa chúng ta vào quỹ đạo ổn định,’ đồng thời không nhượng bộ một chút nào đối với những việc mà chúng ta kiên quyết thực hiện vì chúng là lợi ích của chúng ta.”
Vienna được chọn vì nó cách đều cả Washington và Bắc Kinh, và là thành phố mà các quan chức có thể gặp nhau mà không thu hút nhiều sự chú ý. “Nó có lẽ là một nơi bí mật,” một quan chức Mỹ khác nói.
Đây cũng là một lựa chọn thú vị vì, suốt nhiều năm, nơi này đã nổi tiếng là thiên đường cho các điệp viên. “Tôi chắc chắn còn có nhiều người khác ở khách sạn đó,” quan chức này nói thêm với một nụ cười.
Hai bên đã giữ bí mật cuộc họp bằng cách chủ yếu chỉ ở bên trong khách sạn. “Mọi chuyện khá đơn giản. Anh bay đến nơi, lái xe đến khách sạn, vào phòng, rồi ngồi đó hàng giờ liền,” vị quan chức Mỹ đầu tiên tiết lộ. “Không có chuyện đi thăm thú Vienna hay Malta hay Bangkok… Đó là cách ít hấp dẫn nhất để ngắm nhìn thế giới.”
Nhưng các quan chức này không đến Vienna để tham quan. Họ được giao nhiệm vụ cố gắng ổn định quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới. Sáu tháng trước đó, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý thiết lập một kênh chiến lược khi họ gặp nhau tại thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Họ muốn tạo ra một “đáy” cho quan hệ để ngăn nó chìm sâu hơn nữa. Nhưng trong vòng vài tháng, kế hoạch đã bị trật hướng bởi vụ khinh khí cầu.
Vienna là cơ hội để tái khởi động. Nhưng không rõ liệu Vương có đồng ý với điều đó hay không, một phần là do ông đã có một cuộc trao đổi đầy giận dữ về Ukraine với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Munich chỉ vài tháng trước.
“Chúng tôi không chắc liệu Trung Quốc có đồng ý hay không,” vị quan chức thứ hai nói.
Kênh chiến lược được thiết kế để tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận chuyên sâu vốn khó có thể tổ chức trong các chuyến thăm cấp cao. Washington đã từng sử dụng cố vấn an ninh quốc gia cho các nhiệm vụ nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc, chẳng hạn như khi Tổng thống George H. W. Bush cử Brent Scowcroft đến Bắc Kinh vào năm 1989 sau vụ thảm sát Thiên An Môn.
Cuộc gặp ở Vienna cũng bao gồm cả bữa tối, chỉ giới hạn mỗi bên bốn quan chức, nhằm tạo ra một môi trường cho phép cặp đôi trung tâm có thể thảo luận thực sự thay vì chỉ trao đổi quan điểm.
Cũng có một số khoảnh khắc nhẹ nhàng hơn. “Chúng tôi sẽ nói về du lịch, thể thao, những thứ đại loại như thế,” vị quan chức đầu tiên chia sẻ, trước khi khẳng định rằng họ “không nói chuyện phiếm quá lâu” để nhấn mạnh bản chất nghiêm túc của các cuộc đàm phán.
Kế hoạch tạo ra một cuộc trò chuyện không theo kịch bản dường như đã phát huy tác dụng. “Rất hiếm khi chúng ta thấy cả hai bên chịu gạt bỏ các điểm thảo luận và chỉ tập trung vào một cuộc trò chuyện chiến lược sâu sắc,” vị quan chức thứ hai của Mỹ cho biết.
Mỗi bên tham gia cuộc họp với một danh sách các vấn đề chiến lược mà họ muốn thảo luận chi tiết. Một quan chức Trung Quốc cho biết Vương đã sử dụng các cuộc gặp gỡ ở Vienna, Malta, và Bangkok để nhấn mạnh ba chủ đề.
Thông điệp chính của ông là Trung Quốc xem Đài Loan là vấn đề quan trọng nhất, là “lằn ranh đỏ” không bao giờ được vượt qua.
“Ông đã ám chỉ rằng nền độc lập của Đài Loan là rủi ro lớn nhất đối với hòa bình xuyên eo biển và là thách thức lớn nhất đối với quan hệ Trung-Mỹ,” vị quan chức Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc xem sự can dự của Mỹ với Đài Loan là can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Nhưng trong một hành động cân bằng tinh tế – vốn không được đề cập công khai – họ hiểu rằng Washington có khả năng ảnh hưởng đến Đài Bắc nhiều hơn Bắc Kinh. Quan chức Trung Quốc cho biết kênh chiến lược này cho phép Vương và Sullivan thảo luận về Đài Loan theo cách “rất thẳng thắn.”
Chẳng hạn, tại Vienna, Sullivan nhấn mạnh rằng Washington không cố gắng gây chiến, theo lời vị quan chức Mỹ thứ hai.
“Chúng tôi không cố kéo Trung Quốc vào cuộc xung đột về Đài Loan. Điều đó hoàn toàn sai sự thật,” vị quan chức thứ hai nhấn mạnh, người này cũng nói thêm rằng Bắc Kinh đã trở nên “khá âm mưu” về ý định của Mỹ.
Để minh họa cho sự hoang tưởng này, vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh, Tập Cận Bình đã nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rằng Mỹ đang cố gắng kích động Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Sự tan băng chậm chạp của quan hệ Mỹ-Trung
-
- THÁNG 3/2021: Cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức Trung Quốc và chính quyền Biden tại Alaska đã dẫn đến những lời chỉ trích công khai giận dữ
- THÁNG 8/2022: Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận và tiến hành tập trận quân sự gần hòn đảo này để đáp trả
- THÁNG 11/2022: Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Biden và Tập nhất trí thiết lập kênh ngoại giao hậu trường để tạo “đáy” cho quan hệ
- THÁNG 2/2023: Không quân Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám tầm cao bay qua Bắc Mỹ, làm gia tăng căng thẳng
- THÁNG 5/2023: Cuộc họp kênh sau đầu tiên giữa Sullivan và Vương diễn ra tại Vienna
- THÁNG 9/2023: Cuộc họp kênh sau thứ hai giữa Sullivan và Vương diễn ra tại Malta
- THÁNG 10/2023: Vương đến thăm Washington để gặp Biden, mở đường cho các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp nhau
- THÁNG 11/2023: Biden và Tập gặp nhau tại San Francisco trong một hội nghị thượng đỉnh mà cả hai bên đều đồng ý là đã đánh dấu một bước tiến tới việc xoa dịu căng thẳng
- THÁNG 1/2024: Cuộc họp kênh sau thứ ba diễn ra tại Bangkok
- THÁNG 8/2024: Sullivan lần đầu tiên đến Bắc Kinh với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ để tham dự cuộc họp thứ tư
“Ý tưởng cơ bản rằng ‘Các vị đang đùa với lửa ở Đài Loan’ vẫn là một đặc điểm cốt lõi trong suy nghĩ của họ,” vị quan chức Mỹ đầu tiên cho biết.
Ngoài Đài Loan, Vương còn tập trung vào hai thông điệp khác, theo lời vị quan chức Trung Quốc. Ông đã bác bỏ việc Mỹ định hình quan hệ song phương là một “cuộc cạnh tranh” và nhấn mạnh rằng Trung Quốc phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Sullivan đã cố gắng khiến Vương hiểu được thực tế mới – rằng hai bên đang ở trong một cuộc cạnh tranh, nhưng không nên loại trừ sự hợp tác. “Đó thực sự là một điều khó hiểu đối với người Trung Quốc,” quan chức thứ hai của Mỹ cho biết. “Họ muốn định nghĩa rõ ràng quan hệ, hoặc chúng ta là đối tác, hoặc chúng ta là đối thủ cạnh tranh.”
Vị quan chức Trung Quốc nói rằng Trung Quốc không chấp nhận lập luận này. “Vương Nghị đã giải thích rất rõ ràng rằng anh không thể vừa hợp tác, đối thoại, và giao tiếp… lại vừa làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc.”
Dù Vương không bị thuyết phục, Vienna đã cho phép mọi việc được tái khởi động, qua đó mở đường cho Blinken đến thăm Trung Quốc vào tháng 6 năm đó, cũng như nhiều chuyến thăm cấp cao khác.
Sang tháng 9/2023, bốn tháng sau Vienna, Sullivan và Vương lại đến Malta để gặp nhau lần nữa.
Đây là một địa điểm kín đáo khác với nguồn gốc lịch sử. Nó từng là nơi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống George H. W. Bush và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1989, sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Một điểm hấp dẫn khác của cuộc họp ở Malta là Vương đã được tái bổ nhiệm vào chức vụ cũ của mình là Bộ trưởng Ngoại giao – dù vẫn giữ vai trò nhà ngoại giao hàng đầu, vốn cao cấp hơn – sau khi bộ trưởng đương nhiệm, Tần Cương, bị lật đổ một cách bí ẩn. Nhưng khi đó, Vương và Sullivan chỉ tập trung vào việc đàm phán một cuộc họp có thể xảy ra giữa Biden và Tập nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định tham dự diễn đàn APEC tại San Francisco vào tháng 11 cùng năm.
“Cuộc họp Malta thực sự là về việc xác định những gì hội nghị thượng đỉnh San Francisco… sẽ cố gắng thực hiện,” vị quan chức Mỹ đầu tiên cho biết.
Hai bên đã thảo luận về các thỏa thuận tiềm năng cho một hội nghị thượng đỉnh, bao gồm một thỏa hiệp liên quan đến việc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với một viện khoa học pháp y của chính phủ Trung Quốc để đổi lấy việc Trung Quốc siết chặt việc xuất khẩu các hóa chất được sử dụng để sản xuất fentanyl. Họ cũng thảo luận về việc khôi phục các kênh liên lạc quân đội bị Trung Quốc đóng sau khi Pelosi đến thăm Đài Loan, và còn thảo luận về việc tạo ra một cuộc đối thoại về trí tuệ nhân tạo.
Dù đã có những trao đổi gay gắt về các vấn đề như quan ngại của Mỹ về việc Trung Quốc giúp Nga xây dựng lại cơ sở công nghiệp quốc phòng và nhiều vấn đề khác, cả hai bên dường như đã sẵn sàng tiến về phía trước.
“Vienna và Malta đã giúp quan hệ Trung-Mỹ quay trở lại Thỏa thuận Bali,” vị quan chức Trung Quốc nói, ám chỉ thỏa thuận tháng 11/2022 giữa Biden và Tập nhằm cố gắng ổn định quan hệ song phương đầy biến động.
Sau đó, hai bên đồng ý rằng Vương sẽ đến thăm Washington vào tháng 10, nơi ông gặp Biden và ngồi lại với Sullivan ở Blair House, nhà khách của chính phủ, nằm đối diện Nhà Trắng, để hoàn thiện các chi tiết cuối cùng cho San Francisco.
Câu chuyện xoay quanh hội nghị thượng đỉnh diễn ra sau đó rất căng thẳng. Có lúc, phía Trung Quốc đã trở nên kích động vì người Mỹ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để cung cấp tấm kính chống đạn nhằm bảo vệ Tập bên trong phòng khách sạn của ông.
Cuối cùng, sự kiện đã diễn ra suôn sẻ khi Biden và Tập có bốn giờ đàm phán tại điền trang Filoli ở Woodside. Hai bên dường như đều hài lòng khi những ý tưởng chính từ Malta đã trở thành hiện thực.
“Chúng tôi rời Woodside với ba kết quả khá vững chắc… dù đã trải qua một mùa xuân với nhiều thách thức,” vị quan chức thứ hai của Mỹ cho biết.
Nhưng không phải ai cũng hài lòng với kết quả đó. Tại Washington, Biden đã hứng chịu sự chỉ trích từ Đảng Cộng hòa. Mike Gallagher, lúc bấy giờ là người đứng đầu Ủy ban Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ, đã tuyên bố vào tháng 6/2023 rằng tổng thống đang rơi vào cái bẫy “can dự kiểu thây ma.”
“Chúng tôi đã phải chịu một số chỉ trích,” vị quan chức đầu tiên của Mỹ kể lại. Ông lập luận rằng kênh chiến lược này đã mở “một con đường đến San Francisco” và do đó đã mang đến cho Biden một cơ hội quan trọng để trực tiếp nêu lên quan ngại với Tập.
Những người tham gia khác nói thêm rằng điều quan trọng là phải tích cực ngoại giao hơn khi thực hiện những hành động nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.
Rush Doshi, một cựu quan chức NSC đã tham dự các cuộc họp với Vương, nhận định điều quan trọng là phải giải thích với Trung Quốc về những gì Mỹ đang làm – và không làm. “Ngoại giao là cách anh xóa tan các nhận thức sai lầm, tránh leo thang, và quản lý cạnh tranh. Trên thực tế, nó không mâu thuẫn với cạnh tranh, mà là một phần của bất kỳ chiến lược cạnh tranh bền vững nào.”
Hai tháng sau San Francisco, Vương và Sullivan lại gặp nhau ở Bangkok, nơi mà theo vị quan chức đầu tiên của Mỹ, Vương đã tập trung vào hai vấn đề: thứ nhất là sự giao thoa giữa kinh tế, công nghệ, và an ninh, và thứ hai là Đài Loan.
Sullivan nói với Vương rằng nếu Trung Quốc tức giận về việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ, thì họ cũng nên nhìn lại các chính sách của riêng mình, sử dụng phép so sánh “trữ lượng so với lưu lượng.” Nhưng Vương vẫn kiên quyết rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc bằng chiến lược kiểm soát xuất khẩu “sân nhỏ, hàng rào cao,” vị quan chức Trung Quốc cho biết.
“Công nghệ là một ưu tiên lớn đối với họ,” vị quan chức đầu tiên của Mỹ cho biết. “Họ không chấp nhận tiền đề của những gì họ cho là sự an ninh hóa quan hệ công nghệ, trong khi họ chỉ xem nó là vấn đề về kinh tế và đổi mới, chứ không phải về an ninh quốc gia.”
Tại Bangkok, Sullivan một lần nữa nêu vấn đề Trung Quốc ủng hộ Nga. Quan chức đầu tiên của Mỹ tiết lộ Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp nhỏ để giải quyết quan ngại, nhưng “hướng đi chung vẫn không ổn.”
Daniels của Viện Chính sách Xã hội Châu Á nhận xét kênh ngoại giao này không thể làm gì nhiều để giúp giải quyết những bất đồng lớn vẫn còn tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc. “Nó vẫn chưa thành công trong việc xây dựng sự ủng hộ ở cả hai nước để theo đuổi một quan hệ về cơ bản là ít đối đầu hơn.”
Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt, cả hai bên đều nói rằng kênh này có giá trị. Vị quan chức Trung Quốc khẳng định đây là một cơ chế “rất quan trọng” đóng vai trò xây dựng và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận quan trọng về Đài Loan.
Nó đã giúp hạ nhiệt tình hình Đài Loan sau thời kỳ từng khiến một số chuyên gia lo ngại rằng Mỹ và Trung Quốc đang trên đà xảy ra xung đột. Dù Trung Quốc vẫn từ chối loại trừ việc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan và cũng không thể loại trừ xung đột với Mỹ, nhưng sự can dự này hiện đã khiến các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á thở phào nhẹ nhõm.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho biết một trong những lý do khiến kênh này hoạt động hiệu quả là các nhân vật có liên quan. Cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của Biden và những người đồng cấp Trung Quốc của họ – tại Alaska vào năm 2021 – đã bùng nổ thành một cuộc trao đổi công khai nảy lửa giữa người tiền nhiệm của Vương là Dương Khiết Trì và Blinken. Một phần vì lý do này nên các quan chức Trung Quốc cho biết họ thích làm việc với Sullivan hơn, dù họ xem ông là người cứng rắn.
Mỹ cũng thích Vương hơn vị tiền nhiệm của ông, người vốn có biệt danh là “Hổ”. Vương không phải là người thích tranh cãi. Vị quan chức đầu tiên của Mỹ nói rằng Vương sẽ nêu quan điểm của mình một cách mạnh mẽ, nhưng ý định của ông là đảm bảo rằng Sullivan hiểu được quan điểm của Trung Quốc, chứ không phải nhằm ghi điểm chính trị. “Dương là một giống hổ khác biệt,” quan chức này nói đùa.
Tính cách đó phù hợp với Sullivan, người cũng tập trung vào việc đảm bảo cả hai bên hiểu nhau, để tránh những hiểu lầm có thể tạo ra sự hỗn loạn khó kiểm soát hơn trong quan hệ và dẫn đến xung đột.
Sullivan nói với Financial Times rằng ông không hề ảo tưởng rằng kênh chiến lược sẽ thuyết phục Trung Quốc thay đổi chính sách, nhưng ông nhấn mạnh rằng nó đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thay đổi động lực trong quan hệ Mỹ-Trung.
“Tất cả những gì bạn có thể làm là xem xét chính sách của họ, chính sách của chúng tôi, rồi cố gắng quản lý nó để có thể thực hiện các hành động cần thiết và duy trì sự ổn định trong quan hệ,” Sullivan nói. “Chúng tôi đã có thể hoàn thành cả hai điều đó.”
————-