Bắt chước (phần 2)

    0
    79
       
    Nguyễn Thông

    Trong bài phần 1 tôi đã kể rằng các thế hệ cộng sản cầm quyền xứ này gần như bê nguyên xi bộ máy tổ chức của Liên Xô hoặc Trung Quốc về nước mình, cứ nhắm mắt nhắm mũi áp dụng, họ có gì thì mình có thế, chả cần xem nó có hợp hay không, nó hay dở thế nào. Cái tâm lý đàn em, nhược tiểu cũng một phần quyết định sự bắt chước này, ngại nhỡ ra các anh thấy khác, không hài lòng thì phiền. Vậy nên, anh có thế nào, em cứ sao chép tỉ mỉ cho đủ cho đúng, bao giờ anh sửa thì em lại sửa theo, anh bỏ thì em bỏ, anh giữ thì em giữ.

    Điều rất dễ thấy, về tổ chức đảng, khi Liên Xô quy định tên gọi người đứng đầu đảng là tổng bí thư thì VN cũng có tổng bí thư, lúc Liên Xô đổi thành bí thư thứ nhất thì đảng VN cũng bí thư thứ nhất, Liên Xô chán thứ nhất thứ nhì lại quay về tổng bí thư, VN cũng chán, cũng lại tổng bí thư. Về chính phủ, anh cả gọi là Hội đồng bộ trưởng thì VN cũng Hội đồng bộ trưởng, người đứng đầu hội đồng ấy Liên Xô có chức danh chủ tịch thì ta cũng chẳng kém, cũng chức danh chủ tịch. Liên Xô chán, đổi thành chính phủ, lập thủ tướng, VN vội đổi ngay thành chính phủ, đứng đầu là thủ tướng. Ông Phạm Văn Đồng trong 31 năm đứng đầu chính phủ hết làm thủ tướng lại làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ một ghế. Dường như Liên Xô có thứ gì thì các vị nhà ta phải nhanh nhảu có ngay thứ đó, chẳng cần biết điều kiện, hoàn cảnh của gấu Nga khác ta rất nhiều.

    Buồn cười nhất là đổi tên nước. Sau cuộc cách mạng tháng 8.1945, nước ta được đổi tên thành Việt Nam dân chủ cộng hòa, quốc hiệu là Việt Nam. Suốt bao năm trường lao động và chiến đấu, cái tên ấy đã gắn bó với nhiều thế hệ, kể từ thời 1945 về sau. Vừa chấm dứt cuộc chiến tranh để thống nhất đất nước năm 1975, những người cộng sản vội nghĩ ngay đến việc đổi tên nước. Họ cho rằng sau khi đánh thắng hai đế quốc to thì không còn gì cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của họ, thậm chí có vị lãnh đạo còn lạc quan cho rằng chủ nghĩa xã hội đã về đến tận ngõ rồi. Tại kỳ họp quốc hội thống nhất đầu tiên đầu tháng 7.1976, dưới áp lực của đảng cầm quyền, quốc hội đã nhanh nhảu ra nghị quyết đổi ngay tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Anh cả Liên Xô đã mang tên cộng hòa xã hội chủ nghĩa lâu rồi, giờ ta mới đặt vậy là khí muộn. Không ít nhà lãnh đạo cộng sản VN thời điểm ấy mang tâm lý Liên Xô số 1, VN số 2, kiêu ngạo tự đắc trên có Liên Xô, dưới có VN, anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta. Tôi còn nhớ thời mới “giải phóng” có những tờ báo (hồi ấy chỉ có báo quốc doanh) vênh vang khoe tiềm lực quân sự của VN đứng trong top 5 thế giới bởi vừa thu được vô số máy bay, tàu chiến, pháo, đạn dược, khí cụ chiến tranh hiện đại từ quân đội VN cộng hòa (mà họ gọi là ngụy). VN chính thức trở thành căn cứ vững chắc của chủ nghĩa xã hội ở phương đông, kể từ cái tên nước.

    Cũng xin nhớ rằng chỉ có mấy anh phổi bò xứ ta mới huếnh thế chứ nhìn ra những nước cùng phe, họ rất thận trọng đặt tên gọi quốc gia. Cuba, Ba Lan… chỉ gọi ngắn gọn là Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Cuba; Lào và Triều Tiên thì Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc thì Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đám mấy nước này cũng chủ trương tiến lên chủ nghĩa xã hội nhưng dè dặt, cẩn thận từ cái tên. Chỉ có ông vua bắt chước ở VN là nhanh nhảu, khiến anh cả Liên Xô hết sức hài lòng. Tuy nhiên, thiện cảm cũng chả kéo dài được bao lâu.

    Về kinh tế, có dịp nói thêm chút ít về cái gọi là chủ nghĩa xã hội. Những năm sau 1975 kinh tế càng ngày càng xuống dốc, bết bát thê thảm. Một nước sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp mà ruộng đồng hoang hóa, nông dân tha phương cầu thực, hợp tác xã trở thành thứ tai họa triệt tiêu sức sản xuất. Một số nơi như Vĩnh Phúc, Hải Phòng phải xé rào, khoán hộ, chia ruộng đất khoán sản phẩm cho nông dân. Những nơi khoán được thì dân ấm no trở lại, đẩy lui đói nghèo, cuộc sống sinh sắc hơn, thay da đổi thịt. Những nơi vẫn bám vào duy trì hợp tác xã đi lên chủ nghĩa xã hội thì “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đến bờ vực. Trong hồi ký “Làm người là khó”, ông Đoàn Duy Thành (chủ tịch, rồi bí thư Thành ủy Hải Phòng, sau là Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tức Phó thủ tướng) kể lại trung ương phân vân, tranh luận dữ lắm. Sau khi nghe báo cáo rằng nông dân làm khoán thì được ấm no hạnh phúc, nông dân làm theo hợp tác xã thì ngày càng chết đói, ly hương, chính ông Lê Duẩn và nhiều ông trong Bộ Chính trị như Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn… cũng lo lắng nhưng lại bày tỏ “nếu khoán, chia đất cho nông dân thì để mất chủ nghĩa xã hội à”. Đối với họ, chủ nghĩa xã hội mới là thứ họ cần chứ ấm no hạnh phúc của dân chả là quái gì cả.

    Về giáo dục, xứ này dưới thời thuộc Pháp đã được người Pháp xây dựng một nền giáo dục hiện đại tương đối hoàn chỉnh, đào tạo nhân tài, giáo dục chất lượng cao. Khi người cộng sản cướp được chính quyền, họ xây dựng nền giáo dục mới, lấy mẫu hình Liên Xô làm chuẩn. Hồi tôi học phổ thông, giáo viên chấm điểm cũng bắt chước Liên Xô theo thang điểm 5, chương trình cũng copy hệt của Liên Xô, trong khi rất nhiều thứ rất ưu điểm mà chúng ta từng có lại bị gạt bỏ, ví dụ dạy ngoại ngữ như một ngôn ngữ bắt buộc.
    Suốt những năm 60-80 mà tôi chứng kiến, cấu trúc hành chính, tổ chức làng xã, huyện thị, tỉnh thành cũng được những người cầm quyền bắt chước theo tổ chức của Liên Xô, Trung Quốc. Ở thành phố không có quận, phường mà là khu, tiểu khu (chẳng hạn Hà Nội có 4 khu: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; Hải Phòng có 3 khu Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền) bởi hai anh lớn cấu trúc thế thì mình cũng phải thế, mặc dù cách tổ chức quận, phường của người Pháp đã hết sức hợp lý, khoa học. Sau năm 1976, không thể cưỡng lại sự chính xác “cũ” ấy, họ (nhà cai trị) đã phải chấp nhận đơn vị hành chính như cũ, dư luận cười bảo đó là “đổi mới như cũ”.

    Nông thôn cũng vậy, có một thời thấy Trung Quốc “thay trời chuyển đất, sắp xếp lại giang sơn”, tổ chức công xã nhân dân hoành tráng, các vị nhà ta cũng hào hứng lắm. Họ cho rằng hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thể sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa nên cũng có ý định xây dựng công xã như Trung Quốc. Tôi còn nhớ ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) quê tôi, một vài xã đã được thí điểm mô hình công xã hồi giữa những năm 70, trong đó có xã Minh Tân ven sông Đa Độ. Cũng may mà công xã chết yểu bởi chính hợp tác xã còn chả tồn tại nổi thì nó làm sao sống được. Thời những năm 80, cả nước chỉ còn 500 huyện, là 500 pháo đài vững chắc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình bên Liên Xô, mà huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hoặc xã Định Công (ở huyện Yên Định, Thanh Hóa) được coi là điển hình. Bây giờ cứ ai nhắc lại những điển hình bắt chước tiêu biểu cho nghèo đói và duy ý chí ấy, người nghe vẫn sởn gai ốc.

    Một trường hợp bắt chước gây nên đại bi kịch là cải cách ruộng đất. Cuộc “cách mạng long trời lở đất” ấy đã được nhập nguyên xi từ Trung Quốc và Liên Xô. Sau này cũng có những người phân trần rằng trung ương không muốn nhưng Trung Quốc và Liên Xô cứ ép phải làm. Ông Hoàng Tùng (nguyên Bí thư Trung ương đảng, tổng biên tập báo Nhân Dân, một người rất gần gũi thân cận cụ Hồ, có những điều tâm sự cụ không nói với bất kỳ ai, trừ với ông Tùng) kể rằng cũng có cán bộ lãnh đạo không muốn tiến hành cải cách nhưng số đông thuận theo Trung Quốc bởi không làm thì họ… cắt viện trợ. Vậy mà cứ nói độc lập tự chủ, tình hữu nghị quốc tế vô sản trong sáng. Bê nguyên thứ của nợ cải cách ruộng đất về, chủ nhà đã phải trả cái giá quá đắt, tới bây giờ sau gần 2/3 thế kỷ vẫn chưa dứt được hội chứng cuộc đấu tố tàn hại lẫn nhau. (còn tiếp)

    Nguyễn Thông
    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here