Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017
Nguyễn Thông
Trong tiếng Việt, bắt chước có nghĩa là làm theo người khác một cách máy móc. Đó là hành vi lặp lại những thứ của người khác, sao chép thụ động, chả thể hiện được cái gì của riêng mình, ngoài “tài” bắt chước.
Trong thế giới tự nhiên, con khỉ được xem là vua bắt chước. Ai làm cái gì, nó cũng làm theo, nhưng dù giỏi mấy thì vẫn là trò khỉ. Con vẹt, con sáo cũng bắt chước được tiếng người, thậm chí rất giỏi. Lại nhớ hồi năm 1997 tôi đến thăm nhạc sĩ Phan Vân, tác giả bài hát nổi tiếng “Tình thương mến” thời kháng chiến chống Pháp, trò chuyện để viết một bài chân dung về ông đăng trên báo Thanh Niên, hai bác cháu đang rôm rả, chợt nghe ngoài cửa có tiếng rao mời “Ai bánh tiêu nào”. Tôi dừng chuyện ngó ra, bảo bác ơi có ai kêu cửa, ông Phan Vân cười, bảo con két kêu đó, nó nghe hoài người rao nên nó thuộc, bắt chước i xì.
Nhưng con vật bắt chước có giỏi mấy chăng nữa cũng chỉ xách dép cho người. Trên đời này, có những siêu bắt chước, khỉ hay vẹt phải gọi bằng cụ.
Lớp tôi thời sinh viên (72-76) có thằng (hồi ấy chúng tôi tinh gọi nhau thân mật bằng thằng) Xuân Ba, nó bắt chước giọng của các danh sĩ, yếu nhân thì thôi rồi. Giọng ai nó cũng bắt chước được, bất kể phát âm Bắc, Trung, Nam, như Xuân Diệu đọc thơ tình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện cùng văn nghệ sĩ, cụ Hồ vui với thiếu nhi, thầy Hoàng Xuân Nhị dạy thơ bác Hồ rồi khóc… Cứ mỗi lần nó “hóa thân” là cả lũ lại há hốc mồm nghe rồi bò lăn ra cười. Chả hiểu sao nó không đi diễn kịch mà lại mò sang làm báo.
Nhưng cũng may nó không diễn kịch, chứ theo nghề này thì thua kịch sĩ Tiến Hợi chuyên đóng vai bác Hồ là cái chắc. Tiến Hợi của đoàn kịch nói Hà Nội cứ mỗi lần ra sân khấu là đám đông khán giả đứng dậy đồng loạt hô “muôn năm, muôn năm”. Tôi nhớ có lần xem Tiến Hợi diễn bác Hồ ở nhà hát lớn, lúc “bác” đau khổ phải ký lệnh xử bắn Trần Dụ Châu, nhiều người sụt sịt thương bác, có cả người nức nở nước mắt nước mũi dàn dụa.
Cỡ Xuân Ba, Tiến Hợi cứ nghĩ kịch trần rồi, ai ngờ bọn ấy lại xách dép cho những kịch sĩ làm chính trị. Giả dụ bắt chước là một chuyên môn có đẳng cấp thì đám làm chính trị phải phong là nghệ sĩ ưu tú bắt chước, nghệ sĩ nhân dân bắt chước, nghệ nhân bắt chước siêu hạng…
Kể từ khi chủ nghĩa cộng sản được du nhập xứ này, người cộng sản càng ngày càng chứng tỏ năng khiếu bắt chước hiếm có. Họ đem về đủ thứ từ Liên Xô, Trung Quốc, dập khuôn y chang, cả tư tưởng quan điểm chính trị, cung cách tổ chức, đường lối kinh tế, phương pháp giáo dục, cách cai trị dân, thậm chí cả thói giả dối, sự tàn ác… Họ cũng ra vẻ ta đây có tinh thần độc lập tự chủ, thường phân trần “áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam” nhưng thực tế thì ngay cả bắt chước cũng không ra hồn. Nhiều thứ lắm, có kể suốt ngày cũng chả hết, tôi chỉ nêu ra một vài ví dụ.
Về mặt tổ chức bộ máy, khi các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc tổ chức nhà nước song trùng đảng-chính phủ, thì ông em cũng ngoan ngoãn bê nguyên xi về. Từ bấy đến nay lúc nào dân Nam cũng được nghe cụm từ “đảng và nhà nước”, dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước”, “ơn đảng ơn chính phủ”. Nhà nước có thứ gì thì đảng cũng có thứ ấy, mà thường to hơn, rườm rà hơn, tốn kém hơn, kể từ trụ sở, bộ máy, nhân lực, quyền hành, xài phí tiền bạc của dân không kể xiết. Rồi họ cũng bắt chước Xô-Trung lập ra các ban bệ, đoàn thể, hội này hội nọ, mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, ban tuyên giáo, ban thi đua… trùng trùng lớp lớp xỉa ngoạm vào ngân sách. Hồi xưa họ làm cách mạng nói là để giải phóng nhân dân khỏi 3 tầng áp bức phong kiến – thực dân – phát xít thì ngay sau đó họ lại thiết lập ách cai trị (mà họ gọi mỹ từ là chính quyền nhân dân) không chỉ 3 tầng mà 4 – 5 tầng khiến dân nặng vai è cổ.
Về nguyên tắc phổ quát trên thế giới, các đảng chính trị được quyền hoạt động nhưng phải tự lo kinh phí, không được ăn vào tiền thuế của dân. Những nước dân chủ văn minh đều như thế cả. Nhưng các anh cả anh hai Xô-Trung đã đầu têu việc chiếm ngân sách cho hoạt động của đảng cầm quyền nên đàn em cũng bắt chước ngon lành, mà có phần trắng trợn hơn. Một hạt lúa làm ra, dân phải cắn chia làm 5 làm 7, nuôi đảng, nuôi nhà nước, nuôi đoàn thể, nuôi quốc phòng, nuôi tùm lum thứ, rồi mới đến nuôi bản thân mình. Nặng gánh như thế nhưng chưa bao giờ dân được công khai biết những thứ mình nuôi kia chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách, tức là chiếm bao nhiêu độ mặn trong giọt mồ hôi của mình. (còn tiếp)
Nguyễn Thông