Vụ xử Đồng Tâm: Bình luận thêm của báo tiếng Anh và người ở Việt Nam

0
94
Ảnh : Ngo Ngoc Trai

BBC News Tiếng Việt 17 tháng 9 2020, 18:00 +07

Vụ xét xử sơ thẩm với hai bản án tử hình và một bản án chung thân, cùng nhiều mức án nặng khác được Tòa án và chính quyền Việt Nam tuyên với các bị cáo trong vụ việc bạo lực ở Đồng Tâm là một ‘thông điệp mạnh’ nhưng đồng thời cũng là một ‘dấu mốc đáng tiếc’ của chính quyền, theo tạp chí mạng The Diplomat chuyên về chính trị khu vực châu Á, Thái Bình Dương, hôm 15/9/2020.

Vụ Đồng Tâm: Nhiều bị cáo ‘rất mệt mỏi’ tại phiên tuyên án

Đồng Tâm: Tuyên án tử hình ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức 

Hôm thứ Ba, bài báo của The Diplomat với tựa đề “Phiên tòa xét xử tranh chấp đất đai ở Việt Nam chấm dứt với các bản án tuyên có tội” nhận xét:

“Sau những dấu hiệu khoan hồng trước đó, các nhà chức trách Việt Nam đã sử dụng phiên tòa Đồng Tâm để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ.

“Tranh chấp đất đai Đồng Tâm kéo dài của Việt Nam đã đi đến hồi kết với việc một tòa án phát hiện 29 dân làng phạm tội chống lại chính quyền nhà nước sau một cuộc đụng độ chết người với cảnh sát vào tháng Giêng. Vào ngày 14 tháng 9, các thẩm phán ở thủ đô Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với anh em Lê Đình Chức và Lê Đình Công, những người bị buộc tội giết người vì cái chết của ba công an trong vụ việc. 27 bị cáo khác nhận mức án từ 15 tháng tù đến chung thân.

“Phán quyết đánh dấu một cột mốc đáng tiếc tại khu vực Đồng Tâm, một ngôi làng ở phía nam Hà Nội, nơi người dân địa phương đã dành ba năm qua để chống lại nỗ lực của chính quyền trong việc xây dựng một sân bay trên khu đất liền kề với làng. Cộng đồng cho rằng khoảng 47 ha đất của họ đã bị chiếm đoạt một cách bất công thay mặt cho Tập đoàn Viettel, công ty truyền thông quân đội của Việt Nam.”

‘Đỉnh điểm của 40 năm một vấn đề’?

Bài báo của tác giả, Biên tập viên Đông Nam Á của The Diplomat, cũng dẫn lời của nhà nghiên cứu chính trị Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Australia, nhận định:

“Vụ Đồng Tâm làm nổi bật những căng thẳng ngày càng gia tăng xung quanh câu hỏi về đất đai ở Việt Nam. Carl Thayer của Đại học New South Wales đã mô tả cuộc đột kích Đồng Tâm và kết quả xét xử là “đỉnh điểm của 40 năm vấn đề” về phân phối đất đai. Cụ thể, phần lớn vấn đề xuất phát từ sự mờ nhạt của lợi ích công và tư trong hệ thống kết hợp lai ghép “chủ nghĩa xã hội thị trường” của Việt Nam.”

Bài báo cũng dẫn lời của một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ và là một nhà quan sát Việt Nam, ông David Brown, cho rằng “phản ứng tàn nhẫn này đối với các cuộc đụng độ ở Đồng Tâm là một nỗ lực để dọn dẹp mớ hỗn độn từ cuộc hành quân ồ ạt và không cân xứng vào tháng Giêng” năm 2020.

Hôm 17/9/2020, từ Hà Nội, khi được hỏi vụ sơ thẩm gửi ra thông điệp gì qua vụ án Đồng Tâm, một nhà quan sát thời sự, chính trị tại Hà Nội, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói với BBC:

“Vụ Đồng Tâm theo tôi là thông điệp sắt máu mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn gửi đến những người đang mong mỏi có sự thay đổi trong quan điểm về sở hữu đất đai.

“Vụ Thủ Thiêm đẩy chừng hai vạn người vào cảnh khốn đốn, nhưng những kẻ sai phạm chỉ bị xử lý theo kiểu gãi ghẻ. Trong khi đó, chỉ vì 59ha đất ruộng đồng Sênh, người ta có thể mượn làm cái cớ để thí mạng một lúc mấy con người.

“Thông qua vụ Đồng Tâm, tôi cho rằng chính quyền do đảng CSVN lãnh đạo, muốn gửi nhiều cảnh báo, hay có thể gọi là đa cảnh báo rằng sẽ không có thay đổi về chính sách đất đai trong thời gian tới; sẽ không chấp nhận tiếng nói phản biện; và sẵn sàng thí mạng.”

Ngo Ngoc Trai

Bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, cho biết bà không được cho vào dự phiên tòa sơ thẩm tại Hà Nội

Bản chất vấn đề là gì?

Khi được đề nghị bình luận về thực chất bản chất của vụ án Đồng Tâm và kết quả phiên tòa sơ thẩm, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn nói thêm:

“Theo tôi, phản ứng về vụ Đồng Tâm quả thật là rất nóng. Tôi cũng đã đọc các ý kiến trên BBC, trong đó có ý kiến của một số vị là kinh tế gia, nhà nghiên cứu tâm lý học, xã hội học hay khoa học chính trị, nhưng đã có cái nhìn sâu sắc hơn, thì cũng cần có cái nhìn tổng thể.

“Tôi cho rằng cần đặt vụ tranh chấp, vụ án, vụ xử trong một chuỗi những vấn đề liên quan đến đất đai.

“Chúng ta nên nhớ rằng khẩu hiệu “người cày có ruộng” được cho là một chiêu bài rất rõ màu sắc dân túy của các chính quyền cộng sản, hay chuyên chính vô sản cánh tả trên thế giới từ rất lâu trước đây.

“Khẩu hiệu này được thực hiện tại Việt Nam cho đến năm 1956-1957 là kết thúc. Tiếp sau đó là phong trào, mô hình hợp tác xã và chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được giới thiệu, ban hành. Và chính từ đây trở đi mà người dân không có quyền tư hữu về đất đai.

“Mâu thuẫn về đất đai tại Việt Nam theo quan sát của chúng tôi bắt đầu trở nên trầm trọng kể từ năm 1988, khi nhà nước lần đầu tiên công bố Luật Đất đai. Những sai phạm cũng phát sinh ngày càng nhiều, cùng với sự lộng hành của các cấp chính quyền.

“Các doanh nghiệp được thấy công khai bắt tay với nhà nước theo thể chế, chế độ được cho là toàn trị tiến hành lũng đoạn đất đai, người dân được quan sát thấy bị ép vào chỗ không thể không phản kháng.

“Xem lại toàn bộ vấn đề qua trục thời gian, tức là lịch đại, công luận và các giới sẽ thấy rõ ràng rằng Đồng Tâm chỉ là sự tận cùng của một chuỗi sự kiện mà thôi.

“Và một điều nữa tôi muốn nói thêm là có xu hướng mà nhà nước được cho là luôn tìm cách che giấu, thậm chí lấp liếm để bảo vệ đảng cầm quyền chứ không phải bảo vệ nhân dân. Nhiều người cho rằng thể chế này, vì quyền lực cũng như quyền lợi của mình, đã quá bảo thủ trong quan điểm về sở hữu đất đai,” Tiến sỹ Mai Thanh Sơn nói với BBC News Tiếng Việt hôm 17/9 từ Hà Nội.

Nguồn : https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54192315