RFA
Ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp mới đây cho rằng, Việt Nam là điểm ‘sáng’ khi thế giới nói về rừng. Ông Điển đưa ra nhận định như vừa nêu nhân ngày Quốc tế về rừng 21 tháng 3 năm 2022.
Theo vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, các hoạt động của Việt Nam như ‘gỗ bền vững vì con người và hành tinh’, ‘rừng vì sự yên bình và thịnh vượng’, ‘rừng sinh kế bền vững’… đang được triển khai cùng các đối tác quốc tế, có triển vọng mang lại tác động tích cực… được địa phương và cộng đồng quốc tế ủng hộ… coi Việt Nam là một trong những điểm sáng khi thế giới nói về rừng…
Đài Á Châu Tự Do hôm 22/3 trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Huỳnh Thuật, thạc sĩ lâm nghiệp Đại Học Quốc Gia Sài Gòn, thạc sĩ môi trường quốc tế và phát triển cộng đồng Đại Học Nông Nghiệp Và Công Nghệ Tokyo, Nhật Bản và được ông cho biết như sau:
“Như lần mình đi họp ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Trung Quốc thì mình có chia sẻ và các chuyên gia cũng đồng ý… là trong lá thư gởi Chủ tịch nước về việc không những rừng Việt Nam mà bao gồm các giá trị văn hóa bản địa như cộng đồng địa phương bảo vệ rừng như thế nào… thì Việt Nam chưa có những người tâm huyết cũng như chính sách để khuyến khích những người dân sống ở vùng rừng… mà chúng ta lại tách họ ra khỏi rừng. Ví dụ rừng quốc gia Cát Tiên có những dự án tốn rất nhiều tiền của chính phủ Hà Lan, nhưng lại không vận dụng được để người dân ở trong rừng cùng mình bảo vệ rừng.”
Tỷ lệ phá rừng ở Việt Nam thì như chúng ta đã biết, đặc biệt là những năm gần đây. Vừa là do chính sách thay đổi, từ rừng tự nhiên chuyển sang rừng cao su… đó là về chính sách, còn về thủy điện thì phá rừng để làm… Cho nên quan trọng nhất là dân trí và quan trí thôi.
-Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật
Theo ông Nguyễn Huỳnh Thuật, người dân là một nhân tố bảo vệ rừng nhưng Chính phủ lại đẩy ra khỏi rừng. Đó là một chính sách thất bại. Ông Thuật nhận định thêm về hiện trạng phá rừng ở Việt Nam:
“Tỷ lệ phá rừng ở Việt Nam thì như chúng ta đã biết, đặc biệt là những năm gần đây. Vừa là do chính sách thay đổi, từ rừng tự nhiên chuyển sang rừng cao su… đó là về chính sách, còn về thủy điện thì phá rừng để làm… Cho nên quan trọng nhất là dân trí và quan trí thôi. Khi nào dân trí và quan trí nâng lên một cái tầm mà chúng ta thấy rừng với thiên nhiên là cuộc sống của mình và không còn tách biệt thì chúng ta mới biết cách bảo vệ rừng. Bây giờ thủy điện mọc lên tràn lan, ngoài thủy điện thì còn hy sinh rừng để làm đường xá và các công trình khác. Chúng ta vừa mất rừng bằng chính sách và vừa mất rừng vì người dân… nhưng mình nghĩ mất rừng bằng chính sách thì nguy hiểm hơn…”
Với khái niệm ‘quản lý rừng bền vững’ ngày nay, ông Điển cho rằng Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng đa dạng hóa nguồn thu từ rừng. Từ nguồn thu ban đầu là gỗ, củi do khai thác rừng tự nhiên, đã chuyển sang đóng cửa rừng tự nhiên. Sau đó, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ rừng trồng và gỗ nhập khẩu đã đạt 15,87 tỷ USD vào năm 2021.
Sau hơn ba năm Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, thì Bộ Nông nghiệp-Phát triển & Nông thôn báo cáo tình trạng mất rừng có giảm nhưng các vụ vi phạm vẫn diễn ra. Cụ thể, tình trạng phá rừng, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương.
Còn theo bài viết hôm 2/2/2022 trên trang Mongabay – chuyên đưa tin trong lĩnh vực bảo tồn và môi trường trên thế giới, thì số lượng lớn gỗ cứng nhiệt đới từ các điểm nóng về phá rừng trên thế giới như Campuchia, Lào, Cameroon, Gabon, Papua New Guinea… vẫn tiếp tục được tuồn vào các cửa khẩu Việt Nam, bất chấp quy định mới mà Hà Nội đã ký với EU năm 2018 và được đưa vào áp dụng năm 2020.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu tại Đại học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 22/3 cho rằng dù mật độ phủ rừng ở Việt Nam có tăng, nhưng rừng tự nhiên lại suy giảm nghiêm trọng:
“Rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh của Việt Nam đang trong tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng được bù lại bằng rừng trồng, rừng sản xuất… nhưng nó không bù lại được những giá trị như rừng tự nhiên. Cho nên vấn đề bảo vệ và phát triển rừng của Việt Nam thì những người quản lý môi trường sinh thái phải chú ý chuyện này. Chính phủ có một số chiến lược khôi phục lại rừng, nhưng kết quả của nó rất là hạn chế.”
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết vì sao việc khôi phục rừng không đạt kết quả như mong muốn:
“Rừng trồng không thể nào có giá trị như rừng tự nhiên, bởi vì rừng trồng thì sau này người ta cũng sẽ khai thác. Với lại rừng trồng thì bộ rễ không thể phát triển như rừng tự nhiên và giá trị đa dạng sinh học cũng không có. Rừng tự nhiên thì có rất nhiều loại cây, nhiều tầm phát triển khác nhau, bộ rễ đi rất sâu… có tác dụng rất lớn trong việc điều tiết lũ, kiểm soát tình trạng sạt lở… Do đó rừng tự nhiên có giá trị rất lớn, ngoài giá trị kinh tế còn giá trị khác như du lịch, giáo dục… nó còn bảo vệ đất, nguồn nước, cũng như điều hòa về mặt khí hậu…”
Rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh của Việt Nam đang trong tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng được bù lại bằng rừng trồng, rừng sản xuất… nhưng nó không bù lại được những giá trị như rừng tự nhiên.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu – COP26, diễn ra tại Glasgow, Scotland hôm 2/11/2021, Việt Nam cùng hơn 100 quốc gia đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Các quốc gia tham gia cam kết này đại diện cho hơn 85% rừng toàn cầu, nhấn mạnh vai trò quan trọng và phụ thuộc lẫn nhau của các loại rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững trong việc giúp thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Trả lời RFA khi đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng:
“Cam kết của Chính phủ VN là rất tích cực, được thế giới hoan nghênh… Thế nhưng đi kèm những cam kết đó thì thật sự tôi chưa nhìn thấy những giải pháp, biện pháp, phương pháp… để đảm bào cam kết đó mang tính khả thi, có thể thực thi cam kết đó tại VN.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, kèm theo những cam kết của Chính phủ VN rất được thế giới ủng hộ, thì từ trung ương tới địa phương phải đưa ra một chương trình cụ thể để thực hiện cam kết. Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, Việt Nam có nhiều cam kết rất tiến bộ, nhưng giải pháp đi kèm theo thường không cụ thể và thiếu tính mạnh mẽ trong thực thi. Cũng như không có giải pháp cụ thể để thể hiện việc thực hiện cam kết với thế giới.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), phá rừng ở Việt Nam hiện vẫn là một trong những vấn nạn ở nước này. Nguyên nhân mất rừng do sự yếu kém và tham nhũng trong công tác bảo vệ rừng, sự thông đồng của các giới chức hữu quan cũng như lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay cho lâm tặc chặt phá rừng.