Vì sao nước Đức không lấy ngày 9/11 làm „Ngày Thống nhất“?

    0
    20
    Bức tường Berlin ngày Thống nhất
    Thời báo.de

    Ngày 9/11/1989 quả thực là một ngày hết sức trọng đại. Nhưng nước Đức không thể lấy ngày 9/11 làm „Ngày thống nhất“ bởi vì trong quá khứ, ngày 9/11 liên quan tới những sự kiện đen tối trong lịch sử nước Đức. Đêm 9/11/1938 đã trở thành „Pogromnacht“, đêm bắt đầu chiến dịch tàn sát những người Do Thái và cuộc đảo chính bất thành của Adolf Hitler ngày 9/11/1923.

    Năm 1938, chính quyền Đức Quốc Xã bắt đầu chiến dịch tước đoạt quyền và truy bức những người Do Thái, mở đầu bằng việc kêu gọi tẩy chay các cửa hàng của người Do Thái, sau đó là sử dụng vũ lực.

    Ngày 7/11/1938, một người Do Thái Ba Lan đã bắn chết một nhà ngoại giao Đức ở Paris, vì gia đình ông ta bị đe dọa đưa vào trại tập trung. Ngay lập tức, chính quyền Đức Quốc Xã lấy đây làm cớ để tàn sát những người Do Thái với mệnh lệnh đốt cháy các nhà thờ Do Thái và cửa hàng của những người Do Thái, phá hủy các biểu tượng và thành tựu văn hóa Do Thái. Chỉ trong đêm 9/11/1938, khi mệnh lệnh này được đưa ra, hơn 1.400 nhà thờ Do Thái đã bị tàn phá, hơn 400 người Do Thái bị đánh chết, bị bắn chết hoặc bị cưỡng bức tự sát, vô số cửa hàng bị thiêu hủy.

    Ngày 9/11/1938 đã mở đầu cho „Giải pháp số 0“, tức là tiêu diệt toàn bộ những người Do Thái, kết quả là sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, trên 6 triệu người Do Thái đã bị sát hại.

     

    Cuộc đảo chính bất thành của Adolf Hitler ngày 9/11/1923: Năm 1923, nước cộng hòa Đức non trẻ đang bị khủng hoảng với nạn lạm phát cao làm đồng tiền mất giá, kinh tế suy sụp, xã hội bất ổn và sự xung đột với nước ngoài đe dọa.

    Trong bối cảnh đó, nhiều công dân đế chế Đức lo sợ trước một cuộc nội chiến, lo sợ trước một sự hỗn loạn hoàn toàn. Họ khao khát một sự trật tự, an ninh, trong đó một chính quyền mạnh lãnh đạo vận mệnh của đất nước với một quân đội mạnh.

    Nắm được cơ hội này, Adolf Hitler, Chủ tịch Đảng Công nhân Quốc Xã Đức (NSDAP) nảy ra ý định lật đổ Chính phủ và thiết lập chế độ độc tài trong toàn Đế chế Đức.

    Ngày 8/11/1923, Hitler được mời tới nhà hàng Bürgerbräukeller ở München để tham dự một chương trình cùng với những người lãnh đạo bang Bayern. Trước đó, Hitler đã cho các đơn vị vũ trang chiếm lĩnh các vị trí xung quanh nhà hàng. Trong khi các quan chức đang phát biểu, Hitler đột nhiên nổ một phát súng lên không trung để giữ trật tự và giành diễn đàn. Với sự hỗ trợ của quân đội, Hitler đưa Thủ hiến Gustav von Kahr và tư lệnh quân đội Otto von Lossow, tư lệnh cảnh sát Hans von Seißer sang một phòng bên, gây áp lực để đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ mới của đế chế. Trong khi đó, Hitler hạ lệnh bắt giữ những bộ trưởng có mặt tại nơi này.

    Nhằm giành được toàn bộ Chính quyền trong Đế chế Đức, Hitler dự định tiến hành một cuộc hành quân về Berlin theo tấm gương „Hành quân về Rom“ của Mussolini. Nhưng ngay trong đêm đó, Thủ hiến Gustav von Kahr lên đài phát thanh tuyên bố mình bị ép buộc và khẳng định không ủng hộ cuộc đảo chính nữa.

    Bất chấp sự rút lui của Gustav von Kahr, ngày 9/11/1923 vẫn diễn ra cuộc „Hành quân“ như dự kiến. Dưới sự lãnh đạo của Hitler, những người ủng hộ cuộc đảo chính bắt đầu hành quân từ nhà hàng Bürgerbräukeller lúc 12 giờ trưa. Vào lúc 12 giờ 45 đã xảy ra đấu súng với cảnh sát Bayern làm cho 16 người tham gia đảo chính, bốn cảnh sát và một khách bộ hành bị bắn chết. Hậu quả là đảng NSDAP bị cấm trong toàn bang. Đảng Cộng sản Đức (KPD) cũng bị cấm để ngăn cản các cuộc nổi dậy tiếp theo của cánh hữu cũng như của cánh tả. Nhưng lệnh cấm các đảng lại được hủy bỏ chỉ sau vài tuần lễ.

    Sau khi đấu súng, Hitler đã chạy trốn, nhưng vài ngày sau đã bị bắt. Đầu năm 1924, Hitler bị đưa ra tòa và kết án 5 năm tù, nhưng chỉ sau chín tháng đã được trả tự do trước thời hạn.

    Việc ngày 3/10/1990 được chọn làm „Ngày Thống nhất“ được cho là nhằm nhanh chóng đoạn tuyệt với quá khứ, không để cho nhà nước CHDC Đức có thể kỷ niệm Ngày quốc khánh lần thứ 41 của mình, mà trước đó lãnh thổ CHDC Đức được chia thành 5 bang và các bang này xin gia nhập CHLB Đức, nguyện tuân thủ Đạo luật cơ bản – Hiến pháp CHLB Đức.

    Văn Long