Ukraine – Những nhận thức mới (Phần 6)

0
3
Marina Ovsyannikova, phóng viên đàì truyền hình "Kênh 1", đã dũng cảm chống lại cuộc chiến tranh và sự bưng bít thông tin của Putin

Nguyễn Thọ

11/04/2022

Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đặt thế giới trước một cục diện mới. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân bỗng trở nên hiện thực, dù người ta chỉ nói đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Những gì cường quốc hạt nhân Nga đã làm tại Ukraine là hết mức vô trách nhiệm. Putin không chỉ vô trách nhiệm với nhân loại khi cho quân đánh vào Chernobyl và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, mà còn coi sinh mạng binh sỹ Nga như rác.

Sau khi quân Nga rút khỏi Chernobyl cùng các con tin Ukraine, người ta tìm thấy các công sự của lính Nga đào trong cát trắng đầy chất phóng xạ. Trong các thức ăn và đồ vật lính Nga để lại, người ta kinh ngạc vì lượng phóng xạ đo được. Không phải Putin không biết gì về phóng xạ, mà tính mạng của những người lính Nga không quan trọng bằng lời đe dọa hạt nhân ông ta muốn gửi đi từ đó.

Bên cạnh các thảm họa: Phá hủy sinh thái, nạn diệt chủng, nạn đói do thiếu lúa mì, khủng hoảng năng lượng toàn cầu, cuộc chiến này đã thay đổi nhận thức của chúng ta về thế giới.

Người ta không còn tin vào trật tự thế giới được lập ra từ năm 1945, sau đại chiến thế giới II nữa. Trật tự này chia thế giới ra làm 2 phe: Dân chủ và toàn trị. Kẹp vào giữa đó là các quốc gia nhỏ không liên kết, chịu ảnh hưởng của bên này hay bên kia. Cuộc chạy đua vũ trang của hai phe xảy ra cho đến cuối 1989 không nhằm thôn tính bên kia, mà chủ yếu mang tính răn đe. Các cường quốc hạt nhân đều từng gây chiến hoặc tham chiến ở Triều Tiên, Việt Nam, Trung Đông, Nam Tư, nhưng chưa bao giờ người ta tính đến khả năng một cuộc đại chiến hạt nhân. Chính cái cơ chế mà các siêu cường hạt nhân khóa nhau và trung hòa nhau đã duy trì sự cân bằng mong manh đó.

Những tội ác của Nga tại Ukraine và vai trò phủ quyết của nó tại LHQ, với tiềm lực hạt nhân của nó và nguy hiểm hơn nữa, với thể chế của nó, có thể đưa thế giới vào hỗn loạn.

Giáo sư sử học Timothy Snyder, đại học Yale nhận định: “Bước chuyển sang chủ nghĩa chuyên quyền cực hữu có lẽ là bậc thang cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản, dù mới nghe có vẻ rất quái gở.” [1].

Nước Nga hậu Xô viết còn hơn cả nền chuyên chế (Autocracy), thành một chế độ độc tài (Dictatorship).

Các nhà nước XHCN trước kia, tuy chuyên chế nhưng vẫn có luật chơi. Nhờ đó mà tập thể Bộ Chính Trị có thể kéo phanh vào những lúc khẩn cấp để tránh sự sụp đổ. Từ Khruschev đến Gorbachov ở Liên Xô, từ Gomulka đến Gierek ở Ba-Lan hay Ulbricht và Honecker ở Đông Đức, luật chơi đó luôn giữ cho đoàn tầu không đổ ụp. Nhờ vậy mà tai họa không xảy ra và sự cân bằng mong manh cho trật tự thế giới tồn tại.

Nhưng ở nước Nga hậu cộng sản (thậm chí đa đảng), cái phanh đó nằm trong tay một người duy nhất, lại đang mắc bệnh hoang tưởng.

Đế quốc Nga luôn lo sợ sự thay đổi trong nền chính trị của các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của nó. Khi lãnh đạo các đảng Cộng sản ở Hungary và Tiệp Khắc muốn cách tân chế độ, Liên Xô đã ra tay lật đổ. Năm 1968, Liên Xô dù đủ sức đưa 500.000 quân vào chiến dịch lật đổ ông Dubček, nhưng vẫn phải mượn ngọn cờ khối Warzawa để hợp thức hóa ván bài. Ngày nay Putin đưa quân vào lật đổ chính quyền Kiew mà không cần một sự đồng thuận quốc tế nào. Thuộc hạ duy nhất là Lukashenko ở Belaruss cũng ậm à ậm ừ.

Nhiều người từng học ở Liên Xô, vốn có những kỷ niệm tốt về thời kỳ XHCN ở đó, nay bỗng nhận ra rằng, nước Nga đâu còn là XHCN nữa, ngược lại đang bị lãnh đạo bởi một kẻ chống cộng gian ngoan. Ở nước Nga Xô viết, quyền lực tuy bị thao túng bởi một nhóm người nhân danh giai cấp công nông, nhưng đối tượng bị chuyên chính luôn là giai cấp tư sản và những kẻ giầu có. Ngày nay giới tư bản cá mập (Oligarch) kiểu mafia đang lũng đoạn toàn bộ nền kinh tế và chính trị ở Nga, trong khi người lao động đang mất đi những quyền cơ bản nhất.

Khi can thiệp vào các quốc gia khác, Liên Xô XHCN luôn ca ngợi Chủ nghĩa Quốc tế Vô sản và biện hộ hành đông đó bằng việc “bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc anh em”. Putin ngày nay xóa sổ Chủ nghĩa Quốc tế, coi “Ukraine không phải là một quốc gia đáng tồn tại độc lập”.

Trong vụ Hungary 1956, lãnh tụ Liên Xô Khrushev đồng ý với nhiều cải cách của thủ tướng Hungary là Imre Nagy đưa ra. Ông chỉ ra tay khi Nagy đòi ra khỏi khối Warzawa. Những hình ảnh của vụ tàn sát ở Hungary khiến Liên Xô lo sợ và cách duy nhất họ chống lại là bưng bít mọi thông tin phát đi từ Budapest.

Ngày nay Putin không cần che đậy hay biện bạch.

Mọi hình ảnh tố cáo tội ác của Nga đều được bộ máy tuyên truyền Nga sử dụng để đổ tội cho đối phương. Từ những xác chết ở Butscha, nhà hộ sinh ở Mariupool, nhà ga ở Kramatorsk bị đánh bom, tất cả đều là do phía Ukraine gây ra.

Thậm chí việc mất điện làm nguội cho lò hạt nhân ở Zaporizhzhia và ở Chernobyl đều là âm mưu của Ukraine. Người có đầu óc bình thường thừa hiểu: Nếu thảm họa xảy ra thì thủ phạm chính là những kẻ tấn công vào các nhà máy điện này.

Putin phát động một cuộc chiến tranh tuyên truyền bằng lý lẽ của Alexandr Dugin: “Sự thật chỉ là việc anh có tin vào cái gì dó hay không mà thôi… Nếu chúng ta tin vào điều chúng ta làm, chúng ta tin vào điều chúng ta nói, thì đó là cách duy nhất để định nghĩa sự thật. Chúng tôi có sự thật kiểu Nga mà các vị cần phải chấp nhận” [2].

Đây chính là định nghĩa về sự thật của Goebbel, trùm tuyên truyền của phát xít Đức [3]. Chế độ Hitler nguy hiểm vì nó đã làm mù quáng cả một dân tộc văn minh, khiến cả một quốc gia hùng mạnh chống lại loài người. Dugin, chỗ dựa về lý luận của Putin, là cha đẻ của học thuyết Eurasianism, coi dân tộc Nga là tâm điểm, là trục xoay của nền văn minh Á-Âu, là dân tộc lãnh đạo các dân tộc Slave khác. Đó chính tư tưởng dân tộc thượng đẳng, sặc mùi chủng tộc.

Marina Ovsyannikova, phóng viên đàì truyền hình “Kênh 1”, đã dũng cảm chống lại cuộc chiến tranh và sự bưng bít thông tin của Putin. Ảnh trên mạng

Những gì đang xảy ra ở Đức 1933 lại đang xảy ra ở Nga. Đó là một nhận thức mới.

22 năm cầm quyền của Putin đã thành công trong việc trấn áp và cô lập các lực lượng tiến bộ ở Nga. Từ Nemzov, Nawalny, Karpov hay Politovskaya, tất cả đều trả giá đắt cho những phê phán của họ.

Quan trọng hơn cả là Putin và các chiến lược gia kiểu Dugin đã ngộ độc được một phần lớn dân chúng bằng các tư tưởng đại Nga của họ. Đám đông bị ngộ độc này đã kết tinh ra tầng lớp tinh hoa mới, khiến cho những người Nga có lương tâm như cô nhà báo Marina Ovsyannikova trở nên cô đơn [4]. Hàng chục nghìn người Nga bị bắt vì phản đối chiến tranh không thay đổi được bức tranh 75% dân chúng ủng hộ đường lối của Putin.

Ông Ascher Tscherkasskij (52 tuổi) và cậu con trai David (20 tuổi), người Do Thái ở Ukraine, đã từ bỏ cơ hội sang Israel tránh chiến tranh. Họ hy sinh cuộc sống an bình, quyết định ở lại chiến đấu với quân Nga vì không chịu nổi rằng kẻ như Putin lại vu cho họ là phát xít. [5]

Chứng kiến những tội ác quân Nga gây ra, ông Ascher nói: “Không phải Putin là kẻ chĩa đại bác bắn vào các thành phố. Putin không bóp cò, không phóng những quả tên lửa vào bệnh viện ở Mariupol hay sân bay ở Dniepro. Đó là các công dân Nga và hình như họ hứng thú khi làm điều đó.”

Đáng buồn là rất nhiều người Ukraine, dù gốc Nga, Ukraine, Tarta hay Do Thái đều chia sẻ nhận định này.

Người Đức vẫn còn may mắn để từ đống đổ nát nhận ra tội ác mà cha ông họ đi theo Hitler gây ra. Họ đã sám hối và xin lỗi 77 năm qua.

Nhưng liệu dân tộc Nga (và một phần thế giới) có sống sót để làm lành, một khi trót để cho Putin động đến chiếc va ly hạt nhân?

Có một thực tế là: Các “sự thật kiểu Nga” đang làm chính Putin bị mù. Thói quen thích nghe các báo cáo lọt tai đã khiến Putin mắc phải các sai lầm chết người trên mặt trận. Nga đang thua cả về quân sự, chính trị, kinh tế và đạo đức. Putin chỉ thoát khỏi một phiên tòa nếu thắng cuộc chiến này. Hơi bị khó!

Sự thất vọng đã hiện rõ trong cuộc họp báo hôm thứ năm 7.4 vừa rồi của Peskov, cái lưỡi của Putin, khi ông ta công nhận rằng “tổn thất đáng kể quân số và một thảm kịch của chúng tôi”.

Nga sẽ không coi việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO là mối đe dọa đến an ninh của mình. Nếu điều đó xảy ra, Nga sẽ phải tăng cường sườn phía tây của mình- Peskov nói. [6]

Mong rằng đó cũng là nhận thức mới của Putin sau sáu tuần bầm dập?

(Còn tiếp)

Nguồn : https://www.facebook.com/photo?fbid=7641010865916920&set=pcb.7641029429248397

_____

[1] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/6772520612765954

[2] https://www.bbc.com/news/world-europe-37766688

[3] “Lời nói dối được nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần rồi sẽ có người tin”, được cho là phát biểu của Goebbels, bộ trưởng tuyên truyền Đức Quốc xã.

[4] https://www.theguardian.com/world/2022/mar/18/russian-journalist-who-staged-anti-war-tv-protest-quits-job-but-rejects-french-asylum-offer

[5] https://www.bild.de/politik/ausland/politik-ausland/ukraine-juedische-familie-kaempft-gegen-putin-wir-werden-auf-jeden-fall-siegen-79724566.bild.html

[6) https://www.nordbayern.de/politik/kreml-viele-russische-tote-in-ukraine-gewaltige-tragodie-1.12011286