30-7-2021
Mỗi lần có các bạn phóng viên nước ngoài nhờ tôi xin ý kiến từ một quan chức của Việt Nam thì hầu như bao giờ cũng thất bại. Họ sẽ bảo theo quy định là phải có giấy của Bộ Ngoại Giao đưa sang, mà muốn có giấy của BNG thì toà báo phải gửi thư sang BNG trước. Việc ấy mà làm đầy đủ thì mất vài ngày. Trong khi ấy thì nhiều bài báo có tính thời sự lại cần ngay.
Như bài báo sắp tới trên New York Times về việc Việt Nam giúp tìm được xác một phi công Mỹ dưới biển Đông thì người phát biểu sẽ không thể nói gì có thể sai được. Bản chất của bài báo như vậy là hoàn toàn tích cực, việc hợp tác là để củng cố mối quan hệ giữa hai nước, thể hiện thiện chí, chính sách nhân đạo của người Việt Nam.
Vậy mà vị quan chức bảo tôi không biết bài báo sẽ viết gì, làm sao mà cho ý kiến của mình vào được. Xin thưa, nguyên tắc báo chí quốc tế, hay báo chí đúng nghĩa là không được cho người được phỏng vấn xem trước bài báo. Cơ quan báo chí có quan điểm riêng, có quyền tự chủ riêng, cho xem trước thì khác nào cho người được phỏng vấn quyền của một tổng biên tập. Mà một bài báo quốc tế thường phỏng vấn nhiều người, đâu phải một người.
Tôi viết stt này với hy vọng những người làm ra quy định về hoạt động báo chí ở Việt Nam nên có cái nhìn mạnh dạn và cởi mở hơn. Việt Nam muốn hoà nhập với thế giới thì mọi thứ cần phải đổi mới về tư duy, cách làm.
Cuối cùng thì chỉ lại nhờ mấy lão tướng về hưu, những người đã từng xuất hiện cả trăm lần trên báo chí nước ngoài, tầm của họ đã cao hơn mấy cái quy định và nền tảng của họ đã vững vàng nên không có những nỗi sợ sệt vu vơ nữa.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì cách quản lý thông tin như vậy đến bao giờ?
Điều gì sẽ xảy ra khi vài lão tướng ít ỏi đã khuất núi, báo chí quốc tế khi cần có tiếng nói Việt Nam thì biết tìm đến ai?
Đừng nói là quy định thì phải theo. Xã hội phát triển thì quy định cũng phải phát triển, phải thích nghi cho phù hợp với thời cuộc.
Cũng đừng nói rằng ta không cần báo chí quốc tế bởi việc đưa ý kiến của những người Việt Nam ra quốc tế là điều cần thiết để xây dựng hình ảnh đất nước. Đấy chính là xây dựng quyền lực mềm. Đến những nước lớn hay tiên tiến như Trung Quốc, Nhật Bản đều phải tranh thủ xây dựng hình ảnh đất nước, một thứ quyền lực mềm có tác dụng lâu dài cho sự thịnh vượng của đất nước. Một nước lạc hậu, một nước nhỏ lại cần quyền lực mềm hơn cả để vươn lên.
Tạo ra một luồng trao đổi thông tin đúng đắn và cởi mở, không phải là thứ thông tin bị kiểm duyệt, bị định hướng chính là một cách xây dựng quyền lực mềm.
Chính quyền Mỹ cảm ơn chính quyền Việt Nam trong việc tìm phi công mất tích, máy bay rơi ở Biển Đông trong thông cáo báo chí này. New York Times có nhờ tôi kiếm vài lời nhận xét mà khó quá.