TRÍ THỨC LÀ MỘT LỰA CHỌN

0
6
Nhà văn Nguyễn Hưng Quốc (thứ hai tứ trái qua)tại báo Người Việt.

Nguyễn Hưng Quốc 

Khi định nghĩa trí thức là những kẻ thích và có khả năng theo đuổi những ý tưởng vị ý tưởng (ideas for their own sake) hơn là những vấn đề thực dụng, chúng ta thấy ngay, vấn đề trí thức hay không trí thức không hẳn là vấn đề trình độ. Không phải trí thức thông thái hơn những người không được xem là trí thức. Một chuyên gia (expert) trong một lãnh vực nào đó có thể có kiến thức chuyên ngành cao hơn hẳn những người vốn được công nhận là trí thức, nhưng chuyên gia, trong phần lớn các trường hợp, không phải là trí thức bởi kết quả cuối cùng của công việc họ làm không phải là ý tưởng mà là sản phẩm hay dịch vụ. Trí thức cũng không hẳn khôn ngoan hơn người khác. Chính vì thế mới có những “tri thức dại dột” (unwise intellect). Chung quanh những tên độc tài khát máu như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Hitler, lúc nào cũng đầy những người được xem là thuộc “giới trí thức” sùng bái và ca tụng, bất chấp việc chúng đã giết chết cả hàng triệu người vô tội và đày đoạ dân tộc của chúng vào cảnh hoặc chiến tranh hoặc bần cùng.

Như vậy, trí thức, theo tôi, có hai ý nghĩa chính: Thứ nhất, với tư cách một nghề, phần lớn những người trí thức thuộc giới nghiên cứu, đặc biệt giới nghiên cứu các ngành khoa học lý thuyết, khoa học xã hội và nhân văn, tức những người hoạt động không dẫn đến kết quả nào khác ngoài các ý tưởng. Thứ hai, những người, từ các lãnh vực khác, bằng hoạt động của họ, trở thành trí thức. Cái gọi là các lãnh vực khác ấy rất đa dạng. Chúng ta có thể thấy điều đó qua danh sách 100 nhà trí thức hàng đầu trên thế giới do tạp chí Foreign Policy và Prospect Magazine thực hiện vào năm 2005 (Noam Chomsky, Umberto Eco, Richard Dawkins, Václav Havel, Christopher Hitchens, Paul Krugman, Jürgen Habermas, v.v…)

Nếu trí thức, như Thomas Sowell nhấn mạnh, là những người hoạt động trong lãnh vực bắt đầu và kết thúc với ý tưởng, có khá nhiều người trong danh sách ấy vốn tự bản chất không phải là trí thức: họ là chính khách (kết quả cuối cùng của công việc họ làm là chính sách và quyền lực), tu sĩ (kết quả cuối cùng là việc giữ đạo và truyền đạo), thẩm phán (kết quả cuối cùng là án lệnh), nhà ngoại giao (kết quả cuối cùng là quan hệ đối ngoại), nhà nghiên cứu y học (kết quả cuối cùng là cách thức phòng và trị bệnh), nhà kinh doanh (kết quả cuối cùng là lợi nhuận), v.v… Tuy nhiên, tất cả đều trở thành nhà trí thức, hơn nữa, trí thức nổi tiếng nhất thế giới.

Tại sao?

Lý do chính là họ…vượt biên.

Có ba kiểu vượt biên chính.

Thứ nhất là vượt ra khỏi biên giới lãnh vực chuyên môn của họ. Ai cũng biết Noam Chomsky là một nhà ngôn ngữ học xuất sắc, nhưng dưới mắt quần chúng, ông trở thành một nhà trí thức lỗi lạc không phải vì các công trình nghiên cứu ngôn ngữ học mà vì các bài bình luận về chính trị và xã hội, vốn nằm ngoài chuyên ngành của ông. Andrei Sakharov vốn là nhà vật lý nguyên tử đã trở một trí thức công chúng ở một lãnh vực hoàn toàn không dính líu gì đến vật lý: dân chủ và nhân quyền, ở đó, ông được giải thưởng Nobel Hoà bình năm 1975 và được biết đến ở khắp nơi trên thế giới. Trước đó, Bertrand Russell vốn cũng là một triết gia và một nhà toán học đã trở thành một trí thức công chúng nổi tiếng vì các bình luận chính trị, đặc biệt về chiến tranh Việt Nam. Trong phạm vi Việt Nam, chúng ta cũng dễ dàng thấy nhiều hiện tượng tương tự. Hoàng Tuỵ trở thành một trí thức công chúng không phải với các công trình nghiên cứu về toán học mà với các nhận định của ông về giáo dục. Quá trình chuyển hoá từ một nhà văn đến một nhà trí thức của Nguyên Ngọc cũng là quá trình đi từ phạm trù thuần tuý văn chương đến phạm trù văn hoá và xã hội. 

Họp mặt nhân dịp ra mắt sách Cánh Cò tại Báo Người Việt

Dĩ nhiên, trong quá trình từ một chuyên gia đến một trí thức, người ta có nhiều thuận lợi: một là kiến thức cơ bản của họ đã khá rộng; hai là họ đã quen thuộc với các thao tác nghiên cứu từ cách tìm kiếm đến cách lý giải tài liệu; ba là cách diễn đạt, ít nhất cũng mạch lạc đủ để người đọc có thể theo dõi; và bốn, quan trọng nhất, họ được rèn luyện kỹ năng phân tích và lý luận để có thể suy nghĩ một cách độc lập và có tính phê phán.

Cần lưu ý là ở một người đóng hai vai trò, chuyên gia và trí thức, tài năng của một chuyên gia không nhất thiết tương ứng với tài năng của một trí thức. Trong cuốn Public Intellectuals, Richard A. Posner ghi nhận là có nhiều trí thức có uy tín trong công chúng nhiều hơn hẳn trong cộng đồng nghề nghiệp của họ. Trong số 100 nhà trí thức nổi tiếng nhất trong công chúng, chỉ có 18 người là thực sự nổi tiếng trong chuyên ngành. Điều đó cho thấy từ một chuyên gia đến một trí thức, nhất là trí thức công chúng, người ta đi vào hai thế giới khác nhau với những tiêu chuẩn khác nhau.

Thứ hai, vượt ra khỏi biên giới của môi trường hoạt động cố hữu. Môi trường hoạt động cố hữu của các nhà khoa học là gì? Là các phòng thí nghiệm và các tập san chuyên môn. Người đọc, người theo dõi và đánh giá họ là các đồng nghiệp cùng ngành. Ngay cả khi họ nổi tiếng thì họ cũng chỉ nổi tiếng trong ngành. Một số người, thật ít ỏi, trong họ, đến với quần chúng được chủ yếu là nhờ tầng lớp trung gian: các học giả, ký giả và thầy cô giáo. Trước đây, chính qua các tầng lớp trung gian ấy mà Charles Darwin, Karl Marx và Sigmund Freud đã trở thành trí thức công chúng nổi tiếng cả thế giới. Sau này, với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật truyền thông đại chúng, nhiều nhà trí thức lớn không muốn chờ đợi sự chuyển tải của tầng lớp trung gian ấy nữa. Họ trực tiếp đến với quần chúng. Thay vì chỉ đối thoại với đồng nghiệp trong các trung tâm nghiên cứu hay các đại học qua các tập san chuyên ngành, họ chọn lựa đối thoại trực tiếp với quần chúng bằng cách xuất hiện trên ti vi, trả lời phỏng vấn trên radio, viết các bài chính luận hoặc xã luận trên báo chí, và gần đây nhất, trên các blog. Đối tượng thay đổi, hình thức, ngôn ngữ và nội dung của các cuộc đối thoại cũng thay đổi theo. Từ văn phong học thuật, họ chuyển sang văn phong chính luận; từ ngôn ngữ hàn lâm, họ chuyển sang ngôn ngữ đại chúng; từ những đề tài chuyên môn họ chuyển sang những mối quan tâm trong đời sống hàng ngày của mọi người, hoặc ít nhất, của đa số dân chúng.

Thứ ba là vượt biên về thái độ. Là những người ít nhiều có thế giá trong xã hội, đáng lẽ họ có thể sống một cách an nhàn và hài lòng với tất cả. Ngược lại, họ chọn một thế đứng khác hẳn: nghi ngờ mọi quyền lực, họ trở thành những kẻ phản biện, lúc nào cũng thắc mắc, cũng tra vấn, cũng phản đối. Họ muốn có một cái nhìn khác và một phương hướng giải quyết khác. Họ bao giờ cũng thuộc thiểu số, hay nói theo Vũ Hoàng Chương “Tôi: thù nhân của Số Nhiều.” Họ thường đóng vai trò đối lập, hoặc ít nhất, cũng độc lập, với truyền thống. Họ muốn thay đổi nguyên trạng. Nhiều người ủng hộ các nhà độc tài có lẽ cũng vì vậy: Họ tưởng nhầm những tên độc tài ấy sẽ thay đổi thế giới.

Trong cả ba trường hợp “vượt biên” nêu trên, quá trình từ một chuyên gia đến một trí thức hoặc từ một trí thức đến một trí thức công chúng hoàn toàn là một sự lựa chọn. Thông minh là do bẩm sinh. Kiến thức là do thụ đắc. Nhưng trí thức là tự nguyện. Người ta không sinh ra là trí thức, đã đành. Ngay cả khi được học hành chu đáo, người ta cũng không nhất thiết trở thành trí thức để chỉ quanh quẩn mãi với các ý niệm và ý tưởng. Người ta có thể trở thành những nhà thực hành hay thực dụng xuất sắc. Lựa chọn trở thành trí thức là lựa chọn sống chết với ý tưởng. Chỉ với ý tưởng.