Trải nghiệm của người Việt trong công đoàn độc lập tại Anh

0
2
Tiêu chí quan trọng nhất của một công đoàn là khả năng bảo vệ lợi ích của thành viên trong quan hệ với giới chủ, kể cả khi điều đó có nghĩa là họ buộc phải đối đầu với những người muốn áp đặt ý chí của chủ lao động lên công nhân.

Nguyễn Hùng

Tiêu chí quan trọng nhất của một công đoàn là khả năng bảo vệ lợi ích của thành viên trong quan hệ với giới chủ, kể cả khi điều đó có nghĩa là họ buộc phải đối đầu với những người muốn áp đặt ý chí của chủ lao động lên công nhân.

Trong bối cảnh người lao động Việt Nam đang chuẩn bị cho những trải nghiệm đầu tiên với công đoàn độc lập trong lịch sử giai cấp công nhân tại đất nước gần 100 triệu dân, xin chia sẻ với quý vị kinh nghiệm cá nhân với tư cách thành viên hai nghiệp đoàn lao động lớn tại Anh.

Tôi tới với công đoàn độc lập lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm khi đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Đó là khi BBC World Service quyết định bỏ phát sóng ngắn bằng 13 ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Việt hồi năm 2011.

Về lý thuyết tôi có nguy cơ mất việc khi BBC muốn giảm chừng 650 nhân viên nhằm tiết kiệm trên 45 triệu bảng Anh. Chuyện giảm nhân viên ở BBC xảy ra gần như mỗi năm nhưng đó là một trong những lần số người có khả năng mất việc ở con số kỷ lục.

Khi đó hàng trăm nhân viên BBC khác trong tư cách thành viên nghiệp đoàn nhà báo gọi tắt là NUJ đã tham gia đình công để phản đối kế hoạch sa thải hàng loạt nhân viên. Dù không thay đổi được đáng kể kế hoạch tiết kiệm ngân sách của BBC, người lao động được đền bù tốt hơn và được ưu tiên khi thi vào các vị trí khác mà BBC mở ra.

Tôi có cô bạn người Albani mất việc dịp đó và được đền bù vài chục ngàn bảng vì mỗi năm làm việc được đền bù bằng một tháng lương. Ít lâu sau cô xin được chân làm thêm cho BBC tiếng Anh rồi lại được ký hợp đồng vĩnh viễn sau hai ba năm kể từ khi mất việc.

NUJ là một trong những nghiệp đoàn báo chí độc lập lớn nhất trên thế giới và họ không chỉ đại diện cho những nhà báo có hợp đồng lao động mà cả những người chỉ cộng tác với các hãng truyền thông.

Tôi đã nhờ tới NUJ vài lần khi có bất đồng với chủ lao động và không phải khi nào tôi cũng hài lòng với sự trợ giúp của NUJ, nghiệp đoàn mà mỗi tháng tôi đóng lệ phí vài chục bảng, mức phí thu dựa trên thu nhập. Nhưng đương nhiên có đại diện của nghiệp đoàn trong các cuộc gặp với chủ lao động vẫn hơn không.

Tôi rời NUJ khi chuyển từ vai trò nhà báo sang giảng dạy báo chí ở Goldsmiths, University of London hồi năm 2017. Nếu muốn tôi vẫn có thể tham gia NUJ với tư cách phóng viên tự do nhưng ngành đại học có công đoàn riêng, UCU, và tôi không muốn đóng phí chừng 50 bảng nếu tham gia cả hai nghiệp đoàn.

Trải nghiệm của tôi ở UCU cho tới nay vẫn ngắn hơn kinh nghiệm với NUJ nhưng nó tất bật và thú vị hơn nhiều.

Cho tới nay tôi đã tham gia chừng năm cuộc đình công kể cả cuộc đình công kéo dài vài tuần hiện nay.

Một nửa trong số các cuộc đình công trong mấy năm qua là để phản đối việc hệ đại học bắt đóng góp nhiều hơn cho quỹ hưu trí trong khi tiền hưu nhận được về sau sẽ ít đi do hậu quả của những quyết định đầu tư sai lầm của những người quản lý quỹ.

Nửa còn lại các cuộc đình công là để phản đối quyết định sa thải chừng 50 đồng nghiệp ở Goldsmiths, University of London do trường bị thâm hụt ngân quỹ vài triệu bảng, kết quả của những chi tiêu bạt mạng do chính lãnh đạo gây ra.

Khi tôi làm ở BBC, những người quản lý ở đó thường không là thành viên công đoàn và ranh giới giữa chủ và thợ rất rõ rệt.

Nhưng ở Goldsmiths, University of London, tôi vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng khi chính trưởng khoa báo chí và truyền thông, khoa kiếm tiền nhiều nhất cho trường, cũng tham gia đình công và xuất hiện thường xuyên tại các buổi tụ họp thuyết phục mọi người cùng đình công.

Trưởng khoa, phó khoa đều phản đối việc coi tiền là trên hết trong ngành giáo dục. Tư duy của khoa là cần giữ những chuyên ngành đào tạo quan trọng trong trường, chẳng hạn như lịch sử, kể cả khi những ngành đó không kiếm ra tiền. Khoa của tôi hoàn toàn có thể bù lỗ cho những ngành đào tạo như vậy để đảm bảo một hệ giáo dục cân bằng.

Không những chỉ các giảng viên và nhân viên hành chính của trường tôi tham gia đình công mà cả các sinh viên cũng có những hành động ủng hộ chúng tôi. Một trong các sinh viên báo chí tôi dạy đã đột nhập vào cuộc họp của các lãnh đạo cao cấp yêu cầu có thêm đại diện của sinh viên trong cuộc họp. Lãnh đạo trường từ chối và kết quả là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên họ tổ chức kể từ khi dịch bệnh Covid lan tràn đã kết thúc chỉ sau chừng nửa tiếng thay vì kéo dài cả buổi chiều vì bị các sinh viên làm gián đoạn.

Việc đình công của nhân viên đại học và sự ủng hộ của sinh viên cho thấy sức mạnh đàm phán tập thể và sự tự do phản đối giới chủ được tôn trọng đúng mực.

Cách đây đúng năm năm, các quy định mới về công đoàn ở Anh yêu cầu phải có trên 50% thành viên nghiệp đoàn tham gia bỏ phiếu thì kết quả ủng hộ đình công mới được công nhận. Trước đó chỉ cần đa số người tham gia đồng ý đình công là nghiệp đoàn có thể tổ chức cho thành viên nghỉ việc để phản đối, bất kể tỷ lệ phần thăm thành viên tham gia là bao nhiêu.

Trước thay đổi này, chi nhánh nghiệp đoàn UCU tại trường tôi kêu gọi các tình nguyện viên xung phong phụ trách các nhóm nhỏ thành viên UCU. Các tình nguyện viên này chủ động liên hệ với thành viên nghiệp đoàn trong nhóm của họ qua điện thư và điện thoại để thúc giục mọi người cùng bỏ phiếu ủng hộ đình công cũng như cùng tham gia đình công một khi kết qủa cho thấy đa số thành viên muốn đình công để phản đối các quyết định trái khoáy của giới chủ.

Tại Việt Nam ngày nay, một bộ phận truyền thông nhà nước đang tuyên truyền rằng công đoàn độc lập và đối lập là khác nhau.

Trong kinh nghiệm của tôi, công đoàn rõ ràng đối lập với giới chủ. Nếu giới chủ muốn sa thải nhân viên mà công đoàn không phản đối thì đó là công đoàn về hùa với giới chủ chứ đâu còn độc lập nữa.

Tiêu chí quan trọng nhất của một công đoàn là khả năng bảo vệ lợi ích của thành viên trong quan hệ với giới chủ, kể cả khi điều đó có nghĩa là họ buộc phải đối đầu với những người muốn áp đặt ý chí của chủ lao động lên công nhân.