THI CỬ

0
11
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Lý Xuân Hải

1. Ai cũng có thể học để biết bơi, trừ những trường hợp đặc biệt như bệnh tật hay không muốn học. Chỉ khả năng bơi nhanh-chậm về tốc độ, đúng-sai về kỹ thuật, dài – ngắn về khoảng cách… của mỗi người khác nhau. Cuộc thi bơi cuối khoá chỉ để chứng minh: sau 1 tháng học viên có thể nổi trên mặt nước để bơi được (ví dụ 1 vòng hồ) không cần phao, không sặc nước và có thể coi là được xoá mù bơi. Bơi là kỹ năng PHỔ THÔNG ai cũng làm được. Nếu huấn luyện viên dạy mãi học viên không biết bơi, thì đó là tại thầy dạy bơi quá dốt về chuyên môn và quá kém về trình độ sư phạm. 

Nếu cơ địa bạn phù hợp và sinh ra có tài bơi thì xin chúc mừng: bạn có cơ hội trở thành vận động viên bơi chuyên nghiệp. Bạn sẽ thành “gà nòi” để các “lò” với các HLV chuyên nghiệp đào tạo chuyên sâu và mục tiêu là huy chương Olympic chứ không phải chỉ cần biết bơi chó qua ao. Để thành công yếu tố quyết định là cơ địa tài năng thiên bẩm và khổ luyện. Nếu không có hai thứ ấy thì cơ hội huy chương Olympic là vô vọng và bạn chọn sai nghề.

Cùng là thi bơi. 

Thi Olympic dành cho vận động viên chuyên nghiệp và là cuộc đua tài giữa những người CHỌN LỌC để tìm ra thiên tài đệ nhất giỏi bơi. 

Còn thi cuối khoá của đám trẻ con ba mẹ bắt học bơi ở bể bơi công cộng là để chứng minh huấn luyện viên đã hoàn thành việc xoá mù bơi cho chúng ở mức phổ thông: bằng chứng là sau 1 vòng hồ không chìm, lâu mau không quan trọng.

2. Sự học cũng vậy. 

Ở 3 cấp PHỔ THÔNG học sinh được phổ cập học đủ các môn: Toán Lý Hoá Văn Sử Địa Thể dục Nhạc Hoạ… là để biết các kiến thức và kỹ năng phổ thông. Mọi thanh thiếu niên ai cũng có quyền và có thể đi học, nếu không có vấn đề khác thường về tư duy đòi hỏi cách dạy riêng, đều có thể học và hiểu biết được ở mức độ PHỔ THÔNG các kiến thức sau 12 năm mài đũng quần. Nếu nhà trường dạy mà các học sinh không đạt được trình độ này thì tại nhà trường kém hoặc chương trình sai.

Học nghề, lớp chọn thì khác. Các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên… có mục tiêu đào tạo ra những người có kỹ năng chuyên sâu với một lĩnh vực nào đó phục vụ một loại nhu cầu của xã hội. Để mỗi người đóng góp tốt nhất cho xã hội, việc lựa chọn ngành nghề dựa trên các tố chất cá nhân là quan trọng và không thể cào bằng: Không thể bắt Lý Đức đi thi làm thơ còn Đỗ Trung Quân đi thi bodybuilding thế giới được. Tố chất cá nhân là quyết định để thành công. 

(Xin lỗi 2 người tôi rất quý trọng tài năng vì đã mượn tên làm ví dụ mà không xin phép).

Sự thi cũng thế!

Thi tốt nghiệp phổ thông chỉ là để chứng minh nhà trường, thầy cô giáo đã hoàn thành việc dạy học để truyền đạt cho học sinh đủ ở mức độ phổ thông mà xã hội yêu cầu một cách hợp lý, chứ không thể để đánh giá trình độ, tài năng của học sinh. Do vậy việc thi đỗ phổ thông 100% cũng là bình thường với tôi. Như 100% các học viên học bơi biết bơi, học lái xe biết lái xe, học nhảy biết nhảy… giỏi dở không quan trọng lắm.

Thi học nghề, lớp chọn là nhằm đánh giá trình độ, tài năng hay thiên hướng tố chất mỗi bạn trẻ phù hợp với vai trò xã hội nào trong tương lai nhất để qua đó CHỌN LỌC đào tạo chuyên sâu, để mỗi người phát huy được đúng thế mạnh của mình. Các cuộc thi tuyển, xét chọn vào trường đại học, cao đẳng, trường nghề hay lớp chọn… về bản chất phải là như thế. Nó cũng tương tự như các “lò” tìm gà nòi để luyện vậy. Thi rớt là do chọn sai nơi thi, chọn ngành không phù hợp tố chất cá nhân.

3. Từ góc độ ấy thi tốt nghiệp phổ thông không phải là đánh giá học sinh giỏi dốt mà phải là đợt trắc nghiệm đối với ngành giáo dục: Giáo dục đã hoàn thành trách nhiệm xã hội đào tạo kiến thức phổ thông của mình chưa? Tiêu chuẩn đánh giá đạt là học sinh giải quyết được các vấn đề ở mức độ PHỔ THÔNG.

Thi vào các trường nghề, lớp chuyên là nhằm CHỌN LỌC đúng người để đào tạo. Tiêu chuẩn đánh giá đạt hay không là sinh viên ra trường có việc làm không và khi làm việc giải quyết được các vấn đề chuyên môn ở mức độ chuyên sâu và một cách chuyên nghiệp thế nào.

Tóm lại: Thi tốt nghiệp phổ thông là để đánh giá trình độ thầy cô ngành Giáo dục. Thi đại học, cao đẳng thì để đánh giá trình độ học sinh.

Rất khác nhau.

Tất nhiên bạn học giỏi là tốt, là minh chứng cho tiềm năng vượt trội. Tôi không hề định hạ thấp hình ảnh các bạn học giỏi. Nhưng đó chỉ là tiềm năng, là mầm mống và là một phần rất nhỏ để có chỗ đứng phù hợp trong xã hội. Vô số tiềm năng, mầm mống đã thui chột vì những lý do vớ vẩn.

4. Vì vậy tôi thấy không ổn lắm khi kết hợp 2 trong một: thi tốt nghiệp phổ thông kết hợp với thi đại học. Bởi các mục tiêu chiến lược của 2 kỳ thi là khác nhau như nói ở trên. 

Tốt nhất thi phổ thông là trắc nghiệm đơn giản, ít tốn kém. 

Còn thi đại học – cao đẳng, vì tính chuyên môn cao, hãy để các trường tự lựa chọn đề, tự tuyển sinh. Các đại học Havard, Cambridge, Yale, West Point, MIT, Lomonosov… có cần ai tuyển sinh hộ đâu! 

Tốt nghiệp phổ thông cũng chỉ cần Bằng tốt nghiệp chứ không cần giỏi- dốt. Bạn biết bơi là đủ. Còn muốn chứng minh giỏi dở hãy đi thi Olympic.

5. Vì thế không thi tốt nghiệp phổ thông cũng không thiệt hại gì cho xã hội lắm! 1%-2%-5% đạt chuẩn hay không thì ngành Giáo dục cũng đã kết thúc việc dạy rồi. 1%-2%-5%, thi phổ thông giả sử không đạt, này được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông gây cho xã hội thiệt hại gì cho xã hội nếu các đơn vị tuyển dụng không “vị bằng cấp”, không nhận hối lộ và đánh giá đúng đắn tiềm năng, năng lực mỗi người khi tuyển dụng? Và đó không phải, không chỉ là trách nhiệm của Giáo dục. Các cháu vẫn có quyền làm việc phù hợp năng lực của mình. 

Nhưng nếu vẫn thi có thể làm bùng phát dịch thêm nặng thì rủi ro và cái giá phải trả của xã hội không nhỏ. Rủi ro xác suất và giá phải trả có thể tính được thiệt hơn.

Dẫu biết rằng mọi sự đã quyết. Nhưng vụ Covid này ai biết còn kéo dài bao lâu? Tôi thấy Campuchia cho tốt nghiệp phổ thông không cần thi rất hợp lý.

Và câu chuyện không chỉ ở Covid. Càng không chỉ ở thi cử.

6. Hôm nay 08/07/2021 là ngày thi tốt nghiệp phổ thông.

Chúc các cháu học sinh thi tốt và may mắn (cuộc thi nào cũng có yếu tố may rủi)! Chúc 100% các cháu thi đỗ đạt! Nếu không đạt thì không phải lỗi, và càng không phải là thất bại, của các cháu mà hoặc là lỗi của ngành giáo dục do làm chưa hoàn thành 100% trách nhiệm xã hội hoặc ra đề không chuẩn. Hôm nay thi không đạt mai sẽ đạt, phổ thông thôi mà. 

Quan trọng là việc chọn ngành nghề tương lai. Mặt Trời đủ sưởi ấm tất cả chúng ta. Chả cần chen chúc và quan trọng là đứng đúng chỗ cần đứng và làm đúng việc mình giỏi. 

Nghe bọn thi cử đạt giải cao chém gió ít thôi. Hãy nhìn người làm giỏi mà suy. Bọn ấy không phải lúc nào cũng là một đâu.

Các cháu ạ!

(Tâm sự của một người được luyện gà chọi từ lớp 5-12, được chọn hay đoạt giải toàn nhờ “chó ngáp phải ruồi”, thi tốt nghiệp phổ thông đạt loại khá, cãi lời cha mẹ và chọn nghề trong 1-2’ theo ngẫu hứng nhất thời, làm việc sai chuyên môn, lấy cần cù bù thông minh, và có việc làm do may mắn gặp người tuyển dụng không đòi bằng cấp).