Sau khi thở phào với kết quả bầu cử của nước Đức thì tôi phải viết tiếp về Ukraine. Đơn giản là thắng bại của Ukraine sẽ quyết định đến an ninh của toàn châu Âu và tới Đức, và tới toàn thế giới.
Hôm nay, Tổng thống Ukraine Zelenskyy đã tuyên bố là ông sẵn sàng từ chức nếu điều đó có nghĩa là Ukraine có hòa bình hoặc Ukraine được gia nhập NATO.
Thật đáng phẫn nộ khi chính quyền Trump coi những khoản viện trợ trước đây của Mỹ cho Ukraine là những “khoản vay”, và đòi Ukraine phải trả lại cho Mỹ với lãi suất cắt cổ. Đúng là tư bản cá mập. Tất nhiên, Tổng thống Zelenskyy phải từ chối vì khoản nợ không lồ mà các thế hệ tương lai của Ukraine phải trả trong khi Ukraine không được đảm bảo về an ninh.
Đáng phẫn nộ hơn là Trump ép Zelenskyy phải từ chức, đúng như mong muốn của Putin. Một Tổng thống Mỹ “mạnh mẽ” giờ hành động theo chỉ đạo của Putin?!
Trong Bản Ghi nhớ Budapest ký ngày 5.12.1994, Điều 1 và 2 ghi rõ là Mỹ, Nga, Anh đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Điều 3 ghi rõ là Mỹ, Nga, Anh không được gây sức ép kinh tế với Ukraine. Giờ đây, Putin và Trump xé bỏ Bản Ghi nhớ theo cách không thể trơ trẽn, trâng tráo, và tàn bạo hơn.
Hãy để tôi nhắc lại về “realpolitik” (chính trị trọng thực tiễn, chính trị hiện thực) từ chính một học giả nổi tiếng cổ động cho trường phái này là Giáo sư John Mearsheimer trong cuốn The Tragedy of Great Powers (Bi kịch của các cường quốc).
“Sự xoa dịu mâu thuẫn với các nguyên tắc chỉ đạo của chủ nghĩa hiện thực hiếu chiến và do đó, là một chiến lược kỳ quặc và nguy hiểm. Nó không có khả năng biến một thế lực nguy hiểm thành một đối thủ tử tế, nhẹ nhàng hơn, càng không phải là một quốc gia yêu chuộng hòa bình.”
“Thật vậy, sự xoa dịu có khả năng kích thích, chứ không phải làm giảm, ham muốn chinh phục của kẻ xâm lược. … Bởi vì các cường quốc được lập trình để tấn công, nên một quốc gia được xoa dịu có khả năng coi sự nhượng bộ quyền lực của một quốc gia khác là dấu hiệu của sự yếu kém…”
“Các quốc gia được xoa dịu sau đó có khả năng tiếp tục thúc đẩy nhiều nhượng bộ hơn… Tóm lại, sự xoa dịu có khả năng khiến một đối thủ nguy hiểm trở nên nguy hiểm hơn chứ không phải ít hơn.”
Thực vậy, Trump đã nhượng bộ Putin tất cả ngay cả khi đàm phán chưa bắt đầu. Putin có thể giữ các vùng đất đã chiếm của Ukraine, Ukraine sẽ không gia nhập NATO, Mỹ-Nga nối lại quan hệ ngoại giao và kinh tế, và Tổng thống Zelenskyy phải ra đi. Putin có được mọi điều hắn muốn. Điều này rất bất thường với một Tổng thống Mỹ đã viết cuốn “The Art of the Deal”. (Nghệ Thuật Đàm Phán). Người dân Mỹ, Quốc hội Mỹ, cần phải chất vấn ông Trump về chuyện này. Tại sao Mỹ lại hành động theo lợi ích của Nga, phục vụ Putin?
Khi ông Trump đã nhượng bộ Putin như vậy thì Putin sẽ đánh giá ngay Mỹ yếu, ông Trump yếu, và sẽ càng đẩy mạnh cuộc xâm lược. Putin sẽ không thỏa mãn với những gì hắn đã chiếm được. Crimea là một ví dụ. Đó là logic của “realpolitik”. Nếu Putin có ngừng lại thì cũng chỉ là để chuẩn bị binh lực cho lần xâm lược tiếp theo. Và ông Trump đã đá quả bóng trách nhiệm cho các Tổng thống tương lai của nước Mỹ.
Nếu thực sự hiểu logic của realpolitik thì cần phải hiểu điều kiện để Putin ngồi vào bàn đàm phán là quân đội ông ta không thể tiến lên được nữa và kinh tế Nga kiệt quệ không thể duy trì cuộc xâm lược, hoặc tốt hơn là quân đội Nga bắt đầu để mất các vùng đất đã chiếm lại vào tay Ukraine. Chỉ khi đó mới thực sự có đàm phán.
Để điều kiện đó xảy ra là Mỹ, châu Âu phải viện trợ cho Ukraine nhiều hơn nữa để lật ngược lại thế trận trên chiến trường.
Khi ông Trump kêu gọi chung chung là Putin và ông Zelenskyy cần ngồi vào bàn đàm phán mà điều kiện để đàm phán chưa xảy ra thì rõ ràng ông Trump không hiểu gì về “realpolitik”, không hiểu gì về “đàm phán”.
Và theo đúng logic của realpolitik, cái giá rẻ nhất cho Mỹ để đảm bảo an ninh cho Ukraine và cho châu Âu là Ukraine nằm trong NATO và Liên minh châu Âu. Quân đội châu Âu và Ukraine sẽ đảm nhiệm phần lớn nhiệm vụ. Quân đội Mỹ với cái ô hạt nhân khổng lồ chỉ là phòng hờ phía sau.
Tiếc thay, ông Trump lại chọn đứng về phía Putin, đứng về phía một tên tội phạm chiến tranh, một tên độc tài tàn bạo.
Và như realpolitik đã tiên liệu, châu Âu sẽ tự cường, nhất là Đức. Trước việc Mỹ trở mặt như lật bánh tráng thì Đức cũng phải lo có chiếc ô hạt nhân của riêng mình, vì rủi Anh và Pháp cũng có những lãnh đạo cực hữu hay cực tả rút khỏi NATO. Đức sẽ không còn chiếc ô hạt nhân bảo vệ từ Anh và Pháp.
Tương tự là Nhật Bản và Hàn Quốc rồi cũng sẽ có vũ khí hạt nhân để răn đe Trung Cộng và Bắc Triều Tiên. Đức và Nhật đều là các cường quốc về vật lý hạt nhân nên chuyện này không khó.
Một thế giới càng ít quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thì càng an toàn và tốt cho Mỹ. Tiếc thay, ông Trump đã và đang đưa thế giới đi theo hướng ngược lại, buộc các nước phải tự có cái ô hạt nhân của riêng mình khi Mỹ rút cam kết bảo vệ an ninh trên toàn thế giới.
Các tổng thống tương lai của nước Mỹ sẽ phải nhức đầu rất nhiều vì chính sách sai lầm của ông Trump ở thời điểm hiện tại. Mới có một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân mà ông Trump đã đối phó không nổi. Đừng quên chuyện đó.
Thời gian tới sẽ rất khó khăn cho Ukraine vì nguồn viện trợ của Mỹ dù ít hơn châu Âu nhưng vẫn cực kì quan trọng. Tôi chỉ biết viết bài để dư luận thấy rõ chính nghĩa của Ukraine. Tôi biết ơn người Ukraine đã chiến đấu chống Nga để giữ bình yên cho nước Đức là nơi tôi đang sống. Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ủng hộ Ukraine.