Tài sản của Việt Nam hiện nay tập trung vào đảng

    0
    90
    The Vietnam Communist Party's new 200-member central committee poses on the podium during the closing ceremony on the final day of the 12th National Congress of Vietnam's Communist Party in Hanoi on January 28, 2016. Vietnam's top communist leader Nguyen Phu Trong was re-elected on January 27 in a victory for the party's old guard which some fear could slow crucial economic reforms in the fast-growing country. AFP PHOTO / POOL / HOANG DINH Nam (Photo by HOANG DINH NAM / POOL / AFP) Hình minh hoạ. 200 uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản VN chụp hình tại lễ bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016

    Trương Nhân Tuấn

    6-6-2020

    Một con số thống kê của Trung Quốc được báo SCMP tuần trước cho biết, “Nhà nước Trung Quốc” cực kỳ giàu. Nếu lấy của cải này chia đều cho 1 tỉ 400 triệu dân, thì người dân lục địa nào cũng trở thành “triệu phú”. Con số kinh khủng đến mức khó tin.

    Nhưng nếu ta xét lại toàn bộ các công trình “xây dựng đất nước” của TQ, từ 30 năm nay, như các thành phố, hạ tầng cơ sở công kỹ nghệ, sức mạnh quốc phòng, hệ thống đường cao tốc, đường xe lửa cao tốc v.v… ta không còn ngạc nhiên vì con số này nữa.

    Nhưng nếu ta so sánh TQ với Mỹ hay các nước châu Âu, dân lục địa vẫn “nghèo” hơn dân Mỹ hoặc châu Âu rất nhiều. TQ không chỉ thua kém về đầu tư (của Etat – nhà nước) cho hạ tầng cơ sở “vật chất” mà còn cho sự “bien être – sự sung sướng, hạnh phúc” của mỗi thành tố trong xã hội.

    Trung Quốc phát triển với chủ trương ưu tiên cho “nước mạnh”. Người dân tất cả phải phục vụ cho mục tiêu này.

    Các nước tự do dân chủ ưu tiên phát triển nhắm vào “người dân”, cho sự “hạnh phúc” của từng người dân, từ vật chất cho đến tinh thần. Họ chủ trương, dân giàu thì nước mạnh.

    Còn Việt Nam, “Nhà nước” và dân VN, ai giàu ai nghèo?

    Thống kê của World Bank hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều cho thấy, thu nhập bình quân của dân VN thuộc hạng “thấp”. Mỗi người dân VN đều phải gánh một khoảng nợ trung bình hai năm thu nhập.

    “Nhà nước” VN thuộc dạng “nghèo”, hàng “kém phát triển”. Hạ tầng cơ sở hoàn toàn trống không. Thành phố mở mang theo lối “chấp vá”. Hệ thống điện, nước, cầu cống… để lại từ thời Pháp. Đường cao tốc, cảng hàng không, xí nghiệp lớn nhỏ… đều thuộc tư nhân (hay hợp doanh).

    Người ta đặt câu hỏi số thu đến từ dầu khí khai thác mấy chục năm nay đi về đâu? Tiền bán lúa gạo đi đâu? Tiền thu từ xuất khẩu lao động, từ đám việt kiều (khúc ruột ngàn dặm) đi đâu? Con số hàng trăm tỉ mỗi năm chớ không ít.

    Theo tôi, hệ quả VN “dân nghèo, nước mạt” (hay nước mạt, dân nghèo) là do các chính sách phát triển của đảng CSVN, trong đó “khả năng” và “tầm nhìn” của nhân sự đảng CSVN là chủ yếu.

    Đảng CSVN đặt mục tiêu nào lên trên: 1/ Phục vụ cho lợi ích của đảng. 2/ Phục vụ cho lợi ích của dân tộc, hay là 3/ Cho lợi ích của nhà nước?

    Đảng viên khả năng kém, cái nhìn chật hẹp dĩ nhiên họ “yêu đảng hơn yêu nước”, họ đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của nhân dân và đất nước. Hai nhiệm kỳ của ông Trọng ta thấy rõ ràng điều này.

    Hệ quả là đảng cực kỳ giàu. Tài sản của VN hiện nay tập trung vào đảng.

    Còn người dân? Lãnh đạo càng thiển cận, càng lú lẫn thì dân càng nghèo, nước càng mạt rệp.

    Mà nhờ vậy đảng mới mạnh. Trong một chế độ như vậy chỉ có thành phần công an và đảng viên là hưởng hết mọi thành quả phát triển của nhà nước và xã hội.

    Hiện nay báo chí đăng tải tin về đại hội đảng, về việc “chuẩn bị nhân sự” lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.

    Con số nói trên, người dân TQ nào cũng là “triệu phú”, đến từ cuộc họp “lưỡng viện” ở Bắc kinh. Lãnh đạo TQ người ta khoe như vậy. Lãnh đạo VN có cái gì để khoe với dân trong các kỳ họp đại hội?

    Chủ trương của đảng đến nay vẫn cố gắng “đảng hóa nhà nước”. Hai nhiệm kỳ của ông Trọng đã thành công phá nát bét chủ trương “nhà nước hóa đảng” của ông Ba X.

    Đảng hóa nhà nước là chủ trương “nặc danh hóa” quyền lực nhà nước. Tức là người sử dụng quyền lực nhà nước không bị pháp luật ràng buộc.

    Ông Trọng đã đi ngược lại nguyên tắc “Etat de Droit” (VN dịch là nhà nước pháp quyền). Ông Trọng đã thành công hạ bệ công lý xuống dưới gót chân của đảng.

    Nghe nói ông Trọng còn muốn ngồi lại thêm một nhiệm kỳ. Ý kiến khác lại nói ông Vượng sẽ thay thế ông Trọng.

    Có cái gì khác cho đất nước, nếu ông Vượng lên thay ông Trọng? Sẽ chẳng có gì mới. Ông Vượng chỉ là “cái bóng”, là phiên bản “cóp py” ông Trọng. Tức ông Vượng chỉ là ông Trọng thứ hai mà thôi!

    Theo tôi, ý kiến lặp đi lặp lại từ thời ông Đỗ Mười, ông Nông Đức Mạnh. Muốn VN thoát khỏi cảnh nghèo hèn thì phải “pháp trị hóa nhà nước”. Sau đó là dân chủ hóa chế độ.

    Bước đầu của việc “pháp trị hóa nhà nước” phải là “nhà nước hóa đảng”. Tức là đảng phải phục tùng pháp luật nhà nước. Đảng phải có “tư cách pháp nhân” như những đoàn thể tư nhân khác. Đảng phải có trách nhiệm trước pháp luật về những chuyện mình làm…

    Không áp dụng mô hình “quốc gia pháp trị” (Etat de Droit) thì nỗ lực của quốc dân, mồ hôi, nước mắt, trí tuệ… đều hoài công. Công trình xây dựng một đất nước tốt đẹp trở thành việc củng cố một tập đoàn mafia mà trong đó “quyền lực quốc gia” cũng trở thành một món hàng mua bán (như hiện nay).

    Vấn đề là, ai là “nhân vật” trong đảng có khả năng và uy tín để thay đổi chế độ?

    Ông Phúc với tầm nhìn hạn hẹp và đầu óc ích kỷ địa phương? hay bà Ngân với kiến thức pháp luật quê mùa?

    Không đưa tầm mắt rời khỏi dàn đảng viên “cá đối bằng đầu” thì làm gì tìm ra người có được một khả năng và kiến thức để “xoay vần thời cuộc”?