Suy nghĩ bên ly “Cafe Đỡ Nhớ”

    0
    10

    Một buổi sáng tui đi tập quanh khu nhà, ngó chiếc xe bus xịt một tiếng như nồi áp suất hồi xưa mẹ hầm xương. Chiếc xe hạ gầm xuống đón cô khách ngồi xe lăn lên, thanh lịch như thể một chàng trai cúi mình, đưa tay đón một cô gái đẹp. Họ tươi cười chào nhau, hỏi han.

    Bữa trưa tui ghé qua một tiệm cà phê quen, mang theo gói nhỏ cafe vừa rang chưa xay đặc biệt của xứ mình ra tặng gã barrista tiệm này. Có lần, chiều nhàn rỗi, tôi và gã nói chuyện về cafe các xứ trong khi gã vẫn cứ thoăn thoắt xay cà phê, pha cà phê cho khách. Câu chuyện tui kể gã nghe về cafe hảo hạng quê tui cứ được tẩm ướp trong bầu không khí sực nức hương của cafe Ethiopia gã vừa xay khiến tôi ấm ức. Gã rành và ra rả hương vị các nơi trừ Việt Nam. Hôm nay tôi quay lại với gói Arabica blend Catura trồng ở độ cao gần 1500m ở quê nhà gửi qua. Gã pha cho tôi một ly late đá thường khi có extra shots. Một kiểu cafe mà tôi gọi riêng tôi đó là “Cafe Đỡ Nhớ” nên nó na ná vị quen nhưng mà khác vì không dùng sữa đặc. Một vị khách bước vào cùng con chó đen tuyền to lớn nhưng ngó bộ rất hiền. Gã ngỏng cổ lên dòm qua quầy và xin lỗi vị khách chó không được dẫn vô đây. Tui có thấy tấm bảng viết tay dán lên cửa sổ mới xuất hiện mấy ngày gần đây. Nội dung rằng họ rất yêu quý chó và từng rất tiếp đón với chó nhưng dường như không phải chú chó nào cũng ngoan. Vì vậy để đảm bảo an toàn và những thứ khác, xin để chó ở ngoài. Tiệm có vài ba bàn cafe ngoài và chính tui cũng kịp quen vài em chó thân thuộc ở khu ngoài đó. Và chỉ một câu nói, vài giây rất nhanh chúng tôi nhận ra vị khách ấy bị khiếm thị và đó là chú chó dẫn đường. Gã xin lỗi nhanh và hỏi han phục vụ cafe cho anh ấy. Gã không đưa cafe qua quầy. Hắn bước vòng ra khỏi quầy, ấn ly cafe vào tay vị khách rồi dẫn tay anh ấy đến ghế sa lông, cầm tay anh ấy chỉ cái bàn. Rồi chúc câu vui vẻ, gã quay lại với quầy cafe của gã. Khách đông dần, tui kiếm một cái ghế ngồi đọc. Đối diện anh khiếm thị, cứ thấy anh loay hoay sờ soạng con chó. Hoá ra là do con chó quá lớn, nó nằm xuống bị đụng vào chân ghế bàn kế bên chút xíu nhưng dường như vẫn rất thoải mái nhưng anh thì ngại nó bị cấn. Thấy anh loay hoay mãi tui lén đứng lên kéo khẽ cái ghế kia ra, anh sờ soạng một chặp không thấy chân ghế nữa mới an tâm vòng sợi dây dẫn chó vô chân mình . Anh vuốt ve con chó như yêu thương đứa con. Anh lấy điện thoại ra, bấm từng nốt trên màn hình cảm ứng và nghe bằng tai, anh gọi điện cho ai đó, tay vẫn mò mẫm được ly cafe trên bàn, mở kéo nhỏ trong balo, lấy giấy nhả chewing gum rồi nhét tất cả chúng vô túi. Anh tháo cái khung mà con chó dẫn anh đi trên lưng nó ra. Thành thục và khéo léo. 8 người trong phạm vi vài bước chân có 3 người đang nói điện thoại cùng một lúc. Ấy vậy mà mọi chuyện vẫn diễn ra rì rầm, dễ chịu, chẳng hề ồn ào. Hai ba cái bàn và chừng đó cái ghế, cứ trống thì ngồi, chẳng ai giành riêng mình sự riêng tư nào, vẫn cứ ngồi cùng nhau mà làm việc riêng. Hằng ngày tôi ghé qua đó và đã quá quen với điều này. Anh đứng lên đi, quờ tay cầm ly cafe rồi đẩy cửa cho con chó ra trước. Anh nắm lấy cái khung trên lưng con chó, nói chuyện, con chó dẫn anh đi.

    Mọi thứ cứ nhẹ nhàng, êm ả như bản nhạc jazz đang phát khe khẽ vậy.

    Rồi tôi cũng rời đi có công chuyện, đèn đang xanh bỗng dưng xe dừng hết lại. Chẳng hiểu chuyện gì cho tới khi nhìn thấy một người đàn ông chạy rượt theo con chó nhỏ xíu chắc là sút dây chạy qua đường. Anh vừa chạy vừa giơ tay xin xe dừng lại. Nguyên đoạn đường hai chiều dừng lại cho anh rượt theo cún. Chẳng ai bóp kèn, la ó hay vượt qua.

    Nơi nào trên đất này, cũng có chỗ đậu xe dành riêng cho người khuyết tật. Nhà vệ sinh nào cũng có chỗ dành riêng cho người ngồi xe lăn. Chỗ mua bán nào, văn phòng nào cũng có line riêng phù hợp độ cao của người ngồi xe lăn. Sự khiếm khuyết, bịnh tật của nhau được xoa dịu, lấp đầy bởi sự thông cảm, nhân ái trong từng quy định, luật lệ và đạo đức mặc nhiên của cả xã hội. Họ được đối xử công bằng như mọi người mọi người trong xã hội, ví như có người già, người trẻ thì có người khiếm khuyết chức năng. Mọi thứ được quy định rõ ràng như mọi quy định khác, cũng như người ta chia toilet nam, toilet nữ vậy chứ chẳng có gì phải nhìn xuống tội nghiệp nhau hay cũng chẳng mấy ai tự đi tội nghiệp mình. Người ta ai chẳng hạn chế năng lực trong một số việc nào đó. Ấy là văn minh. Ấy là nhân ái.

    Nhìn lại tấm ảnh những bà mẹ anh hùng lưng còng, da nhàu, ánh mắt buồn như phận quê hương ướt sũng đứng ôm tấm bằng danh dự cạnh kẻ mà người ta gọi là lãnh đạo khô ráo dưới cái dù người khác che cho, vén môi khoe nụ trân tráo mà xót. Ngực đỏ huy chương là chuyện của anh hùng. Mẹ Việt Nam muôn đời vẫn khổ. Xe lăn, nạng gỗ, người khuyết tật, tàn tật, bịnh tật vẫn cứ mãi là những đối tượng để người người kêu gọi nhau rủ lòng thương, hướng thiện tâm về. Họ vẫn mãi cứ là lớp người để người ta dạy nhau, dạy con cách sống “phải biết nhìn xuống” để an ủi bản thân, để chia sẻ sự nhân ái rồi vô tình tưởng mình cao hơn.

    Hồi hổm cậu Tám ở Nhật về thăm cháu con, ngồi xe lăn mà Cậu uất ức trăm bề. Cậu kể về cách người Nhật sống với cậu rồi cậu hờn cách đồng bào chốn quê nhà đối đãi với cậu.

    Một nền giáo dục khiếm khuyết. Một đất nước bị dẫn dắt bởi những tư duy tật nguyền. Cả một thế hệ chống nạng, khập khiễng bước riêng một lane đường dành riêng trên nhiều lane đường khác cùng dòng tiến của nhân loại mà tưởng mình đang đi rất nhanh. Thế Giới thì ngó qua cười nhẹ, cảm thông cho kẻ thiểu năng năng lực, bịnh tật hiếm hoi còn xót lại của nạn búa liềm.

    Trong nhà còn kẻ thiếu ăn, đêm ngủ nợ Quốc Tế còn đè nặng, tiền túi nhân dân mỗi năm móc hơn hai chục triệu Mỹ Kim tặng hàng xóm đặng mua danh, mua manh áo gấm che thân.

    Sự khiếm khuyết của chúng ta được lấp đầy bởi dối trá tự tạo. Mỗi lần thấy bình yên trên xứ người, lại nhớ những bình yên bình dị nơi quê nhà. Rồi lại giật mình về hai chữ “bình yên”. Bình yên là bầu không khí đang thở của hàng triệu triệu cơn bão giông đang giấu kín trong lòng bởi nỗi sợ và sự câm lặng trước những đầu độc, mất mát cũng bởi sợ.

    Máu đỏ da vàng ơi, chừng nào nghe được? bao giờ nhìn được? Bao giờ biết nói? Khi nào mới đứng lên, đi để một thế hệ sau nữa thoát tật nguyền? Sự tật nguyền hữu hình trong hột muối hôm nay ăn, trong con cá hôm nay đút cho con, trong tất thảy. Đâu chỉ là bóng bẩy chữ nghĩa hay hồ nghi vô cớ. Một đất nước mê thành tích và kỷ lục ư? Hãy nói về nợ và ung thư.

    Ôi lại quẩn quanh, vụn vặt. Tui đúng là đồ đờn bà.

    – Ubee Hoang-

    #nhatkydanba