Một anh bạn tôi bị Tòa án gọi lên, nói là anh ta bị vợ cũ kiện vì không cấp dưỡng tiền nuôi con. Anh phản đối vì anh không những chu cấp tiền nuôi con thường xuyên, mà còn chu cấp nhiều hơn gấp hàng chục lần mức mà Tòa phán quyết.
Chạy lên chạy xuống cung cấp giấy tờ chứng minh. Tưởng câu chuyện đã xong. Ai dè Tòa lại gọi lên, và hỏi xem chính xác bây giờ anh ở đâu. Thì ra là Tòa đã đi xác minh, và công an khu vực nơi anh ở xác nhận là anh ấy không cư trú, cũng không có hộ khẩu thường trú tại địa phương.
Vụ của anh ấy tình tiết lung tung, phức tạp. Vụ án do Tòa án quận, nơi vợ cũ của anh cư trú, chuyển cho Tòa án quận nơi anh cư trú. Nay, nếu anh không cư trú trong quận thì Tòa sẽ chuyển cho Tòa án địa phương nơi anh thực sự cư trú giải quyết.
Anh chạy về, cầm cuốn sổ hộ khẩu, lên công an phường. Thì ra là anh công an khu vực mới về không biết nên chứng ẩu. Công an Phường làm lại xác nhận và gởi cho Tòa án.
Cô thư kí Tòa có vẻ thông cảm với anh, không còn thái độ hách dịch, hạch hỏi. Anh nói với cô, rằng anh đã hỏi lại vợ cũ, và vợ cũ anh cam đoan rằng cô ấy không kiện tụng gì cả. Cô thư kí suy nghĩ một chút rồi lấy tờ đơn kiện đưa ra cho anh xem.
Thì ra, đó là đơn vợ cũ anh viết gởi cho Đội thi hành án, đề nghị thay đổi cách gởi tiền chu cấp cho con. Tòa qui định chuyển tiền chu cấp qua đội thi hành án, nhưng bây giờ, hai người thống nhất sẽ chuyển trực tiếp cho nhau hoặc qua ngân hàng.
Một lá đơn ngắn gọn, viết mạch lạc, hoàn toàn rõ ràng, dễ hiểu. Lá đơn đó đã đi qua ít nhất là 3 nơi, Đội thi hành án quận, Tòa án quận, rồi đến Tòa án quận nơi anh cư trú. Vậy mà không ai đọc nội dung một lá đơn chưa đến 200 chữ. Anh mất gần 2 tháng với hơn chục lần chạy lên chạy xuống Tòa án, công an, ngân hàng…
Khi tôi bị bệnh nhân kiện ra Tòa. Tôi lên Tòa và trình bày nhiều thứ, mang cả các tài liệu chứng minh. Nhưng Thẩm phán hoàn toàn không nghe tôi, cũng chẳng liếc mắt đến hồ sơ mà tôi trình bày. Tôi có cảm giác Thẩm phán đã có kết luận và có sẵn bản án.
Thẩm phán không cần biết thêm bất cứ điều gì, ngoài việc tôi có đồng ý bồi thường như bệnh nhân yêu cầu hay không. Khi tôi nhờ luật sư và người đại diện, thì cả hai đều có chung nhận định như tôi.
Thực tế suốt quá trình xét xử, thẩm phán không coi danh dự của tôi, sự thật, công lí… là cái gì đó cần phải bảo vệ. Họ hành động cứ như danh dự của tôi, sự thật, công lí hoàn toàn không tồn tại trên đời này.
Năm 20 tuổi, tôi bị đồn công an ngã ba 46 bắt vì cho rằng tôi vượt biên, khi tôi đi thăm cô ruột tại Hàm Tân. Tôi bị nhốt vào một căn phòng. Sau đó 3 tên công an vô phòng đánh tôi. Khi tôi phản kháng thì chúng rút súng, lên đạn dọa bắn. Bản năng mách bảo, nếu muốn sống thì tôi phải giết chúng. Nếu không có sự xuất hiện của ông trưởng đồn công an, có lẽ hôm nay tôi không còn sống để viết câu chuyện này.
Tôi chỉ muốn mô tả cảm giác tuyệt vọng của tôi khi bị dồn vào bước đường cùng. Cảm giác ấy tạo một ấn tượng mạnh đến mức, tôi luôn bị ám ảnh nguy hiểm khi những người mặc sắc phục công an có mang vũ khí đứng sau lưng tôi, nơi tôi không quan sát được hành vi của họ.
Tôi nghĩ đến cảm giác của cô Lê Thị Trang, người đã làm sứt mấy vết trên mặt bàn của quán karaoke khi xung đột với chủ quán. Có lẽ cô đã rất tuyệt vọng. Không ai quan tâm đến thân phận cô. Thận phận cô, thân phận con cô không là gì đối với những kẻ “cầm cân nẩy mực”.
Trên kênh Discovery đang chiếu cảnh giải cứu một con mèo bị trôi giữa sông. Không biết con mèo đó của ai. Nhưng hiển nhiên là thân phận con mèo kia may mắn hơn thân phận những người vô phúc phải ra Tòa ở đất nước này, như cô Trang, như tôi, hay anh bạn tôi…
Nhưng thực ra, cô Trang, tôi, hay anh bạn tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều so với những người tự tử trong đồn công an bằng giây thun quần, dây giầy hay những vật dụng khác.