Phái Tự do có lý khi lo ngại về sự can thiệp của Tối cao Pháp viện vào bầu cử

0
6
Getty / The Atlantic

The Interpreter

Translated from The Atlantic article Liberals Were Right to Fear the Supreme Court’s Election Intervention

Việc toà án quyết định không can thiệp vào một âm mưu đảo chính cẩu thả đối với xã hội pháp quyền.

Jay Willis, ngày 13 tháng 12, 2020

Getty / The Atlantic

Khi viễn cảnh xấu nhất không xảy ra, ta thường hay tự nhủ rằng nguy cơ ấy vốn dĩ đã chẳng hề tồn tại ngay từ đầu.

Lối suy nghĩ này giờ đây lại xuất hiện, sau một tuần mà Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đưa ra hai phán quyết như những đòn chí mạng lên nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 của ông Trump. Tuy nhiên, nếu chúng ta kết luận rằng toà án sẽ không bao giờ can thiệp thay ông Trump, chúng ta đã nhầm lẫn giữa hai vấn đề: Những việc mà toà án gợi ý họ sẵn sàng làm trước bầu cử, và những gì mà tình huống thực tế cho phép sau cuộc bầu cử đầy bất ngờ. Và với phái bảo thủ nay đã nắm chắc quyền kiểm soát Toà án, việc họ quyết định không can thiệp vào một âm mưu đảo chính cẩu thả nói lên rất nhiều về toan tính chính trị của toà án thay vì vị thế độc lập mà về nguyên tắc họ phải tuân theo. Hai phán quyết này đẩy ông Trump vào thế khó khăn. Vào thứ Ba, sau khi kêu gọi các vị thẩm phán “hãy dũng cảm” can thiệp, ông đã bị toà quay lưng trước đơn kiện đầy tuyệt vọng nhằm truy vấn tính hợp lệ của phiếu bầu qua thư tại tiểu bang chủ chốt Pennsylvania. Kết luận của toà với vấn đề này chỉ vọn vẹn một mệnh lệnh ngắn gọn và không có bất đồng nào.

Sau đó, vào thứ Sáu, các thẩm phán bác bỏ một đơn kiện còn vô lý và nực cười hơn từ tiểu bang Texas hòng ngăn chặn chỉ định Đại Cử tri dựa vào kết quả bầu cử phổ thông tại các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin – những nơi mà cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã đắc cử. Bản thân ông Trump cũng có động thái can thiệp bằng cái mà ông gọi là “một vụ lớn” và “vụ kiện có lẽ là lớn nhất trong lịch sử,” và mặc cho sự thiếu sót về pháp lý và bằng chứng thực tế, 126 Nghị sĩ đảng Cộng hoà và hơn một tá các vị chánh án tiểu bang cũng bày tỏ sự ủng hộ một cách đầy toan tính.

Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện thẳng thừng bác bỏ đơn kiện, phán quyết rằng tiểu bang Texas không có đủ thẩm quyền pháp lý để truy vấn phương thức tổ chức bầu cử tại các tiểu bang khác. Thẩm phán Samuel Alito và Clarence Thomas bày tỏ ngắn gọn sự bất đồng với kết luận của toà, nhưng thêm rằng hai ông “không nhân nhượng thêm” và “không có ý kiến gì về các vấn đề khác.” Vào thứ Hai, Đại Cử tri Đoàn sẽ tập trung để chính thức bỏ phiếu bầu ông Biden trở thành vị tân tổng thống Hoa Kỳ.

Những sự kiện này là chuỗi thất bại hết sức đáng thất vọng đối với ông Trump, người đang không ngừng kêu gọi các vị thẩm phán được Đảng Cộng hoà đề cử giúp ông xoay sở được một thắng lợi sau khi đã thất bại ê chề. (Khi công bố đề cử bà Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán tối cao hồi tháng Chín, ông Trump không giấu giếm mong muốn bà được chấp thuận nhanh chóng: “Tôi cho rằng [cuộc bầu cử] sẽ phải đi đến Tối cao Pháp viện,” ông nói. “Và tôi nghĩ việc có đủ chín thẩm phán là rất quan trọng.”) Khi Ngày Bầu cử cận kề, nhiều người đang theo dõi – bao gồm bản thân tôi – lo ngại rằng nếu kết quả cuộc đua sát sao đến mức phải trình lên Tối cao Pháp viện, phái bảo thủ với tỷ lệ đa số lên đến 6-3, bao gồm ba thẩm phán được bổ nhiệm bởi chính ông Trump, sẽ tìm cách để trả ơn.

Phái bảo thủ gần như không có động thái gì nhằm trấn an dư luận trước lo ngại này, một gợi ý với các đồng minh Cộng hoà rằng toà đang cùng phe với họ. Vào cuối tháng Mười, trong một vụ kiện liên quan đến hạn kiểm phiếu vắng mặt tại Wisconsin, Thẩm phán Brett Kavanaugh ủng hộ một thuyết pháp lý đáng ngờ từ một bản ý kiến đồng thuận vụ Bush vs. Gore chắp bút bởi cựu Chánh án William Rehnquist – một thuyết mà phe đa số đã không dùng, lúc bấy giờ là cơ sở để trao cương vị tổng thống cho ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush năm 2000. Thuyết này cho rằng tòa án liên bang được hiến pháp trao nghĩa vụ ngăn tòa tiểu bang can thiệp vào chính quyền bang trong việc tổ chức bầu cử tổng thống. Ngôn từ trong bản đồng thuận của ông Kavanaugh cũng nhắc tới những phát ngôn đáng báo động của ông Trump về gian lận cử tri, lên tiếng về sự “hỗn loạn và nghi ngờ về tính minh bạch” xảy đến nếu những lá phiếu tới trễ “lật ngược kết quả.” (Trong bản ý kiến phản bác, Thẩm phán Elena Kagan thẳng thừng nhấn mạnh rằng “không có kết quả nào để ‘lật ngược’ cho đến khi mọi phiếu bầu hợp lệ được kiểm đếm.”) Hai ngày sau đó, trong khi xử lý tranh chấp về thời hạn nhận phiếu bầu qua thư ở Pennsylvania, ông Alito khẳng định cuộc bầu cử sẽ diễn ra “dưới lớp mây mù,” và để ngỏ khả năng phiếu bầu qua thư nhận được sau Ngày Bầu cử sẽ không được kiểm, tùy theo kết quả của vụ kiện, theo như trong một bản tuyên bố cùng ông Thomas và Thẩm phán Neil Gorsuch. Một bài phản bác riêng biệt từ ông Gorsuch, và ông Alito cũng kết hợp viết rằng, họ có nghi vấn về tính hợp lệ của luật giãn thời hạn sáu ngày tại North Carolina áp dụng bởi cán bộ bầu cử tại tiểu bang này. Chẳng phải ngẫu nhiên mà phe Cộng hòa muốn gây khó dễ ở các tiểu bang chiến trường này, nơi mà việc kiểm đếm một phần phiếu bầu hay không, về lý thuyết, có thể xoay chuyển cục diện cuộc bầu cử đầy cam go từ ứng cử viên này sang ứng cử viên khác.

Đúng như vậy, kết quả cuộc đua không sát sao đến mức mà Tòa phải đả động.Trên toàn quốc, tân tổng thống Biden giành nhiều hơn 7 triệu phiếu bầu so với ông Trump. Khoảng cách thắng lợi nhỏ nhất của ông Biden, tại Arizona, là khoảng trên 10,000 phiếu; tại Georgia, ông thắng với khoảng 12,000 phiếu. Khoảng cách tại Wisconsin, Pennsylvania, và Michigan – ba tiểu bang vùng trung đông mang lại thắng lợi cho ông Trump bốn năm trước – lần lượt là 20,000, 80,000, và 150,000. Giả sử ông Trump và đồng minh bằng phép màu nào đó lật ngược kết quả ở không chỉ một hay hai, mà là ba tiểu bang cạnh tranh khốc liệt nhất mà ông thất bại, ngài tổng thống đương nhiệm vẫn còn thiếu một phiếu Đại Cử tri để giành thắng lợi.

Với việc Tối cao Pháp viện bảo vệ bất thành vị trí tổng thống của ông Trump, khi nhìn lại chuyện đã xảy ra, mọi sự lo ngại trước đây về khả năng này dường như thái quá, . Giới chuyên gia phái bảo thủ đặc biệt tuyên dương sự bảo tồn nguyên tắc độc lập tư pháp của tòa án. “Tất cả những gì còn lại” của hy vọng tái cử của ông Trump, theo lời ông Dan McLaughlin thuộc tờ National Review hôm 24 tháng Mười Một, “là một loạt những thách thức pháp lý với hy vọng cực kì mong manh – và đều thiếu bằng chứng. Có lẽ đây vẫn luôn là kết quả khả thi hơn.” Ngày 11 tháng Mười Hai, bạn đồng sự của Trump, Rich Lowry, lớn tiếng tuyên dương các vị thẩm phán đề cử bởi ông Trump vì đã thể hiện “lòng trung thành với sự thật, lý lẽ và luật pháp” sau khi kết quả các vụ kiện được công bố. Ông cũng viết, “Trong khi ngài tổng thống Hoa Kỳ đang phẫn nộ trước hệ thống bầu cử và tìm đến sự cứu vớt từ tòa án trong tuyệt vọng, mọi cáo buộc về xu hướng phe phái và tham nhũng tại các đơn vị tư pháp chịu ảnh hưởng bởi ông Trump đều không tìm thấy chứng cứ”.

Ngay cả bên ngoài giới truyền thông bảo thủ, nhiều chuyên gia cho rằng những phán quyết nhanh chóng sau cuộc bầu cử cho thấy sự từ chối can thiệp đầy tính nguyên tắc của cánh tư pháp đối với hoạt động chính trị của các đảng phái – một dấu hiệu đáng mừng trong thời điểm đầy chia rẽ này. “Hệ thống tư pháp đã thể hiện tính độc lập mạnh mẽ và tôn trọng pháp luật xuyên suốt trong giai đoạn hậu bầu cử. Điều này là hết sức quan trọng,” theo dòng tweet của nhà báo Nate Silver thuộc trang FiveThirtyEight. “Có nhiều lý do để lo lắng về tương lai và tôi cũng lo lắng phần nào. Nhưng điều này là rất quan trọng.”Tuy vậy, không phải hành động nào từ nhánh tư pháp trong cuộc bầu cử là giống nhau hay có giá trị chính trị như nhau. Vào năm 2000, khi Bush níu kéo tỷ lệ dẫn đầu nhỏ nhoi nhưng mang tính quyết định trong bang Florida, cả 5 thẩm phán Tối cao Pháp viện được bổ nhiệm bởi Đảng Cộng hòa đoàn kết ngăn chặn việc kiểm đếm. Điều đó vẫn gây nhiều tranh cãi, nhưng thật là một việc khó khăn để các thẩm phán giữ được liêm chính của mình và chỉ sử dụng ngôn từ pháp luật để giải thích những con số chênh lệch hàng chục đến hàng trăm ngàn. Trump muốn Tòa án giúp đỡ, và cả trước khi Barrett bắt đầu trở thành một phần lớn trong kế hoạch này, ít nhất 4 thẩm phán đã ám chỉ họ sẽ sẵn lòng tham gia. Điều này nên làm mọi người khiếp sợ, nhất là tất cả người Mỹ với hy vọng được sống dưới nền dân chủ dựa trên đại diện bầu cử. Khi các phiếu bầu đã được đếm, ông Trump đã thua quá xa tầm với của các thẩm phán này.

Điều quan trọng hơn là khi chúng ta tung hô sự liêm chính của các thẩm phán, chúng ta hiểu lầm bản chất thật sự trong đề án pháp lý của đảng cộng hòa, một kế hoạch đã được tiến hành từ lâu, trước khi ông Trump lên trướng trong đảng cộng hòa và đương nhiên sẽ tiếp tục diễn ra sau khi ông rời vị trí tổng thống. Qua nhiều thập niên, những nhà hoạt động trong quyền pháp lý đã làm việc cật lực để khẳng định những nhà tư tưởng phản động bảo thủ là những người không có tư cách được bổ nhiệm làm thẩm phán vô thời hạn. Những thẩm phán này tự nhận rằng họ luôn liêm chính, không thiên vị đảng phái, và không cần kiểm tra, họ công bố rằng những quyết định của họ là trung lập, và chỉ là cái kết tất yếu của quy trình pháp lý.

Dưới quyền Trump, những nỗ lực này đã rất thành công. Bên cạnh việc đại tu Tối cao Pháp viện, ông còn kiểm soát được bổ nhiệm trên một phần tư các thẩm phán của các tòa phúc thẩm liên bang đang hoạt động trong chỉ bốn năm. Cái kềm bảo thủ xiết chặt cả ba nhánh vận hành chính phủ sẽ gây hậu quả cho nhiều thế hệ sau, bất kể ai ngồi trên ghế tổng thống vào ngày 20 tháng Một. Vào điểm này, một phán quyết giả tạo từ tòa án đồng ý với những kiện tụng nhảm nhí từ những cuộc bầu cử các bang sẽ làm tất cả kế hoạch trước đây tan theo mây khói. Giữ Trump bốn năm nữa thật ra không quan trọng bằng việc giữ thế thượng phong một cách hợp pháp cho bên bảo thủ trong Tối cao Pháp viện.

Như ta thấy, Tòa án đang giải quyết và ban cho những thắng lợi văn hóa về quyền lợi pháp lý mang tính tượng trưng. Tháng 11, Tòa án chặn thống đốc New York Andrew Cuomo khi ông cố phong tỏa những nơi tụ tập đông người chẳng hạn như những nơi thờ phụng và khuyến khích cách ly giữa đại dịch COVID-19. Tòa tuyên bố rằng hành động đó là một gánh nặng không thể cho phép đối với quyền tự do tín ngưỡng, một lý do thường được hoan nghênh trong giới bảo thủ. Thẩm phán John Roberts phản đối, cũng như ba thẩm phán chủ nghĩa tự do khác, nhưng trong thời đại bảo thủ chiếm số đông, những bất đồng này không có tác động gì. Leah Litman, một giáo sư luật ở trường đại học Michgan viết trong quyển The Appeal (tạm dịch: Kháng Cáo) những phán quyết gây chấn động này cho thấy bọn bảo thủ rất hăng hái thay đổi pháp luật theo ý họ, nhất là khi họ không còn phải cẩn trọng cân nhắc những thành viên cẩn trọng hơn. Dù những phán quyết của Tòa án đã gây nhiều tổn thất dưới quyền Trump, những phán quyết về sau cũng sẽ để lại hệ quả lâu dài sau khi ông rời vị trí tổng thống.

Những phán quyết từ Tòa án cũng sẽ không có tác dụng gì. Bỏ mặc lời khẩn cầu của công chúng từ những thành viên cấp cao trong ban luật sư Tối cao Pháp viện, các thẩm phán không hề cự tuyệt những hành vi của Trump sau bầu cử. Ngược lại, họ chỉ đưa những lệnh chỉ mang tính an ủi và không hề bàn luận gì đến giá trị của chúng. Một tòa án tối cao nên dễ dàng gạt qua những kiện cáo phù phiếm trong âm mưu đảo chính từ tốn của một tổng thống, và thất bại trong việc này của Tối cao Pháp viện thật sự là một sự an ủi cho những kẻ cuồng Trump. Tối thứ Sáu, phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany miêu tả rằng các thẩm phán đang tránh né vấn đề chính của sự việc bằng những phán quyết theo thủ tục, và cô quả quyết khẳng định cáo trạng của cuộc bầu cử này và tính liêm chính của nó là vững vàng.

Trước khi được bầu, Kavanaugh sẵn sàng khuyến khích nghi ngờ sự minh bạch trong việc bầu cử qua thư. Cũng tương tự, các thẩm phán quyết định giải quyết những vụ việc này một cách yên ắng và không có động thái gì để trấn an hay làm vơi nỗi lo lắng và hoang tưởng về tính hợp pháp của kết quả bầu cử, một điều ngày càng đáng ngại từ những nhà chính trị và cử tri Đảng Cộng hòa. Và dù Tối cao Pháp viện không thể lật đổ kết quả trong một cuộc bầu cử mà Trump đã thua quá lớn, nền tảng cơ sở đã được xây dựng cho các thẩm phán con đường đàn áp bầu cử về sau. Tùy thuộc vào tính hiệu quả của những nỗ lực này, Tòa án có thể không cần quan tâm đến cuộc bầu cử sít sao kế tiếp – Đảng cộng hòa chắc chắn sẽ thắng.

Rõ ràng việc Tòa án không đảo ngược chuyện 20 năm về trước của Bush và Gore là một điều tốt. Tuy nhiên, các thẩm phán không phải là anh hùng dân quyền khi họ từ chối Trump từ ngưỡng cửa pháp viện, và họ cũng không phải là những chiến sĩ bảo vệ pháp luật khi họ không phá hủy quy trình dân chủ. Họ ra vẻ hiểu biết trong việc vận hành đảng phái, không sẵn lòng hy sinh danh tiếng chính trị của họ để cứu vớt một ứng viên thất bại ê chề vì họ không còn cần đến sự ủng hộ đó nữa. Họ hoàn toàn nhận thức được khi họ không chứng thực nỗi lo lắng của quần chúng về cách Tối cao Pháp viện lạm dụng quyền lực, họ sẽ lấy được thiện chí từ dân chúng nhiều hơn. Với những toan tính của Trump sau bầu cử đi đến hồi kết, trò lừa lớn nhất của giới bảo thủ trong pháp lý là hy vọng họ sẽ thuyết phục được mọi người đừng lo về nhánh tư pháp của chính phủ.

Người dịch: Tom Nguyen

Biên tập: Khánh (Vy) Lê