Nợ xấu và bộ đệm dự phòng

2
4
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank đã giảm xuống dưới 1%. Ảnh: THÀNH HOA

Linh Trang

Thứ Tư, 30/11/2022

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Về tổng thể, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với những khó khăn về chất lượng tài sản do nợ xấu tăng nhanh sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hạn. Những thách thức này có thể phần nào được “hóa giải” nếu ngân hàng có bộ đệm dự phòng lớn.

Nợ xấu tăng

Dưới tác động của thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, khi cả nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn do chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt thì chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng là một điều đáng lưu ý.

Sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 vừa qua, nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng khá nhanh, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch Covid-19 hết hạn vào ngày 30-6-2022.

Cụ thể, thống kê số liệu báo cáo tài chính quí 3-2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30-9-2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 129.800 tỉ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72.400 tỉ đồng, chiếm 55,8% tổng nợ xấu, so với tỷ trọng 44% hồi đầu năm.

Điển hình như tại Ngân hàng Quốc dân (NCB), tổng nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 9-2022 tăng gấp 5,3 lần so với đầu năm, lên 6.648 tỉ đồng. Theo ngân hàng này, nợ xấu có xu hướng tăng mạnh khi ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 hết hạn.

Tương tự, nợ xấu tại Ngân hàng OCB cũng tăng gấp đôi trong chín tháng qua, từ 1.349 tỉ đồng hồi đầu năm lên 2.801 tỉ đồng khi kết thúc quí 3-2022. Không chỉ các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, nợ xấu cũng có xu hướng tăng mạnh tại nhiều ngân hàng lớn như BIDV (48,6%), Vietcombank (47%) hay ACB (44,9%),…

Thống kê tại 27 ngân hàng cho thấy, có 14 thành viên tiếp tục gia tăng tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLCR) trong chín tháng qua trong khi 13 thành viên còn lại cắt giảm tỷ lệ này.

Con số nợ xấu tăng nhanh khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của 27 ngân hàng trong mẫu thống kê tăng từ 1,87% hồi đầu năm lên 2,36% khi kết thúc tháng 9-2022. Trong đó, có 15/27 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong thời gian qua.

Ở chiều ngược lại, Sacombank là trường hợp gây nhiều bất ngờ khi sau nhiều năm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng này đã giảm xuống dưới 1%. Cụ thể, đến cuối tháng 9-2022, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng chỉ còn 3.791 tỉ đồng, giảm 34% so với hồi đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu/cho vay theo đó đã giảm từ 1,47% hồi đầu năm xuống còn 0,9% khi kết thúc quí 3. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là hiện Sacombank vẫn còn khoảng trên 20.000 tỉ đồng nợ xấu đang “gửi tạm” tại VAMC. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, ngân hàng vẫn đang tích cực đẩy mạnh xử lý số trái phiếu tại đây.

Phân hóa trong trích lập dự phòng

Về tổng thể, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với những khó khăn về chất lượng tài sản do nợ xấu tăng nhanh sau khi Thông tư 14 hết hạn. Những thách thức này có thể phần nào được “hóa giải” nếu ngân hàng có bộ đệm dự phòng lớn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ khi giải ngân vào phân khúc có rủi ro cao.

Những con số trong báo cáo quí 3 cho thấy, nguồn lực này đang có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng. Thống kê tại 27 ngân hàng cho thấy, có 14 thành viên tiếp tục gia tăng tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLCR) trong chín tháng qua trong khi 13 thành viên còn lại cắt giảm tỷ lệ này.

Tại Vietcombank, dù tỷ lệ LLCR giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 19 điểm phần trăm) song ngân hàng này vẫn đang dẫn đầu hệ thống về tỷ lệ này (402%). Điều đó có nghĩa, với mỗi đồng nợ xấu, Vietcombank có tới 4,02 đồng dự phòng. Tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối tháng 9 đã được nâng lên 250%, thay vì mức 180% vào cuối năm 2021. Tại BIDV, tỷ lệ này hiện đang là 214%, tại MBB là 208%, BacABank là 190%,…

Trong số 27 ngân hàng trong nhóm khảo sát, hiện đã có 10 thành viên có tỷ lệ trích dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức trên 100%. Điều này cũng có nghĩa, lợi nhuận cũng như an toàn của ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều ngay cả trong trường hợp xấu nhất là tất cả nợ xấu trở thành không thu hồi được, vì ngân hàng đã có dự phòng đầy đủ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ LLCR cao cũng cho phép ngân hàng linh hoạt hơn trong việc giảm dự phòng, hoàn nhập và thúc đẩy lợi nhuận gắn với kết quả xử lý nợ xấu trong các năm tiếp theo mà không làm giảm chất lượng tài sản của ngân hàng.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là đây không phải kết quả chung của toàn hệ thống. Thống kê cho thấy, có tới 10/27 thành viên đang sở hữu tỷ lệ LLCR thấp hơn 60%. Như tại NCB, tỷ lệ này đến cuối tháng 9-2022 mới chỉ ở mức 14%, tức với mỗi đồng nợ xấu, ngân hàng mới chỉ có 0,14 đồng để dự phòng. Tương tự, tại các thành viên như VietBank, Baovietbank, PGBank hay Saigonbank, con số này cũng chỉ ở mức khiêm tốn trên dưới 50%.

Liên quan tới xử lý nợ xấu, nhằm đẩy nhanh quá trình này, nhiều ngân hàng cũng đang rốt ráo rao bán nhiều khoản nợ có tài sản bảo đảm. Thậm chí, do khó khăn chung của nền kinh tế sau đại dịch, nên các ngân hàng phải chấp nhận bán lỗ, giảm giá sâu các khoản nợ này. Riêng trên sàn giao dịch nợ của VAMC, đã có hơn 16 tổ chức tín dụng chào bán, với tổng giá trị nợ và tài sản bảo đảm khoảng 32.000 tỉ đồng.

Về tổng thể, dù môi trường kinh doanh đang chuyển biến theo hướng khó khăn dần nhưng trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện tại cũng đã cải thiện nhiều, khi có gần 20 ngân hàng thương mại được công nhận đạt chuẩn Basel II.

Một số ngân hàng đã chủ động nâng cấp, triển khai Basel III với các tiêu chí khắt khe hơn, nhằm nâng cao khả năng quản lý rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động. Với nền tảng vững vàng, hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ vượt qua những thách thức, sóng gió và có một năm 2022 tăng trưởng lợi nhuận tích cực, là tiền đề cho năm 2023 dự báo vẫn sẽ còn không ít khó khăn.