Những nhân sĩ trí thức theo đảng cộng sản sau cách mạng tháng Tám

0
1098
Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19 tháng Tám, 1945. AFP
Kính Hòa RFA
2017-08-08

Cách đây 72 năm, vào tháng Tám 1945, Mặt trận Việt Minh do đảng cộng sản lãnh đạo cướp chính quyền trên cả nước Việt Nam, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nhà nước Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo hình thành và tồn tại cho đến nay.

Lúc ấy nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam đã tham gia chính phủ mới.

Một nhân chứng của lịch sử trong giai đoạn đó là ông Bùi Tín, cựu Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam của đảng cộng sản Việt Nam giải thích nguyên do những nhân sĩ trí thức ấy đi theo chính phủ Hồ Chí Minh vào thời điểm quan trọng ấy của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Một chính phủ tập hơp những nhân sĩ trí thức có uy tín

Ông Bùi Tín nhớ lại rằng sau khi mặt trận Việt Minh do đảng cộng sản lãnh đạo cướp được chính quyền trong cả nước vào tháng Tám, năm 1945, chính quyền mới đã mời cha ông là Thượng thư Bùi Bằng Đoàn ra tham chính:

Ngay sau khi ông Hồ Chí Minh lên làm chủ tịch nước, thì ổng đã gửi thư cho cha tôi, mời cha tôi ra tham gia chấp chính, cùng hợp tác với chính phủ mới. Lúc đầu cha tôi không nhận, viện lý mình đã cao tuổi, sức yếu, sống ở chế độ cũ quá lâu. Sau đó ông Hồ Chí Minh đã hai lần cử ông Bộ trưởng tư pháp Vũ Trọng Khánh về tận quê tôi đưa thêm hai cái thư nữa nhấn mạnh mời cha tôi ra làm việc, thì cha tôi chấp nhận ra làm việc.”

Gia đình ông Bùi Bằng Đoàn vốn mấy đời làm quan cấp tỉnh cho Triều đình nhà Nguyễn. Trước Cách mạng tháng Tám, ông Bùi Bằng Đoàn đảm nhiệm chức vụ Thượng Thư Bộ Hình của Triều đình nhà Nguyễn, tương đương với chức vụ Bộ trưởng Tư Pháp hiện nay, và là một trong sáu thành viên của Cơ Mật Viện của Triều đình, cơ quan tương đương với chính phủ hiện nay.

Trước Cách mạng tháng Tám, về mặt chính thức đảng cộng sản đã tự giải tán, biến thành đảng Lao động Việt Nam. Theo nhận định của ông Bùi Tín thì đảng này bị thiệt hại nhiều sau cuộc nổi dậy ở Nghệ Tĩnh vào năm 1930.

“Sau cái gọi là khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh theo cái mẫu cộng sản, thì cả xã hội người ta rất e ngại với những khẩu hiệu quá đáng, chuyên môn đi ám sát, nêu khẩu hiệu là đánh trí phú địa hào, đánh tận gốc trốc tận rễ, có khi giết cả con cả cháu nữa.”

Và điều đó, cũng theo ông Bùi Tín, cộng với thế bất lợi không được biết đến trên trường quốc tế, đứng trước các lực lượng đồng minh tiến vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật Bản, chính phủ của ông Hồ Chí Minh cần những nhân sĩ trí thức có uy tín trong xã hội:

“Ông Hồ Chí Minh ông ấy muốn tập hợp nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng tham gia. Ông ấy mang cái mặt người yêu nước, mang cái mặt giành lại độc lập, rất khôn khéo, khiêm tốn để mà tranh thủ một loạt các nhân sĩ trí thức. Chính phủ với bộ máy của trung ương toàn là các trí thức nhân sĩ thượng thặng tài giỏi nhất.”

Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng của xã hội Việt Nam lúc ấy tham gia chính phủ do Việt Minh lãnh đạo như ông Vũ Trọng Khánh, Thị trưởng Hải Phòng, các ông Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thúy là những thủ lĩnh của phong trào hướng đạo, ông Huỳnh Thúc Kháng báo Tiếng Dân ở miền Trung,… Riêng ông Bùi Bằng Đoàn được xem là một quan chức rất liêm chính trong suốt thời gian ông làm Thượng Thư trong triều đình nhà Nguyễn.

Một nhầm lẫn của lịch sử

Điều quan trọng, theo ông Bùi Tín là những nhân sĩ trí thức này cũng không hiểu biết về chủ nghĩa cộng sản cũng như đảng cộng sản do ông Hồ Chí Minh thành lập.

Cha tôi lúc đó không hiểu gì nhiều về chủ nghĩa cộng sản đâu. Sau này nghĩ lại thì cũng có thể nói rằng cha tôi bị ông Hồ Chí Minh lừa dối. Lừa dối theo cái nghĩa là ông Hồ Chí Minh giấu rất kỹ tung tích cộng sản của mình. Cũng được hưởng vinh danh, cũng được sử dụng lại với chính quyền mới, nhưng về cơ bản là bị tuyên truyền, bị lợi dụng, có thể nói là bị lừa dối, tưởng đâu họ là chính nghĩa lâu dài, nhưng không ngờ khi nắm chính quyền, thì họ càng tha hóa, mất cái bản chất nhân dân.”

Ông ấy (Hồ Chí Minh) mang cái mặt người yêu nước, mang cái mặt giành lại độc lập, rất khôn khéo, khiêm tốn để mà tranh thủ một loạt các nhân sĩ trí thức.
-Cựu Đại Tá Bùi Tín.

Các tổ chức của đảng cộng sản Việt Nam, ẩn danh trong vỏ bọc đảng Lao Động lúc đó đều mang tên là Cứu Quốc. Theo ông Bùi Tín, chữ Cứu Quốc làm cho người ta tin tưởng ở tính phi chính trị, và phi đảng phái của Mặt trận Việt Minh, chỉ chuyên tâm hoạt động lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp mà thôi. Và những diễn biến chính trị thế giới vào thời điểm 1945 làm cho nước Việt Nam trở nên một chổ trống quyền lực: người chủ thực dân Pháp đã bị người Nhật đánh bại cách đó vài năm, kẻ đang có sức mạnh thực sự là quân đội Nhật Bản lại đã đầu hàng và đang chờ giải giáp. Ông Bùi Tín nói rằng khoảng trống quyền lực đó đã tạo điều kiện cho Mặt trận Việt Minh do đảng cộng sản bí mật lãnh đạo, khôn khéo lợi dụng, và cướp chính quyền.

Theo ông Bùi Tín, tính chất cộng sản chuyên chế của chính phủ ông Hồ Chí Minh bắt đầu lộ rõ ra sau năm 1953, lúc đảng cộng sản Trung Quốc giành được thành công ở Hoa Lục. Từ Hoa Lục đảng cộng sản Trung Quốc đã góp phần ảnh hưởng rất lớn đến chính phủ kháng chiến của ông Hồ Chí Minh. Chính vào thời điểm này, trong vùng đất chiến khu do mặt trận Việt Minh kiểm soát bắt đầu có những vụ thanh trừng, chỉnh huấn đúng theo mô hình chuyên chính cộng sản. Ông Bùi Tín cho biết đó là lúc các nhân sĩ trí thức bị cho ra rìa. Ông kể tiếp về người cha:

Tôi ở quân đội mỗi lần về thì ông Cụ kể tâm sự, kể lại tất cả những chuyện của đất nước, tâm sự nhiều lắm. Ông Cụ cũng mến ông Hồ Chí Minh ở cái sinh hoạt giản dị, không rõ cuộc đời thật sự của ông Hồ nên nghe người ta tuyên truyền. Thế nhưng mà dù sao, ông Cụ cũng cảm thấy có một điều gì đó khác thường. Ví dụ như trong chuyện đối với giai cấp địa chủ quan lại trong nước.”

Theo nhà báo Bùi Tín, cha ông đã tin rằng chính phủ Việt Minh nghĩ rằng những điền chủ Việt Nam là những người có học, tham gia kháng chiến, và sau này sẽ vận động họ hiến điền, tức là giao lại ruộng đất cho chính phủ phân phát cho những người không có ruộng đất, chứ không có đàn áp.

Ông Bùi Bằng Đoàn mất vào tháng tư năm 1955, không kịp nhìn thấy cuộc cải cách ruộng đất do đảng cộng sản phát động sau đó vài tháng. Trong cuộc cải cách ruộng đất này, theo ông Bùi Tín, có đến 170 ngàn người bị qui tội là địa chủ tàn ác bóc lột, và bị đấu tố cho đến chết. Một trong những người đó là người phó của cha ông trước kia, Tham tri Đặng Văn Hướng, được chính phủ ông Hồ Chí Minh mời ra làm việc để thu phục người dân Nghệ An, và là người có công lớn nhất trong việc giúp Việt Minh giành chính quyền ở Nghệ An vào năm 1945. Ông Đặng Văn Hướng là một trong những người đầu tiên bị đấu tố đến chết trong cải cách ruộng đất.

Còn ông Bùi Tín, tham gia lực lượng cộng sản, làm đến chức Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1990 ông đào thoát khỏi Việt Nam sống đời lưu vong tại Pháp cho đến nay. Ông nói rằng câu chuyện những nhân sĩ trí thức Việt Nam đi theo sự lãnh đạo của đảng cộng sản từ mùa thu năm 1945 là một sự lầm lẫn đáng tiếc của lịch sử.