Nhật ký phong thành (số 7): Đời biết ai thương mình

    0
    44
    Ảnh : TK
       

    Tuấn Khanh

    16-7-2021

    Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3  phần 4 — phần 5phần 6

    Sáng 15-7, Sài Gòn tối đen từ rất sớm. Những cụm mây lớn trải dài khắp các quận huyện dự báo một ngày không nắng. Thành phố đã vắng người, nay lại trĩu nặng và mệt mỏi hơn. Rồi những cơn mưa đổ xuống, không quá lớn nhưng từng cơn, từng cơn nối nhau, đẫm cả một ngày dài. Vài gương mặt thấp thoáng qua cửa số nhìn xuống đường, im lặng. Thi thoảng ai đó vụt qua nhanh, không biết là để tránh cơn mưa, hay để mau đến nơi đã định mà không bị vướng chốt kiểm soát.

    Có vẻ như không có gì đáng để lạc quan, vào một ngày mà tin tức về người nhiễm covid-19 mỗi lúc càng nhiều. Cuộc sống dân Sài Gòn bây giờ xoay quanh các trang mạng xã hội, tin tức và sự thật cứ dội lên đó, luôn khác biệt trong đời thường.

    “Đọc tin đó chưa?”, “Hay gì chưa?”… những thông điệp như vậy chạy quanh ngày sống của dân Sài Gòn, hiện trên facebook, tiktok, youtube… Cũng may mà có em, đời còn dễ thương, nếu không chỉ xem trên báo chí hay truyền hình nhà nước, đôi khi người dân có thể tự làm thiệt hại tài sản của mình, vì mất kiên nhẫn hay nổi giận.

    Có cái gì đó thật bất thường. Khi Bộ Y Tế cho biết chỉ mới có 32 ca tử vong vì covid-19 ở Sài Gòn, nhưng rồi ai đó trong hệ thống lãnh đạo ở Thành Hồ lại sẩy miệng, xác nhận thật ra đã có đến 130 người đã chết. Con số cách biệt lớn quá khiến ai nấy chết lặng. Không thể nói khác được. Chiều 15-7, Bộ Y Tế lập tức lên tiếng nhận lỗi, và nói có “độ trễ trong việc Bộ Y tế công bố số ca tử vong, và cả số ca dương tính, so với địa phương”.

    Trên báo Vnexpress, lời giải thích của Bộ Y Tế được ghi lại, là “Việc thông báo từng ca bệnh Covid-19 cần quá trình hoàn thành mã số bệnh nhân, yếu tố dịch tễ, đối với ca tử vong thì cần đưa chính xác nguyên nhân tử vong”.

    Thật ra người Sài Gòn cũng không ai quan tâm đến cái kiểu giải thích dông dài – mục đích để thuyết minh rằng lãnh đạo chẳng có ai sai lầm cả – để làm gì. Điều mà người ta nhận thấy, là có cái gì đó bất bình thường trong tin tức về covid-19 đang đưa đến cho người dân. Bạn nghĩ sao? Liệu có chuyện quan chức nào ở Thành Hồ lại dám quên và lỡ miệng nói ra con số thật như vậy? “Có thể giới quan chức ở Sài Gòn không muốn mình phải gánh trách nhiệm theo chỉ thị từ trung ương, nên tự mình xé rào tiết lộ”, một người đọc báo, nhắn bình luận cho tôi.

    Ngày 15-7, Việt Nam có đến hơn 37.000 người nhiễm covid-19. Riêng Sài Gòn đến chiều tối đã có đến 1399 ca nhiễm mới. Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn ra tuyên bố khiến ai nấy phải ngẩn người suy nghĩ “Ca nhiễm covid-19 tăng nhanh, do chống dịch đi đúng hướng”. Là sao? Nhưng rồi cũng không ai còn thời gian để tranh cãi với ông Sơn, vì đáng lo hơn, tối khuya ngày 15, báo chí đưa tin ông phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói “nếu dịch còn tăng, khó có thể bỏ chỉ thị 16 ở HCM”.

    À, vậy là phong tỏa có thể sẽ nối tiếp. Ôi…

    Quả là một ngày u ám theo nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Bất chấp hôm nay, là ngày mà thông tin từ Trang Chính phủ reo lên rằng “HCM cam kết ngày 15-7 chi trả hỗ trợ cho 260.000 lao động tự do, hoàn thành hỗ trợ theo nghị quyết 68 trong tháng 7”.

    Thật là ngày vui qua mau, chỉ đến chiều, lại rộ lên những câu chuyện, “tình thương” của chính phủ hình như lọt vào khoảng không, vào những điều chua chát muôn thuở, khiến người nghèo lại thay nhau gào lên tức giận trên các video.

    Dân ở hẻm 197, Ấp 4, xã Phước Lộc, Nhà Bè, Thành Hồ gửi đi chứng cứ cả một khu dân cư bị giam hãm hơn 20 ngày vì cách ly chống dịch. Dân ở khu này, phần lớn là lao động tay chân, mỗi ngày chạy hơn chục cây số vào Sài Gòn làm đủ việc kiếm ăn. Từ lượm ve chai, móc cống, phụ hồ… có gì làm nấy, miễn có cơm sống qua ngày. Ai nấy vàng mắt chờ được giúp. Đùng một cái, nghe có hỗ trợ, họ đổ xô đi kiếm trưởng ấp, trưởng xã để hỏi. Đúng ngay lúc đó, họ bắt gặp danh sách “người nghèo” nào đó đã được lập từ trước, và trưởng ấp đang giấm giúi chia cho những người trong danh sách đó. Cả trăm con người khốn khó ở đó, ai cũng bị ra rìa, chỉ có 9-10 người được nhận trong lặng lẽ trơ trẽn. Đó là còn chưa nói, danh sách khó khăn được nhận, trưởng ấp bị bắt gặp đang phát cho chính vợ mình.

    Dân bu vô hỏi, thì được giải thích là theo chỉ thị của thành phố, chỉ được phát có bao nhiêu đó thôi. Một bác gái ra trước ống kính, nói giọng Bắc như mới vào Nam “tôi đi mua ve chai đây này, hơn 60 tuổi rồi, mà chẳng nhận được gì. Còn vợ ông Trưởng ấp thì lại nhận đầu tiên”. Những người quanh video không thấy mặt thì thay nhau gào lên. Giọng một người đàn ông khàn đục vang lên, nghe quen thuộc “Đ.M, vậy mà nói giúp đỡ”.

    Dân ở đây nói họ tự chạy miếng ăn trong những ngày cách ly, gọi xin, đón người làm từ thiện để nhận quà rồi chia nhau đồng đều. Không ai thấy hỗ trợ nào của nhà nước cả. Nhưng rồi đến khi nghe nói có tiền, chỉ có danh sách nào đó được nhận.

    Chuyện của những người dân Nhà Bè không là một sự kiện hiếm hoi đâu. Từ chối trợ giúp ai đó, gần như là một thủ thuật nhuần nhuyễn của giới hành chính địa phương lên danh sách trợ giúp. Chỉ cần hoàn thành việc trao tiền cho một nhóm người nào đó, mang ý nghĩa biểu trưng, thế là sau đó địa phương có thể làm báo cáo là xác nhận đã hoàn thành kế hoạch trợ giúp dân nghèo. Số 9-10 người được nhận tiền ở Nhà Bè, được coi là tổng số khó khăn ghi nhận, và khi sau khi trao tiền, kể như xóa được mọi khó khăn – đã hoàn toàn xóa đói giảm nghèo. Còn cả trăm người khác, là vô nghĩa.

    Có rất nhiều lý do khiến một người nghèo bị từ chối giúp đỡ tại Việt Nam. Đầu tiên, bạn sẽ bị hỏi đến căn cước, rồi hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại địa phương. Bạn sẽ phải chứng minh rằng mình rất nghèo, giới thiệu công việc, giới thiệu thu nhập và cần cả người chứng cho lời khai của mình, và chứng minh rằng đang có khoảng thời gian đói khổ – tình trạng ấy, cũng phải có người xác nhận. Cuối cùng, bạn phải có phải có một lá đơn xin, và chờ xét duyệt 3-4 bên: công an, ủy ban, tổ trưởng, nơi làm việc… Cũng như những người ở Nhà Bè, mọi nỗ lực của bạn sẽ bị im lặng cho qua, hoặc may mắn hơn thì được trả lời vỏn vẹn “không đủ tiêu chuẩn”.

    Bạn tôi ơi, người nghèo Việt Nam muôn hình vạn trạng. Có những người ăn mặc chào hàng rất tươm tất, khi chiều về thì cẩn thận thay ra, treo lên trong căn nhà trọ tồi tàn của mình để mai lại sắm vai. Có những người nghèo Việt Nam lam lũ, có thể nhìn là biết ngay. Nhưng trong đại dịch này, bìa của cuốn sách, không nói hết được nỗi niềm ẩn chứa trong nó. Khó mà lường hết được.

    Ở khu Gò Vấp, sáng hôm qua, một gia đình có cửa hiệu buôn bán nhìn rất khang trang, nay phải đóng cửa, cô vợ mở cửa vừa bước ra, lập tức công an ập vào kết tội là nơi này âm mưu buôn bán trở lại, đòi phạt tiền. Người chồng chạy ra nhìn sững sờ, rồi quỳ sụp xuống lạy công an như tế sao “trời ơi, vợ tôi mở cửa bước ra, chứ có buôn bán gì, làm ơn thương tui đi, tui khổ quá mà”. Tiếng gào khóc nức nở của anh ta như xé toang màn sương mù khiến tay công an phải lùi lại, nhưng bắt lỗi khác “sao không đeo khẩu trang”…

    Vậy đó, Sài Gòn hôm nay, Sài Gòn phải trải để biết đời, còn có ai còn thương mình?

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here