15/08/2017 05:58 GMT+7
TTO – Liên quan tới căng thẳng ở cao nguyên Doklam, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đều đã sẵn sàng để ứng phó với một cuộc xung đột vũ trang toàn diện.
Chiếc tàu ngầm Scorpene đầu tiên của hải quân Ấn Độ – Ảnh: Reuters |
Theo trang tin Business Insider, cuối tuần qua Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley phát biểu trước quốc hội nước này rằng các lực lượng vũ trang của họ đều đã chuẩn bị để ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Trong khi đó những nguồn tin gần gũi với quân đội Trung Quốc cho biết, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đang tăng cường nhận thức về khả năng chiến tranh.
Tuy nhiên PLA chủ trương hạn chế xung đột ở mức nhỏ, giống như tầm mức những cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir.
Báo South China Morning Post dẫn nguồn tin từ một quan chức quân đội PLA nói: “PLA sẽ không vội vàng triển khai cuộc chiến trên bộ với binh sĩ Ấn Độ.
Bản đồ khu vực cao nguyên Doklam trên dãy Himalaya, nơi đang diễn ra thế giằng co giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc – Ảnh đồ họa của hãng tin PTI (Ấn Độ) |
Thay vào đó, quân đội Trung Quốc sẽ triển khai máy bay và các tên lửa chiến lược tới làm tê liệt các lực lượng quân đội Ấn Độ đóng tại khu vực biên giới với Trung Quốc trên dãy Himalaya”.
Nguồn tin này cũng cho rằng binh sĩ Ấn Độ có thể sẽ cầm cự được “không quá một tuần”.
Một nguồn tin quân sự khác cũng cho biết các sĩ quan và binh sĩ thuộc Bộ chỉ huy mặt trận hành quân phía tây của Trung Quốc cũng đã được lệnh chuẩn bị chiến đấu với Ấn Độ liên quan tới khủng hoảng Doklam.
Cả hai nguồn tin từ quân đội Trung Quốc đều cho rằng nước này tin tưởng mọi cuộc xung đột nếu xảy ra đều sẽ được kiểm soát và không để lan tràn sang các khu vực tranh chấp khác.
Dọc theo 2000 km biên giới giữa hai “ông lớn” của châu Á này hiện có 3 khu vực tranh chấp lãnh thổ.
Binh sĩ PLA – Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ cảnh báo chỉ cần một tiếng súng đầu tiên phát đi, cuộc xung đột sẽ leo thang thành chiến tranh toàn diện. Việc này có thể dẫn tới chuyện New Delhi sẽ cấm vận tuyến đường biển huyết mạch của họ trên Ấn Độ Dương.
Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy, học giả nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định: “Bất cứ hành động phiêu lưu quân sự nào của Trung Quốc cũng sẽ nhận về sự đáp trả tương xứng từ quân đội Ấn Độ”.
Ông nói tiếp: “Điều đó chắc chắn gây tổn thất cho cả hai, nhưng nếu Bắc Kinh leo thang xung đột, vấn đề sẽ không có giới hạn. Rất có thể mâu thuẫn sẽ còn mở rộng sang cả lĩnh vực hàng hải”.
Còn theo nhà phân tích quốc phòng Rajeswari Rajagopalan thuộc Quỹ nghiên cứu Observer có trụ sở tại New Delhi, “trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện, chắc chắn hải quân Ấn Độ sẽ ngăn cản hải quân Trung Quốc không được vào Vịnh Bengal hay Ấn Độ Dương”.
Trung Quốc lệ thuộc rất lớn vào lượng nhiên liệu nhập khẩu và theo các số liệu do truyền thông nhà nước Trung Quốc cung cấp, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc đều đi qua Ấn Độ Dương hoặc eo Malacca.
D. KIM THOA