Nga: Bí ẩn bao trùm vụ nổ tại nơi thử nghiệm tên lửa

    0
    128
    Thủy thủ xếp hàng nghiêm chỉnh trên một chiếc tàu tên lửa cỡ nhỏ Passat nhân ngày Hải Quân tại Saint Petersburg, Nga, 28/07/2019.Sputnik/Aleksey Nikolskyi/Kremlin via REUTERS
       
    RFI-Tú Anh

    Chuyện gì xảy ra vào trưa ngày 08/08/2019 tại trung tâm thử nghiệm tên lửa của Nga trong vùng cực bắc Arkhangelsk ? Thi hài của 5 chuyên gia hạt nhân của công ty Rosatom được an táng theo lễ nghi dành cho anh hùng liệt sĩ. Nhưng thiệt hại thật sự và tình huống tai nạn vẫn bị chính quyền Nga giữ kín như thông lệ, bất chấp bài học Tchernobyl 1986 và vụ nổ tàu ngầm Koursk năm 2000.

    Nước Nga qua mặt Hoa Kỳ trong lãnh vực vũ khí hạt nhân chiến lược. Trên đây là tuyên bố của điện Kremlin 5 ngày sau vụ nổ bí ẩn tại một dàn phóng tên lửa trên biển thuộc vùng cực bắc nước Nga làm chết năm kỹ sư theo thông báo chính thức.

    Bất chấp tai nạn, Rosatom cam kết nước Nga tiếp tục phát triển vũ khí mới, còn phát ngôn viên điện Kremlin khẳng định Nga đang thắng Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang.

    Một ngày trước, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố « Hoa Kỳ học được nhiều qua vụ nổ tại Nga. Mỹ cũng có công nghệ tương tự, nhưng tân tiến hơn nhiều ».

    Tuy tìm cách tranh hơn thua với Mỹ, nhưng chính quyền Nga vẫn không tiến được một bước nào trong lãnh vực thông tin, vẫn bám trụ văn hóa bảo mật : tai nạn xảy ra trong tình huống nào ? tên lửa hay động cơ bị nổ ? động cơ chạy bằng nhiên liệu gì, tại sao độ phóng xạ đột ngột tăng cao làm chính quyền và dân địa phương hốt hoảng chạy mua iode để bảo vệ tuyến giáp trạng ?

    Cái gì nổ ?

    Sau tuyên bố mơ hồ và bốn ngày im lặng, tập đoàn hạt nhân Rosatom nhìn nhận vụ nổ liên quan đến đợt thử nghiệm vũ khí mới, nhưng vẫn không cho biết thêm chi tiết. Còn theo giới chuyên gia Mỹ, tên lửa bị tai nạn là loại « siêu thanh » 9M730 Bourevestnik, hay « chim bão », còn NATO gọi là SSC-X-9 Skyfall, “từ trên trời rơi xuống”, cho dù không có ý mỉa mai. 9M730 Bourevestnik được tổng thống Nga quảng cáo trong một chương trình truyền hình hồi năm 2018 là « bất bại và không thể bị phát hiện ». Chủ nhân điện Kremlin lúc đó tuyên bố rất tự mãn : « Không ai muốn nói chuyện với chúng ta, không ai muốn nghe chúng ta. Từ nay hãy nghe đây ».

    Nổ như thế nào?

    Cho đến hôm thứ hai, một chi tiết mới được giám đốc khoa học trung tâm quân sự Sarov, Viacheslav Soloviev, tiết lộ : tai nạn « liên quan » đến một lò hạt nhân « nhỏ ». Nói cách khác, Nga đang tìm cách trang bị động cơ hạt nhân cho tên lửa « chim bão bay nhiều vòng trái đất”, như Putin giới thiệu. Vấn đề là « thu nhỏ một lò phản ứng hạt nhân thành động cơ tên lửa rất khó », rồi còn phải bảo vệ an toàn cho các nhà nghiên cứu và cho nhân viên thực hiện thử nghiệm. Hoa Kỳ đã làm chương trình này trong thập niên 1960, nhưng thấy quá nhiều bất trắc nên ngưng lại.

    Hệ quả ?

    Theo Reuters, tai nạn hạt nhân này, tuy chưa rõ có phải là do kỹ thuật kích hỏa chưa hoàn chỉnh hay không, có thể là một thất bại nặng nề và bất ngờ cho tham vọng vũ khí của Vladimir Putin, trong bối cảnh hiệp định giới hạn tên lửa chiến lược Mỹ-Nga sắp hết hạn vào năm 2021.

    Khi vụ nổ xảy ra, Nga cấm tàu thuyền giao thông trong một phần vịnh Dvina, không rõ vì quan tâm đến môi trường hay để không cho người tò mò nhìn thấy cảnh vớt mảnh vụn tên lửa ?

    Nằm cạnh nước Nga, Na Uy than phiền Matxcơva vẫn chứng nào tật nấy, che giấu thông tin. Căn cứ hạt nhân nơi xảy ra tai nạn, được lập ra từ năm 1954, là nơi chế tạo tên lửa đạn đạo, nhưng cũng như các căn cứ quân sự khác, không được ghi trên bản đồ địa lý cho đến gần đây. Tin lạc quan duy nhất là mây phóng xạ dường như chưa bay đến Bắc Âu.

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here