Chí Hòa – Ngày 30/3/2009
Mới năm giờ sáng, lão Hùng quản giáo đã mở cái lỗ nhỏ cỡ lòng bàn tay trên cánh cửa phòng giam, nhìn vào qua ba chấn song :
– Anh Hải! Chuẩn bị đồ đạc đi trại!
Tôi bật dậy, kêu hai đứa nhỏ cùng buồng:
– Dậy! Dậy! Hôm nay chú đi rồi, chia tay các cháu nhé.
Ngày tôi bị chuyển từ trại tạm giam PA-24 về phòng 60AB Chí Hoà, hai đứa này ở cùng. Cả hai đều hiền, không hỏi chuyện hay khai thác gì về tôi, không như hai người được giao “nhảy sô” lần trước. Có lẽ, họ ghép chúng tạm vài ngày chờ chuyển tôi đi.
Tôi để lại thức ăn cho hai đứa nhỏ, chỉ mang theo vài gói mì, quần áo cùng vài thứ linh tinh và không thể thiếu… một manh chiếu cũ.
Coi vậy, cũng tới bốn bọc nilon. Riêng manh chiếu, tôi cuộn tròn, quấn lại, kẹp nách.
Khoảng mười lăm phút sau, lão Hùng quay lại, thúc giục liên hồi để đưa tôi xuống dưới khu, làm thủ tục.
Sự va chạm giữa ổ khóa và chìa tạo ra âm thanh lạch cạch, nghe vừa cứng vừa thô ráp vừa khô khốc như mũi khoan lương tri xoáy vào hồn tôi. Tiếng bản lề rít lên kẽo kẹt. Cánh cửa sắt nặng nề và lừ đừ mở ra… Thật não nùng cho buổi sáng sớm…
Tôi bước ra khỏi cửa buồng giam. Hít một hơi thật sâu. Không khí bên ngoài vẫn còn đậm mùi sương sớm, với khoảng cây xanh bên dưới tòa nhà bát giác, xây từ thời Pháp.
Tôi nghĩ, ra trại, đời sống khác với tạm giam nên không cần mang nhiều, tới đâu tính tới đó vậy!
Tôi vẫn chưa biết mình bị chuyển đến trại nào.
Trong lúc khám đồ và làm thủ tục, tôi nghe một tù “tự giác” nói bâng quơ:
“Về miền Tây sông nước nhiều, cẩn thận nhé!”
*******
Tôi bị đưa vào một chiếc xe lớn, loại xe chứa khoảng 30 con người. Áp giải tôi, những 7 viên an ninh và công an Chí Hòa. Chúng còng tay phải tôi, phần còn lại được bập vào thành ghế. Chiếc móng ngựa được lôi ra từ sàn xe, gắn vào chân trái. Thanh sắt “phi 12”, dài khoảng 1,2 mét, xỏ luồn qua và ống khóa được đưa vào cuối cùng. Tôi nửa nằm nửa ngồi. Rất đau và khó xoay trở. Nằm vật ra, tôi với tay lấy thanh sắt gác lên đùi cho đỡ sức nặng.
Trên đường đi, sự dằn xóc kèm nỗi đau đớn làm tôi ngất đi khá lâu.
Khoảng chừng trưa, chiếc xe đỗ xịch. Cửa xe mở. Đưa cho tôi hộp cơm, tên công an lạnh lùng nói:
– Ăn trưa đi! Anh Hải!
– Không. Tôi cần uống nước.
Nhấp một ngụm nước cho đỡ khô họng, tôi nhìn ra khe xe tù và hỏi:
– Mình đến đâu rồi? Mấy giờ rồi?
– Mười một giờ. Bạc Liêu – Giọng trả lời vẫn lạnh như thế.
NHẬP TRẠI
Xe của Chí Hoà đến cổng trại Cái Tàu – Cà Mau khoảng một giờ chiều.
Trong khi tay an ninh và nhóm công an đi cùng đang làm thủ tục với trại Cái Tàu, tôi đứng một mình với mấy túi nilon đựng đồ và manh chiếu trước cổng trại.
Trước mắt tôi, hai cánh cổng đang mở lớn, cho thấy phía trong là một sân đất rộng, hai bên có trồng cây, tù nhân đang xếp hàng dài chờ xuất trại để đi “lao động cải tạo”.
Ai cũng đen cháy, khắc khổ, bộ đồ tù nhuốm màu đất phèn bạc phếch, có người chỉ mặc bộ đồ lót của tù để đi làm. Những người đi qua đều nhìn tôi, thỉnh thoảng có người hỏi vội :
– Ở đâu xuống vậy? Mấy số?
– Chí Hoà – Sài Gòn xuống.
– Mấy số?
Tôi lắc đầu, tôi không hiểu “mấy số” là gì. Sau mới biết, họ hỏi có bao nhiêu người đi cùng chuyến, vì xe tù chở tôi là loại lớn, chứa khoảng 30 người.
Khi biết tôi xuống một mình, họ lại hỏi :
– Mua trại à ?
– Không ! Mua làm gì ?
– Không mua mà sao đi có một số vậy ? Trại này có nhận tù Sài Gòn nữa đâu, chỉ nhận 3 tỉnh miền Tây thôi.
*****
Khi dòng tù nhân chậm chạp và uể oải khuất dần trong mắt tôi, hai cánh cổng lớn khép lại, Cái Tàu mới bắt đầu làm thủ tục để nhập… kho tôi.
Tay cán bộ trực ra lệnh rất khệnh khạng:
– Hai đứa mày khám đi!
Hai người tù “trật tự” lẳng lặng bước đến chỗ tôi đang để manh chiếu.
Chẳng nói chẳng rằng, một người nhặt manh chiếu lên, tung ra nhanh chóng và gọn ghẽ, như thể công việc quá quen thuộc với họ.
Mắt tôi hơi xốn vì bụi thốc lên, thông qua cú tung chiếu của người tù – đẹp như một vũ công múa lụa. Manh chiếu nằm phơi trần dưới ánh nắng chói chang, những vết ố đen xấu xí vì mồ hôi lâu ngày bám chặt, không còn chạy trốn được dưới ánh mặt trời. Hình ảnh đó làm tôi nghĩ, chế độ CSVN phi nhân chẳng khác gì manh chiếu kia.
Nắng hầm hập hắt xuống mặt đất, từ đó quất ngược vào mặt tôi, nóng ran.
Trên manh chiếu cũ, hôi hám đó, người tù còn lại lần lượt xốc ngược hết mấy cái túi nilon, đổ tất cả đồ đạc lên đó. Cả hai lần lượt cầm từng thứ lên, hết nắn, rồi bóp, lại vuốt, chừng như xem có vật gì được giấu trong đó không.
Những món đồ khám xong họ để qua một bên. Một vài món khác, họ lại để riêng ra một chỗ.
Tôi chăm chú quan sát họ làm, chừng mười lăm phút sau, họ nhét đại nhét đến đồ đã khám vào một cái túi nilon rồi bảo tôi xách đi vào.
Tôi nhìn số đồ đạc mà họ đã để riêng ra nhưng không bỏ vào túi cho tôi, bình thản hỏi :
– Còn những món đồ này thì sao?
Tay tù trật tự trả lời vô tư :
– Đồ này không được mang vào trong trại.
– Vậy các anh xử lý những món đồ này của tôi thế nào?
– Bỏ đi thôi – Tay tù còn lại trả lời tỉnh queo.
Tôi nhìn sang tay cán bộ trực hỏi :
– Anh xử lý đồ đạc của tôi thế nào?
Cán bộ trực tỏ ra ngạc nhiên, sau phút thoáng bối rối :
– Thì… quy định của trại không được mang vào, anh chấp hành đi.
Tôi kết luôn :
– Anh lập biên bản đi. Ghi rõ từng món đồ của tôi, vì sao không được mang vào? Xử lý ra sao? Tại sao ở trại tạm giam tôi xài những đồ này mà tới đây tôi lại không được xài?
Tay cán bộ chưa nói thì một tay tù trật tự đã phán :
– Quy định không cho mang vào thì bỏ chứ lập biên bản gì!
Tôi nhìn thẳng vào tay tù trật tự hỏi :
– Đây có phải là cơ quan nhà nước không? Vả lại, anh nên nhớ, anh là tù chứ không phải cán bộ đâu nhé! Ai cho phép anh lên tiếng khi tôi đang nói chuyện với người thi hành công vụ?
Hắn còn đang ngập ngừng – chưa hiểu ra khái niệm quá lạ, chừng như lần đầu tiên trong “sự nghiệp đi tù” hắn mới nghe nói đến – tôi tiếp luôn :
– Nếu tôi đang đứng ở ngoài đường mà bị thằng ăn cướp giật đồ chạy mất thì tôi chịu, vì nó hành xử theo lối ăn cướp. Còn ở đây là trại giam của công an, thu của tôi dù một viên thuốc, một tờ giấy cũng phải lập biên bản nêu rõ lý do thu giữ, biện pháp xử lý ra sao, tình trạng tài sản của tôi thế nào, căn cứ pháp lý nào để làm việc đó. Đồ đạc của tôi mà các anh tự ý gạt qua một bên, rồi lấy ngang nhiên vậy sao được, có khác gì ăn cướp. Tôi không vào trại chừng nào chưa giải quyết xong.
Coi bộ “khó nuốt”, tay cán bộ nhẹ giọng hơn:
– Xem đồ đạc của anh ấy cái nào cho vào được thì cho vào đi.
Thế là hai tù trật tự bỏ hết chỗ đồ còn lại vào trong túi của tôi, chỉ chừa lại cái sô nhựa nhỏ màu đỏ. Mấy hôm sau, tôi thấy nó được xài dưới tổ bếp.
******
Tôi còn nhớ một người tù “trật tự” – ở trại giam Cái Tàu rất ác với anh em – “Hiển Đui”. Hắn gác cổng và hay tước đoạt đồ thăm nuôi của tù nhân, tất cả những gì lấy được đều mang về xài, có lần hắn bị tù đâm suýt đui luôn con mắt còn lại.
Người CS luôn chủ trương “dùng tù trị tù”, với “hội chứng stockholm” và “hội chứng tự kiểm duyệt” rất đắc dụng, vì vậy nhà tù tự phơi bày như một thứ “hang ổ”, “sào huyệt” của bọn cướp có tổ chức hẳn hoi. Chắc chắn, nó không phải là nơi cho con người hoàn lương. Từ nhà tù CS trở về đời, con người chỉ dung chứa lòng thù hận đầy oán khí và uất khí. Đó là cách lý giải tại sao nhà tù và người tù ngày càng nhiều lên – Một trong những chỉ dấu báo hiệu sự suy đồi và suy tàn của chế độ độc đảng toàn trị.
ĐÓN TIẾP
Tay “trật tự” đi trước, tôi xách đồ theo…
Qua cái sân đất rộng vào nhà hội trường, tôi ngồi đại vào một cái ghế gần đó, vì quá mỏi chân.
Một tù nhân cao, đeo băng đỏ đến gặp tôi. Anh ta tự giới thiệu là Hải, người Nam Hà nhưng sống ở Sài Gòn, hiện là đội trưởng trật tự ở đây, anh ta muốn xem bản án của tôi.
Sau khi xem bản án anh ta nói:
– Anh cần gì cứ nói với tôi, tôi có thể giúp anh được, cán bộ ở đây tôi quen hết, anh muốn gì tôi sẽ giúp anh giải quyết.
Hải ra cửa gọi lớn :
– Triển ơi ! Ra đón bố mày về này!
Sau này tôi biết Hải phạm tội giết người, án chung thân.
Từ ngoài cửa hội trường, một tù nhân đeo băng đỏ đi đến, bảo tôi xách đồ theo anh ta về buồng số 11 và đưa tôi lên sàn trên, bên trong, góc cuối sàn ngủ, (ở trong tù mấy anh lớn thường hay chiếm các góc để ngủ).
Một chiếc nệm được khâu bằng mấy tấm mền gấp lại, rộng chừng 0,6m, phía trên đầu nằm có chiếc quạt nhỏ, anh ta chỉ chỗ tôi nằm ngay bên cạnh anh ta rồi bảo:
– Chú xuống tắm đi.
Tôi mang theo đồ xuống nhà vệ sinh đi tắm, một người tù cùng mâm với Triển xách theo chiếc thùng sơn đựng nước đưa cho tôi và bảo :
– Nước đây chú.
Tôi mở nắp thùng sơn, trong đó chỉ còn khoảng nửa thùng.
Khệ nệ xách thùng nước bước vào nhà vệ sinh, vừa đặt chân vô, tôi muốn dội ngược trở ra…
Mùi xú uế nồng nặc, xộc thẳng vào mũi. Tôi choáng váng sau một chặng đường dài mệt mỏi.
Tự trấn tĩnh mình, dưới ánh sáng lù mù, tôi nhìn thấy bên dưới cái bờ gạch, đó là hai cái lỗ để đi cầu nhưng đã bị phân lấp hết cả hai viên gạch để chân hai bên, hai đống phân như hai cái thúng úp ngược thối nồng nặc. Trong cả cái nhà vệ sinh đó không hề có nước để dội rửa. Rác đổ trong mấy cái thùng đựng bằng nhựa tràn ra, sàn nhà vệ sinh đen nhớt, trơn trợt.
Sự nhầy nhụa trong cái cầu tiêu đó làm tôi lợm giọng mấy cái liên tiếp, may là tôi chưa ăn gì suốt gần như cả ngày. Như một luồng điện, cảnh tượng trước mắt, bỗng kéo tôi giật ngược về hồi ức cách đây vài năm, lúc tôi đối diện những tên an ninh với bộ mặt nham nhở, chẳng khác gì “cái thúng úp ngược”!
Phòng vệ sinh rộng khoảng 3m x 6m có một cái hồ nước chừng 1,5m x 1,5m nhưng cạn khô, phía trong sát vách tường có xây thêm một bờ gạch cao khoảng 0,8m cách bức tường 0,3m tạo thành cái khe nhỏ có vòi nước đưa vào đó nhưng cũng không có nước.
Có vài người đi làm về sớm, mang ca thùng vào nhà vệ sinh, một người ngậm miệng vào đường ống nước ra sức hút, người cong lại như con tôm luộc, một hồi lâu nghe có tiếng nước lọc ọc trong đường ống… Rồi nước chảy ra, anh ta hứng được khoảng nửa ca thì nước không chảy nữa, thế là người tù lại ngậm, hút, hứng dòng nước nhỏ yếu ớt chảy ra từ đường ống. Những người khác kiên nhẫn chờ, trong mùi thối nồng nặc từ hai đống phân khủng khiếp.
Tôi chợt nhận ra nửa thùng nước tôi đang tắm là một đặc ân mà bạn tù cho tôi được hưởng!
Tắm xong, tôi thay đồ rồi ra sân quan sát trại giam.
K1 Trại giam Cái Tàu có 6 khu với 12 buồng nhốt tù nam, từ ngoài vào phía bên phải là khu nhà bếp, lò bánh mì, phòng gọi điện thoại, rồi đến các buồng giam. Phía bên trái là nhà bán cantin, sân bóng chuyền, bệnh xá và dãy buồng giam những người tù có án cao, cuối dãy là khu kỷ luật được cách ly và rào kẽm gai kín mít. Nhà hội trường và nhà tự quản ở dưới cùng, như đáy của chữ U nối liền hai dãy. Phía sau nhà tự quản là bức tường có một cánh cửa sắt nhỏ dẫn sang khu giam tù nhân nữ. Buồng tôi ở cuối dãy nên nước chảy không tới, yếu nhất.
Các buồng giam ở khu nam đều có hàng rào bên ngoài, nhưng lâu ngày chỉ còn trơ mấy cọc beton và vài đoạn còn dây kẽm gai chăng thưa thớt. Vì vậy , chưa đến giờ vào buồng, tù có thể đi từ buồng này qua buồng khác thăm nhau, thậm chí kết mâm ăn chung với nhau được.
Đi làm về, người tù ra ngồi tụ tập ở mấy gốc cây, hơi nóng do nắng gắt cả ngày đã dịu bớt nhưng vẫn còn hầm. Một nhóm đang đá banh trên cái sân đất cát trước nhà hội trường.
Nhìn thấy tôi mấy tù cũ đến hỏi chuyện, anh từ đâu xuống? Đi cùng với anh mấy “số” ? Anh về đội nào? Đã tính về đội nào chưa? …
Tôi dễ bị nhận diện vì những người ở tạm giam lâu ngày thiếu nắng, da trắng xanh, khác hẳn với tù cũ ở đây, người nào cũng cháy đen, khắc khổ.
Đang nói chuyện với mấy anh em, một tự quản đến kêu tôi lên gặp cán bộ.
Bước vào hội trường, trước mặt tôi là viên đại uý người thấp, đậm. Anh ta mời tôi ngồi đối diện và tự giới thiệu tên Dương Quang Thắng, là trợ lý giám thị của trại giam này.
Thắng nói đã đọc hồ sơ của tôi nhưng vẫn hỏi tôi có mấy căn nhà ở SG, cho thuê được bao nhiêu một tháng? Anh ta cho biết, làm ở đây rất lâu nhưng chưa thấy tội trốn thuế như của tôi bao giờ.
Thắng tỏ ra cởi mở :
– Anh về trại này cần gì cứ nói với tôi, số điện thoại của tôi đây – vừa nói, Thắng vừa đưa danh thiếp – khi gia đình anh xuống thăm gặp, anh cứ cho số điện thoại của tôi, tôi sẽ giúp anh.
Tôi đưa tay cầm danh thiếp, Thắng tiếp tục:
– Trại vừa xây xong cái nhà thăm gặp, bên trong còn thiếu đồ nội thất, nếu anh đầu tư vào đó tôi có thể bố trí anh quản lý nhà thăm gặp. Anh cũng có khả năng để tiếp và giải thích các quy định của trại với gia đình phạm nhân…
Thắng hứa hẹn nhiều và bảo tôi cứ yên tâm về nghỉ, chưa đi làm. Bên ngoài, thấp thoáng mấy cái áo tù lượn qua lại chỗ tôi và Thắng nói chuyện, chắc họ quan tâm, nhà hội trường không có tường, chỉ có lan can hai bên và thưng bằng tôn ở hai đầu hồi, nên họ nghe được hết.
*****
Tiếng kẻng vang lên, tù từ các phòng giam túa ra, có ngưới từ các phòng khác trở về xếp hàng trước của buồng giam của mình.
Một quản giáo và hai tự quản đi theo mang sổ sách điểm số tù, trước khi vào phòng giam. Tất cả tù nhân đều phải sắp hàng một, ngay trước cửa buồng.
Người tù trước xướng lên “một”, người tù sau xướng lên con số kế tiếp, cho đến người cuối cùng. Khi kiểm tra xong, bắt đầu vào buồng, tay tự quản lại đếm từng người như đếm vịt vào chuồng. 96 người là tổng số tù nhân của buồng 11.
Tại sao họ có thể nhốt một lượng người lớn như vậy trong cái buồng giam này? Thật ngớ ngẩn, khi tôi tự đặt câu hỏi cho mình…
Khi cánh cửa buồng giam đóng lại, tù nhân tụ tập lại thành từng nhóm ăn uống và nói chuyện, có người chuẩn bị chỗ ngủ, những chiếc chiếu bị cắt nhỏ chỉ còn 30 cm, hai bên được viền bằng vải áo tù được trải sát nhau, nằm nghiêng xếp lớp như cá mòi. Nhiều người nằm trên lối đi ẩm ướt giữa hai sàn ngủ, có những người mắc võng trên lan can giữa hai sàn ở tầng trên.
Hơi người nóng hầm hập cùng với mùi phân và nước tiểu nồng nặc trong buồng giam. Những người ở sàn dưới lại có cách nằm lạ hơn, họ bắt cặp với nhau, một người mắc võng nằm ở trên và một người nằm chiếu ở dưới, nằm như vậy thì người nằm dưới được rộng hơn một chút nhưng cũng có lúc dây võng tụt, đứt, người trên ngồi xuống bụng người bên dưới…
TRỞ MẶT VÀ LẬT BÀI NGỬA
Từ hôm vào trại đến nay đã bốn ngày, trại chưa phân công tôi về đội nào cụ thể.
Trưa nay, lúc đóng cửa buồng giam, Hải Cao – người tôi đã mô tả phần trên – mang chìa khoá xuống mở cửa kêu tôi ra ngoài. Hải đưa tôi lên phòng tự quản ăn cơm với mấy người khác trong nhóm tự quản.
Bữa nay có cá và thịt vịt. Tôi lấy làm lạ, cơm tù mà thấy tươm tất quá!
Hải Cao không lấy cơm nhà bếp mà có bếp riêng để nấu phía sau nhà tự quản. Anh ta nói tôi muốn tắm cứ lên đây có nước đầy đủ và sạch.
Trong bữa ăn, mấy anh tù “trật tự” cũng hỏi thăm về gia cảnh và án của tôi. Tôi vẫn chưa nói cho họ biết thực ra tôi là tù chính trị, không phải tù kinh tế như họ tưởng.
Mấy ngày vừa qua, từ cách tiếp đón của họ và cũng có mấy tù nhân có vẻ sành sỏi gặp tôi gợi ý sẽ giới thiệu tôi với “thầy” của họ quen biết để bố trí cho tôi một công việc nhẹ nhàng hơn. Tôi hiểu rằng cái bản án có mấy căn nhà cho thuê ở SG đã khiến họ quan tâm tới tôi, theo cách mà đám tù cũ gọi là “bắt gà” khi có tù mới nhập trại.
Chiều hôm đó, đại uý Dương Quang Thắng vào gặp tôi, lần này anh ta không còn giữ vẻ cởi mở như những lần trước. Anh ta mở đầu với giọng hơi căng :
– Anh chuẩn bị đi làm đi, chúng tôi vừa nhận được điện từ Tổng cục về anh.
Tôi bình thản: – Làm thì làm, tôi đâu có ngại việc gì !
Thắng tò mò:- Tôi hỏi thật anh nhé ! Thực ra anh làm gì mà Tổng cục phải gọi điện xuống lưu ý vậy?
Tôi thẳng thắn:
– Anh đã hỏi thì tôi cũng lật bài ngửa với anh luôn, tôi là tù chính trị chứ không phải tù kinh tế như anh tưởng. Họ ghép tội “trốn thuế” để có cớ bắt giữ tôi thôi. Tôi biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam! Anh lên mạng tìm Blogger Điếu Cày và Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sẽ biết. Liên minh châu Âu cũng có nghị quyết yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thả tôi.
Thắng hơi nhíu mày: – Chúng tôi sẽ phân công công việc để anh làm, anh chuẩn bị tinh thần đi.
Tôi nhẹ nhàng tiếp tục:
– Sẵn sàng thôi, tôi chẳng ngại việc gì cả.
Chiều hôm đó, sau khi gặp đại uý Dương Quang Thắng, tôi bị chuyển buồng sang buồng 12, về đội của “Linh chủ tịch”.
Đội của Linh làm công việc vệ sinh trong trại bao gồm chăm sóc cây cảnh, quét sân trại và đổ rác. Linh đưa tôi về cùng mâm và nằm ngay cạnh Linh.
Sáng hôm sau, Linh “chủ tịch” phân công tôi quét nhà hội trường, Linh bảo :
– Chú quét trong này cho mát, làm xong là về nghỉ.
Trưa hôm đó, đại uý Dương Quang Thắng vào trại gọi Linh “chủ tịch” lên hỏi phân công tôi làm ở đâu. Sau khi nghe Linh “chủ tịch” nói, đại uý Dương Quang Thắng bảo không được, phải phân công chỗ khác. “Linh chủ tịch” lỏ mắt khó hiểu: “Chỗ khác là chỗ nào?!”
Vì nhà hội trường sát bên nhà tự quản, nơi mỗi lần quản giáo và trật tự đưa tù nhân lên làm việc ở đây thường đánh đập, tra tấn tù nhân nên đại uý Dương Quang Thắng không muốn tôi nghe và thấy, phải đẩy tôi xa nhà tự quản để họ dễ làm việc. Nhưng nếu để tôi đi làm việc ở đội điều và chứng kiến sự bóc lột và đàn áp tù nhân thì cũng không dám. .
Thắng cũng vào phòng giam hỏi chỗ tôi nằm ở đâu rồi sắp xếp một chỗ riêng, tôi nằm ngay cửa sổ giữa hai người là Đô Què và De Gù. Hai người này đã được đại uý Dương Quang Thắng gọi ra dặn trước. Tôi biết họ là anten của Thắng.
Đại uý Dương Quang Thắng phân công tôi nhổ cỏ ở vườn hoa của trạm xá, công việc chẳng có gì, mỗi sáng làm chừng 20 phút là xong, cái vườn có chút xíu, cỏ đâu mà nhổ. Mấy đứa đi ngang thấy tôi làm chọc :
- Chú giật cái vé 12 triệu.
- Ha ha ! Chú giật vé của ai đâu ? Tự nhiên phải đưa chú ra đây chứ lẽ ra chú quyét trong hội trường kìa.
- Nhiều người muốn như chú không được đấy
Mấy ngày sau, có tù nhân ra ngoài lao động mang vào một tờ báo An ninh thế giới, có bài viết về tôi trên trang nhất, nói về việc 145 trung tâm Văn Bút Quốc Tế ký nghị quyết yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải thả Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, bài báo có hình và địa chỉ của tôi. Khi tờ báo được chuyền tay, tù nhân ở đây mới biết tôi là tù chính trị. Họ bắt đầu gọi tôi là Điếu Cày từ đó…
ĐẤU TRANH
Tôi bắt đầu tìm hiểu và lắng nghe những tù nhân ở đây tố cáo quản giáo và giám thị trại giam vi phạm nhân quyền.
Lần đầu tiên, tôi chứng kiến đời sống của tù nhân ở trại giam Cái Tàu bị giám thị, quản giáo đối xử như súc vật.
Với diện tích phòng giam chỉ 6m x 13 m mà trại giam nhốt từ 90-113 người, không có nước tắm rửa, dội cầu…
Chắc hẳn, quý độc giả cũng mường tượng được nhà tù cộng sản tệ hơn cả chuồng heo, với phòng giam chật chội , nóng bức, ngột ngạt, hôi thối đến cỡ nào với cả trăm người đi tiêu tiểu không có nước dội!
Những người bị kỷ luật còn bị đối xử kinh khủng hơn. Ba người bị giam chung trong phòng kỷ luật, chỉ được 2 lít nước một ngày, một muỗng muối hạt trong một tuần, cơm hàng ngày chỉ có canh rau muống lạt, dài nửa mét. Một tháng được đưa ra hành lang xịt vòi nước cho tắm, tệ hơn tắm heo, bởi heo, người chăn nuôi chăm rất kỹ và tắm mỗi ngày. Nhiều người mới đi nửa án kỷ luật (3 tháng) đã phải khênh lên bệnh xá cấp cứu.
Tôi cũng đã gặp một tù nhân người Miên mới ra khỏi buồng kỷ luật sau hai án 6 tháng. Toàn thân người Miên này, ghẻ từ kẽ chân lên tới đỉnh đầu, tóc và râu như người rừng, da dẻ sạm đen và khô quắt. Anh ấy sống được qua hai án kỷ luật là một phép lạ. Tôi không biết làm gì hơn, ngoài việc lấy chục gói mì và mấy viên thuốc bổ tôi để dành từ SG, gửi anh ấy.
Những tù nhân bị đưa lên làm việc tại nhà tự quản, đều bị cùm chân vào một thanh cùm sắt dài trước khi làm việc, họ bị đánh đập mà không thể chạy hay chống đỡ. Tôi đã chứng kiến vụ đại uý Phú “ma” đánh tù nhân ngay giữa sân trại có cả ngàn tù nhân chứng kiến.
Tôi nói với các bạn tù rằng :
– Các bạn vi phạm pháp luật đi tù bị hạn chế một số quyền công dân, nhưng quyền con người thì các bạn còn đầy đủ, vì các bạn sinh ra đã là con người, phải đấu tranh để giám thị và quản giáo trại giam tôn trọng quyền con người của các bạn. Đối xử với các bạn như con người.
– Một trong những nhu cầu cấp thiết nhất là phải đòi cấp nước đầy đủ cho tù nhân.
Tôi bàn với vài “anh lớn” trong buồng giam về chuyện đấu tranh đòi cung cấp đủ nước. Một người nói:
– Đã có người kiến nghị nhưng trại không làm, người lên tiếng bị trù dập chuyển vào K3 xa lắm . Tụi cháu ở ngoài làm chuyện ác, bây giờ lên tiếng không ai ủng hộ, có đứa bị đánh đến chấn thương sọ não, bây giờ sống đời sống thực vật, gia đình nó đi kiện cáo khắp nơi mà không có tờ báo nào đăng tin cả. Thằng cha quản giáo đánh nó là Bình “toyota” thì chuyển đi K khác làm, chẳng hề hấn gì. Đời tù chỉ ngậm ngùi thôi chú ơi!
Tôi nói, nếu tôi làm các anh có ủng hộ không ? Có mấy người nói đồng ý ủng hộ, nhưng có vẻ không tin tưởng lắm.
Tôi bắt đầu lên tiếng yêu cầu cung cấp đủ nước cho tù nhân, trong các cuộc họp của đội và yêu cầu ghi vào biên bản cuộc họp kiến nghị của tôi. Mặt khác, tôi tìm một số anh em tù tin tưởng được, nhờ chuyển thông tin ra ngoài, bằng cách khi ra lao động, gọi về gia đình họ qua điện thoại, nhờ gia đình ghi âm lại khi kể về những sự đối xử khắc nghiệt của nhà tù, sau đó gia đình nghe lại và đánh máy đưa lên mạng internet.
Tôi cho họ cả địa chỉ trang website của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Tôi biết tù hình sự có người đưa được máy vào trại, có người có máy giấu ở ngoài đồng, có người mượn máy của mấy tay công an nghĩa vụ gọi về rồi nạp tiền thẻ vào trả.
BIỆN PHÁP CÔ LẬP ĐIẾU CÀY TỪ NHÀ TÙ
Từ khi tôi lên tiếng đấu tranh đòi trại giam phải cung cấp đủ nước theo Nghị định 113, đại uý Dương Quang Thắng gọi Linh “chủ tịch” và những người ăn cùng mâm với tôi ra đe doạ, nếu còn ăn chung mâm với Điếu Cày sẽ chuyển đi K3 ngay. Linh “chủ tịch” về gặp tôi nói :
– Thôi chú cứ ăn riêng đi, mọi thứ cháu lo hết, chỉ là chú không ngồi cùng mâm với tụi cháu thôi, chứ tụi cháu có gì chú có nấy. Chú vì anh em tụi cháu mà bị cô lập thì tụi cháu phải lo cho chú.
Tuấn “phỏng” – đệ tử của Linh “chủ tịch” cũng nói với tôi :
– Chú cứ để con lo, đồ ăn con để ở chiếu của chú, chú ăn xong để chén bát chỗ cái cột con đi ngang lấy đi rửa.
Tôi thương Tuấn “phỏng”, nó mồ côi không có ai thăm nuôi, cùng quê Bạc Liêu nên Linh “chủ tịch” cưu mang nó.
Sáng nào tôi cũng lấy hai cái bánh mì, ở lò của Kiệt để hai chú cháu ăn sáng. Từ khi thấy gia đình tôi xuống thăm bị trại không cho gặp, Tuấn “phỏng” nói với tôi :
– Chú ơi chú để dành tiền phòng thân khi bọn nó “cô” chú, bọn cháu thiếu thì có thể xin anh em chứ chú thì không làm thế được.
Tôi không chịu:
– Anh em cứ lấy sổ của chú mua đi, đừng ngại, chúng nó không “cô” được chú lâu đâu.
Tuấn phỏng cứ nằn nì:
– Cháu sợ trại chuyển chú đi K3 nên chú phải thủ nhé.
Buổi tối khi buồng giam đóng cửa, Tuấn “phỏng” lau sạch một đoạn lối đi trước khu vực để cái TV, giăng một sợi dây vải ngang lôi đi, mặc định đó là khu vực cấm. Phía trước sợi dây có một ly cafe và một cái ghế nhựa thấp, đến giờ TV phát tin thời sự, Tuấn “phỏng” kêu tôi lên ngồi ở chỗ đó để xem thời sự. Hết bản tin, ai muốn chuyển kênh mới được chuyển.
Có lần tôi đang ngồi xem TV, ở sàn phía trên có người đang nấu nước trên cái bếp dầu mang lén vào buồng giam, một người nằm cạnh vô ý đạp chân vào cái bếp làm nước văng xuống người tôi, nước cũng chỉ nóng già chứ chưa sôi, vậy mà Linh “chủ tịch” đã đu lên hỏi thăm ngay, tôi nói không sao, nước chỉ hơi nóng thôi, bỏ qua đi. Chí có vậy, nhưng hôm sau có máy báo ngay. Đại uý Dương Quang Thắng vào gặp tôi hỏi vụ bị dính nước sôi hôm qua có sao không ? Anh lên trạm xá khám xem. Tôi nói không sao.
Chuyện Điếu Cày quyết liệt đòi cấp đủ nước cho tù nhân lan nhanh trong trại, chuyện người nhà Điếu Cày xuống thăm bị trại không cho vào gặp hai tháng liền và cô lập trong trại cũng nhiều người biết.
Sau này khi gặp gia đình, tôi mới biết trại giam thông báo với gia đình tôi, tại vì “ông Điếu Cày” đánh nhau ở trong trại nên bị kỷ luật không cho thăm gặp và gửi đồ. Tiền gia đình tôi gửi vào, Thắng chỉ cho nhập vào sổ mua 600 ngàn một tháng, phần còn lại họ giữ, khi nào chuyển trại sẽ trả.
Một buổi sáng tôi đang ngồi nhổ cỏ ở vườn hoa của trạm xá, giờ này tù nhân đã xuất trại đi làm hết nên vắng vẻ, có một tù nhân đến gần như đang xem tôi làm việc, cậu nhỏ gọi khẽ :
– Chú ơi !
Tôi nhìn lên. Cậu búng nhẹ ngón tay, một cục giấy rơi ngay trước mặt tôi:
– Anh cháu nói gửi chú chút quà, chú giữ mua đồ ăn nhé !
Rồi cậu nhỏ quay lưng đi ngay. Tôi nhặt cục giấy cuộn chặt, mở ra là tờ 200 ngàn. Tôi biết các anh lớn trong trại quan tâm và đưa tiền cho đàn em giúp tôi.
Trưa đó, tôi về buồng thấy trên chiếu của mình có mấy lon sữa và cá hộp, một cái chén có một khúc cá kho.
Tôi hỏi Đô Què đồ của ai, cậu ấy nói của mấy phòng bên kia, tụi nó qua hỏi chiếu ông Điếu Cày nằm đâu, tui chỉ thì tụi nó để đồ vào đó.
Anh em mang cho nhiều đồ, tôi bảo Tuấn “phỏng” chia bớt cho anh em cùng phòng ăn với. Có hôm Kiệt cho đệ tử mang lên nửa con gà kho gừng. Kiệt là chủ lò bánh mì trong trại, anh ta trong nhóm cướp liên tỉnh bị xử án khá nặng.
Một buổi trưa, Kiệt mời tôi vào sau bếp nói chuyện. Kiệt hỏi tôi về chuyện biểu tình ở ngoài vì anh ta bị tù lâu rồi không biết, tôi kể cho Kiệt nghe về các vụ biểu tình chống Trung Quốc và dân oan đấu tranh ở ngoài được chúng tôi xử dụng blog đăng tin ra sao, nhờ có blog mà tiếng nói của dân oan mới được cộng đồng biết tới. Nếu chỉ gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan và báo chí của nhà nước thì không ai giải quyết đâu. Kiệt nói mỗi sáng chú ghé lò lấy bánh mì ăn sáng nhé, cháu bảo tụi nó không lấy tiền của chú.
Sau này, do liên quan đến một cuộc gọi của tôi về nhà mà trại giam ra bưu điện lấy toàn bộ danh sách cuộc gọi và phát hiện ra Kiệt thường gọi lén điện thoại ra ngoài vào ban đêm, nên Kiệt bị đưa đi kỷ luật, sau đó bị chuyển đi trại khác.
Tôi bị trại giam cô lập trong hai tháng, nhưng vẫn sống khoẻ, chẳng hề hấn gì, mấy cái anten trong buồng giam cũng ngại mấy anh lớn điểm mặt nên không dám hó hé.
Khoảng một tháng sau, những tù nhân ra thăm nuôi về nói, chuyện gia đình họ đã đọc được những tố cáo từ trong tù trên internet, chuyện 3 người chỉ được hai lít nước một ngày và nhiều chuyện khác…
Khi thông tin lan truyền trên internet, trại giam Cái Tàu đã phải khoan thêm hai giếng nữa để cung cấp nước cho tù nhân.
Một buổi sáng tôi thấy tù nhân tụ tập xem mấy người tù đang đào đường ống dẫn nước lên, chỉnh van những nhánh chia vào các buồng giam để nước về được những buồng ở cuối trại. Họ nói với nhau, nếu trại này có mười ông như Điếu Cày thì tốt.
Cái vòi nước yếu ớt – ở trong wc đã chứng kiến nhiều cuộc tranh giành của giang hồ, không phải ai cũng đến gần vòi nước mà hút được, phải có số má, phải là người trong mâm của anh lớn mới được, nếu không sẽ nhận một cái ca vào đầu – nay đã trở lại đúng “nhiệm vụ” của nó.
Tôi không phải “anh lớn”, nhưng từ hôm có nước về, mỗi lần tôi mang đồ xuống tắm đều được anh em nhường cái vòi nước. Nhìn anh em đi làm vất vả về có nước xài, có nước dội cầu, lòng tôi cũng thấy nhẹ đi nhiều.
Đại uý Dương Quang Thắng vào gặp tôi nói chuyện, anh ta hỏi :
– Anh biết thế lực nào đã đưa thông tin của trại giam lên mạng internet không ?
Tôi nói :
– Tôi ở trong tù đâu có phép thần thông mà tiếp cận được internet, nhưng anh nhớ rằng một trại giam với hơn hai ngàn tù nhân thì anh khó mà bưng bít thông tin được.
Anh ta nói đây là lần cuối cùng tôi nói chuyện với anh ở đây, tôi hiểu rằng họ sắp chuyển tôi đi nơi khác vì các tù nhân hình sự đã bắt đầu nhận ra cách đấu tranh mới có hiệu quả và trại giam muốn tách tôi ra khỏi anh em tù hình sự.
Tôi nhận ra rằng đấu tranh trong tù cần phải làm truyền thông cho tốt. Không có truyền thông, khó mà đạt kết quả.
Sau vụ đòi nước đến vụ đòi tiêu chuẩn ăn của tù nhân và sách báo…
Trại Cái Tàu – Cà Mau đã quá ngán ngẩm tôi.
Ngày 18/8/2009 tôi bị chuyển đến Trại giam K2 Xuân Lộc…