Liêm chính khoa học trong việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư tại Việt Nam khi nào sẽ có?

0
27
Hình minh hoạ: Những ứng viên đủ điều kiện xếp hàng nhận chứng nhận giáo sư và phó giáo sư ở một buổi lễ tại Quốc tử giám, Hà Nội hôm 24/12/2012 AFP

Thanh Trúc-RFA

Hội đồng Giáo sư các cấp năm 2022 vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đề nghị thẩm định kỹ hơn đối với những hồ sơ ứng viên có phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí đăng bài nghiên cứu.

Nội dung công văn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước lưu ý về việc triển khai tổ chức xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022. Theo đó, các hội đồng giáo sư cơ sở, các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành năm 2022; các đại học, trường đại học, học viện; các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ… cần ‘quán triệt thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch và đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên’.

Tất cả những yêu cầu vừa nói nhằm uốn nắn, chỉnh đốn lại sự ‘liêm chính khoa học’ đã bị bỏ qua, bị bôi bác tới mức quá lộ liễu trong việc xét tuyển ứng viên vào chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam lâu nay. Đó là nhận định của người rất quan tâm đến vấn đề, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, khi cho rằng vấn đề đó không mới nhưng rất cần phải nhắc lại.

Một cách dung dị, vẫn theo lời thạc sĩ Đinh Kim Phúc, sở dĩ có một công văn như thế này là vì có những ‘lò ấp’ đào tạo hàng loạt tiến sĩ dỏm bị phát hiện:

“Những tiến sĩ này làm mọi cách để chạy cho được cái học vị phó giáo sư, giáo sư. Rõ rằng trên mạng liêm chính khoa học có những luận án tiến sĩ rất tào lao. Họ lấy một khúc lịch sử Đảng bộ hoặc một cái phong trào đoàn thể ở địa phương để làm một cái luận án tiến sĩ, mà công trình đó hoàn toàn không có một giá trị về khoa học, cũng không có đẳng cấp gì trong giới khoa học ở khu vực và trên thế giới.”

Theo ông Phúc, một trong những tiêu chuẩn đầu tiên mang tính liêm chính khoa học, phản ảnh chất lượng của người được phong phó giáo sư, giáo sư, là phải sử dụng thông thạo một ngoại ngữ để nghiên cứu, giao tiếp, trao đổi trong các hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế:

Nhưng nhìn lại thì lực lượng phó giáo sư, giáo sư của VN, khi tham gia hội thảo quốc tế đều phải gắn cái headphone vào tai để nghe phiên dịch.

Cũng cần thấy rõ phó giáo sư không phải cái nghề để đi làm quan, để tham gia chính quyền, mà đó là để bắt đầu nghiên cứu khoa học, để bắt đầu hướng dẫn nghiên cứu sinh trong các đại học, các viện nghiên cứu. Có những người ngoại ngữ là mù, không hề có một công trình khoa học nào gọi là nghiêm túc, nhưng Hội đồng vẫn thông qua, vẫn xét duyệt thành phó giáo sư, giáo sư. Như thế là phá vỡ trật tự, phá vỡ chất lượng đội ngũ khoa học của Việt Nam. Rõ ràng là tốn tiền dân, phí thuế và phí công của Nhà nước.”

000_Hkg8127361.jpg
Hình minh hoạ: Một người nhận chứng nhận phó giáo sư tại một buổi lễ ở Quốc tử giám, Hà Nội năm 2012. AFP

Ông Phúc cho rằng đã đến lúc phải nâng cao trở lại chất lượng hàng ngũ phó giáo sư, giáo sư:

Phải kiên quyết hủy bỏ những luận án tiến sĩ ‘ầu ơ ví dầu’, thậm chí những trường hợp nghi ngờ chạy điểm, mua bằng. Phải lập hội đồng kiểm tra thì may ra có thể lập lại cái trật tự, cái liêm chính khoa học trong giới nghiên cứu VN hiện nay”.

Một giảng viên đại học ở Hà Nội, có nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài, góp ý nhưng không muốn nêu tên vì sợ đụng chạm đến các tiến sĩ, giáo sư và phó giáo sư đang là bạn của ông:

“Quan điểm của tôi về việc này rất là ‘negative’ (tiêu cực). Bạn tôi làm trong Hội đồng Giáo sư cũng có, làm tiến sĩ cũng có. Tôi biết có những người chỉ mất chưa đầy một năm mà đã xong cái bằng tiến sĩ. Cho nên tiến sĩ dỏm ở Việt Nam rất là nhiều. Thậm chí có những ông bạn tôi là tiến sĩ mà còn không muốn xưng danh mình là tiến sĩ nữa cơ.”

“Thế còn Hội đồng Giáo sư thì tôi rất là không có sự tin tưởng. Chắc là phải chờ đến khi nào có vụ tai tiếng nào thật lớn nó làm bể tan cái hội đồng này ra, chứ còn thực chất có quá nhiều khuất tất. 

Trong giới anh em học thuật với nhau thì rất nhiều người không thích Hội đồng Giáo sư, cũng không thích cái cơ chế phong hàm giáo sư kiểu Nhà nước. Tại vì hệ thống bên Mỹ là trường nào phong giáo sư của trường đó, nhưng hệ thống bên Việt Nam giống kiểu Châu Âu thì phong giáo sư theo cấp quốc gia. Mà khi cái gì thuộc về phong cấp quốc gia rồi thì nó xa rời khỏi thực tế của trường, chất lượng thấp và nhiều chuyện khuất tất lắm.

Tôi cũng chẳng đánh giá cao kiến thức và khả năng của Hội đồng Giáo sư các cấp hay Hội đồng Giáo sư Nhà nước đâu. Tôi nghĩ sẽ đến lúc phải thay đổi thôi”.

Theo đề nghị trong công văn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước gửi cho Hội đồng Giáo sư các cấp, cần chú ý xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng viên; thẩm tra, phỏng vấn để có đánh giá chính xác, khách quan. Ngoài ra, cần thẩm định kỹ đối với những hồ sơ ứng viên có ý kiến phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí.

Về những yêu cầu này, mà nhà nghiên cứu Ngữ học, Giáo sư Hoàng Dũng gọi là những khuyến cáo, được ông phân tích rõ ràng hơn:

“Thực ra Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhắc nhở hội đồng liên ngành các cấp về tính liêm chính khoa học thì điều đó là tốt. Tuy nhiên không cần nhắc thì đó cũng là nguyên tắc mà tất cả các hội đồng chuyên ngành hay liên ngành đều phải tuân thủ.”

“Trong vài năm gần đây nhiều hồ sơ của các giáo sư có vấn đề về liêm chính khoa học. Họ đang bài trên những tạp chí gọi là ‘tạp chí săn mồi’, mang danh là tạp chí khoa học mà thực chất để làm tiền. Tôi tin rằng những tài liệu như vậy cũng là thiểu số thôi. Vì không biết đó là những tạp chí săn mồi, nhưng việc làm đó pha hoại cái môi trường khoa học tử tế mà đất nước nào cũng muốn hướng tới.”

Ông cho rằng đúng là chuyện càng lúc càng đến mức độ đáng báo động, và phải hiểu khuyến cáo của Hội đồng Chức danh Nhà nước đồng nghĩa với sự báo động chứ không phải điều gì mới:

Tôi cho rằng với chính sách quá coi trọng việc đăng bài trên những tạp chí Scorpus hoặc ISI như hiện nay thì chuyện trước sau có một tỷ lệ nào rơi vào các tạp chí săn mồi như vậy cũng là tất yếu thôi”.

Người ta cần những cách khác nhưng ở Việt Nam hiện nay là khó và người ta không dám làm. Giáo sư Hoàng Dũng lý giải thích tiếp:

“Mỗi hồ sơ xin phong chức giáo sư, phó giáo sư đều phải qua một hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định đó phải đủ gan để đánh giá một hồ sơ là tốt hay xấu chứ không dựa vào cái thuần túy là bài này đăng trên những tạp chí có tên Scorpus hay có tên ISI.”

“Tình hình hiện nay tôi thấy là còn xa mới đi đến chỗ Hội đồng Giáo sư nhìn chung có thể bày tỏ ý kiến một cách dứt khoát và không có liên quan gì đến việc bài đó đăng ở ISI hay Scorpus, mà chỉ căn cứ duy nhất là chất lượng của bài đó”.

Đó mới là tính liêm chính khoa học trong việc xét tuyển cũng như phong chức học hàm, học vị tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cho Việt Nam trong năm 2022 và những năm sắp tới, nhà nghiên cứu Ngữ học Hoàng Dũng xác định.