LÀM SAO THÀNH CÔNG KHI VÔ VỌNG

0
684

Thùy Dương

Một tuần chạy nước rút, cho một hồ sơ xương xẩu, không ai nhận làm, bảo vệ khách hàng bị gây khó dễ về định cư.

Thực ra hồ sơ đã chuẩn bị từ hai tháng hơn, vì đã đón sẵn chủ ý của Bộ di trú. Hồ sơ gần như vô vọng, văn phòng chúng tôi đã bảo vệ từ hơn bốn năm nay.

Khách hàng gần 60 tuổi, đã có 1 tiền án, không hề có tiền sự nào khác, đã về nước thụ án trước khi quay lại đây sinh sống hợp pháp, có vợ, có con, cháu ở đây, chưa bao giờ vi hạm pháp luật tại Canada.

Bộ di trú, từ nhiều năm, tìm cách trục xuất ông ta vì lý do khai gian hồ sơ khi xin định cư.

Lịch trục xuất, thứ hai 4 tháng hai tới.

Chúng tôi đã xin hoãn. Và đã bị từ chối.

Cả tuần qua, gần như toàn bộ nhân viên văn phòng phải tham gia hoàn tất hồ sơ xin hoãn lịch trục xuất, nộp toà thượng thẩm, vì khách không thể chịu đựng nổi quyết định đó. Thần kinh và thể lực đều kém, khách luôn hoảng sợ vì bất kỳ sự kiện gì xảy ra trong đời mà ông ấy không chủ định. Sau ba mươi năm rời sinh quán, ông ta không còn thân quyến, bạn bè hay nhà cửa gì ở đó. trong khi ở đây ông ta có vợ con, nhà cửa, bạn bè, bác sỹ y tá, giúp ông ta quân bình tâm lý.

Trước ngày ra toà, chúng tôi đã trình bày hoàn cảnh và tình hình sức khoẻ của khách, nhưng bộ di trú kiên quyết theo đuổi vụ trục xuất này. Văn phòng chúng tôi hiện chỉ có ba luật sư và ba thư ký và kỹ thuật viên, vừa phải lo tất cả các hồ sơ khác, vừa phải đương đầu với phía chính phủ, nhân viên đông đảo, luật sư cả bầy, hối hả tìm án lệ chống lại yêu sách và luận điểm của chúng tôi. Mỗi bước chúng tôi nộp luận điểm cho toà, bên Bộ di trú ngay trong cùng ngày trả đòn bằng bom tấn, trong khi chúng tôi chỉ có thể lập luận rằng khách không chịu nổi quyết ̣định trục xuất và có thể sẽ tự vẫn. Chúng tôi có bác sỹ, điều trị viên, nhân viên tổ chức dân sự đều rất lo lắng, cảnh báo chính phủ rằng khách hàng khả năng tự tử rất cao khi bị dồn vào chân tường. Và khách bị chứng bệnh này từ hơn ba mươi năm. Và thuốc uồ́ng chỉ có rất ít tác dụng, rằng cuộc sống bình yên bên vợ con là liều thuốc có hiệu quả nhất đến quân bình tâm lý của ông ta. Rằng ông ta chỉ bị bệnh trầm cảm, không hề có hành vi hung hãn, gây nguy hại gì cho xã hội. Rằng ba mươi năm sinh sống ở đây, ông không hề vi phạm pháp luật.

Nhưng phiá chính phủ quyết tâm trục xuất bằng được, vì họ lập hồ sơ từ nhiều năm. Và vì ngyên tắc không ai được định cư khi man khai hồ sơ.

Đến giờ toà xử, trong văn phòng, không còn ai hy vọng sẽ thành công, ngay cả luật sư chính. Khách hàng đã muốn buông xuôi chờ toà tuyên án để tự vẫn. Bác sỹ khuyên bệnh nhân không được, đã chấp nhận bó tay. Y tá gọi điện liên tục cho tôi, hỏi cơ hội thành công là bao nhiêu. Trong tôi không còn hy vọng khi thấy chính phủ sẵn sàng chi tiền cử nhân viên an ninh bay khứ hồi, áp giải ông khách về nguyên quán. Nhưng tôi trả lời y tá: “Chiến! Đến phút cuối cùng. Không thể chấp nhận chính quyền thí một mạng người, mà là người không nguy hiểm cho xã hội”.

Suốt cả ngày, văn phòng bình yên giả tạo, tuy vẫn rộn rịp khách, điện thoại, fax như thường ngày. Mỗi người căng như dây đàn chờ thẩm phán định án.

15 giờ, chưa có kết quả. Y tá gọi: tôi sắp hết ca, có tin chưa? Chưa.

16 giờ 45, bác sỹ gọi: Tôi không thể chờ được nữa. Đây là số phôn cá nhân của tôi, chị làm ơn báo khi toà ra án. Trong tâm can, họ chuẩn bị tinh thần sẽ căng thẳng, lo ngại suốt cả mấy ngày nghỉ, và nghe quyết định giữ nguyên lịch trục xuất sáng thứ hai, và có cả khả năng khách đã quyên sinh…

17 giờ, hết giờ văn phòng, thư ký, luật sư lần lữa, phấp phỏng. Fax không chạy, điện thoại không chuông, email nằm im.

17h 15, họ lần lượt chào chúng tôi ra về, gắng rộn ràng như mọi tuần, thứ sáu. Nhưng giọng nói run run vì cố tự trấn tĩnh.

17h35, điện thoại đổ chuông, thư ký toà gọi, báo, bà thẩm phán đã đồng ý hoãn lệnh trục xuất.

Vợ chồng tôi nhìn nhau, tràn nước mắt. Mỗi người một máy, gọi cho vợ chồng khách, cho y tá, cho bác sỹ, cho các nhân viên văn phòng, báo tin mừng.

Người khóc, kẻ cười. Chúng tôi đã thành công. Ngay cả khi không còn ai thực sự tin vào vận hội nữa. Chúng tôi đã chiến, đến giây phút chót, vì chúng tôi tin rằng ông ấy có quyền được sống, dù quá khứ đã mắc sai lầm, vì ông ấy đã trả án, và không hề gây nguy hại cho xã hội.

Chúng tôi đã thành công chỉ vì kiên quyết đấu tranh cho công bằng, cho chính sách nhân đạo với người yếu sức khoẻ. Chúng tôi thành công vì khi người này muốn buông xuôi thì người khác động viên, thậm chí yêu cầu PHẢI trụ vững.

Khi bác sỹ muốn buông lơi, chúng tôi đã phải can gián, yêu cầu ông nộp hồ sơ bệnh án. Khi tổ chức dân sự lo sợ, chúng tôi đã lắng nghe và thảo luận, khiến họ đã lên được phương án B. Phương án này được giữ kín đến giờ chót, khi kh́ách hàng hoảng quá, y tá đã tiết lộ, giúp kh́ach trụ vững… Và luật sư chính già đời, đã phát hiện ra kẽ hở giữa các luật để thuyết phục thẩm phán.

Chúng tôi đã thành công. Vì khi không còn tin vào cơ hội nữa CHÚNG TÔI VẪN TIN NHAU, VÀ CÙNG TIN VÀO GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CHÚNG TÔI CÙNG NHAU BẢO VỆ từ gần năm năm nay trong hồ sơ này.

Chúng tôi đã thành công. Vì khi không còn tin vào cơ hội nữa CHÚNG TÔI VẪN TIN NHAU, VÀ CÙNG TIN VÀO GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CHÚNG TÔI CÙNG NHAU BẢO VỆ từ gần năm năm nay trong hồ sơ này.

Sau khi thông báo cho tất cả “các bên liên quan”, hai vợ chồng tôi mới thấy mệt. Và vui. Tôi, vì đêm nay, và cả đ̣ợt nghỉ cuối tuần, nhiều người ngủ ngon giấc. Chồng tôi vui, khi nghĩ tới các nhân viên chính quyền lồng lộn mất ăn mất ngủ khi thẩm phán đồng ý với chúng tôi, rằng mạng người không thể coi nhẹ thế được, dù người đó đã từng mắc sai phạm trong đời, dù người đó không có quốc tịch Canada.

******
Công việc này vất vả, và không dễ chịu, vì ông khách và vợ ông quá căng thẳng, không mau mắn hợp tác khi chúng tôi yêu cầu thông tin, tài liệu bổ xung. Ông ấy lại sợ nơi đông người, nên khó huy động sự ủng hộ của dân cư trong khu vực họ ở. Khi ông lo lắng quá, ông còn cắt đứt liên lạc, hồ sơ rất khó hoàn thành. Và nếu ông buông xuôi, tự vẫn thì tất cả công sức của y tá bác sỹ luật sư đều đổ xuống sông xuống bể.

Nhưng vì tất cả đã tin nhau, ông đã trụ được.

Chừng đó người, chừng đó công, chừng đó năm, giữ được 1 mạng người, là đáng công. Ngoài mạng sống của ông ấy, còn tương lai của vợ con, gia đình ông nữa.

Và chúng tôi đã từng giữ được vài mạng người khác. Hàng năm. Từ gần ba chục năm nay.

Mệt rũ. Và hài lòng. Và vui. Và tự hào. Và thấy đời thật đáng sống.

Và tôi ghi nhận, nếu không có mỗi người đã tham gia đóng góp vào hồ sơ, chúng tôi sẽ không thể thành công. Đạt được kết quả này là bởi ngay cả khi nghi ngờ khả năng thành công, mỗi người đã đóng góp hết khả năng của mình vào mục đích chung.

Chúng tôi thành công vì đã TIN NHAU và đã làm HẾT KHẢ NĂNG CỦA MÌNH, cho MỤC TIÊU CHUNG, ngay cả khi mất lòng tin vào kết quả.

*****

Bài học này sẽ theo tôi mãi trên con đường đấu tranh cho quê nhà, cho quyền sống làm người, của khách hàng và cho dân tộc Việt Nam.

Một bài học quý, trước thềm năm mới.

Cám ơn ĐỜI cho tôi gặp những người tin được, và tin tôi, và tin nhau, trên con đường sự nghiệp và trên đường tranh đấu!

Chúc nước Việt ngày mới, cùng những đứa con biết nhận ra nhau, mà tin nhau, trên con đường xây dựng lại quê hương, vì tương lai tự do, đa đảng!

Nếu biết nhận ra nhau, và tin nhau, phối hợp cùng nhau, chúng ta sẽ thắng! Nhất định là thế!

Thuỳ Dương
20190202