Kỷ niệm những ngày hành nghề trong đại dịch COVID-19.

0
8

Trần Hồng Phúc

Thời gian này, facebook nhắc mình kỷ niệm những ngày hành nghề trong đại dịch COVID-19. Biết bao hình ảnh kết quả xét nghiệm covid lại hiện lên, rùng mình nhớ lại một thời đầy ám ảnh…

Nhờ vào một lực lượng siêu phàm tham mưu cho lãnh đạo ban hành chỉ thị giãn cách nhằm mục tiêu chống dịch, dập dịch. Tiếp đến, một đội ngũ xuất sắc hơn ở địa phương cố vấn cho ra đời các văn bản được cho là phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương nhằm triển khai thực hiện chỉ thị giãn cách của Chính phủ. Kết quả đâu đó thực thi chứa nhiều bi kịch. Đã bao giờ, có ai đó ngoái nhìn lại việc tham mưu  để tổng kết đúng – sai, trách nhiệm thế nào, tính phù hợp của việc tham mưu chính sách trong dịch bệnh đến đâu?

Hình ảnh: thời điểm đại dịch kinh hoàng tại Sài Gòn tháng 07 năm 2021

Thời đó, với tư duy coi dịch là giặc, nên đã chống dịch như chống giặc, mỗi gia đình là một pháo đài, rồi y bác sĩ đi chống dịch như ra chiến trường. Khắp nơi, khắp chốn suốt ngày ngoáy ngoáy, test test, phun phun, hàng rào chèn hàng rào, dây thép gai chồng dây thép gai, cách ly của những cách ly… Nhà nhà tuân thủ “stay save”. Cái thời ra khỏi nhà, phải qua hàng loạt chốt kiểm tra với bảo bối là giấy đi đường. Rời khỏi địa phương, ở cổng vào mỗi tỉnh, đều phải xếp hàng làm thủ tục khai báo y tế, có những chốt được đóng hình dấu lên tay không khác gì hoàn thành thủ tục kiểm dịch động vật. Nhà nào có người mắc covid là bị phong tỏa, loa phường ầm ĩ, rồi bắt treo biển cảnh báo như nhà có chó dữ; chưa kể cả diện rộng phường/xã bị phong tỏa theo. Đi chợ thì phát phiếu, cách ngày mới được đi, mua theo giờ, đến lượt ra chợ may thì còn đồ tươi, muộn thì ôi thiu, bẩn nát nhưng không mua sao đặng? Tiêm vaccine là một đặc ân, nên mới có những câu chuyện “vaccin ông ngoại”, dịch vụ mua suất tiêm phòng và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể thi nhau làm văn bản xin được tiêm vaccine trước dù ngành, nghề của mình không được xếp loại ưu tiên.

Những người lao động tháo chạy khỏi TP Sài Gòn đang kiệt sức dừng ngủ ven đường.

Những cuộc tháo chạy rầm rộ từ miền Nam về Trung, ra Bắc với  cảnh tượng hàng đoàn xe máy, ô-tô nối đuôi nhau đi xuyên đêm về quê do không còn đủ sức bám trụ nơi thành đô hoa lệ. Thế rồi, có những nơi – quê hương không đón nhận người về, nếu cho về thì cũng lập chốt tập trung chờ những ngày cách ly, xét nghiệm. Vì ngồi yên trong nhà mà biết bao doanh nghiệp lâm vào nợ nần, phá sản, giải thể; hàng triệu người mất việc làm khiến gia cảnh bần hàn đến cùng cực. Thảm nhất là cảnh phá cửa vào nhà dân, cưỡng bức lôi ra test. Giờ nghe bảo, đâu đó người ta đang đi kiện?!

Với quy mô chống dịch tầm cỡ, các bệnh viện dã chiến thần tốc xây dựng, tất cả các loại F gặp nhau, rồi phát sinh lây chéo, nhiễm nhẹ thành nặng, nhiễm nặng rồi chết. Không chết mới là lạ vì trong bệnh viện ngột ngạt đến hàng ngàn người, chế độ ăn uống tập trung, trang thiết bị và thuốc men đều thiếu, y bác sĩ không đủ…Có biết bao người đã ra đi trong dịch bệnh, xe ô tô xếp hàng chờ hỏa táng, những hũ tro đưa trả cho thân nhân được chồng chất như hàng ship. Thế mà, sau cùng, người ra vẫn có kế hoạch cho một bệnh viện dã chiến to tướng ngoài ở quận Hoàng Mai, Hà Nội với quy mô 500 – 700 giường. Thời điểm đó, phải huy động 400 công nhân làm việc ngày đêm 24/24 giờ để cấp tốc xây dựng bệnh viện này . Đến nay cũng chưa thấy thông tin cụ thể số tiền đầu tư của Nhà nước vào đây và cũng chưa thấy tổng kết thành tựu đạt được, có bao nhiêu bóng dáng người bệnh đã đến đây điều trị? Có lãng phí không và nếu có thì ai phải chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này?

Xe chở cổ quan cho người chết oan trong địa dịch.

Cái nhìn thấy được là hậu quả sau những ngày chống dịch – đó là các vụ án mang tính sát thương toàn xã hội. Những chuyến bay giải cứu, những test kit tưởng chừng sẽ trở thành các câu chuyện truyền đời về lòng nhân ái, về tinh thần dân tộc trong dịch bệnh thì giờ đây đã hoàn toàn trái ngược. Ở đó chỉ thấy tiếng chửi rủa, căm phẫn của số đông bởi sự trục lợi không giới hạn của những kẻ có quyền.

Thời điểm COVID-19 bùng nổ toàn cầu, không loại trừ Việt Nam, mỗi quốc gia đều phải đối mặt với dịch bệnh. Sau này, người ta có thể căn cứ việc giảm thiểu số người chết, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, sự ra đời của vaccine… để đánh giá khoa học chống dịch và tầm trí huệ của mỗi quốc gia trong dịch bệnh. Tuy nhiên, thang đánh giá cho sự bất lương lại nằm ở câu chuyện tham nhũng trong dịch bệnh – thì chỉ thấy ở nơi này. Lợi dụng dịch bệnh để chiếm hưởng tiền của nơi đồng loại. Tất cả, phải chăng là nhờ sự tài tình của đội ngũ tham mưu, nhốt cho đông, hiến kế test ngoáy cho nhiều, bầy ra cơ chế giải cứu vơ vét để giờ đây trở thành bi kịch?

(Ảnh: Kỷ niệm hành nghề những ngày dịch giã)

Ngoài kia, các phiên tòa xử án tham nhũng trong dịch bệnh COVID đã và sẽ tiếp tục diễn ra. Hàng chục tỷ đồng Việt Nam, hàng trăm ngàn Mỹ kim lót tay, chi hoa hồng để cảm ơn, cảm huệ thật quá dễ dàng. Những chiếc va ly, ba lô chứa đầy tiền xương máu của người dân được người ta xếp lên các xế hộp và phóng đi êm thấm trong sự điêu tàn của dịch bệnh.

Có lẽ, chỉ đến hôm nay, khi mọi sự phơi bầy, người ta mới nhận ra thế nào là COVID. Ở đó, không chỉ có sự căm thù mà chắc còn phải nói lời cảm ơn COVID vì nhờ nó – chúng ta hiểu được tận cùng của thói độc ác và sự vô liêm…

(Ảnh: Kỷ niệm hành nghề những ngày dịch giã)