Khoái Châu (Hưng Yên): ​Thuê côn đồ “cưỡng chế ngầm” nông dân phản đối thu hồi đất?

0
869
Diện tích đất được “bồi thường” giá 71 ngàn VNĐ/m2 nay được sang nhượng với giá hàng chục triệu VNĐ/m2
Pháp luật
(PLO) – Nhiều năm nay, sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất, trở thành thất nghiệp, cứ sáng sáng sau khi bán thúng xôi sáng, chị Đỗ Thị Hoa (SN 1968, ngụ thôn Yên Lịch, xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) lại cà nhắc ôm đơn, bắt xe buýt đi đến các cơ quan chức năng khiếu kiện việc mình bị thu hồi đất sai luật.

Diện tích ruộng của gia đình chị Hoa nay đã trở thành một phần “khu đô thị” rộng hàng trăm ngàn m2 thuộc “Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu” (như PLVN đã phản ánh trong số báo trước). Mảnh đất bị áp giá thu hồi với cái giá “rẻ như rau” 71 ngàn VNĐ/m2, nay được người ta sang tên với giá hàng chục triệu/m2. Chị nông dân ứa nước mắt: “Uất ức”.

Khiếu kiện 3 đời chủ tịch huyện

Khác với một số nông dân nhẫn nhịn, rơi vào trường hợp thu hồi đất dạng “trên trời rơi xuống”, sẽ cam chịu những bất công kiểu “trời kêu ai nấy dạ”, người phụ nữ này không chấp nhận những điều vô lý. Chị cũng chính là người đã kiện Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu ra tòa, đòi hủy các quyết định thu hồi đất và cưỡng chế trái pháp luật.

Người phụ nữ giãi bày: “Tuy tôi không có hiểu biết sâu về luật pháp, nhưng người dân nào chẳng uất ức trước việc đất bị thu hồi giá rẻ mạt đem kinh doanh trục lợi. Huyện muốn thu hồi thì phải chỉ ra căn cứ pháp luật nào cho phép. Họ không chỉ ra được. Vậy thì tôi phải đi đến cùng sự việc. Xã, huyện, tỉnh tránh né, thì đã có Trung ương”.

Chị cũng cho biết đã từng mặt đối mặt với Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện, chỉ đưa ra một đề nghị rất đơn giản: “Nếu các anh ghi ra “giấy trắng mực đen”, cam kết bằng tư cách người đứng đầu địa phương với tôi rằng “dự án này đúng pháp luật”, thì dù đền bù 1000 đồng tôi cũng nhận”. Đề nghị này bị từ chối.

Theo Đơn khởi kiện của chị Hoa, năm 2011, “đùng một cái” chị và một số người dân được xã mời họp thông báo thu hồi đất. Cuộc họp được tổ chức tại đình làng. Trước nguy cơ không còn 288m2 đất nông nghiệp bao đời nay gia đình sống nhờ vào đó, chị lập tức có ý kiến: “Không đồng ý với việc thu hồi đất để thực hiện dự án này vì có nhiều điều chưa minh bạch và trái pháp luật”.

Sự việc suốt nhiều năm trời chỉ xoáy quanh một câu hỏi. Chị Hoa đưa ra vấn đề: “Dự án này là dự án thu hồi đất với giá rẻ để bán giá cao cho người khác, không phải là dự án vì lợi ích công cộng, nên phải thỏa thuận về giá đền bù”. Không giải thích thấu đáo được câu hỏi này, chính quyền chỉ trả lời loanh quanh mà không đưa ra được căn cứ pháp lý nào. Như trong biên bản làm việc ngày 11/9/2014, ông Phó Chủ tịch huyện Hoàng Văn Tựu “giải đáp” một cách chung chung với chị Hoa: “Đây là dự án trọng điểm của huyện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện”. Tìm đâu ra điều luật nào cho phép dùng vũ lực lấy đất kiểu “mua rẻ bán đắt”, khoác cho đó là cái tên dự án “thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”?

Chị Hoa: “Huyện Khoái Châu đã dùng nhiều thủ đoạn để thu hồi đất của dân sai pháp luật”

Những điều chị Hoa yêu cầu phải minh bạch về dự án, như lợi nhuận từ dự án này sẽ về đâu, cùng đều không được cơ quan chức năng trả lời. Khi tìm hiểu sự việc, được biết tổng số tiền đền bù cho dân chỉ hơn 40 tỉ, nhưng riêng số tiền đấu giá diện tích này đã lên đến hơn 200 tỉ. Cái gọi là dự án “thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” này ít tìm thấy yếu tố gì là công cộng, chỉ thấy trong danh sách mua đất có những người đứng tên hàng chục lô. Chị nông dân càng phẫn nộ.

Nhóm “khách lạ” níu chân người bị cưỡng chế

Sự việc nhanh chóng bị UBND huyện dùng vũ lực cưỡng chế. Ngày 17/11/2014 có quyết định cưỡng chế, các bước sau đó chỉ tiến hành “gấp rút”. Đúng 10 ngày sau, đoàn công tác với lực lượng hùng hậu gồm cán bộ các cấp, công an, y tế, cứu thương, máy dò mìn… được điều đến hiện trường.

Chị Hoa sáng hôm đó lại không thể có mặt tại hiện trường nơi thửa ruộng mình bao năm nay gắn bó. Lý do có những sự việc vô cùng bất thường đã diễn ra tại nhà chị. Nhà chị có hàng nước nhỏ, ngay từ sáng sớm hôm đó đã xuất hiện những vị khách lạ. Hàng chục thanh niên dáng vẻ ngổ ngáo, xăm trổ đầy mình, theo nhau kéo đến nhà chị ngồi chật từ trong nhà ra ngoài đường. Các vị khách ngáp ngắn ngáp dài “Không biết phải ngồi đây đến bao giờ”, “Cứ uống nước đi rồi có người ra trả tiền”…

Nhà chỉ còn người con gái và đứa cháu nhỏ chưa đầy 3 tuổi. Không biết nên bỏ mặc con cháu ở nhà cùng đám người lạ lố nhố, hay ra ngoài hiện trường “tử thủ” bảo vệ mảnh ruộng? Chị đành nuốt nước mắt chọn phương án 1. Vài tiếng đồng hồ sau, khi hàng xóm báo về đoàn người tại hiện trường đã nhổ cọc, nhổ cờ, giao “đất sạch” cho nhà đầu tư, quả nhiên có một nam trung niên đến quán nhà chị Hoa, trả hết tiền nước cho đám người lạ. Những người này rút đi nhanh cũng như lúc đến.

Chị nông dân gương mặt sạm đen vì những ngày dầm mưa dãi nắng đi khiếu kiện kể lại, chị không chấp nhận bỏ cuộc, mà đâm đơn kiện Chủ tịch huyện ra tòa, đòi hủy các quyết định sai pháp luật. Tòa huyện “ngâm” đơn suốt nhiều tháng, không trả lời có thụ lý hay không. Người phụ nữ nhiều lần lên “ăn chực nằm chờ” tại “cửa quan”, đòi làm ra lẽ. Phải đến nửa năm sau đó, tòa huyện mới hướng dẫn chị gửi đơn lên TAND tỉnh.

Các cuộc “đối thoại” diễn ra rất chóng vánh. Chị nông dân đưa ra lập luận: “Việc huyện thu hồi đất của gia đình tôi là không đúng quy định vì đây là thu hồi đất phục vụ cho dự án kinh doanh thương mại và chúng tôi được quyền thỏa thuận giá bán nhưng huyện chỉ áp giá 71 ngàn VNĐ/m2 và bán lại với giá rất cao”. Đại diện huyện là Phó chủ tịch Hoàng Văn Tựu không đưa ra căn cứ pháp lý nào, vẫn chỉ là những trả lời chung chung như trong biên bản ngày 1/3/2017: “Đây là dự án vì mục đích phát triển kinh tế xã hội chung đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh chấp thuận”.

Phiên xử sơ thẩm được TAND tỉnh Hưng Yên mở vào ngày 25/5/2017 tuyên đình chỉ yêu cầu khởi kiện của chị nông dân vì “hết thời hiệu khởi kiện”. Chị Hoa lập tức kháng cáo bản án, tố cáo thêm việc một số tình tiết trong vụ án có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu chứng cứ, mạo danh nhân chứng… Vụ án hiện đã được chuyển lên TAND Tối cao thụ lý. Chị nông dân cương nghị cho hay sẽ đi đến tận cùng sự việc, đề nghị cơ quan chức năng minh bạch sự việc.

Theo những tài liệu hồ sơ PLVN có trong tay, không chỉ thiếu minh bạch, làm sai chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dự án trên còn vướng nhiều sai phạm về quy trình trong quá trình đấu giá, thủ tục thu hồi đất, nộp tiền, có dấu hiệu lợi ích nhóm… Chính vì vậy đây mới trở thành một trong những điểm nóng khiếu nại khiếu kiện về đất đai hiện nay. PLVN sẽ tiếp tục thông tin trong những số báo tới.

Chủ tịch xã đe dọa báo chí?

Từ chối làm việc, buông lời lẽ thô tục, xưng “mày – tao” với nhà báo, sau đó ngăn cản, đe dọa: “Mày xóa ngay đi, mày đưa hình ảnh này lên mày chết với tao đấy”. Không ai tin rằng đó là cách ứng xử của ông Phan Văn Đạt – Chủ tịch UBND xã Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) với báo chí.

Chiều ngày 2/11/2017, nhóm phóng viên báo PLVN đến trụ sở UBND xã Dân Tiến liên hệ công tác, tìm hiểu về “Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu” trên địa bàn xã có dấu hiệu sai phạm gây nhiều bức xúc trong dân.

Khi nhóm PV đứng đợi ở hành lang, chủ tịch xã đi ngang qua vào phòng. Các PV liền gõ cửa thì ông Đạt từ bên trong vội vàng tắt điện, bước ra ngoài, khóa cửa, nói rằng phải đi họp gấp, từ chối làm việc.

Chủ tịch xã Phan Văn Đạt: “Mày xóa ngay đi, mày đưa hình ảnh này lên mày chết với tao đấy”

Trên đường bước vội xuống cầu thang, ông Đạt nói nếu báo chí muốn làm việc phải gửi công văn về UBND xã để đặt lịch, dù các nhà báo đã giải thích theo quy định pháp luật, chỉ cần Thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu của cơ quan là đúng quy trình, ông Đạt yêu cầu như vậy là gây khó dễ, ngăn cản quyền tự do báo chí. Ông Đạt không trả lời, xuống tầng trệt, bước vào văn phòng UBND xã, sau đó phòng này khóa trái cửa dù vẫn đang trong giờ hành chính.

Một lúc sau, khi các phóng viên vẫn kiên quyết ở lại đề nghị làm rõ sự việc, ông Đạt đi ra, hỏi nhóm PV làm việc nội dung gì. Khi PV trả lời làm việc liên quan đến “Dự án đầu tư xây dựng công trình chợ và hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thương mại huyện Khoái Châu”, ông Đạt bỏ ra ô tô, nói “muốn tìm hiểu dự án cứ lên gặp cấp huyện”.

PV thắc mắc tại sao trước đó ông Đạt lại có tờ trình đề nghị huyện thu hồi đất xây dựng diện tích đất trên làm trụ sở làm việc của Công an huyện Khoái Châu, trong khi thực tế không phải, ông Đạt nói “làm gì có tờ trình nào”. PV cung cấp tờ trình của xã, ông Đạt nán lại xem. Trong lúc này PV tác nghiệp quay phim, ghi hình. Bất ngờ ông chủ tịch xã dừng lại:

– “Mày chụp cái gì đấy, hả, tao cho mày chụp ảnh chưa, hả? Mày xóa ngay đi, mày đưa hình ảnh này lên mày chết với tao đấy. Tao báo cho mày biết”

– “Thưa anh, tại đây không có bảng cấm báo chí tác nghiệp”.

– “Tao chưa làm việc với mày, tại sao tao chưa cho phép chụp ảnh. Mày có thích không tao gọi báo chí về cho mày xem, vớ vẩn”.

Rồi ông Đạt lên ô tô bỏ đi.

Trước sự việc đe dọa báo chí, vi phạm đạo đức công vụ nêu trên, Nhà báo Mai Văn Long hiện đang làm đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên và huyện Khoái Châu, đề nghị xử lý nghiêm khắc sự việc nêu trên. Nhà báo Long cho biết: “Với báo chí là cơ quan đại diện cho dân, giám sát phản biện các sự việc, vị Chủ tịch xã trên còn hành xử như vậy. Không biết với người dân, vị này còn coi thường, o ép như thế nào?”