Khi lãnh đạo phê phán nhau

0
9
Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence lúc còn tại chức.

Blog VOA

Phạm Phú Khải

Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence lúc còn tại chức.

Nhìn giới lãnh đạo quốc gia của các nền dân chủ phê phán nhau, như tại Mỹ và Úc vừa qua, tôi thấy có nhiều điều thú vị để suy ngẫm. Mới đây nhất là phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ và Phó Thủ tướng Úc về Tổng thống và Thủ tướng của mình.

Tại Mỹ, cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence phát biểu tại hội nghị thường niên của Federalist Society ngày 4 tháng 2: ý tưởng rằng một người có thể lựa chọn tổng thống rất là “không phải Mỹ” (un-American).

Nguyên văn của Pence là: “Có những người trong đảng của chúng tôi tin rằng với tư cách là người chủ trì phiên họp chung của Quốc hội, tôi có quyền đơn phương từ chối các phiếu bầu của Cử tri đoàn. Và tôi đã nghe tuần này rằng Tổng thống Trump nói tôi có quyền ‘lật ngược cuộc bầu cử’. Tổng thống Trump đã sai. Tôi không có quyền lật ngược cuộc bầu cử. Chức vụ tổng thống thuộc về người dân Mỹ, và chỉ có người dân Mỹ. Thành thật mà nói, hầu như không có ý tưởng nào trái ngược Mỹ hơn quan điểm cho rằng bất kỳ một người nào có thể chọn ra tổng thống Mỹ.”

Liền tối hôm đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp trả lại rằng vai trò của Phó Tổng thống không phải là thông qua, mà không cần suy nghĩ. Trump nói: “Vị trí của Phó Tổng thống không phải là một băng chuyền tự động [automatic conveyor belt, tức giống như đóng tem tự động, rubber stamp] nếu có những dấu hiệu rõ ràng về gian lận cử tri hoặc những bất thường hiện hữu.”

Thật ra thì không có gì khó hiểu về sự khác biệt giữa hai người. Một bên là chính trị thực tiễn, và một bên là nguyên tắc và giá trị. Sự tranh cãi về vai trò của Phó Tổng thống giữa hai người chỉ là diện, vấn đề có gian lận bầu cử hay không mới là điểm.

Ông Pence đã thừa nhận kết quả chung cuộc sau khi đã xem xét cả một quy trình bầu cử và tiến trình dân chủ của Mỹ. Tất nhiên ai mà không muốn tiếp tục làm Phó Tổng thống một nhiệm kỳ nữa. Nhưng ông Pence tin tưởng vào tinh thần của người Mỹ, thể hiện từ thời lập quốc Hoa Kỳ cho đến nay, rằng hiến pháp có giá trị cao nhất, và quyết định chọn tổng thống không phải là vai trò của Phó Tổng thống.

Giả sử như ông Pence lấy quyết định, vào lúc đó, không phê chuẩn kết quả bầu cử, thì không rõ hệ quả của nó như thế nào. Nước Mỹ có đi đến nội chiến với nhau không thì không biết. Nhưng chắc chắn nó sẽ là một cuộc khủng khoảng chính trị và hiến pháp.

Nguy hiểm nhất là nó sẽ đưa đến một tiền lệ vô cùng tai hại. Chính ông Pence nói, trong bài phát biểu trên, rằng nếu không còn tin tưởng vào hiến pháp, thì người Mỹ không chỉ thua một cuộc bầu cử, mà còn mất cả một đất nước.

Ông Pence nói ông Trump sai. Nhưng ông dừng lại ở đó, không đi xa hơn để nói ông Trump nói dối.

Câu chuyện tại Úc thì khác. Phó Thủ tướng Barnaby Joyce từng nói xấu Thủ tướng Scott Morrison là một kẻ đạo đức giả và nói dối trong tin nhắn riêng của ông.

Trước vụ tin nhắn của ông Joyce, từ đầu tháng 2 vừa qua, một số tin nhắn riêng giữa các đảng viên cao cấp trong Đảng Cấp tiến đã bị tiết lộ, nói xấu Thủ tướng Morrison rằng ông là một người rất tệ hại (horrible person), gian trá v.v… Khi bị vặn hỏi ông nghĩ sao về chuyện này, Thủ tướng Morrison nói rằng vì ông có quá nhiều điều quan trọng để quan tâm hơn là những chuyện ngồi lê đôi mách này.

Khi biết về sự kiện này, Phó Thủ tướng Joyce cũng tỏ vẻ khá giận dữ với người nói xấu Thủ tướng Morrison, kêu gọi người đó hãy ra trình diện, chứ đừng chờ để bị lộ diện.

Nhưng không ngờ tin nhắn của ông Joyce về Morrison cũng bị tung ra. Nguyên văn tin nhắn của ông Joyce là: “Ông [Morrison] là một kẻ đạo đức giả và là kẻ nói dối theo quan sát của tôi và điều đó đã [diễn ra] qua một thời gian dài. Tôi chưa bao giờ tin tưởng ông ta, và tôi không thích cách ông ấy thành khẩn sắp xếp lại sự thật để thành lời nói dối.”

Thật ra tin nhắn này tuy mới bị tiết lộ cách đây vài hôm nhưng đã xảy ra vào tháng 3 năm 2021, lúc ông Joyce chỉ là một dân biểu ở ghế sau (backbencher), không còn giữ vai trò Thủ lãnh Đảng Quốc gia (National Party of Australia). Trước đó ông Joyce giữ vai trò Thủ lãnh, nên vì liên minh với Đảng Cấp tiến, ông đương nhiên nắm giữ vai trò Phó Thủ tướng, từ tháng 2 năm 2016 đến tháng 2 năm 2018. Ông Joyce bị mất chức thủ lãnh đảng trong 3 năm, cho đến khi ông trở lại nắm vai trò thủ lãnh kể từ ngày 22 tháng 6 năm 2021. Nghĩa là ông Joyce không có cơ hội làm việc sát cánh với Thủ tướng Morrison kể từ ngày 24 tháng 8 năm 2018 khi Morrison lên thay thế cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull. Tuy thế, hai ông đã quen biết và làm việc với nhau trong suốt 15 năm qua, và có cơ hội làm việc khá gần trong khi nắm quyền lẫn đối lập trong 7/8 năm, vì sự liên minh giữa hai đảng Cấp tiến và Quốc gia.

Sau khi biết tin nhắn của mình bị phát tán trong vòng kín với nhau, ông Joyce đã chính thức xin lỗi ông Morrison và xin từ chức. Ông biện luận rằng, tuy biết Morrison lâu rồi, nhưng hai người không phải lúc nào cũng nhìn vấn đề như nhau. Tuy vậy, ông có cơ hội làm việc sát cánh với ông Morrison trong 7 tháng qua, và Thủ tướng Morrison là người có đức tính chính trực và thành thực trong công việc có thể là khó khăn nhất của đất nước.

Ông Morrison không chấp nhận ông Joyce từ chức, khẳng định rằng ông Joyce đã “thành thật xin lỗi và tôi ngay lập tức chấp nhận lời xin lỗi vì thiện chí của ông ấy”. Morrison cũng chia sẻ rằng kể từ khi làm việc sát cánh với nhau, mối quan hệ đã thay đổi. Morrison nói: “Tôi hiểu rằng Barnaby đã ở trong một không gian khác vào năm ngoái, cả về chuyên môn và cá nhân, và vì vậy tôi biết ông ấy thực sự không còn cảm thấy như vậy nữa. Các mối quan hệ thay đổi theo thời gian. Chính trị gia cũng là con người. Tất cả chúng ta đều có những điểm yếu và không ai trong chúng ta là hoàn hảo.”

Sự thật như thế nào thì có lẽ chỉ có hai ông Joyce và Morrison biết với nhau, và người ngoài cũng chỉ suy đoán thôi. Quan hệ giữa hai người luôn là nhiều chiều, và phức tạp. Huống chi là giữa hai chính trị gia, lại là những người đứng đầu quốc gia, đều có nhiều tham vọng. Lời xin lỗi từ ông Joyce, và lời nhận lỗi, tha thứ từ ông Morrison, cũng được diễn giải là vì mục đích chính trị chung lúc này. Bầu cử Úc cận kề, chậm nhất là tháng 5 năm nay. Có thể sớm hơn, bất cứ khi nào Morrison ra quyết định ngày bầu cử từ đây đến đó. Chấp nhận ông Joyce từ chức lúc này chỉ làm cho tình huống khó quản lý và có khả năng trở thành khủng hoảng nội bộ.

Qua các sự kiện trên, ông Morrison chứng tỏ là người khá kiên nhẫn, biết nhịn nhục và có khả năng kiềm chế niềm tự hào của mình khi bị xúc phạm. Morrison chưa có một lời nói phê phán hay mắng nhiếc ông Joyce hay các cộng sự khác trong đảng hay trong chính quyền.

Tôi không biết nếu điều tương tự xảy ra cho ông Trump, ông Putin hay ông Tập, những người được xem là hung hăng/mạnh mẽ (strongmen), thì chuyện gì sẽ xảy ra! Nếu ông Dmitry Medvedev phê phán ông Vladimir Putin, ông Lý Khắc Cường phê phán ông Tập Cận Bình, hay ông Pence phê phán ông Trump, như nói dối và đạo đức giả, thì các ông này sẽ phản ứng ra sao!

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng nói xấu nhau, trong chính trường, cũng là điều rất bình thường. Không ai hoàn hảo, và ai cũng có điểm yếu, cũng dễ bị tổn thương trong một lúc nào đó. Dù sao, điều rõ ràng là phê phán lãnh đạo trong các nền dân chủ xảy ra khá thường xuyên và không có hệ lụy đáng kể nào. Ngược lại, có lẽ cũng vì truyền thống và lịch sử, nó không xảy ra như thế trong các thể chế độc tài, cộng sản hay toàn trị. Khi đã có suy nghĩ và phê phán như thế thì hệ quả thường là các cuộc thanh trừng hay cách mạng, mà đổ máu là điều khó tránh được. Không có văn hóa phê bình sẽ dung túng cho văn hóa bạo lực tiềm ẩn trong các hoạt động con người, đặc biệt là về chính trị.