“Khi chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục”

0
11
Atlanta, Georgia, USA --- Martin Luther King Jr. listens at a meeting of the SCLC, the Southern Christian Leadership Conference, at a restaurant in Atlanta. The SCLC is a civil rights organization formed by Martin Luther King after the success of the Montgomery bus boycott. --- Image by © Flip Schulke/CORBIS

Ngọc Minh

Thứ hai này là ngày lễ tưởng nhớ Martin Luther King, Jr. Một vị mục sư đã là người dẫn đầu cho hoạt động bất bạo động trong Phong trào Dân quyền, đã phản đối thành công sự phân biệt chủng tộc trong luật liên bang và tiểu bang.

Vào ngày 22 tháng 9 năm 1862, Tổng thống Abraham Lincoln đã ban hành Tuyên bố Giải phóng nô lệ. Đến năm 1870, Quốc Hội đã thông qua Tu chính án số 15 nói rằng: “Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị Hoa Kỳ hoặc bất kỳ tiểu bang nào từ chối hoặc tước bỏ vì lý do chủng tộc, màu da hoặc tình trạng nô lệ trước đây”.

Tuy nhiên, TCA 15 đã để mở cho các tiểu bang được quyền tự quyết các tiêu chuẩn cụ thể cho quyền bầu cử. Các tiểu bang miền Nam đã lợi dụng điều này để áp đặt các hoạt động phân biệt đối xử để tước quyền của phần lớn cử tri Da đen. Bắt kiểm tra khả năng đọc viết; bắt đóng thuế tham gia bầu cử (Poll taxes) với số tiền rất cao để loại bỏ dân nghèo; đặc biệt là “grandfather clause” – điều khoản này nói rằng, bạn không thể bỏ phiếu trừ khi ông của bạn đã bỏ phiếu – một điều bất khả thi đối với hầu hết những người có tổ tiên là nô lệ. Tòa án Tối cao hủy bỏ “grandfather clause” vào năm 1915, nhưng những điều khoản khác thì vẫn tồn tại.

Năm 1920 Tu chính án số 19 ghi nhận quyền được tham gia bỏ phiếu của phụ nữ. Tuy nhiên, Tu chính án thứ 19 ban đầu không áp dụng cho phụ nữ gốc Phi, người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Ấn vì tình trạng đàn áp cử tri rộng rãi đối với phụ nữ da đen và phụ nữ da màu khác.

Trong suốt hơn một thế kỷ kể từ khi được giải phóng khỏi kiếp nô lệ, người da đen và kể cả da màu đều không được tự do thực hiện quyền bầu cử theo như Hiến pháp quy định. Martin Luther King, Jr. tham gia và lãnh đạo trong Phong trào Dân quyền từ năm 1955. Mãi đến năm 1964 thì Tu chính án số 24 ngăn cấm hoàn toàn việc sử dụng Poll taxes để ngăn trở cử tri. Ngày 6 tháng 8 năm 1965, Đạo luật Quyền Bầu cử được thông qua mới bảo vệ quyền bỏ phiếu cho người Mỹ gốc Phi và phụ nữ da đen cũng như da màu mới có thể thực hiện quyền bầu cử của mình.

Cùng thời gian đó Martin Luther King, Jr. cũng dẫn dắt người da đen đấu tranh xoá bỏ việc phân biệt ghế ngồi trên xe bus – da trắng được ngồi phía trước, da màu phải ngồi phía cuối xe, nạn phân biệt nhà hàng, trường học, restroom dành cho da trắng sẽ không phục vụ cho da màu.

Người da đen phải đổ biết bao mồ hồi, máu và nước mắt trong suốt cả trăm năm để đòi quyền bình đẳng, xoá nạn phân biệt chủng tộc. Và họ chỉ thực sự được hưởng quyền tự do được quy định trong Hiến pháp đến nay là năm mươi lăm năm, quá ngắn để có thể quên.

Họ đấu tranh cho quyền lợi của người da màu và đạt được nó mới mười năm trước khi những người VN tị nạn đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ (1965 – 1975). Nếu không có nỗ lực của họ, thì những người VN tị nạn nơi này, đến giờ vẫn chung số phận ngồi phía sau xe bus, đi ăn và đi học ở những quán ăn, trường học dành riêng cho dân da màu, thậm chí cũng không có luôn cả quyền được tham gia bầu cử.

Vậy mà một năm vừa qua, tôi nhìn thấy rất đông người VN trên cõi mạng này mạnh tay chửi bới vợ chồng Tổng thống Obama với những ngôn từ rặt mùi kỳ thị chủng tộc, mà tôi không muốn kể lại ở đây. Trong khi rõ ràng Tổng thống Obama còn có 50% dòng máu da trắng chảy trong người (có Mẹ là da trắng), còn họ thì 100% da vàng mũi tẹt. Hay họ nghĩ rằng da họ trắng hơn thì họ thượng đẳng hơn?

Khi phong trào BLM rầm rộ, họ cũng rần rần a dua chửi bới là “bọn lưu manh”, cướp bóc, hãm hiếp, giết người, … Nhưng họ không hề tự nhìn lại xem Mỹ trắng cũng có Mỹ this, Mỹ that; da vàng mũi tẹt cũng có kẻ nọ, người kia; da đen có đa phần là xấu thì cũng có ít phần là người tốt. Cứ gom hết như vậy, thì bây giờ người Mỹ nhìn lá cờ vàng tung bay ở Capitol hôm trước, họ gọi cộng đồng người VN là mob hết thì cảm thấy thế nào?

Chúng ta có quyền tự do chọn cho mình một đảng phái, chúng ta có quyền nghiêng về một quan điểm chính trị, nhưng khi chúng ta chọn lựa người chung vai sát cánh, đồng hành cùng mình thì hãy thật thận trọng và suy xét cho kỹ càng.

Khi người VN rủ rê nhau kéo về DC vào ngày 6 tháng 1 vừa qua, họ đã rất hí ha hí hửng mà rằng: “Proud Boys đông lắm, họ sẽ bảo vệ chúng ta”. Vậy thực ra Proud Boys là ai?

Proud Boys là một nhóm cực hữu do Gavin McInnes thành lập vào năm 2016. Đây là một nhóm cực hữu, theo chủ nghĩa tân phát xít và chỉ dành cho nam giới nhằm thúc đẩy và tham gia vào bạo lực chính trị ở Hoa Kỳ. Vì sao khi xuất hiện, họ thường làm ký hiệu “OK” ở bàn tay? OK cho chuyện gì? Thật ra ký hiệu này, khi đi cùng với chiếc áo đồng phục của Proud Boys thì nó không còn mang ý nghĩa là “OK” nữa, mà nó là “WP” (White Power). (Xem hình).

Ký hiệu White Power của những kẻ kỳ thị da trắng. Ảnh trên mạng

Nếu các bạn xem hình của ngày 6 tháng 1 vừa qua, sẽ không khó để nhận thấy lá cờ Confederate xuất hiện khắp nơi. Lá cờ đó tượng trưng cho 11 tiểu bang đã ly khai Liên bang Hoa Kỳ để duy trì chế độ nô lệ. Ngày nay họ xách lá cờ này tung tẩy khắp nơi để mong muốn điều gì? Bạn thử suy nghĩ xem.

Cũng trong ngày đó, Robert Packer đã có mặt cùng với đám đông tấn công vào tòa nhà Quốc Hội. Hình chụp được cho thấy hắn ta mặc áo thun đen, trên ngực in dòng chữ: “Camp Auschwitz. Work Brings Freedom”. Bạn hãy Google “Trại Auschwitz“ để biết đó là trại gì? Và câu đó ám chỉ điều gì? Tôi không thể viết sẵn cho các bạn đọc vì nó … “phạm huý” của FB, Mark sẽ chém tôi bay account.

Proud Boys, trong lần một lần tụ tập biểu tình đã được nhìn thấy mặc áo với khẩu hiệu 6MWE. Viết tắt của câu “6 Million Wasn’t Enough”. Bạn hãy tiếp tục Google về câu này để hiểu ý nghĩa của nó, vì nó cùng “phạm huý” y như câu trên.

Tóm lại, người da đen mất hơn 100 năm để có được xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng ngay trước khi người VN có mặt ở nơi này. Sự phân biệt chủng tộc mới xoá đi được 55 năm. Ngày nay, nếu dân VN mình nghĩ rằng da mình trắng hơn da đen nên mình có thể an toàn ngã về ủng hộ giấc mơ “da trắng thượng đẳng”, khinh khi và xa lánh da đen thì hãy ráng học thuộc câu:

“Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta bằng đại bác”.

Bởi khi bạn tiếp tay cho những kẻ “da trắng thượng đẳng” kia áp bức dân da đen, thì sẽ đến lúc chúng quay sang dòm ngó chính chúng ta, những kẻ trắng không ra trắng, mà đen cũng không hẳn là đen, cứ vàng vàng bạc nhược.

Một ký giả đài SBTN chụp ảnh chung với những kẻ phân biệt chủng tộc Proud Boys. Photo Courtesy

Nếu bạn thật sự tin rằng xã hội Mỹ sau 55 năm đã hoàn toàn xoá bỏ nạn phân biệt chủng tộc, và sau 4 năm vừa qua không khơi gợi thêm bất kỳ ngọn lửa kỳ thị nào nhen nhóm, thì đó là vì bạn đang sống co cụm ở trong chính cộng đồng của bạn hoặc bạn đang sống ở nơi đô thị có đa dạng sắc dân.

Câu nói trong bài diễn văn của Martin Luther King, Jr. vào năm 1963, đến nay vẫn không hề lỗi thời. Hãy giữ vững giấc mơ để con cháu chúng ta sau này không phải hỗ thẹn về màu da của chúng: “I have a dream that my four little children will one day live in a nation where they will not be judged by the color of their skin but by the content of their character. I have a dream today”.

Nghĩa là: “Tôi có ước mơ rằng, một ngày nào đó bốn đứa con nhỏ của tôi sẽ được sống trong một quốc gia nơi chúng sẽ không bị đánh giá bởi màu da mà bởi tính cách của chúng. Tôi có một giấc mơ hôm nay“.

_____

Một số hình ảnh cho thấy, người da đen/ da màu bị phân biệt đối xử hồi thập niên 1950-1960, trước cuộc cách mạng dân quyền do Mục sư Martin Luther King lãnh đạo: