Hội phụ nữ, Hội nhà văn, Hội nhà báo… sao lại câm miệng như hến lúc này?

0
6
Dạ Thảo Phương

Tuấn Khanh

7-4-2022

Câu chuyện về một tay tài xế được cất nhắc trở thành cai phó của báo Văn Nghệ, trong quá trình hãnh tiến của hắn, đã cưỡng bức một nữ nhà văn trẻ trong suốt nhiều năm, có vẻ lọt thỏm mất tăm trên báo chí nhà nước Việt Nam cũng như trên công luận của mạng xã hội.

Trước đó ít ngày, câu chuyện một người mẫu nữ nước ngoài đến Hội An chụp hình để lộ đồ lót – chỉ trong vài tiếng đồng hồ – được cả hệ thống báo chí sùng sục điên cuồng như tổ quốc bị xúc phạm, đám đông bị dẫn dắt dư luận cũng điên cuồng góp lời chửi rủa không chán. Thậm chí công an cũng lập tức vào cuộc để truy tìm như một vụ án hình sự.

Vậy mà câu chuyện của một trí thức Việt Nam bị cả một đám người nhân danh trí thức bao che tội ác và thỏa hiệp bóp méo sự kiện suốt trong nhiều năm trời, không thấy có một cuộc điều tra nào từ báo chí đến công an.

Vụ án này, là phần cặn bã đáng được phơi bày trong hệ thống phân phối quyền lực trong xã hội Việt Nam, không có chỗ đứng cho trí thức, mà chỉ có chỗ cho một tay lái xe – rất biểu trưng – trở thành lãnh đạo chỉ vì kẻ này biết vâng lời, và giỏi làm dân phòng kiểm duyệt chữ nghĩa. Và từ đó quyền lực phát sinh tỷ lệ thuận với thú tính được bảo bọc.

Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2010, một trong những vụ án ép bán dâm nổi tiếng từ một hiệu trưởng trường trung học ở Hà Giang là Sầm Đức Xương, mà những kẻ mua dâm là các quan chức lại được giấu tên, nhưng các cô gái nhỏ vị thành niên đó thì lại được trưng tên và hình ảnh đầy đủ. Và đó chỉ là một trong những câu chuyện khác chìm nổi trên khắp đất nước này, trong thời kỳ phát triển rực rỡ hôm nay.

Nhà văn nữ bị cưỡng bức nhiều năm, bị vu oan, bị ép nhận là chuyện “tình cảm riêng tư” để xóa bỏ tội ác, cô ấy không phải là người vô danh, cô là một cái tên quen thuộc trong xã hội văn chương Việt Nam, nhưng cô còn bị vùi dập đến vậy, hãy tự hỏi, còn những người không có tiếng nói khác, sẽ như thế nào?

Trong thư ngỏ tố cáo, nhà văn nữ nói rằng cô đã trải qua nhiều năm dài trầm cảm và nghĩ đến chuyện tự tử. Cuộc sống vào đời của một cô gái tuổi 20 cho đến tận hôm nay đã hoàn toàn thay đổi, trở thành năm tháng dài địa ngục bởi tổn thương từ một tay cai văn nghệ, và còn bị xã hội nhỏ chung quanh cô chà đạp, che đậy. Hãy thử tưởng tượng, vì quá tuyệt vọng mà nhà văn nữ đó đã tự tử và đem theo mình nỗi đau đớn đó xuống mồ, thì tội ác này được mãi mãi chôn dấu và những người biết đến cô chỉ có thể tiếc thương mơ hồ cho một sinh mạng bị hủy diệt.

Hội phụ nữ, Hội nhà văn, Hội nhà báo… và tất cả những thứ đoàn thể có liên quan khác sao lại câm miệng như hến lúc này? Hay họ cũng là những nạn nhân bị cưỡng bức suốt bao nhiêu năm nay nhưng lại không đủ dũng cảm lên tiếng chống lại?