Hãy đối xử như người Việt từng được nhận vào đất nước này và được đối xử tốt…

1
95
Một người Mỹ gốc Á tham gia biểu tình Black Lives Matter đòi bình đẳng cho người Mỹ da đen ở Washington DC. Có một sự tranh luận về chủng tộc trong cộng đồng gốc Á sau cái chết của George Floyd đó có sự liên quan của một cảnh sát gốc Hmong.

Van Pham

Nhà tâm lý học và ngôn ngữ học nổi tiếng Steven Pinker, trong tác phẩm The Better Angels of Our Nature”, đưa ra cái nhìn lạc quan về con người. Với bao dữ kiện và bằng chứng hùng hồn, ông đã thuyết phục người đọc rằng con người ngày càng văn minh hơn, nhân bản hơn, và bớt bạo động hơn. Bill Gates nhận xét đây là cuốn sách truyền cảm hứng nhất mà ông đã từng đọc.
Nhưng cũng có những người phản bác lại nhận định này. Như Tanisha M. Fazal and Paul Poast trong bài War Is Not Over trong tạp chí Foreign Affairs.
Bạn lạc quan hay bi quan về con người?
Riêng tôi, trong những ngày qua cảm thấy mình trở nên lạc quan hơn về cuộc đấu tranh cho nhân quyền, nói riêng, và về con người, nói chung.
Nhưng cái giá phải trả là cái chết của ông George Floyd.

Một cô gái gốc Việt cầm biểu ngữ, ủng hộ người gốc Châu Phi trong cuộc biểu tình ở Garden Grove. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
Ban đầu, thật ra, tôi cũng hơi bi quan. Vì tính ra đã gần 72 năm từ khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được công bố mà tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn xảy ra tại cái nôi của văn minh, dân chủ và tự do, quốc gia đã bảo trợ và vận động cho bản tuyên ngôn này.
Bi quan hơn nữa khi biết rằng rất nhiều người Việt, trong lẫn ngoài nước, còn mang nặng óc kỳ thị, qua sự kiện này. Nặng đến độ Gs Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn The Sympathizer, đoạt giải Pulitzer năm 2016, cũng phải mạnh mẽ lên tiếng “Hãy tiếp tục vào các post của tôi mà ‘còm’ tiếp đi hỡi những người Việt kỳ thị chủng tộc…”. Trước đó anh bị phê phán nặng nề vì ủng hộ các cuộc biểu tình và phong trào Black Lives Matter.
Có một số thành phần người Việt không tán đồng quan điểm này. Trong khi đó đại đa số người Việt tại Mỹ và trên toàn thế giới đều là những người lánh nạn cộng sản, độc tài. Phần lớn chúng ta bỏ nước ra đi vì bị áp bức và phân biệt chính trị. Những cái chết trong đồn công an xảy ra quá thường xuyên tại Việt Nam trước đây lẫn hiện nay. Cho nên lẽ ra chúng ta phải hiểu mọi sự bất công, áp bức, và tội ác là điều phải chống tối đa. Và chúng ta cần phải nỗ lực bảo vệ tối đa công bằng bình đẳng nhân phẩm cho mọi công dân trên mảnh đất mình đang sống. Những quốc gia này đã mở cửa đón nhận chúng ta và cưu mang chúng ta. Lẽ ra chúng ta cần chia sẻ các giá trị này với những người đang sống trên mảnh đất chung với mình, bất kể màu da tôn giáo nào, bất kể đến từ đâu, bằng cách nào đi nữa.
Xin nhớ rằng ngày nay những người Việt nào đi xin tị nạn, nếu thành công, nghĩa là được công nhận là người tị nạn đích thực, thì phải đạt được một trong hai quy định căn bản sau đây. Một, phải chứng minh được rằng mình có nỗi sợ chính đáng rằng mình có thể bị hãm hại nghiêm trọng vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm đặc biệt nào đó, hoặc vì quan điểm chính trị (Điều 1A(2) Quy Ước Tị Nạn 1951). Hai, nếu không thì phải chứng minh được rằng nếu bị trả về thì mình sẽ bị hãm hại đáng kể (significant harm, Complementary Protection).

Một cô gái cầm chân dung ông George Floyd. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
Nhiều người Việt đã may mắn được chấp nhận vào các quốc gia văn minh tiến bộ trên toàn thế giới mà không phải trải qua quá trình thanh lọc tị nạn này những năm liền sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Nếu đã trải qua quy trình thanh lọc thành công này, mà còn có óc kỳ thị nữa, thì quả thật tôi không thể hiểu được.
Óc kỳ thị, phân biệt, nhất là phân biệt chủng tộc (racism), như đã nói trước đây, là một loại niềm tin bệnh hoạn, bởi vì cuối cùng những kẻ cuồng tín tự cho mình đứng trên các sắc tộc khác, và đối xử tồi tệ với các sắc tộc họ coi thường.
Dù sao, trong những ngày qua, phong trào Black Lives Matter tại Mỹ và trên toàn thế giới đã cho tôi thêm niềm tin về con người. Những cuộc biểu tình bạo loạn, đánh cắp và phá hoại tài sản của người khác, tất nhiên là điều đáng lên án, không thể tán đồng. Nhưng phần lớn đều là ôn hòa, và cho mục tiêu hoàn toàn chính đáng. Chống lại cái sai, cái ác. Chúng ta đều biết rằng cái ác tiếp tục tồn tại bởi do sự lặng thinh của những người hiểu biết.
Tôi cũng lạc quan hơn khi thấy các bạn trẻ người Mỹ gốc Á (Việt) tham gia nhiều cuộc biểu tình trên toàn thế giới trong gần hai tuần qua. Nó cho thấy người dân khắp nơi đã xuống đường bày tỏ sự đồng cảm với những người da màu; với những mất mát lớn lao mà họ đã trải qua hơn 400 năm nay từ những óc kỳ thị chủng tộc. Lẽ ra, người Việt tự do cần nên tham gia ủng hộ mạnh mẽ vào các phong trào này. Bởi phong trào này và phong trào đấu tranh của Việt Nam hiện nay có cùng chung mục tiêu: nhân quyền. Quyền bình đẳng của mọi con người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị, hay vì là thành viên của một nhóm đặc biệt nào đó. Mục tiêu chung khác là lên án mọi cái ác, lên án những cái chết trong hay ngoài đồn công an, dù người đó có vi phạm luật ra sao. Không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác. Tất cả mọi vấn đề đều phải giải quyết bằng pháp luật hẳn hoi.
Nạn kỳ thị chủng tộc, đặc biệt đối với người Á Đông, gia tăng đáng kể tại Úc và nhiều nơi trên thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 lan rộng lên toàn cầu. Tình trạng kỳ thị người Á Đông hay người Trung Quốc qua vụ này là hoàn toàn sai lầm về mặt đạo đức lẫn chiến lược. Đại đa số người dân Trung Quốc là nạn nhân của đại dịch này do chính sách bưng bít của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Người Trung Quốc không có tội tình gì nhưng lại bị kỳ thị. Lẽ ra chúng ta cần nêu đích danh những người có tội tại Bắc Kinh và Vũ Hán đã để hơn 7,5 triệu người trên toàn cầu trở thành nạn nhân của đại dịch Covid-19, với hơn 420 ngàn người chết cho đến nay. Nhưng vơ đũa cả nắm, nói rằng người Trung Quốc là nguyên nhân, thì không những vô lý, mà còn là cớ và cách chạy tội cho lãnh đạo chính trị Trung Quốc hiện nay. Không những thế, điều đó còn làm cho người dân Trung Quốc đứng về phía Bắc Kinh hơn.
Lẽ ra kỳ thị chủng tộc không nên có trong người Việt tự do. Bởi chúng ta là nạn nhân của tất cả sự phân biệt đối xử này. Nếu còn nhớ “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” thì chúng ta nên mang các quả thơm này tặng cho những người đến sau, và mang hạt mầm dân chủ đến người dân Việt Nam và trên toàn thế giới.
Được như thế, đó là món quà đáng giá nhất để đền ơn cho những quốc gia đã cưu mang hàng triệu người Việt trên toàn thế giới suốt 45 năm qua.