Hậu Bão Harvey: trợ giúp khẩn cấp, phục hồi dài lâu

    0
    791
    Houston Police SWAT officer Daryl Hudeck carries Connie Pham and her 13-month-old son Aiden after rescuing them from their home surrounded by floodwaters from Tropical Storm Harvey Sunday, Aug. 27, 2017, in Houston, Texas. (AP Photo/David J. Phillip)
    BPSOS-Houston
    • Cần thêm nhiều thiện nguyện viên song ngữ
    • Hỗ trợ thiện nguyện viên và cứu trợ nạn nhân

    Mạch Sống, ngày 7 tháng 9, 2017

    https://machsongmedia.com

    Bão Harvey 3, cơn bão hung hiểm nhất trong 12 năm qua đánh vào nước Mỹ, đã 3 lần đổ bộ vào vùng duyên hải Texas, gây tử vong cho 69 người, và làm thiệt hại nhiều trăm nghìn căn nhà. Vệ binh Texas, cảnh sát, nhân viên cứu hoả và nhiều người dân đã thực hiện 17 nghìn cuộc giải cứu; hiện nay 30,000 người đang phải tạm trú vì chưa về lại được nhà. Mức thiệt hại có thể lên đến 190 tỉ Mỹ Kim. Giám Đốc Cơ Quan FEMA, Ông Brock Long, gọi đây là thiên tai gây tổn hại trầm trọng nhất trong lịch sử của Tiểu Bang Texas.

    Cộng đồng người Việt ở Houston đã chứng tỏ tinh thần tương thân tương trợ. Nhiều ngôi chùa, hội thánh, nhà thờ… đã mở rộng cửa đón các nạn nhân tạm trú. Nhiều hội đoàn đã mau chóng quyên góp phẩm vật và cử  phái đoàn đi cứu tế, phân phát nước và thực phẩm cho đồng bào ở các vùng thiên tai. Cộng đồng người Việt ở khắp nơi gây quỹ cứu trợ, và nhiều người trẻ tổ chức những toán tình nguyện đến Houston trợ giúp đồng bào lâm nạn.

    Ngay ngày đầu, các nhân viên và thiện nguyện viên của BPSOS-Houston vừa chạy lụt vừa liên lạc điện thoại với các người quen ở từng vùng bị ảnh hưởng trong thành phố Houston và ở những khu dân cư người Việt dọc vùng duyên hải, để nắm tình hình.

    Ngày 29 tháng 8 — Cộng đồng Việt ở Rosharon cho biết bị lụt nặng. Sóng điện thoại ngắt quãng, họ chỉ có thể nhắn text. Nơi đây toàn thể dân số chỉ vỏn vẹn 1.1 nghìn. BPSOS-Houston lần lượt nhận được tin nhắn từ các cộng đồng Việt ở San Leon, Dickinson, Palacios, và Montgomery. Tất cả đều là những cộng đồng ở hướng Nam của Houston, và được BPSOS-Houston trợ giúp phục hồi sau trận bão Ike năm 2008. Bão quay ra biển và di chuyển sang hướng Đông, đe doạ các cộng đồng ngư phủ ở Anahuac, Port Arthur, Beaumont và Bridge City.

    Ngày 30 tháng 8 — Có người gọi khẩn từ Port Arthur nhưng âm thanh ngắt quãng không thể nghe được. Gọi ngược lại thì không ai bắt máy. Mãi lúc sau, người ấy nhắn text cho biết là Port Arthur bị ngập lụt nặng, đường xá không đi lại được nữa.

    Ngày 30 tháng 8 – Vài nhân viên và thiện nguyện viên ra tìm cách khỏi nhà được và lội nước đến văn phòng. Cô Jannette Điệp, Giám Đốc Điều Hành, kêu gọi số còn lại tiếp tục làm việc tại nhà, và giữ liên lạc với cộng đồng Việt ở các nơi bị ảnh hưởng. Văn phòng BPSOS-Houston, ở trên đường Bellaire, bị sũng nước. Dọn dẹp lắm mới dùng được một nửa. Nửa kia bị hư hại và bị mốc, phải đóng lại và cách ly.

    Ngày 31 tháng 8 – Các luật sự thuộc bộ phận pháp lý của BPSOS-Houston soạn thể thức và tài liệu hướng dẫn cho đồng hương xin trợ cấp từ cơ quan FEMA. Trang website của BPSOS-Houston được thiết kế lại để cung cấp thông tin cập nhật và các hướng dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nhiều đồng hương đến văn phòng để nhờ giúp xin trợ cấp thiên tai, thất nghiệp, tem phiếu thực phẩm, khám sức khoẻ… Một số người cần chăm sóc y tế khẩn cấp đã được sắp xếp để đi bác sĩ hay đến bệnh viện.

    Qua trung gian của một ngư phủ ở Anahuac, BPSOS-Houston được báo động là Port Arthur, thành phố tương đối đông người Việt ở gần đó, bị tan hoang. Ngay cả khu tạm trú cũng đã bị ngập lụt và người dân phải tản cư sang một khu tạm trú khác. Nhiều căn nhà của đồng hương bị mưa và gió tàn phá hoàn toàn. Nhiều thuyền đánh cá của ngư dân bị hư hỏng hay bị sóng đánh trôi mất. BPSOS-Houston báo động ngay cho FEMA để đến tiếp cứu.

    Các nhân viên và thiện nguyện viên của BPSOS-Houston đang giúp đồng bào làm đơn xin trợ cấp khẩn cấp, ngày 06/09/2017 (ảnh BPSOS)

    Ngày 1 tháng 9 – Một số tình nguyện viên giúp tháo thảm ướt ở văn phòng. Cộng đồng ở Anahuac gửi danh sách các đồng hương cần trợ giúp khẩn cấp. LS. Julia Phạm, Quản Trị Viên của BPSOS đến từ Virginia, và LS. Teresa Messer, Quản Trị Viên của BPSOS ở ngay Houston, đến thăm văn phòng BPSOS-Houston và báo cáo tình hình về văn phòng trung ương ở Virginia.

    Ngày 2 tháng 9 – Một toán nhân viên và thiện nguyện viên của BPSOS-Houston đặt quầy ở Siêu Thị Mỹ Hoa để giúp đồng hương, tiện cho những người đi chợ ngày Thứ Bảy. Một cặp vợ chồng sống ở khu Katy, nơi bị lụt nặng, đã phải mất 3 tiếng đồng hồ mới đến được văn phòng. LS Phạm Thế Khanh, trưởng toán luật sư của BPSOS-Houston, lên đài phát thanh VOA để hướng dẫn về các chương trình trợ cấp của FEMA và giải thích về các loại bảo hiểm liên quan đến những thiệt hại do bão Harvey gây ra. Theo LS. Khanh, chỉ 15% người Việt ở Houston mua bảo hiểm lụt.

    Ngày 3 tháng 9 – Khoảng 80 người đến văn phòng từ các vùng Bellaire, Gessner, Beechnut, Bissonnet của Houston. Họ đến từ những khu mà nước đã xuống thấp. Nhiều người gọi đến từ khu Katy và Sugarland báo cho biết là không thể ra khỏi nhà vì nước còn cao và đường xá bị đóng. Nhiều chủ tiệm nail ở Katy lo lắng vì tiệm sẽ phải đóng cửa dài hạn do bị thiệt hại nặng. Toán BPSOS-Houston làm hẹn để giúp họ xin trợ cấp thất nghiệp.

    Cộng đồng ở Anahuac gửi danh sách 21 người cần xin trợ giúp khẩn cấp của FEMA, nhưng các thiện nguyện viên liên lạc với họ rất khó khăn vì họ chưa về nhà được để kiểm tra thiệt hại. Ở Port Arthur cũng thế. Đồng hương ở Dickinson bắt đầu nhận được sự trợ giúp của FEMA. San Leon chỉ bị thiệt hại nhẹ. Nhà thờ và chùa ở đấy không bị hư hại.

    Ngày 4 tháng 9 – Lễ Lao Động. Các nhân viên của BPSOS-Houston ở nhà để dọn dẹp chính nhà của mình. Cô Jannette Điệp trả lời phỏng vấn của BBC. Hai người ở Quận Cam cho biết họ sẽ đến Houston để tham gia toán tình nguyện viên của BPSOS giúp nạn nhân bão lụt.

    Ngày 5 tháng 9 – BPSOS-Houston phối hợp với tổ chức OCA của cộng đồng người Hoa để tổ chức lớp huấn luyện cho các thiện nguyện viên, nhằm hỗ trợ các cộng đồng sắc dân ở khắp Houston. Buổi huấn luyện được thực hiện ở phòng phía sau. Nơi tiếp khách của văn phòng BPSOS-Houston được biến thành khu lập hồ sơ xin trợ cấp.

    Ngày 6 tháng 9 – Một nhóm chuyên gia ở Seattle liên lạc, cho biết là họ sẽ tổ chức gây quỹ để yểm trợ công tác cứu trợ đồng bào của BPSOS-Houston. Tổ chức National Asian Pacific American Families Against Substance Abuse ở Los Angeles cũng báo cho biết là các thành viên của họ sẽ gây quỹ yểm trợ. BPSOS-Houston ra thông báo kêu gọi thêm nhiều thiện nguyên viên song ngữ để thay phiên nhau giúp đồng hương về giấy tờ và về thông dịch, tại văn phòng BPSOS-Houston từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày.

    BPSOS-Houston sẽ gửi một toán trợ giúp đến cộng đồng người Việt ở San Leon và Dickinson ngày 23 tháng 9, Rosharon ngày 30 tháng 9, và các cộng đồng ngư dân khác trong tuần sau đó. Đang cần thiện nguyện viên đi cùng để giúp hồ sơ xin trợ cấp khẩn cấp, và cũng cần một số y tá và bác sĩ để phụ giúp phần khám sức khoẻ.

    Ngày 7 tháng 9 – BPSOS ở trung ương bắt đầu kêu gọi gây quỹ trong cộng đồng Việt và các cộng đồng bạn để cứu trợ nạn nhân Bão Harvey. Một phần quỹ sẽ được dùng để phụ cấp cho các thiện nguyện viên về chi phí vận chuyển và ẩm thực trong thời gian tình nguyện. Phần còn lại sẽ dùng để trợ giúp những trường hợp ngặt nghèo.

    Trong suốt thời gian 10 ngày qua, văn phòng trung ương của BPSOS ở Bắc Virginia bắt liên lạc với các tổ chức toàn quốc để kêu gọi sự yểm trợ cho các cộng đồng Việt bị ảnh hưởng, và chuẩn bị kế hoạch phục hồi dài hạn. Theo kinh nghiệm của BPSOS qua nhiều cơn bão trong 12 năm qua, việc trợ giúp đồng bào bão lụt gồm 3 giai đoạn:

    Giai đoạn khẩn cấp: Trong vòng tháng đầu, việc trợ giúp để sinh tồn là quan trọng nhất. Nạn nhân cần tiền mặt để chi dụng, tìm nơi tạm trú, dịch vụ y tế, xin trợ cấp thất nghiệp…

    Giai đoạn tái ổn định: Trong khoảng 6 tháng sau đó, nạn nhân cần đối phó với chính sách bảo hiểm, xin trợ cấp lâu dài của FEMA, tìm các nguồn trợ cấp phụ trội từ các tổ chức từ thiện, làm đơn xin trailer để sống tạm, sửa sang nhà cửa và cơ sở kinh doanh, tìm việc làm tạm thời…

    Giai đoạn phục hồi: Những khu bị thiệt hại nặng có thể mất từ 3 đến 5 năm để phục hồi cuộc sống cá nhân và vực dậy đời sống cộng đồng. Họ cần sự trợ giúp dài hạn trong việc khôi phục doanh nghiệp, tái thiết nhà cửa, tranh chấp về bảo hiểm, xin trợ cấp lâu dài của các tổ chức tư nhân, tái định cư… Trong giai đoạn này, cộng đồng địa phương sẽ cần có những thiện nguyện viên song ngữ hoặc nhân viên song ngữ của các tổ chức và cơ quan tại chỗ để giúp đỡ. FEMA, cơ quan của chính phủ Liên Bang về cứu trợ khẩn cấp sau thiên tai, không có chương trình trợ giúp trong giai đoạn phục hồi này.

    Cô Jannette Điệp, Giám Đốc Điều Hành BPSOS-Houston, trả lời câu hỏi tại buổi huấn luyện các thiện nguyện viên, ngày 05/09/2017 (ảnh BPSOS)

    Các thông tin liên quan:

    Cần trợ giúp khẩn cấp, xin liên lạc BPSOS-Houston: 281-530-6888