Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Hai gã khổng lồ đây là Trung Quốc (9.6 triệu km2 – dân số1.4 tỷ) và Ấn Ðộ (3.2 triệu km2 – dân số 1.3 tỷ), chú bé ở giữa là Bhutan (38,000 km2 – 750,000 dân).
Hiện nay, quân đội Ấn Ðộ và Trung Quốc đang đối đầu trên lãnh thổ Bhutan, trong cuộc tranh chấp vẫn thường xảy ra lâu nay dọc theo đường biên giới dài 2,500 km trên vùng núi cao giữa hai nước.
Sự việc bắt đầu ngày 16 Tháng Sáu khi Bhutan, vương quốc được Ấn Ðộ bảo trợ, nhận thấy Trung Quốc đưa công binh đến làm một con đường ở vùng ba biên giới trên cao nguyên Doklam với ý định nối dài thêm về phía Nam tới gần Ấn Ðộ. Ngay lập tức, Ấn Ðộ phái một đơn vị quân đội đến ngăn chặn việc này và binh lính hai bên không đụng độ nhưng đối diện nhau ở khoảng cách chỉ vài trăm thước.
Bhutan có thỏa hiệp với Ấn Ðộ từ năm 1949 vì lo ngại Hồng Quân Trung Quốc sau khi chiếm được toàn thể lục địa có thể xâm lăng tới. Theo thỏa thuận, hai bên không để cho lãnh thổ của mình được sử dụng có phương hại đến an ninh của nhau. Con đường đất không tráng nhựa ở cao nguyên Doklam nếu được nối dài về phía Nam sẽ là đe dọa về quân sự của Trung Quốc cho hành lang Siliguri, tên Ấn Ðộ là “Chiếc Cổ Gà,” một dải đất hẹp bề ngang không quá 30 km nối liền năm tiểu bang miền Ðông Bắc Ấn Ðộ với chính quốc.
Nhưng theo lập luận của Trung Quốc thì một phần cao nguyên Doklam mà họ gọi bằng tên Donglam là thuộc lãnh thổ Trung Quốc và họ có thể mở đường mà Bhutan và Ấn Ðộ không được phép ngăn cản. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đòi hỏi quân Ấn Ðộ phải triệt thoái vô điều kiện trước khi có thể mở bất cứ cuộc thảo luận nào. Nhưng Bhutan yêu cầu Trung Quốc ngưng việc mở đường vì hành động này là vi phạm các thỏa thuận năm 1988 và 1998 giữa hai nước về sự duy trì nguyên trạng tại khu vực.
Rắc rối phức tạp ở khu vực này là do thỏa thuận năm 1890 giữa đế quốc Anh và Thanh Triều quy định sự phân chia ranh giới không rõ ràng ở vùng núi gần hành lang Siliguri. Năm 1962 chiến tranh biên giới Trung Quốc-Ấn Ðộ xảy ra trong vùng núi cao Himalaya, kết quả 80,000 Hồng Quân Trung Quốc thắng 12,000 quân Ấn Ðộ và sau đó tranh chấp biên giới luôn luôn tiếp tục xảy ra dù không có xung đột lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia quân sự Ấn Ðộ thì tiểu bang Sikkim, phía Bắc hành lang Siliguri, là khu vực duy nhất Ấn Ðộ có thể phản công thắng lợi nếu xâm lăng xảy ra, nhờ vào địa thế và lợi điểm chiến thuật. Bộ Trưởng Quốc Phòng và Tài Chính Ấn Ðộ Arun Jaitley khẳng định là Ấn Ðộ 2017 không phải là Ấn Ðộ năm 1962, Trung Quốc đừng hy vọng tái tạo ưu thế quân sự như trước kia.
Trong những năm gần đây, Ấn Ðộ đã tăng cường lực lượng quốc phòng rất mạnh, mua nhiều vũ khí cũng như sản xuất vũ khí với sự trợ giúp của Nga. Ấn Ðộ nói là họ có một đơn vị sơn chiến 80,000 binh sĩ huấn luyện đặc biệt cho chiến tranh ở vùng rừng núi cao và khả năng chuyển quân được gia tăng nhờ các phi trường mới mở trong vùng gần biên giới với những máy bay vận tải quân sự mua của Nga hay Mỹ bao gồm lL-76, C-130 và C-17.
Ấn Ðộ được coi là một trong số rất ít các quốc gia sẵn sàng đương đầu bằng quân sự với tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc.
Neville Maxwell, nhà báo kỳ cựu có hai quốc tịch Úc và Anh, từng là phóng viên trong chiến tranh biên giới Ấn-Trung năm 1962, cho rằng Thủ Tướng Narendra Modi ngày nay cũng theo đường lối cứng rắn như Thủ Tướng Jawaharlal Nehru hơn 60 năm trước về vấn đề biên giới với Trung Quốc. Còn cựu đại sứ Ấn Ðộ ở Trung Quốc Ashok Kantha nói là Trung Quốc sẽ không ngừng thực hiện tham vọng bành trướng trên đất liền cũng như ở Biển Ðông bằng chiến lược tàm thực (tằm ăn dâu) nghĩa là lấn dần.
Trong tình hình ấy, nguy cơ xung đột giữa hai quốc gia tổng cộng có 2.7 tỷ dân là khó tránh khỏi, tuy nhiên có lẽ chưa phải là ngay ở thời điểm này vì không bên nào thu được lợi ích gì cụ thể với một trận chiến tranh như thế. Do đó, cuộc đối đầu giữa hai quân đội hiện nay ở cao nguyên Doklam hầu như chắc chắn sẽ được giải quyết theo đường lối ngoại giao, nhưng sẽ phải qua một thời gian dài mới có thể đi đến kết quả. Vả lại, vì những lý do không hẳn trực tiếp liên quan tới khu vực núi cao hiểm trở này, Ấn Ðộ hay Trung Quốc sẽ không bên nào chịu công khai lui bước.
Có một yếu tố khác đáng lưu ý là vào lúc nước Mỹ muốn giảm vai trò dẫn đạo thế giới thì Trung Quốc và Ấn Ðộ đều ngấm ngầm muốn thay thế vào khoảng trống ấy, trước hết là ở khu vực Nam và Ðông Nam Á.
Hồi Tháng Năm, Ấn Ðộ tẩy chay không tham gia hội nghị khởi đầu sáng kiến Nhất Ðái Nhất Lộ (Con Ðường Tơ Lụa) ở Bắc Kinh, do Chủ Tịch Tập Cận Binh đề xuất, vì cho là trong dự án náy các nội dung căn bản về chủ quyền và lãnh thổ không được quan tâm đúng mức. Sự thật thì Ấn Ðộ không hài lòng với việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng qua Pakistan và giành vị thế ưu việt ở vùng Ấn Ðộ Dương.