Giới thiệu chuyên đề: Hiến pháp và Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

0
120
Ảnh: Harvard/Getty Images. Đồ họa: Luật Khoa

LUẬT KHOA

ByLê Nguyễn Duy Hậu22/09/2020

Hiến pháp và hệ thống chính quyền từ lâu được xem như một thứ quyền lực mềm của nước Mỹ đối với thế giới. Đó là bản hiến pháp thành văn cổ xưa nhất còn tồn tại trên thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, và có sức ảnh hưởng không nhỏ trong tư tưởng lập hiến của nhiều quốc gia. 

Một khảo sát năm 1987 nhân kỷ niệm 200 năm ngày ra đời bản Hiến pháp của tạp chí TIME cho rằng 160 trên tổng số 170 quốc gia lúc bấy giờ học hỏi toàn bộ hay một phần Hiến pháp Mỹ trong hiến pháp của họ. 

Trong giới trí thức pháp lý Việt Nam, phong trào nghiên cứu Hiến pháp Mỹ cũng rất sôi nổi, với nhiều xuất bản phẩm được ra mắt qua các năm. Điều này có thể được giải thích là do tính khoa học, chặt chẽ của bản Hiến pháp, đồng thời cũng nhờ vào những câu chuyện “truyền cảm hứng” được bộ máy ngoại giao và tuyên truyền văn hoá Mỹ tạo ra trong suốt thế kỷ 20.

Tuy nhiên, vào năm 2012, một nghiên cứu có phương pháp hơn của hai nhà nghiên cứu thuộc Đại học California – Irvine và Đại học Virginia, được đăng trên New York University Law Review thuộc Đại học New York lại chỉ ra một thực tế rằng Hiến pháp Mỹ đang dần mất đi ảnh hưởng với tư cách là nguồn tham khảo chính khi các quốc gia làm hiến pháp. Theo đó, nhiều quốc gia từ bỏ mô hình tổng thống chế của Mỹ để theo đuổi các mô hình có tính hỗn hợp hoặc đại nghị hơn. Không còn quốc gia nào trên thế giới, kể cả những chính phủ mới thành lập sau hai cuộc chiến tranh do Mỹ phát động là Iraq và Afghanistan, còn sử dụng bản hiến pháp có thể coi là tương tự với Hiến pháp Mỹ. Hai nhà nghiên cứu chỉ ra rằng thay thế cho bản Hiến pháp Mỹ với tư cách tài liệu tham khảo chính là bản Hiến pháp Canada vì tính đương thời của nó hơn khi nói về quyền con người.

Mở đầu như vậy không phải là để xem nhẹ bản Hiến pháp Mỹ trong khoa học pháp lý hiện đại. Ngay ở chính nước Mỹ, tuy có những tiếng nói trong giới học thuật đòi thay thế hoàn toàn bản hiến pháp năm 1791 bằng một bản hiến pháp mới [1], song không hề có một phong trào xã hội nào hưởng ứng những lời kêu gọi nói trên [2]. Nhưng sự hiểu biết về tính không toàn diện của Hiến pháp Mỹ lẫn nền dân chủ Mỹ mở ra một nghiên cứu mới cho những người thực tâm muốn tìm hiểu một con đường dân chủ hoá cho đất nước Việt Nam. Nó giúp chúng ta tránh khỏi sự giáo điều, cuồng vọng rằng nước Mỹ vĩ đại một cách trọn vẹn, rằng bản Hiến pháp là một văn kiện pháp lý hoàn hảo, rằng hệ thống dân chủ Mỹ luôn hoạt động trơn tru… dẫn đến lối suy nghĩ rằng chỉ cần ngồi xuống viết một bản hiến pháp tương tự như của Mỹ là nền pháp quyền sẽ bao phủ khắp Việt Nam.

Nước Mỹ trở thành dân chủ trên nền tảng của một bản hiến pháp cởi mở chứ không phải chỉ nhờ vào bản hiến pháp đó. Và trung tâm của cuộc đấu tranh dân chủ đó là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Nền dân chủ Mỹ có hình hài như ngày hôm nay là nhờ vào nỗ lực, sự thỏa hiệp, và những quyết định của những con người chính trị vào những thời điểm cụ thể, đặc biệt là pháp đường của Tối cao Pháp viện. 

Nếu như Chánh án John Marshall không đi một nước cờ chính trị để đòi quyền tài phán hiến pháp, nước Mỹ sẽ mãi mãi thiếu vắng một cơ chế bảo hiến như ta thấy hiện nay, và tòa án tối cao của Hoa Kỳ có lẽ đã không có vai trò kiềm chế như hiện nay. 

Nếu như Warren không kiên quyết với án lệ Brown và Tổng thống Eisenhower không chọn việc tuân thủ phán quyết bằng quân đội, dân quyền cho người da đen có lẽ sẽ không được thiết lập. 

Và nếu như Tối cao Pháp viện không chủ động đứng ngoài những đấu tranh chính trị, thì biết đâu nền dân chủ Mỹ cũng đã rất khác. 

Nền dân chủ, do đó, cần nhiều hơn một văn bản pháp luật dân chủ – nó còn đòi hỏi một văn hoá dân chủ do những con người dân chủ tạo nên. Washington, nếu còn sống, có lẽ cũng sẽ rất bất ngờ (nhưng tự hào) khi “cuộc thử nghiệm” [3] mà nước Mỹ trao cho nhân dân cách đây 200 năm đã biến nước Mỹ thành một quốc gia có lên, có xuống nhưng cũng không đến nỗi nào như hiện nay. Và người Việt khi nhìn vào thành công của cuộc thử nghiệm đó cần nhìn xa hơn là những thứ bề mặt như bản hiến pháp hay các cuộc bầu cử, hay các câu khẩu hiệu rằng chỉ cần tam quyền phân lập, kiềm chế đối trọng là sẽ thành công… mà phải đặt nó vào tương quan của văn hoá, lịch sử, và đặc biệt là những con người đã làm nên nền dân chủ Mỹ trên nền tảng của bản hiến pháp.

Loạt bài viết của Luật Khoa sẽ chú trọng vào những câu chuyện về sự hình thành, phát triển, và chiếm giữ vị trí trung tâm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong nền chính trị Mỹ. Mở đầu từ thế lưỡng nan của John Marshall trong vụ Marbury, đến án lệ nức tiếng Dred Scott đã dẫn đến cuộc Nội chiến và làm suy giảm vai trò của Tối cao Pháp viện trong suốt một thời gian dài. Chúng ta cũng sẽ nói về thời kỳ mà các thẩm phán Tối cao Pháp viện cố gắng tạo nên dấu ấn của mình trong nền chính trị Hoa Kỳ, để rồi bị các học giả nước ngoài gọi là “chính quyền ông tòa” phản dân chủ. Và chúng ta sẽ kết thúc bằng cách Tối cao Pháp viện Mỹ đóng dấu ấn của mình trong tiến trình dân quyền Mỹ trong thập niên 1960 và những cuộc đấu tranh ngày nay.

Học hỏi từ những câu chuyện đó để có thêm động lực cho người dân Việt Nam hiểu rằng không có gì là từ trên trời rơi xuống cả và từng quyết định nó có thể đem lại những hậu quả hoặc lợi ích lâu dài cho đất nước.


Chú thích:

[1] Trong số này, Sanford Levinson là một cá nhân nổi bật nhất với những bài viết của ông.
[2] Có lẽ xuất phát từ việc nhìn chung người dân Mỹ cũng không quá hiểu biết về hiến pháp (xem Washington Post –  Public ignorance about the Constitution(2017) – dẫn một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania).
[3] Thư của Jefferson gửi John Tyler Washington năm 1804: “Không có cuộc thử nghiệm nào hứng thú hơn cuộc thử nghiệm mà chúng ta đang tiến hành. Chúng ta cũng tin rằng kết quả của cuộc thử nghiệm này chính là việc xác lập được một sự thật rằng lý lẽ và sự thật có thể giúp điều khiển con người…”

***

Đón đọc Kỳ 1: Quyền tài phán của tư pháp (judicial review) và quyết định của Chánh án Marshall

Nguồn : https://www.luatkhoa.org/2020/09/gioi-thieu-chuyen-de-hien-phap-va-toi-cao-phap-vien-hoa-ky/