Facebook trả lời BBC News Tiếng Việt về sự cố ‘đổi tên trang’ cuối tháng 10/2021

    0
    12
    Getty Images

    BBC Tiếng Việt

    17 tháng 11 2021

    Gần hai tuần sau khi BBC News Tiếng Việt bị đổi tên trong sự cố xảy ra gần như cùng lúc với một số đài quốc tế, đại diện Facebook trả lời nhưng không giải thích kỹ về vụ việc.

    Đại diện của Meta, công ty chủ Facebook hứa ‘tiếp tục điều tra’ vụ trang Facebook của BBC News Tiếng Việt bị đổi tên ngày 30/10, cùng thời gian với các trang của RFA Việt ngữ và VOA Tiếng Việt tại Hoa Kỳ.

    Trang Facebook của RFA (Á châu Tự do) bị đổi thành “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”, BBC News Tiếng Việt bị sửa thành “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, và VOA Tiếng Việt là “Đông Lào Muôn Năm”.

    Sau vài giờ, các tên chính chủ của những trang này được trả lại.

    Cùng lúc, một nhóm truyền thông tiếng Việt tại Berlin là Thời báo (thoibao.de) cũng cho biết họ bị đổi tên thành “Việt Nam Muôn năm 79” trong vài ngày liền.

    Cộng đồng dùng Facebook ở Việt Nam và trên thế giới đã chia sẻ nhiều bình luận lo ngại về “tin tặc có mục tiêu chính trị” tấn công ba đài lớn ở Hoa Kỳ và Anh Quốc trước giờ các lãnh đạo Việt Nam đi thăm Anh và châu Âu cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021.

    Những ý kiến lo ngại về độ an toàn của nền tảng Facebook rất phổ biến tại Việt Nam ngay lập tức tăng lên, nhất là sau khi một số báo quốc tế như Washington Post cuối tháng 10/2021 đăng bài cáo buộc Facebook “hợp tác với chính phủ Việt Nam” vì lợi ích kinh tế để thanh lọc các nội dung chính trị trái ý Đảng CSVN.

    Nội dung đó cũng được trang web của BBC News Tiếng Việt tường thuật lại trong bài Facebook: Mark Zuckerberg ‘đích thân ký với VN để chặn bài “chống nhà nước” hôm 26/10.

    Trước các câu hỏi BBC World Service gửi cho đại diện báo chí của Facebook về lý do sự cố (incident), về nghi vấn tin tặc “có hỗ trợ của chính phủ” gây ra sự việc và về cam kết đảm bảo an ninh cho BBC (có hợp đồng với tập đoàn Facebook từ lâu), câu trả lời từ một đại diện báo chí của Meta, công ty mẹ của Facebook cho BBC hôm 11/11/2021 chỉ gồm nội dung sau:

    “Chúng tôi liên tục làm việc để đẩy các hoạt động đáng ngờ ra khỏi nền tảng của mình và bảo vệ tài khoản của mọi người. Các vụ tấn công bằng ‘phishing’ không phải chỉ xảy ra riêng với Facebook, thế nhưng, chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào các công nghệ an ninh để bảo vệ tài khoản của mọi người…”

    Riêng về “sự cố” nói trên, Meta nói Facebook “đang tiếp tục điều tra và sẽ có hành động (take action) chống lại mọi tài khoản hoặc nội dung trái với Quy tắc Cộng đồng của chúng tôi” – nguyên văn “We continue to investigate this incident, and will take action against any accounts or content found to have violated our community standards.”

    Văn bản này cũng chia sẻ với BBC một loạt khuyến nghị “tự bảo vệ” cho hoạt động đăng bài trên Facebook bằng các thao tác đã thông báo nhiều trên trang này như hai lớp xác định danh tính để bảo mật…

    Trước đó, đại diện của Ban Mạng xã hội, BBC World Service, bộ phận làm việc trực tiếp với đối tác Meta (Facebook) cho BBC News Tiếng Việt biết dòng chữ trong phần Minh bạch (Page Transparency – ghi lại các thay đổi), ghi rằng BBC News Tiếng Việt “đổi tên” ngày 30/10 đã được xóa đi.

    Truyền thông các nơi nói gì?

    Ngay trong ngày xảy ra sự việc, BBC News Tiếng Việt đăng tin ngắn trên Facebook, nói đang điều tra sự cố.

    Ngay trong ngày 30/10/2021, trang Quân đội Nhân dân ở Việt Nam cho hay họ đã “tìm hiểu” vụ việc xảy ra với các đài BBC, RFA, và VOA.

    Nhưng tờ báo bác bỏ ý kiến rằng “có những ‘hacker yêu nước’ làm nên chuyện đó”.

    “Báo QĐND Điện tử đã tìm hiểu thì những suy diễn kiểu đó là không có cơ sở; không có chuyện cơ quan chức năng liên quan đến việc này như một số thông tin trên mạng xã hội.”

    Tuy thế, bài báo không nói rõ họ có nghi vấn gì về khả năng tin tặc đến từ đâu hay không.

    NurPhoto/Getty Images

    Facebook có hàng chục triệu người dùng ở VN

    Sang ngày 2/11, VOA Tiếng Việt có bài nói về ý kiến của trang Quân Đội Nhân Dân.

    Ngày 14/11/2021, đài Deutsche Welle (DW) của chính phủ Đức có bài nhắc đến việc các đài quốc tế bị tấn công mạng, và mô tả các sự việc xung quanh trang thoibao.de.

    Đặc biệt DW đăng cả một đồ họa của OpenNetInnitiative về “kiểm duyệt mạng chống lại nội dung chính trị” với Trung Quốc và Việt Nam được đánh dấu đậm nhất, chỉ dấu của kiểm duyệt nặng nề nhất.

    Bài báo cũng nêu ví dụ ông Lê Trung Khoa, trưởng biên tập thoibao.de tố cáo đã bị tấn công mạng nhiều lần.

    Nội dung tương tự được trang Taz.de tại Đức đăng trong bài ngày 15/11/2021.

    Bản thân ông Khoa cho BBC hay:

    “Thoibao.de bị tấn công mạng kể từ sau khi tường thuật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, vào tháng 11/2017, đó là những đợt tấn công bằng kỹ thuật từ chối dịch vụ (DDOS) vào trang web tin tức thoibao.de, khiến cho người đọc không thể truy cập được trang để xem tin tức.

    Gần đây nhất từ ngày 30/10/2021 đã xảy ra liên tục các cuộc tấn công như vậy với cường độ ngày càng mạnh hơn, khiến cho cả trung tâm máy tính của nhà cung cấp dịch vụ bị ảnh hưởng. Họ đã cho biết ‘đây là cuộc tấn công cấp nhà nước’. Cảnh sát chuyên về an ninh mạng Đức đã vào cuộc và điều tra nguồn gốc xuất phát của các cuộc tấn công này.”

    Facebook, đài BBC và vấn đề an ninh mạng

    Hồi năm 2020, trả lời BBC, Facebook thừa nhận phải chặn những nội dung ‘bị chính phủ Việt Nam yêu cầu xóa’, nhưng để cho người bên ngoài vẫn xem được.

    Tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố tài liệu hôm đầu tháng 12/2020 nói Facebook và Google đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam kiểm duyệt những lời chỉ trích và trấn áp tiếng nói của giới bất đồng chính kiến.

    Hôm 4/12/2020, bà Amy Sawitta Lefevre, Policy Communications Manager của Facebook, thừa nhận tập đoàn này “không phải lúc nào cũng đồng ý với chính phủ Việt Nam về các vấn đề như quyền phát ngôn và quyền biểu đạt”.

    Tuy thế Facebook cũng nói với BBC tập đoàn này nỗ lực đưa dịch vụ của mình tới mọi người sử dụng để họ có thể thể hiện quan điểm.

    Đây không phải là lần đầu tiên đài BBC bị tin tặc tấn công.

    Ngay từ 2015, BBC xác nhận các trang của đài này bị tin tặc tấn công và vụ việc được các báo Mỹ đăng tải.

    Đầu năm 2016, một nhóm tự xưng là New World Hacking đã xóa nội dung trên trang BBC News, bản tiếng Anh để “chứng tỏ khả năng”.

    Nhóm này nói họ là “kẻ thù của Nhà nước Hồi giáo IS” và làm chuyện đó sau khi có tin IS thử tấn công mạng tin tức của BBC, theo một bài của BBC News 02/01/2016.

    Tuy thế, việc tấn công trực tiếp vào các trang do BBC quản trị khác với việc chiếm quyền kiểm soát trang đăng nội dung của BBC nhưng do công ty tư nhân phụ trách, trong trường hợp này là Facebook.

    BBC News Tiếng Việt có 2,7 triệu người theo dõi trên mạng xã hội này, ở Việt Nam và trên hàng chục quốc gia.

    Vụ ‘đổi tên’ trang Facebook của BBC News Tiếng Việt mà đến nay không được Facebook xác nhận ai là thủ phạm tuy vậy đã được một báo cáo về tính thông suốt của thông tin quốc tế thuộc tập đoàn BBC ghi nhận ngày 5/11/2021.

    Báo cáo này cũng cho hay các trang của BBC News “bị chặn nghiêm trọng tại Trung Quốc, Iran và gặp vấn đề bị chặn có chọn lọc hoặc bóp băng tần đường truyền ở Việt Nam”.