Đúng không thể chối cãi rằng, giáo dục đang sặc mùi tiền!

    0
    324
    Phụ huynh yêu cầu Hiệu trưởng tiểu học Đặng Cương từ chức.
    Bài viết của cộng tác viên

    (Xã hội) – Khi dư luận, đặc biệt là cha mẹ học sinh quá choáng với “hoá đơn” thu tiền đầu năm ở Trường THCS Minh Tân (xã Minh Tân, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) và muốn xỉu với việc Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thu tiền học 16 triệu đồng/em/năm thì việc Thanh tra Bộ GD&ĐT lại thông báo rằng, sau khi kiểm tra tại bốn tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An, phát hiện nhiều trường lạm thu, tất cả đều phải thốt lên “giáo dục đang sặc mùi tiền”!

    Ngày xưa phụ huynh rất phấn khởi khi các em bắt đầu năm học mới, thế nhưng nay nghe tin và sau khi họp phụ huynh đầu năm cha mẹ, ông bà các em chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Bởi dường như, con em họ đang được nuôi dạy trong một môi trường kinh doanh giáo dục. Các khoản thu đầu năm quá nặng, quá bất hợp lý đến nỗi cha mẹ các em chỉ biết than trời.

    Các khoản thu đầu nămCác khoản thu đầu năm

    Đơn cử như việc thu 750 000 tiền đồng phục học sinh trong khoản 16 triệu đồng/năm của Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Tiền gì mà thu dữ vậy, đồng phục mà những 750.000 đồng, trong khi nhiều em vẫn còn đồng phục cũ có thể tiếp tục sử dụng?

    Phụ huynh thắc mắc thì hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân bảo “đồng phục đã lỡ đặt, giờ gia đình học sinh mua giùm chứ biết tính sao”. Tính sao là tính sao, đâu phải gia đình học sinh nào cũng có điều kiện, ngoài 750.000 đồng ấy họ còn phải đóng hơn 8 triệu đồng cho gần 20 khoản khác (mà chưa chắc hợp lý), ai tính giùm họ?

    Chưa hết, tại sao trường lại đặt đồng phục lên đến 750.000 đồng, trong khi họp phụ huynh đã không tán thành việc thay toàn bộ đồng phục, nhưng nhà trường vẫn bắt buộc phải thay toàn bộ đồng phục là sao? Nhà trường có thể liệt kê vì sao mà ngày xưa phụ huynh các em học sinh có thể tự trang bị quần áo cho con em mình và đồng phục duy nhất các em phải mua là thể dục, nhưng nay lại bày vẽ cái gì mà lên đến số tiền quá lớn như vậy?

    Bên cạnh đó, đồng phục mặc hằng ngày có thể nói là do cũ, mặc nhiều nên phải thay thế nhưng đồng phục thể dục ít mặc (1 tuần 1 buổi) nên đại đa số còn rất mới (chỉ có vài học sinh là bị ngắn, chật hoặc bẩn), thế nhưng tại sao nhà trường bắt buộc phải thay? Khi phụ huynh thắc mắc thì cô giáo nói đó là chủ trương của nhà trường! Chủ trương nào thì cũng phải đúng pháp luật và hợp lòng dân. Ở đây, nhà trường không chia sẻ với phụ huynh? Không được sự đồng thuận của phụ huynh và đi ngược lại công văn của Sở! Và câu hỏi đặt ra là: Mục đích của việc thay toàn bộ đồng phục thể dục (thay đổi màu để không ai được mặc đồng phục cũ) để làm gì?

    Có một số phụ huynh đã khẳng định rằng, việc bắt buộc mua đồng phục thể dục rất có lợi cho trường, ví dụ như ở trường con họ, tiền đồng phục thể dục phải đóng là 241 ngàn đồng/bộ, nhưng khi mang mẫu ra chợ Đồng Xuân hỏi thì được biết đó là hàng Trung quốc may sẵn về may phù hiệu trường vào. Có 3 kích cở (size) cho cả quần và áo, với giá tiền là 100 ngàn đồng, 120 ngàn đồng và 140 ngàn đồng cho một bộ bán lẻ (cho các lứa tuổi từ 12 tuổi đến người lớn). Nếu mua từ 100 bộ trở lên, giá sẽ thấp hơn. (Quần gió thể thao, áo phông cộc tay).

    Thế nhưng, nếu hàng mua sẵn hoặc là đặt may đo nhưng đó là vải Trung quốc. Nếu đặt may đo thì quần (to nhất) là 90 ngàn đồng/chiếc. Áo là 70 ngàn đồng/chiếc. Nếu số lượng trên 250 cái sẽ được giảm khoảng 5% và sẽ được trích hoa hồng khoảng 1% – 2%.

    Như vậy, nếu mua sẵn thì chỉ hết 120 ngàn đồng/bộ (loại trung bình) + 10 ngàn đồng phù hiệu. Vậy còn 111 ngàn đồng/bộ (111 ngàn đồng x 600 học sinh = 66,6 triệu đồng). Đi đâu? Nếu đặt may đo thì hết 160 ngàn đồng/bộ + 10 ngàn đồng phù hiệu. Vậy còn 71 ngàn đồng/bộ (71 ngàn đồng x 600 học sinh = 42,6 triệu đồng) Đi đâu?
    Một ví dụ đơn giản vậy đủ để đặt câu hỏi, vậy số tiền 750000 đồng có phải thực chất là con số mà phụ huynh phải trả cho những cơ sở sản xuất mà nhà trường không có chút hoa hồng nào trong đó không? Đó là chưa bàn tới gần 20 khoản lệ phí khác mà phụ huynh phải đóng để các em được theo con chữ. Thiết nghĩ nếu mà bàn rõ ra thì lắm chuyện để nói.

    Tôi tự hỏi năm nào người ta vẫn bàn về cải cách giáo dục, thế nhưng năm sau tình trạng này vẫn không được cải thiện, thậm chí còn nhiều bức xúc hơn năm ngoái. Như sau khi hàng loạt các khoản thu gây bức xúc như vậy thì mới đây, thông tin 6 giáo viên ‘giả chữ ký’ của phụ huynh lạm thu nửa tỷ đồng ở trường mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) đã khiến chúng ta càng phải lắc đầu ngao ngán.

    Tôi tự hỏi, các vị đang cố tình lờ đi không hiểu, chỉ biết nhắm mắt mà thu, sống chết mặc bây – tiền thầy bỏ túi? Thế nhưng vẫn kêu gào phải cải cách, phải có một nền giáo dục nhân văn, tiến bộ. Tiến bộ nổi không khi học sinh phải ôm mặt khóc nức nở do bị đuổi học vì không đủ tiền đóng học phí, cha mẹ các em dù đau lòng nhưng vẫn phải gạt nước mắt cho con nghỉ học, bởi tiền đóng học có khi bằng tiền thóc cả năm đối với các gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long.

    Những sự thật trần trụi này khiến tôi phải suy nghĩ đến phát biểu của em Vũ Thạch Tường Minh, học sinh trường chuyên Amsterdam. Vì em này đã nói: “Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm.”

    Các vị lạm thu như vậy đã phá tan tất cả những công sức cố gắng của các thầy cô giáo nghiêm minh, đặc biệt là của những người vượt bao khó khăn, gian nan và thử thách mang con chữ đến với trẻ em vùng sâu vùng sa và vùng cao. Đó là hành vi vô nhân đạo trong giáo dục, vô tình với các em học sinh và cả đồng nghiệp của mình.

    Vẫn biết rằng, lương giáo viên có thể không đủ sống nhưng không thể tăng thu nhập bằng những cách này. Phụ huynh cảm thấy như mình bị móc túi, còn học sinh thì như bị ăn bớt khẩu phần. Thà rằng tăng tiền học phí lên để trả lương thêm cho giáo viên hoặc có một khoản đóng góp cụ thể là tiền bồi dưỡng cho giáo viên còn hơn là mập mờ kiểu này. Những đồng tiền đó là mồ hôi, nước mắt của cha mẹ học sinh, đối với đa số là đồng tiền sạch, rất sạch. Sau khi lòng vòng núp bóng những khoản đóng góp sẽ chảy vào túi ai, đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời.

    Những việc làm như vậy của nhà trường, các cấp trên liệu có biết?

    CTV Quang Phúc