Điếu Cày qua tù biệt giam, những lần tuyệt thực, và sự tranh đấu của ông cho tự do báo chí.

0
326
Blogger Việt Nam, Nguyễn Văn Hải, người đã bị tù hơn sáu năm cho các bài viết chỉ trích nhà cầm quyền, đang sống lưu vong ở Mỹ (hình của báo AP/ nhiếp ảnh gia Richard Vogel)
CPJ

Nguyen Van Hai/ blogger khách m i c a CPJ

Bị biệt giam và tước đoạt quyền làm người, blogger Nguyễn Văn Hải đã chịu đựng nhiều trong suốt 6 năm rưỡi trong các nhà giam. Nhà phê bình gia 63 tuổi thẳng thắn chỉ trích chính phủ Việt Nam đàn áp đã được thả sớm hơn bản án tù 12 năm vào năm ngoái, một phần do chiến dịch vận động của CPJ. Ông Hải, người viết bài qua bút danh Điếu Cày, được chọn nhận giải thưởng Tự Do Báo Chí Quốc Tế của CPJ vào năm 2013. Dưới đây, ông ghi lại phần đời nghiệt ngã của một tù nhân chính trị và cam kết sẽ sử dụng sự tự do mới tìm thấy của mình để tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại bất công.

Blogger Việt Nam, Nguyễn Văn Hải, người đã bị tù hơn sáu năm cho các bài viết chỉ trích nhà cầm quyền, đang sống lưu vong ở Mỹ (hình của báo AP/ nhiếp ảnh gia Richard Vogel)

Tôi vẫn nhớ rất rõ – ngày 21 tháng 10 năm 2014. Khi máy bay cất cánh, tôi nhìn lại quê hương tôi, nơi tôi đã trải qua bao đắng cay trong nhà tù cộng sản, và là nơi mà bạn bè tôi vẫn còn tìm kiếm tự do cho đất nước chúng tôi. Tôi vừa được thả ra khỏi tù và ngay lập tức đã bị ép vào thế phải sống lưu vong tại Hoa Kỳ.

Ngay từ khi rời quê hương, tôi đã biết tôi sẽ tiếp tục con đường tôi hằng theo đuổi, để tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận. Nhưng những bước đi của tôi từ nay sẽ không còn là của riêng tôi – mà còn là của tất cả các bạn tù. Tôi phải giúp họ để nói với thế giới về những đàn áp nhân quyền tại Việt Nam, để mọi người trên quê hương tôi được hưởng đầy đủ những quyền con người được quy định trong những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Một trong những bước đầu tiên mà tôi đã làm là phục hoạt Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do; đây là một nhóm mà bạn bè và tôi đã khởi động vào năm 2007. Nhiều thành viên của chúng tôi – bao gồm Tạ Phong Tần

– vẫn còn trong tù, một số được thả nhưng sống trong sự sách nhiễu liên tục của công an. Phục hoạt câu lạc bộ không chỉ là nguyện vọng của cá nhân tôi, mà còn là nguyện vọng chung của bạn bè tại Việt Nam, để chúng tôi có thể tiếp tục cùng nhau tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Từ khi bị trục xuất khỏi đất nước mình, tôi đã gặp các viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, các nhà lập pháp bao gồm Thượng Nghị Sĩ Dick Durbin, cũng như hội viên thuộc các tổ chức quốc tế phi chính phủ như Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, Freedom House. Tôi đã xuất hiện trên các đài radio và truyền hình quốc tế để kêu gọi trả tự do cho các bạn bè tôi còn trong lao tù.

Gần đây nhất, vào ngày 1 tháng 5, tôi được gặp Ngài Tổng Thống Obama. Tôi đã trình bày với tổng thống mục tiêu của tôi là tự do báo chí cho Việt Nam, và kêu gọi ngài giúp thúc đẩy việc trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm và xóa bỏ các điều luật mơ hồ mà Việt Nam sử dụng nhằm tước bỏ quyền tự do của người dân Việt Nam.

Nhiều thủ đoạn được sử dụng nhắm vào những người bất đồng chính kiến. Hiệu quả nhất là bêu xấu trên các phương tiện truyền thông của chế độ. Tôi đã trải qua 11 nhà tù và đã tận mắt chứng kiến dã tâm ác độc từ bên trong. Trong thời gian dài chúng tôi bị biệt giam trong những phòng giam chỉ có song sắt và mái tôn. Trong những ngày hè nóng bức, nắng gay gắt tưởng chừng như sắp thiêu chảy cả song sắt và mái tôn. Chúng tôi bị nhốt trong những phòng giam chật hẹp, 1.8 thước (6 feet) chiều rộng, và 2 thước chiều dài, với 1 cái khe hẹp 30 cm đưa không khí vào. Bồn vệ sinh nằm trong cùng phòng giam. Để chịu đựng mùi hôi thối, và sống sót qua những ngày nắng nóng, chúng tôi phải dùng khăn ướt đắp lên mặt.

Tất cả những quyền của tù nhân được liệt kê trong luật hình sự của Việt Nam, như quyền được đọc sách báo, được học hỏi, được sinh hoạt văn nghệ, văn hóa, thể thao, được học nghề, được thông tin, đều bị tước đoạt bởi những văn kiện, điển hình là Thông Tư số 37 của Bộ Công An, được ban hành năm 2011 nhằm “phân loại tù và giam giữ họ theo phân loại”. Các tù nhân chính trị, một “thể loại” riêng, không được hưởng sự đối xử mà luật dành cho các tù nhân thông thường. Và không có lý do gì cho các tù nhân chính trị phải bận tâm để phản đối. Họ không thể gửi khiếu nại về điều kiện trại giam vì những đơn khiếu nại trước nhất sẽ qua sự kiểm duyệt của các quản giáo trại giam. Nộp đơn khiếu nại kết quả chỉ là nhận thêm sự ngược đãi.

Thông tư 37 ngang nhiên tạo nên hàng loạt những nhà tù trong nhà tù, dành riêng cho tù nhân lương tâm. Nó cho phép chúng tôi bị giam giữ trong những phòng biệt giam hết tháng này qua tháng khác, không được tiếp xúc với bất cứ ai. Nhiều tù nhân đã tuyệt thực để phản đối. Tôi tuyệt thực hai lần: một lần 28 ngày trong năm 2011, trong lúc bị giam tại trại B34, ở Saigon (thành phố Hồ Chí Minh), và lần hai 33 ngày trong năm 2013, lúc bị giam ở trại giam số 6 của Bộ Công An tại Thanh Chương, một huyện nông thôn ở vùng ven biển miền Trung phía bắc của Việt Nam. Tôi có thể đảm bảo với bạn từ kinh nghiệm cá nhân rằng chế độ giam hãm tù nhân dã man nhất vẫn đang hiện hữu tại Việt Nam.

Nhiều điều luật định nghĩa mơ hồ khác được sử dụng nhằm tước bỏ tự do của người dân Việt Nam. Trong số đó có ba điều luật đặc biệt dã man, quá rộng trong bộ luật hình sự: đó là điều 258, cho phép bắt giam những ai “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước;” Điều 79 và 88, trừng phạt những ai “hoạt động nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Chính phủ thường xuyên sử dụng các luật trên để đàn áp những nhà bất đồng chính kiến hay bất cứ ai dám lên tiếng và tranh đấu cho nhân quyền. Bởi vì pháp luật quá rộng, gần như không thể nào bào chữa chống lại họ.

Tôi nói thay cho Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do Việt Nam xin kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy lên án những đàn áp nhân quyền này và yêu cầu Việt Nam phải hủy bỏ những điều luật mơ hồ trên, và trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị, bao gồm bloggers và ký giả. Chính quyền Việt Nam đã tham gia ký kết Tuyên

Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1982. Họ phải thực thi và đảm bảo quyền con người, và không thể sử dụng luật riêng của họ để chà đạp lên quyền tự do của công dân, như họ đã đang làm từ bấy lâu nay.

[Translated by Christine Chi Dang]